Tóm tắt: Bài viết phân tích và làm rõ khái niệm bảo đảm dân chủ ở cơ sở, các quy định pháp luật về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục và nâng cao hiệu quả bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Abstract: The article analyzes and clarifies the concept of ensuring democracy at the grassroots level, the legal regulations on the role of the Vietnam Fatherland Front in ensuring the implementation of democracy at the grassroots level, thereby proposing some solutions to overcome and improve the effectiveness of ensuring the implementation of democracy at the grassroots level.
1. Một số vấn đề lý luận và thực trạng quy định pháp luật về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với dân chủ ở cơ sở
Dân chủ được Từ điển tiếng Việt giải thích là: “tôn trọng và thực hiện quyền mọi người tham gia bàn bạc và quyết định các công việc chung”[1]. Trong lĩnh vực chính trị, thông thường dân chủ được hiểu là “một chế độ chính trị trong đó quyền lực nhà nước thuộc về người dân, ý chí của người dân là ý chí quyết định trong việc giành, giao và thực hiện quyền lực nhà nước”[2]. V.I.Lê-nin quan niệm “dân chủ là sự thống trị của đa số”, đó là sự quyết định của đa số mà thiểu số phải phục tùng các quyết định đó[3].
Ở nước ta, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước tuân thủ nguyên tắc cơ bản: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”[4], Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước qua hai hình thức:
Thứ nhất, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Nhân dân bầu ra những người đại diện là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân các cấp. Những đại biểu này được Nhân dân “ủy quyền”, đại diện cho Nhân dân biểu quyết công việc của Nhà nước, thành lập các cơ quan nhà nước khác và chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định mà mình đưa ra.
Thứ hai, dân chủ trực tiếp là người dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình để quyết định công việc của Nhà nước. Hình thức này được biểu hiện cụ thể bằng các hoạt động như: Bỏ phiếu lựa chọn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tiếp cận thông tin về hoạt động của Nhà nước; góp ý, bàn bạc về các công việc của Nhà nước và cộng đồng dân cư; kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước; trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Nhân dân thực hành dân chủ trực tiếp và gián tiếp trong Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Trong đó, dân chủ ở cơ sở là cấp độ thực hiện dân chủ rõ nhất phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong thực tiễn đời sống xã hội. Thuật ngữ “cơ sở” được hiểu là “đơn vị ở cấp dưới cùng, nơi trực tiếp thực hiện các hoạt động như: Sản xuất, công tác của một hệ thống tổ chức, trong quan hệ với các bộ phận lãnh đạo cấp trên, ví dụ cơ sở y tế ở nông thôn, cán bộ cơ sở”[5].
Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đề cập đến một trong những nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa là: “Tạo ra ở các đơn vị cơ sở (gia đình, làng, bản, xã, phường, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp, nông trường, lâm trường, trường học, đơn vị bộ đội..., các vùng dân cư (đô thị, nông thôn, miền núi...) đời sống văn hóa lành mạnh, đáp ứng những nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân”[6].
Điều 110 Hiến pháp năm 2013 quy định đơn vị hành chính nước ta được chia thành ba cấp[7]. Như vậy, theo nghĩa hẹp, cơ sở được hiểu là đơn vị hành chính cuối cùng trong hệ thống chính quyền nhà nước. Ngày 21/4/2022, Chính phủ có Tờ trình số 141/TTr-CP về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, phạm vi “cơ sở” được xác định là xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là cơ quan, đơn vị); doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (gọi chung là doanh nghiệp). Như vậy, cơ sở theo dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là theo nghĩa rộng. Tác giả đồng quan điểm “cơ sở” phải hiểu theo nghĩa rộng. Bởi lẽ, bản chất của dân chủ là tập hợp được quần chúng Nhân dân và lôi cuốn họ tham gia sinh hoạt chính trị. Nếu chỉ xác định cơ sở là đơn vị hành chính nhỏ nhất thì Nhà nước sẽ không bảo đảm dân chủ ở những đơn vị, tổ chức nhỏ nhất trong xã hội mà công dân sinh sống và lao động. Chỉ khi xác định cơ sở không chỉ là xã, phường, thị trấn mà còn là cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã, doanh nghiệp, tổ chức khác thì lúc đó Nhà nước mới bảo đảm dân chủ cho tất cả các tầng lớp Nhân dân.
Bảo đảm thực hiện dân chủ nói chung và dân chủ ở cơ sở nói riêng không thể thiếu vắng vai trò tham gia rộng rãi của các tổ chức chính trị - xã hội, bởi lẽ, xuất phát từ bản chất của dân chủ, dân là chủ và dân làm chủ. Khoản 1 Điều 9 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Ở nước ta, có nhiều tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả các tổ chức đó đều có thể là thành viên của hệ thống chính trị, mà chỉ có những tổ chức chính trị - xã hội lớn, có ảnh hưởng sâu rộng như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ Việt Nam), Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam mới là các bộ phận hợp thành hệ thống chính trị, trong đó, MTTQ Việt Nam được xem là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân. Về quyền và trách nhiệm, Điều 3 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam[8]. Về thành phần, Nhân dân tham gia tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam thông qua các tổ chức thành viên đa dạng và phong phú bao gồm tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Về tổ chức, MTTQ Việt Nam được tổ chức ở trung ương và các đơn vị hành chính. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã thành lập Ban công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là khu dân cư)[9].
