Kết quả của Hội thảo sẽ là nguồn tư liệu cho việc nghiên cứu, đánh giá khả năng gia nhập Công ước Singapore về hòa giải của Việt Nam. Tham dự Hội thảo, có chuyên gia dài hạn Dự án JICA - ông WATANABE Yoshitaka; đại diện một số bộ, ngành ở Trung ương, địa phương và đại diện các cơ quan thuộc Bộ Tư pháp.
Hội thảo “Công ước Singapore: Kinh nghiệm quốc tế về việc gia nhập và bài học cho Việt Nam”
Công ước của Liên Hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua vào ngày 20/12/2018 tại các Nghị quyết số 73/198 và 73/199. Ngày 07/8/2019, tại Singapore, 46 quốc gia đã ký Công ước, bao gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc - đại diện cho cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Công ước Singapore có hiệu lực vào ngày 12/9/2020. Đến thời điểm hiện nay, 55 quốc gia đã trở thành Bên ký kết Công ước và 07 trong số đó đã phê chuẩn hoặc phê duyệt Công ước. Công ước Singapore gồm 16 điều, xác định rõ phạm vi, yêu cầu đối với những thỏa thuận giải quyết tranh chấp có thể được xem xét công nhận và thi hành tại các quốc gia thành viên; các căn cứ từ chối. Công ước không quy định cụ thể về quy trình, thủ tục cụ thể xem xét công nhận và thi hành thỏa thuận giải quyết tranh chấp mà để ngỏ cho các nước thành viên chủ động thực hiện nhưng phải bảo đảm nhanh chóng, phù hợp với các điều kiện được quy định tại Công ước.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
Hội thảo đã được nghe 07 báo cáo tham luận, trong đó, các tham luận tập trung làm rõ một số vấn đề chính như: Bối cảnh ra đời, mục tiêu và những nội dung pháp lý cơ bản của Công ước Singapore; thực tiễn hòa giải thương mại và công nhận kết quả hòa giải thành tại Việt Nam và mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam với Công ước Singapore; những thuận lợi, khó khăn của việc gia nhập Công ước Singapore và đề xuất, kiến nghị cho Việt Nam về phương án, lộ trình gia nhập; bài học kinh nghiệm và khả năng gia nhập Công ước Singapore của Nhật Bản.
Ông WATANABE Yoshitaka - chuyên gia dài hạn Dự án JICA
Trao đổi về tình hình xem xét việc Nhật Bản hướng tới gia nhập Công ước Singapore tại Hội thảo, ông WATANABE Yoshitaka chia sẻ, sau khi Công ước Singapore có hiệu lực (tháng 9/2020), Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Nhật Bản đã xem xét về việc có gia nhập Công ước này hay không. Kết quả là, Chính phủ đã đề xuất sẽ gia nhập Công ước này và hiện đang yêu cầu Quốc hội thông qua quyết định gia nhập Công ước (Quyết định của Cuộc họp Nội các vào ngày 10/3/2023). Trong tương lai, nếu được Quốc hội thông qua, Nhật Bản sẽ chính thức thực hiện ý định gia nhập Công ước này. Bên cạnh đó, từ tháng 10/2020 đến 02/2022, Bộ Tư pháp đã thành lập Ban Chuyên môn của Hội đồng Thẩm tra pháp luật để xem xét việc xây dựng và hoàn thiện các luật trong nước (cần thiết) nếu Công ước được gia nhập (ngoài chế độ hoà giải, việc rà soát về chế độ trọng tài cũng được xem xét). Dựa trên kết quả xem xét, Bộ Tư pháp đã soạn thảo hai dự thảo (liên quan đến hoà giải) cần thiết trong trường hợp Công ước được gia nhập và đã đệ trình lên Quốc hội vào tháng 02/2022.
![]() |
![]() |
Đại biểu tham dự Hội thảo Báo cáo viên Trần Anh Tuấn - Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ tư pháp
Đánh giá sự phù hợp của pháp luật Việt Nam với Công ước Singapore về hoà giải ở một số nội dung như “tính quốc tế”, về công nhận thoả thuận giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, về từ chối công nhận kết quả hoà giải thành và sự cần thiết, khả năng gia nhập, ông Trần Anh Tuấn - Vụ Pháp luật quốc tế cho rằng, việc công nhận kết quả của thoả thuận giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế đang là một nhu cầu thực tế trong điều kiện Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc gia nhập Công ước Singapore về hoà giải sẽ đáp ứng nhu cầu này ở Việt Nam. Đặc biết, trong bối cảnh tranh chấp quốc tế đang tăng cao thì việc gia nhập Công ước Singapore về hoà giải sẽ khuyến khích và là động lực để các bên tranh chấp lựa chọn phương thức đơn giản, đỡ tốn kém này cho việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang khuyến khích phát triển các Trung tâm hoà giải thương mại tại Việt Nam thì việc gia nhập Công ước Singapore về hoà giải cũng sẽ hướng các vụ việc tranh chấp thuơng mại, đầu tư quốc tế ra hoà giải tại các Trung tâm hoà giải thương mại tại Việt Nam.
![]() |
![]() |
Đại biểu tham dự phát biểu tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, phần trao đổi, thảo luận đã diễn ra sôi nổi trên tinh thần thẳng thắn chia sẻ, đánh giá toàn diện về vai trò của Công ước Singapore đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan đến Công ước Singapore cũng được làm rõ tại Hội thảo như: Công ước Singapore đương nhiên có hiệu lực và có tính bắt buộc thi hành khi việc ký kết được thực hiện xong hay không? Tại sao tại Điều 4(1) của Công ước Singapore sử dụng từ “cứu trợ” thay cho việc sử dụng cụm từ “công nhận và cho thi hành” đối với hoà giải thành? Khả năng áp dụng Công ước Singapore trên thực tế? Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc lựa chọn những điều khoản loại trừ áp dụng được quy định trong Luật Thực thi Công ước Singapore...
Minh Minh