Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Tạp chí), tiền thân là Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa, được thành lập theo Giấy phép số 1925/VP15 ngày 20/12/1975 của Phủ Thủ tướng và Quyết định số 106-20/UBPC ngày 20/12/1977 của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế, thuộc Hội đồng Chính phủ. Đến ngày 10/12/1987, Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa chuyển thành Tạp chí Pháp chế xã hội chủ nghĩa theo Công văn số 636/TH/TW của Ban Tuyên huấn Trung ương và Công văn số 573/BTT của Bộ Thông tin. Ngày 01/3/1992, Tạp chí Pháp chế xã hội chủ nghĩa đổi tên thành Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, đồng thời được tách ra khỏi Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, trở thành đơn vị độc lập trực thuộc Bộ Tư pháp.
Kể từ khi thành lập cho đến nay, Tạp chí luôn nỗ lực xây dựng, phát triển và trở thành diễn đàn khoa học về: xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, tổ chức theo dõi thi hành pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, cải cách hành chính; công tác tư pháp, pháp chế.... Nhiều bài viết trên Tạp chí có giá trị, đóng góp những ý tưởng, quan điểm khoa học cao; kiến nghị, đề xuất những giải pháp sát thực phù hợp với quá trình đổi mới, đi lên của đất nước cũng như của Bộ, ngành Tư pháp. Những vấn đề lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật… và nhiều vấn đề thực tiễn khác đã được Tạp chí tổng kết, phát hiện, đề cập kịp thời trên các ấn phẩm của mình. Tạp chí đã phát huy vai trò to lớn trong việc khẳng định quan điểm của Bộ Tư pháp về những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước cũng như của khoa học pháp lý như: việc quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức; những luận cứ về việc xây dựng hệ thống pháp luật khi chuyển nền kinh tế sang vận hành theo cơ chế thị trường; xây dựng hệ thống Tòa kinh tế và Trọng tài thương mại; định hướng và chiến lược cải cách tư pháp, cải cách hành chính; xây dựng và hoàn thiện Bộ luật Dân sự... Bên cạnh đó, Tạp chí luôn bám sát các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, kịp thời phản ánh và cho ra mắt các ấn phẩm có giá trị khoa học, lịch sử và thực tiễn nhân dịp kỷ niệm 50 năm, 60 năm, 65 năm, 70 năm, 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp, các kỳ Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp; các tài liệu liên quan đến những bộ luật và luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo... Đặc biệt, sau khi triển khai Đề án sắp xếp các bản tin, đặc san thuộc Bộ Tư pháp, việc hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về thi hành án dân sự và trợ giúp pháp lý được thực hiện thông qua các số chuyên đề hàng tháng hoặc các số chuyên đề chuyên sâu của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Cùng với sự phát triển của đất nước qua các thời kỳ, Tạp chí liên tục đổi mới về nội dung và hình thức, khắc phục mọi khó khăn, bất cập về cơ chế để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của bạn đọc. Từ định kỳ 2 tháng/số (32 trang) - trước năm 1990, Tạp chí nâng định kỳ lên 1 tháng/số (48 trang) - từ năm 1991 và lên 1 tháng/số (64 trang) - từ năm 2004. Đối với các số chuyên đề (32 trang), trước đây, Tạp chí chỉ phát hành từ 5 - 6 số/năm, bên cạnh đó, hàng năm có biên tập, xuất bản, phát hành thêm 2 - 3 số chuyên đề chuyên sâu (100 trang) hoặc sách nghiệp vụ theo phân công của Bộ Tư pháp. Từ năm 2004, Tạp chí biên tập, xuất bản 2 số/1 tháng, bao gồm 01 số định kỳ (64 trang) và 01 số chuyên đề hàng tháng (32 trang), 06 số chuyên đề chuyên sâu (200 trang). Từ năm 2022 đến nay, để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã tăng số trang của 02 ấn phẩm định kỳ hàng tháng, từ 64 trang lên 90 trang, từ 32 trang lên 64 trang và 10 ấn phẩm chuyên sâu 200 trang. Các ấn phẩm của Tạp chí luôn được biên tập, xuất bản, phát hành đúng tiến độ, bám sát tình hình thực tiễn hoạt động công tác tư pháp và pháp luật, bảo đảm chất lượng và được bạn đọc đón nhận.
Từ tháng 12/2022, Tạp chí điện tử Dân chủ và Pháp luật đi vào hoạt động theo Giấy phép xuất bản số 533/GP-BTTTT ngày 08/11/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình chuyển đổi số. Tạp chí điện tử có tên miền https:danchuphapluat.vn, bao gồm các chuyên mục: Tin tức - sự kiện; Xây dựng và hoàn thiện pháp luật; Tổ chức thi hành pháp luật; Tư pháp và thực tiễn; Pháp luật quốc tế; Bạn đọc; Bộ, ngành, địa phương; Doanh nghiệp và người dân... cập nhật thường xuyên, liên tục các vấn đề khoa học pháp lý, thực tiễn xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, công tác tư pháp trên môi trường mạng. Tạp chí điện tử là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu về khoa học pháp lý, thông tin lý luận, nghiệp vụ và thực tiễn trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; hoạt động tư pháp; kinh nghiệm nước ngoài; nêu gương điển hình tiên tiến; đấu tranh, phòng, chống, phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội...
Tầm nhìn và sứ mệnh Tạp chí Dân chủ và Pháp luật hướng đến: Chuyên sâu về khoa học pháp lý nhưng vẫn mang đậm “hơi thở” cuộc sống, bám sát “nhịp đập” của thể chế.
Giá trị cốt lõi Tạp chí luôn gìn giữ: Chuyên nghiệp, liêm chính, nhân văn, hiện đại, hội nhập và phát triển.