2. Thực tiễn phát huy dân chủ ở cơ sở của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thứ nhất, người dân thực hiện quyền làm chủ, có quyền bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình cho các cơ sở nơi mình sinh sống và làm việc. Các tâm tư, nguyện vọng đó được MTTQ Việt Nam bảo vệ, tôn trọng và bảo đảm điều kiện thuận lợi để phản ánh, kiến nghị và giúp Nhà nước đề ra những giải pháp, chính sách pháp luật cho công tác quản lý và phát triển đất nước được đúng đắn, hợp lòng dân.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để thông báo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã về những vấn đề của địa phương. Thành viên của MTTQ Việt Nam ở cơ sở theo quyền và trách nhiệm của mình tổng hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân gửi đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã. Công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phán ánh, kiến nghị với Nhà nước của MTTQ Việt Nam là một trong những cách thức bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực tiễn, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cũng đã phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân ở cơ sở, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến, bàn bạc và quyết định thực hiện các chương trình, dự án ở địa bàn, khu dân cư. Năm 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương đã xây dựng 7.138 báo cáo tình hình nhân dân, với 53.378 ý kiến, kiến nghị được phản ánh, trong đó có 44.622 ý kiến, kiến nghị đã được cơ quan chức năng xử lý[10]. Đẩy mạnh thực hiện dân chủ xã hội đã tạo nhiều điều kiện cho người dân được thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình, nhưng qua khảo sát cho thấy nhiều người dân vẫn không biết đến vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc tiếp nhận ý kiến của người dân (chiếm đến 37,4% số người được hỏi), đặc biệt ở đối tượng người kinh doanh, làm dịch vụ tự do (chiếm 51,2%) và đối tượng người trẻ, dưới 30 tuổi (62,5%)[11]. Điều đó cho thấy, người dân trực tiếp đóng góp ý kiến, nguyện vọng của mình cho công việc nhà nước nhằm thực hiện quyền dân chủ qua hệ thống các cơ quan MTTQ Việt Nam các cấp vẫn còn ở mức độ chưa cao, trong đó có cấp cơ sở. Bên cạnh đó, tâm lý sợ phức tạp, ngại va chạm, nể nang, thiếu bản lĩnh của người Việt Nam làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, hoạt động lấy ý kiến, huy động sự tham đóng góp ý kiến của Nhân dân còn đơn điệu, hình thức. Yêu cầu hiện nay là phải làm cho nhiều người dân biết đến chức năng của MTTQ Việt Nam trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, cũng như chứng minh việc tham gia đóng góp ý kiến, giám sát tổ chức và hoạt động của Nhà nước chính là quyền làm chủ của Nhân dân, tạo động lực cho sự phát triển đất nước, thì khi đó việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, cũng như các điều kiện bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở của MTTQ Việt Nam mới đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Thứ hai, các quy định pháp luật về công tác của MTTQ Việt Nam hiện nay còn chưa thật rõ ràng, đầy đủ... để thúc đẩy người dân thực hiện dân chủ ở cơ sở. Mặc dù, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định rõ quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, song đến nay chỉ mới có Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định rõ về nhiệm vụ cụ thể của MTTQ Việt Nam trong hoạt động bầu cử. Chức năng tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, thực hiện giám sát và phản biện xã hội chỉ được nêu ở cấp độ luật tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 với quy định có tính nguyên tắc khung. Các quy định đó chưa thể hiện vị trí, vai trò thúc đẩy người dân thực hiện dân chủ trực tiếp của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở các khu dân cư, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Mặt khác, các quy định có liên quan đến tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của MTTQ Việt Nam tồn tại tản mạn ở nhiều văn bản: Từ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 cho đến các văn bản như: Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; Thông tri số 10/TT-MTTW-BTT ngày 22/9/2020 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ… Bên cạnh đó, nhiều nội dung trong các quy định cũng còn hạn chế, bất cập, chẳng hạn: Các quy định về hoạt động phản biện xã hội vẫn chỉ nhấn mạnh phương thức, nội dung phản biện theo yêu cầu của đối tượng chịu sự phản biện, chưa tạo khuôn khổ pháp lý khuyến khích vai trò phản biện độc lập, chủ động, tích cực của các pháp nhân và thể nhân, tổ chức và cá nhân nên kết quả còn hạn chế. Một số văn bản pháp luật hiện hành vẫn thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm, chế tài từ phía Nhà nước, như: Cung cấp thông tin, minh bạch hóa… để các chủ thể của quyền lực xã hội có điều kiện phản biện[12].
Thứ ba, cán bộ, công chức, viên chức và người làm công tác không chuyên trách của MTTQ Việt Nam còn hạn chế về số lượng, không có chuyên môn sâu về các lĩnh vực cho nên khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, chẳng hạn: Yêu cầu đặt ra đối với cán bộ làm công tác giám sát là phải nắm chắc các quy định pháp luật, nếu cán bộ không nắm và hiểu các quy định pháp luật thì khi tiến hành quy trình giám sát gặp khó khăn nhất định.
