Để triển khai thi hành Nghị định trên phạm vi toàn quốc, ngày 23/4/2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 986/QĐ-BTP về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 24/2019/NĐ-CP. Tính đến nay, hơn 50 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định trên địa bàn.
Nghị định số 24/2019/NĐ-CP được ban hành nhằm mục đích tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước; khắc phục những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình giải quyết nuôi con nuôi trong thời gian qua, minh bạch hóa vấn đề hỗ trợ nhân đạo trong việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (Nghị định số 19/2011/NĐ-CP) cũng nhằm tạo sự thống nhất và phù hợp giữa quy định pháp luật về nuôi con nuôi với pháp luật về trẻ em, hộ tịch và Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Công ước La Hay số 33).
1. Những quy định mới về nuôi con nuôi trong nước
1.1. Về thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi trong nước
Thứ nhất, đối với diện con riêng, cháu ruột của người nhận con nuôi:
Trước đây, việc giải quyết nuôi con nuôi trong nước đối với trẻ em thuộc diện là con riêng, cháu ruột của người nhận con nuôi chưa được tạo điều kiện thuận lợi, do thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi chỉ được xác định theo nơi thường trú của người nhận con nuôi. Phạm vi áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP hẹp hơn so với phạm vi áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi. Do đó, quy định này đã gây ra những khó khăn nhất định cho người dân khi có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận trẻ em là con riêng, cháu ruột làm con nuôi. Nghị định số 24/2019/NĐ-CP đã sửa đổi khoản 1 Điều 2 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP theo hướng xác định cơ quan có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi theo “nơi cư trú” của người nhận con nuôi hoặc người được nhận làm con nuôi thay vì nơi thường trú. Xác định thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi theo nơi cư trú trong trường hợp này cũng phù hợp với quy định của pháp luật về hộ tịch.
Việc xác định nơi cư trú của công dân được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Luật Cư trú (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống, là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Nếu người nhận con nuôi không có nơi thường trú thì xem xét đến nơi tạm trú. Nếu không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú thì mới xem xét đến nơi sinh sống thực tế của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi.
Thứ hai, giữ nguyên thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước trong những trường hợp sau đây:
- Đối với trẻ em bị bỏ rơi: Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa được chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi.
- Đối với trẻ em có cha mẹ đẻ hoặc mồ côi cả cha và mẹ cần tìm gia đình thay thế: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của trẻ em có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi.
- Đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng: Đối với trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa được tiếp nhận vào cơ sở nuôi dưỡng cần được nhận làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi.
1.2. Về trách nhiệm rà soát, tìm người trong nước nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng làm con nuôi của Ủy ban nhân dân cấp xã
Nhằm mục đích tăng cường biện pháp nuôi con nuôi trong nước và hạn chế tình trạng nuôi con nuôi thực tế tại cộng đồng, khoản 1 Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hàng tháng rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi đối với diện trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang được cá nhân, gia đình tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế. Quy định này cũng phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em (Nghị định số 56/2017/NĐ-CP). Đối tượng trẻ em được rà soát, đánh giá nhu cầu được nhận làm con nuôi bao gồm:
- Trẻ em bị bỏ rơi đang được cá nhân, gia đình, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi.
- Trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa được Ủy ban nhân dân cấp xã giao chăm sóc thay thế theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.
- Trong thời gian qua vẫn còn tình trạng người dân tự ý mang trẻ em không rõ nguồn gốc hoặc có sự thỏa thuận riêng với cha mẹ đẻ về chăm sóc, nuôi dưỡng mà không có sự tham gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không đăng ký khai sinh và không đăng ký việc nuôi con nuôi. Thực trạng này là trái quy định pháp luật về nuôi con nuôi, pháp luật về hộ tịch và pháp luật về trẻ em, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến việc mua bán trẻ em để cho làm con nuôi.
