Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để phát triển kinh tế tư nhân, Nhà nước quan tâm xây dựng, cải cách thể chế nhằm xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, đúng hướng. Thực trạng về thể chế và yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam đặt ra nhu cầu trao đổi, thảo luận để tìm ra các giải pháp nhằm cải cách thể chế để phát triển kinh tế tư nhân.
Hội thảo được chia làm hai phiên: Phiên thứ nhất với chủ đề “Nhu cầu cải cách thể chế để phát triển kinh tế tư nhân” với các nội dung như nội hàm kinh tế tư nhân, cải cách thủ tục hành chính, thể chế kinh tế thị trường, rào cản thực hiện quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu; Phiên thứ hai với chủ đề “Hỗ trợ kinh tế tư nhân hội nhập và phát triển” với các nội dung như cơ hội và thách thức tại Việt Nam, cải cách thuế, cải cách thể chế gắn kết với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tiếp cận quyền sử dụng đất, khai thác thương mại đối với các quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, một số khía cạnh chính được các đại biểu đề cập là: Xác định các thực thể trong nội hàm kinh tế tư nhân; ghi nhận những thành tựu đổi mới qua các thời kỳ giúp kinh tế tư nhân phát triển; phân tích những rào cản, tồn tại, hạn chế và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển kinh tế tư nhân…
Mặc dù kinh tế tư nhân đã manh nha tồn tại và phát triển từ trước đó, nhưng đến năm 1986, thành phần kinh tế này mới chính thức được công nhận. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn rất khó để có thể tìm được một định nghĩa rõ ràng, đầy đủ, chính thức quy định về kinh tế tư nhân. Tại hội thảo, rất nhiều đại biểu quan tâm và đánh giá cao tầm quan trọng của vấn đề này, bởi lẽ, họ cho rằng, để phát triển kinh tế tư nhân thì điều trước hết là cần phải xác định được rõ nó là gì, bao gồm những thành tố nào… Điều này rất cần thiết để phục vụ xây dựng các chính sách kinh tế, xã hội và xây dựng pháp luật.
Một số giải pháp được nêu lên tại hội thảo có thể kể đến như: (i) Cần có một định nghĩa đầy đủ, toàn diện về kinh tế tư nhân; (ii) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khung khổ thể chế, pháp luật theo hướng ổn định, cụ thể, minh bạch và tính thực thi cao, đảm bảo các nguyên tắc kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập, thời đại 4.0; (iii) Hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tư nhân khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; (iv) Đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện một Nhà nước, một Chính phủ kiến tạo nhằm phát huy thế mạnh của thành phần kinh tế tư nhân trong xây dựng và phát triển đất nước.