Các đối tượng cả trong và ngoài nước, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: Giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán qua mạng, tin nhắn “rác”, “chạy” dự án, vay vốn, kêu gọi đầu tư, tài trợ,... lấy dữ liệu thông tin khách hàng, sử dụng giấy tờ giả để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Tại Hội thảo các đại biểu tham dự cũng đã chỉ rõ những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do: (i) Công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội và phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa sâu rộng, người dân chưa được tiếp cận đầy đủ, chính xác các thông tin, nhất là các thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách an sinh xã hội, đầu tư sản xuất và kinh doanh; (ii) Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, mất cảnh giác để cho tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; (iii) Quy định của pháp luật về một số lĩnh vực liên quan đến đất đai chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời; (iv) Công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực liên quan đến công tác quản lý đất đai như: Tài chính, thuế, ngân hàng, quy hoạch, đấu giá, thẩm định giá…, còn tồn tại những kẽ hở, thiếu sót; (v) Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, các cấp chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; (vi) Cấp ủy, người đứng đầu một số địa phương thiếu quyết liệt trong điều hành, chỉ đạo phòng ngừa, xử lý các hoạt động, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên đề và trao đổi, bình luận để làm rõ một số vấn đề mang tính lý luận về: Tội lạm dụng tín nhiệm tài sản; Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nhận thức cơ bản về sự khác biệt giữa quan hệ pháp luật dân sự và pháp luật hình sự; Nguyên nhân bỏ lọt tội phạm và giải pháp khắc phục… Từ đó, các đại biểu đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản trong các quan hệ, giao dịch về đất đai, cụ thể:
Một là, các bộ, ngành, địa phương… cần thực hiện nghiêm thực hiện Kết luận số 05- KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09- CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình hình mới; Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; các chương trình, chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức doanh nghiệp và người dân trong sở hữu tài sản.
Hai là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo, tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng… tuyên truyền, thông báo về các hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang gương mẫu nêu cao cảnh giác, chấp hành pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bốn là, rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: Đất đai, bất động sản, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đầu tư, kinh doanh, không gian mạng…