Để bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em thì đối tượng trẻ em này cần phải được rà soát và xác minh về điều kiện của trẻ em trước khi đăng ký khai sinh. Nếu người nhận con nuôi và trẻ em đủ điều kiện nuôi con nuôi thì mới tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi. Hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi phải được xác minh kỹ lưỡng. Lưu ý đối với những trường hợp này, trẻ em thường chưa được đăng ký khai sinh. Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã không được đăng ký việc nuôi con nuôi khi trẻ em chưa được đăng ký khai sinh. Trong những trường hợp phức tạp, cần có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền cấp trên.
- Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (ít nhất 06 tháng và còn thời hạn cư trú tại Việt Nam ít nhất 12 tháng vào thời điểm đăng ký chăm sóc thay thế) đang được giao chăm sóc thay thế trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em, thì người nước ngoài nhận chăm sóc thay thế đó không thuộc đối tượng được nhận con nuôi trong nước; đồng thời, trẻ em được giao chăm sóc thay thế cũng không thuộc đối tượng được giải quyết cho làm con nuôi người nước ngoài. Quy định pháp luật về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài chưa cho phép người nước ngoài nhận trẻ em mà mình đang chăm sóc thay thế làm con nuôi.
1.3. Về thay đổi, bổ sung hộ tịch của con nuôi
(i) Thay đổi họ, tên, chữ đệm của con nuôi
Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Hộ tịch, căn cứ vào giấy chứng nhận nuôi con nuôi, công chức tư pháp - hộ tịch thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi. Con nuôi có quyền thay đổi họ, tên theo yêu cầu của cha, mẹ nuôi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 và điểm b khoản 1 Điều 28 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Con nuôi lấy lại họ của cha, mẹ đẻ hoặc tên như trước khi được nhận làm con nuôi khi việc nuôi con nuôi bị chấm dứt theo quyết định của Tòa án nếu thuộc một trong những căn cứ chấm dứt theo quy định tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi và người con nuôi hoặc cha, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ và tên mà cha mẹ đẻ đã đặt.
(ii) Về việc bổ sung, thay đổi thông tin về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi
Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Hộ tịch, phạm vi thay đổi hộ tịch bao gồm cả việc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi. Như vậy, căn cứ Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi, công chức tư pháp - hộ tịch thay đổi phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi nếu có yêu cầu.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 24/2019/NĐ-CP, việc bổ sung, thay đổi thông tin về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Trước đây, một số địa phương có đề nghị hướng dẫn thực hiện việc thay đổi quê quán và dân tộc của con nuôi theo quê quán và dân tộc của cha, mẹ nuôi để bảo đảm sự phát triển hài hòa về tâm lý của con nuôi, tránh tình trạng con nuôi mặc cảm về thân phận khác biệt của mình với cha, mẹ nuôi. Tuy nhiên, theo pháp luật dân sự và hộ tịch thì việc thay đổi quê quán, dân tộc của con nuôi theo quê quán và dân tộc của cha, mẹ nuôi không thuộc phạm vi thay đổi hộ tịch của con nuôi. Như vậy, những trường hợp đề nghị thay đổi hộ tịch về quê quán, dân tộc của con nuôi đều không được xem xét, giải quyết.
2. Những quy định mới về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài
2.1. Bãi bỏ Điều 11 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP về chỉ định cơ sở nuôi dưỡng được cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài
Trong quá trình thực hiện Điều 11 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, những cơ sở nuôi dưỡng không được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài không thực hiện nhiệm vụ tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng về cơ hội được nhận làm con nuôi đối với các trường hợp trẻ em cần tìm gia đình thay thế đang sống ở các cơ sở nuôi dưỡng công lập, ngoài công lập chưa được hoặc không được chỉ định.
Nghị định số 24/2019/NĐ-CP đã bãi bỏ Điều 11 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP về việc chỉ định các cơ sở nuôi dưỡng tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài nhằm tăng cường công tác nuôi con nuôi trong nước, xóa bỏ sự phân biệt giữa cơ sở nuôi dưỡng công lập và ngoài công lập. Tất cả cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp hiện đang chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em cần tìm gia đình thay thế đều có trách nhiệm lập hồ sơ trẻ em để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trong nước hoặc nước ngoài.
