Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo về nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (dự thảo Luật), đại diện Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng đã được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về các chính sách tài chính để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; luật hóa những vấn đề đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm là phù hợp; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục được khó khăn, vướng mắc phát sinh; đồng thời, kế thừa và phát huy các quy định hiện hành đã được thực tiễn chứng minh đem lại các tác động tích cực đến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật gồm 08 điều tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung cơ bản sau:
(i) Luật Đấu thầu sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm tạo cơ chế linh hoạt, ưu đãi trong đấu thầu nhằm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chính sách nhằm cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đấu thầu; chính sách nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện hoạt động đấu thầu không sử dụng ngân sách nhà nước.
(ii) Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sửa đổi, bổ sung các nội dung về việc đơn giản hóa quy trình thực hiện dự án PPP; về lựa chọn nhà đầu tư trong nước, lựa chọn nhà đầu tư quốc tế; hình thức lựa chọn nhà đầu tư; về phương thức, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu; nội dung hợp đồng dự án PPP; về các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm đầu tư của Nhà nước.
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại phiên họp
(iii) Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng và chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ cao; bổ sung quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.
(iv) Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi, bổ sung quy định về việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
(v) Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung các quy định về ưu đãi hỗ trợ đầu tư; về đơn giản hóa thủ tục hành chính.
(vi) Luật Đầu tư công bổ sung một số khái niệm, quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và thực hiện, tăng tính sẵn sàng của dự án; đề xuất chính sách nhằm đơn giản hóa, thúc đẩy việc phê duyệt, tăng tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn của dự án; đẩy mạnh phân cấp trong quản lý đầu tư công; về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án.
(vii) Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sửa đổi các quy định về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác nhằm bảo đảm sự phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo. Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung sau:
Một là, về hồ sơ dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ về nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành Luật sau khi được thông qua bảo đảm không làm tăng thêm đầu mối tổ chức và biên chế theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần rà soát, bổ sung các nội dung đánh giá về sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Hai là, tại khoản 22 Điều 6 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điểm của khoản 2 Điều 57 Luật Đầu tư công năm 2024 theo hướng giảm thời gian bố trí vốn thực hiện đối với các dự án nhóm A, B, C. Các đại biểu cho rằng, hiện nay, tiêu chí về phân loại nhóm dự án đã tăng lên mà thời gian thực hiện dự án lại giảm xuống là chưa phù hợp với thực tế triển khai, trong khi đó, quy định đối với các dự án đầu tư xây dựng còn phức tạp, nhiều nội dung phải xin ý kiến các cơ quan chuyên môn theo quy định của Luật Xây dựng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giữ nguyên quy định của Điều 57 Luật Đầu tư công năm 2024, cụ thể, thời gian bố trí vốn thực hiện dự án được quy định như sau: không quá 06 năm đối với dự án nhóm A; không quá 04 năm đối với dự án nhóm B; không quá 03 năm đối với dự án nhóm C.
Đại biểu trao đổi tại phiên họp
Ba là, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi Điều 62 Luật Đầu tư công năm 2024 quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo hướng giao kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm của các đơn vị sự nghiệp công lập theo nhu cầu thực tế và đề xuất của đơn vị, đồng thời, giao Bộ chủ quản tổng hợp và báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo tiến độ thực hiện. Lý giải về việc góp ý này, đại biểu cho biết, hiện nay, trong lĩnh vực y tế, nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư đã được hạch toán hàng năm và trích lập vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Do vậy, các hoạt động mua sắm, nâng cấp, sửa chữa từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập là các hoạt động phát sinh, đa dạng, thường không lường trước được nên rất khó lập kế hoạch theo giai đoạn 05 năm. Mặt khác, các công việc này đều cấp thiết, phát sinh trong quá trình sử dụng nên cần thực hiện ngay. Vì vậy, việc trình và chờ giao kế hoạch vốn hàng năm từ nguồn thu hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy trình giao vốn ngân sách trung ương là không phù hợp, không đáp ứng được tính cấp bách của công việc.
Bốn là, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết áp dụng chỉ định thầu theo quy trình rút gọn và hạn mức chỉ định thầu tại Điều 43 Luật Đấu thầu năm 2023 do nội dung điều này chưa thể hiện rõ được quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu.
Năm là, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nội dung liên quan đến công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng quy định sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh xuất khẩu được miễn thuế xuất khẩu; sản phẩm, dịch vụ nhập khẩu của quốc phòng, an ninh được miễn thuế nhập khẩu để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 73, khoản 3 Điều 74 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp năm 2024; tại Luật Đầu tư theo hướng quy định cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt nghiên cứu vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật về đầu tư để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp năm 2024; tại Luật Đầu tư công theo hướng quy định chương trình dự án trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh được tập trung nguồn lực, bố trí đủ vốn và ưu tiên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp năm 2024.
Sáu là, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ các tiêu chí để xác định dự án đầu tư công đặc biệt tại điểm a khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật để làm cơ sở cho các cơ quan khi trình lên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, để làm rõ sự cần thiết phải ban hành Luật, cần tập trung vào 03 vấn đề sau: (i) giải quyết các vấn đề phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp; (ii) gắn với việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (iii) xử lý các vấn đề cấp bách liên quan đến phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương. Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, bảo đảm phù hợp với Công văn số 393/TTg-PL ngày 05/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát và xử lý các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật, cần rà soát với các văn bản sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025 như Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam; Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số và các luật hiện hành. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát đối với các quy định về phân cấp, phân quyền tại Luật Đầu tư công.
Thùy Dung