Thứ tư, hiện tại chưa có cơ chế phát huy được một cách hiệu quả nhất sức mạnh của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam trong bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tuy có sự đổi mới nhưng trên thực tế các phương thức này tỏ ra chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất. Nguyên nhân của hạn chế này xuất phát từ vướng mắc về kinh phí tổ chức và hoạt động ở các cơ sở, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở của MTTQ Việt Nam.
3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Một là, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Giám sát và phản biện xã hội không phải là chống đối, là đối lập mà là tham mưu tổ chức và huy động trí tuệ trong quá trình hoàn thiện và phát triển Nhà nước.
Hai là, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tích cực chuyển đổi số. MTTQ Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên tại cơ sở sử dụng có hiệu quả trang thông tin điện tử, xây dựng trang thông tin điện tử có nội dung phong phú, hình thức, bố cục đẹp, logic, thậm chí mở rộng cách thức sang các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Intagram... Cần đa dạng hình thức tuyên truyền và hướng dẫn nội dung và cách thức để người dân thực hiện dân chủ ở cơ sở qua các tổ chức thành viên, khu dân cư, cơ quan, đơn vị công tác, doanh nghiệp và chính quyền cấp xã.
Ba là, Quốc hội cần nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến hoạt động tiếp nhận ý kiến của Nhân dân, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; ban hành các quy định phát huy vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tại các đơn vị, tổ chức ở cơ sở trong bảo đảm thực hiện dân chủ của người dân; giao Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ pháp điển quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bốn là, Bộ Tư pháp cần tham gia hỗ trợ chuyên môn và tập huấn cho đội ngũ cán bộ của MTTQ Việt Nam các văn bản pháp luật về quy chế dân chủ ở cơ sở và các quy định liên quan để nắm và giám sát các đơn vị thực hiện. MTTQ Việt Nam tăng cường công tác tập huấn, đào tạo cán bộ MTTQ Việt Nam cấp xã. Để tham gia giám sát, phản biện hiệu quả, cán bộ MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội vừa phải có năng lực, vừa phải có bản lĩnh, trình độ, kỹ năng, đặc biệt kỹ năng giám sát, kỹ năng thu thập xử lý, phân tích thông tin để kịp thời phản ánh, phối hợp xử lý những vấn đề bất cập, khó khăn ở cơ sở. Điều này, đòi hỏi MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần có cơ chế thu hút và sử dụng được những người thực sự có đức, có tài, có bản lĩnh, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc, có chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức.
Năm là, MTTQ Việt Nam cần tập hợp, phát huy tối đa tiềm năng to lớn của các tổ chức thành viên, đặc biệt là Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các cá nhân tiêu biểu, nhân sĩ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo đối với công tác phản biện xã hội.
Sáu là, tăng ngân sách nhà nước cho MTTQ Việt Nam cấp xã để phát huy sức mạnh trong bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
ThS. Lê Tiểu Vy
Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk
[1]. Viện Ngôn ngữ học (2016), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 309 - 310.
[2]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 298.
[3]. Quan điểm của V.I.Lê-nin về chế độ dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ, https://tuyengiao.vn/tuyen-truyen/quan-diem-cua-v-i-le-nin-ve-che-do-dan-chu-va-nguyen-tac-tap-trung-dan-chu-19286, ngày đăng Thứ Ba, ngày 13/4/2010.
[4]. Khoản 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.
5. Viện Ngôn ngữ học (2016), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 271 - 272.
[6]. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-03-nqtw-ngay-1671998-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-tai-hoi-nghi-trung-uong-5-khoa-viii-ve-xay-dung-va-phat-1692, truy cập ngày 08/5/2023.
[7]. Xem: Điều 110 Hiến pháp năm 2013.
[8]. Xem: Điều 3 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
[9]. Xem: Điều 6 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
[10]. MTTQ Việt Nam phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trong thời kỳ mới, http://mattran.org.vn/hoat-dong/mttq-viet-nam-phat-huy-vai-tro-dai-dien-bao-ve-quyen-va-loi-ich-hop-phap-chinh-dang-cua-nhan-dan-trong-thoi-ky-moi-44898.html, truy cập ngày 08/5/2023.
[11]. Nâng cao chất lượng công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân phản ánh đến Đảng, Nhà nước của MTTQ Việt Nam, http://mattran.org.vn/hoat-dong/nang-cao-chat-luong-cong-tac-tap-hop-tong-hop-y-kien-kien-nghi-cua-cu-tri-va-nhan-dan-phan-anh-den-dang-nha-nuoc-cua-mttq-viet-nam-44939.html, truy cập ngày 19/8/2022.
[12]. Thực trạng, những vấn đề đặt ra hiện nay trong hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/thuc-trang-nhung-van-de-dat-ra-hien-nay-trong-hoat-dong-phan-bien-xa-hoi-cua-mttq-viet-nam-22241.html, truy cập ngày 08/5/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 380), tháng 5/2023)