Hiện tại, theo số liệu thống kê của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trên toàn quốc có hơn 400 cơ sở trợ giúp xã hội và công tác xã hội được thành lập hợp pháp, trong đó có hơn 200 cơ sở nuôi dưỡng hiện đang chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em. Các cơ sở nuôi dưỡng này đều có quyền thực hiện nhiệm vụ rà soát và đánh giá nhu cầu trẻ em cần được nhận làm con nuôi, lập hồ sơ và gửi xin ý kiến của cơ quan chủ quản[1].
2.2. Về thủ tục giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài
(i) Bãi bỏ việc xác định trẻ em giải quyết làm con nuôi nước ngoài theo diện Danh sách 1 và Danh sách 2
Nghị định số 24/2019/NĐ-CP đã bãi bỏ việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài theo diện Danh sách 1 và Danh sách 2, trên cơ sở không phân biệt tình trạng sức khỏe của trẻ em nhằm tăng cường giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài theo thủ tục giới thiệu trẻ em (matching) theo Điều 36 Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33, nhằm bảo đảm nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước. Việc giải quyết trẻ em làm con nuôi nước ngoài được thực hiện theo thủ tục giới thiệu trẻ em (matching - ghép trẻ em với gia đình cha mẹ nuôi)[2] và giải quyết đích danh cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài theo khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi.
Cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm đánh giá nhu cầu và lập hồ sơ trẻ em cần được nhận làm con nuôi để báo cáo cơ quan chủ quản thay vì việc phân loại trẻ em theo tình trạng sức khỏe để lập Danh sách 1 và Danh sách 2. Cơ quan chủ quản có ý kiến gửi Sở Tư pháp trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Theo quy định của Nghị định số 24/2019/NĐ-CP, cần phải quán triệt việc bãi bỏ Danh sách 1 và Danh sách 2 không có nghĩa là cơ sở nuôi dưỡng bỏ qua hoặc không báo cáo cụ thể tình trạng sức khỏe của trẻ em. Trường hợp trẻ em đã từng phẫu thuật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc có biểu hiện bất thường về nhận thức, vận động trong cuộc sống hàng ngày, cơ sở nuôi dưỡng phải báo cáo đầy đủ nhằm bảo đảm khi trẻ em đã được giới thiệu làm con nuôi nước ngoài, gia đình cha mẹ nuôi có đầy đủ các thông tin về trẻ em. Nếu dấu kín thông tin bệnh tật hoặc tình trạng đặc biệt của trẻ có thể dẫn đến việc người nước ngoài từ chối nhận trẻ em làm con nuôi do họ không được chuẩn bị về tâm lý và điều kiện để chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo ngoài khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng của người nhận con nuôi.
(ii) Sửa đổi khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP về trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh làm con nuôi
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung đã bãi bỏ một số loại bệnh thông thường như bệnh thoát vị rốn, bụng, bẹn; hạn chế và xiết chặt thủ tục giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài theo diện đích danh đối với những trẻ em ở các cơ sở nuôi dưỡng nhằm tăng cường nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước. Chỉ những trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo và khuyết tật theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung, đủ điều kiện pháp lý mới được giải quyết đích danh làm con nuôi nước ngoài. Những trẻ em mắc bệnh tật hoặc khuyết tật không thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 3 được giải quyết theo thủ tục giới thiệu trẻ em (matching).
Việc xác nhận trẻ em thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung thuộc trách nhiệm của Sở Tư pháp, căn cứ vào giấy khám sức khỏe (hoặc hồ sơ y tế nếu có) của trẻ em. Cần phải quán triệt là các quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BTP ngày 20/5/2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn tìm gia đình thay thế ở nước ngoài cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em từ 05 tuổi trở lên, hai trẻ em trở lên là anh chị em ruột cần tìm gia đình thay thế không còn phù hợp với Nghị định số 24/2019/NĐ-CP và đã bị bãi bỏ.
(iii) Sửa đổi Điều 16 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP về việc xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài
Nghị định số 24/2019/NĐ-CP tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn trong việc xác nhận trẻ em bị bỏ rơi đủ điều kiện cho làm con nuôi nước ngoài theo Điều 16 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP. Cụ thể là thông qua thủ tục lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ của trẻ em nếu xác định được cha, mẹ đẻ của trẻ em bị bỏ rơi và liên hệ được với cha, mẹ đẻ của trẻ em. Trường hợp trong quá trình xác minh, cơ quan công an xác định được cha, mẹ đẻ của trẻ em bị bỏ rơi nhưng không liên lạc được thì tiến hành niêm yết đồng thời tại trụ sở của Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của cha, mẹ đẻ trong thời hạn 60 ngày. Sau thời hạn đó, nếu không liên lạc được với cha, mẹ đẻ của trẻ em thì Sở Tư pháp xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài.
(iv) Về việc kiểm tra kết quả giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài
Nhằm tạo sự phù hợp giữa quy định pháp luật trong nước và Công ước La Hay số 33, khoản 3 Điều 20 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo hướng việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài theo khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi (bao gồm diện con riêng, cháu ruột của người nhận con nuôi, trẻ em bị khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo khác, trẻ em được người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam từ trên 01 năm trở lên) phải được thông báo kết quả cho cơ quan trung ương hữu quan của nước ngoài nhằm bảo đảm tuân thủ Công ước La Hay số 33 và để có được ý kiến đồng ý tiếp tục thực hiện thủ tục, cho phép trẻ em nhập cảnh vào nước nơi người nhận con nuôi thường trú, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em.
Việc sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đã thay đổi quy trình giải quyết các trường hợp con riêng, cháu ruột cho làm con nuôi nước ngoài, người nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam từ trên 01 năm trở lên. Cụ thể như sau:
- Sau khi nhận được hồ sơ của người nhận con nuôi theo diện đích danh, Sở Tư pháp tiến hành thủ tục xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài; chuyển Cục Con nuôi văn bản xác nhận trẻ em đủ điều kiện, văn bản lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ và ý kiến của trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi, kèm theo hồ sơ trẻ em.
- Cục Con nuôi kiểm tra kết quả giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung và tiến hành thủ tục thông báo cho cơ quan trung ương hữu quan về nuôi con nuôi quốc tế của nước ngoài để có được ý kiến chấp thuận theo Điều 17c Công ước La Hay số 33. Đối với những nước không phải là thành viên Công ước, Cục Con nuôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trao đổi ý kiến đồng ý cho phép trẻ em nhập cảnh cùng cha mẹ nuôi.
2.3. Về việc hỗ trợ nhân đạo sau khi hoàn tất việc nuôi con nuôi nước ngoài
Cha mẹ nuôi nước ngoài, tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam khi hỗ trợ nhân đạo cho cơ sở nuôi dưỡng thì phải tuân thủ các nguyên tắc và trình tự, thủ tục quy định tại Điều 4 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung. Việc thực hiện hỗ trợ nhân đạo của các tổ chức con nuôi nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Cha mẹ nuôi nước ngoài hỗ trợ nhân đạo trên tinh thần tự nguyện, chỉ được hỗ trợ sau khi hoàn tất thủ tục nhận con nuôi ở Việt Nam. Ưu tiên việc hỗ trợ nhân đạo bằng hiện vật đối với cơ sở nuôi dưỡng. Việc hỗ trợ bằng tiền phải thực hiện qua tài khoản của cơ sở nuôi dưỡng.
Các tổ chức con nuôi nước ngoài phải báo cáo Cục Con nuôi về các khoản hỗ trợ cho cơ sở nuôi dưỡng của cha mẹ nuôi và của tổ chức. Các cơ sở nuôi dưỡng phải báo cáo Cục Con nuôi việc tiếp nhận, sử dụng và quản lý các khoản hỗ trợ nhân đạo của cha mẹ nuôi và tổ chức con nuôi nước ngoài.
2.4. Về việc ghi chú việc nuôi con nuôi đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
Điều 30 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng phân biệt việc nuôi con nuôi được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước là thành viên Công ước La Hay số 33 và việc nuôi con nuôi được giải quyết theo pháp luật của nước ngoài. Theo đó, điều kiện cơ bản để việc nuôi con nuôi được giải quyết ở nước ngoài được ghi chú ở Việt Nam là phải tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tuân thủ quy định của pháp luật nước ngoài và không vi phạm những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Thẩm quyền, thủ tục ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
3. Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 24/2019/NĐ-CP
Để Nghị định số 24/2019/NĐ-CP được thực hiện kịp thời, hiệu quả và thống nhất, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung triển khai Nghị định số 24/2019/NĐ-CP theo Quyết định số 986/QĐ-BTP ngày 23/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cụ thể như sau:
3.1. Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Nghị định số 24/2019/NĐ-CP
Ở trung ương, Cục Con nuôi cho đến nay đã tổ chức 03 đợt tập huấn triển khai thực hiện Nghị định số 24/2019/NĐ-CP trên toàn quốc tại 03 khu vực Bắc, Trung và Nam. Đồng thời, Cục đã tổ chức 02 lớp tập huấn chuyên sâu hướng dẫn thủ tục giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài cho cơ sở nuôi dưỡng ở địa phương.
Trong năm 2019, Cục sẽ phát hành cuốn Cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký nuôi con nuôi trong nước cho công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã; tờ rơi hướng dẫn đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước cho người dân.
Đối với các nước có quan hệ hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam, Cục Con nuôi tăng cường thông tin, trao đổi những quy định mới về nuôi con nuôi với Ban thường trực Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế và các nước có quan hệ hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam.
Ở địa phương, Sở Tư pháp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khác ở địa phương để phổ biến, tuyên truyền những nội dung mới của Nghị định số 24/2019/NĐ-CP cho các Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã.
3.2. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03/2018/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới
Ở trung ương, Cục Con nuôi phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị cơ quan của bộ, ngành khác có liên quan để tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác giải quyết nuôi con nuôi khi bãi bỏ quy định chỉ định các cơ sở nuôi dưỡng tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ nhân đạo của tổ chức và cha mẹ nuôi nước ngoài ở các cơ sở nuôi dưỡng.
Ở địa phương, Sở Tư pháp tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nhằm tăng cường thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 03/2018/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực nuôi con nuôi, thông qua những nhiệm vụ cơ bản sau đây:
- Hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ sở nuôi dưỡng rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi và giải quyết những vướng mắc phát sinh;
- Rà soát, tăng cường công tác đánh giá nhu cầu và lập hồ sơ trẻ em cần được nhận làm con nuôi tại các cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi dưỡng, không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công lập trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.
- Kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng hỗ trợ nhân đạo ở cơ sở nuôi dưỡng theo quy định tại Nghị định số 24/2019/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Nghị định số 24/2019/NĐ-CP đã có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2019. Kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, cơ quan tư pháp ở địa phương phải có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do đó, các Sở Tư pháp cần phải chủ động tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả Nghị định, theo dõi và hướng dẫn việc thực hiện Nghị định tại địa phương nhằm giải quyết được những tồn tại, hạn chế lâu nay trong công tác nuôi con nuôi, bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở địa phương.
Phó Cục trưởng Cục Con nuôi
[1]. Theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, thì cơ quan chủ quản của cơ sở nuôi dưỡng công lập và ngoài công lập được hiểu là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý cấp huyện.
Cơ quan chủ quản của cơ sở nuôi dưỡng thuộc Hội chữ thập đỏ hoặc Hội bảo trợ người tàn tật, trẻ em mồ côi hoặc Hội chất độc màu da cam của các tỉnh/thành phố là Hội chữ thập đỏ hoặc Hội bảo trợ người tàn tật, trẻ em mồ côi hoặc Hội chất độc màu da cam của tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
[2]. Sách hướng dẫn số 01 hướng dẫn thực hiện tốt Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, tr. 89.