Tham dự Hội thảo có ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam; ông Nguyễn Gia Cương - Tổng biên tập Tạp chí Đồng hành Việt, đại diện một số tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức, các hội viên thuộc Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội và quận Hoàng Mai tham dự. Hội thảo diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Luật sư Nguyễn Văn Nguyên - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý - Tạp chí điện tử Đồng hành Việt và ông Phạm Quang Khoát - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai.
Luật Người khuyết tật năm 2010 ra đời là một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người khuyết tật, cũng như khẳng định những bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, cho thấy Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, từng bước nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật năm 2006 (Việt Nam gia nhập Công nước này vào ngày 22/10/2007), nhằm tạo môi trường pháp lý, điều kiện, cơ hội bình đẳng, không rào cản đối với người khuyết tật theo hướng xây dựng các chính sách đối với người khuyết tật trên cơ sở tiếp cận và bảo đảm quyền của người khuyết tật; quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc xóa bỏ rào cản và bảo đảm các điều kiện để người khuyết tật hòa nhập xã hội như những người bình thường khác.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số tham luận và cùng trao đổi, đóng góp ý kiến, đánh giá về những ưu điểm của Luật Người khuyết tật năm 2010 như: Các nhóm giải pháp được Luật quy định thể hiện được sự cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về người khuyết tật; có các quy định về điều kiện bảo đảm để thực hiện các chính sách cho người khuyết tật (như cơ sở khám chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng…); tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng thông qua các chính sách đối với người học, người dạy, cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn vào làm việc và một số chính sách đặc thù đối với họ theo quy định; Luật đã góp phần tạo môi trường pháp lý, môi trường xã hội thuận lợi để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia trợ giúp người khuyết tật; Luật quy định lộ trình đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp các công trình, phương tiện giao thông công cộng, công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp, giúp người khuyết tật có thể tiếp cận, sử dụng được…
Bên cạnh đó, một số bất cập, hạn chế của Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng đã được các đại biểu làm rõ như: Hiện nay, một bộ phận người khuyết tật vẫn chưa nắm vững các quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010; chưa xây dựng được một hệ thống giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp và chương trình học tập suốt đời, trách nhiệm của Nhà nước, nhà trường, gia đình, doanh nghiệp… trong việc bảo đảm cho người khuyết tật không bị loại khỏi hệ thống giáo dục bởi những hành vi từ chối tiếp nhận người khuyết tật nhập học tại các trường công lập, người khuyết tật vẫn còn gặp khó khăn khi tham gia xin học, trong quá trình học tập và xin việc làm; các trợ giúp viên, luật sư tham gia trợ giúp pháp lý còn ít, chưa phát huy được hết quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm, còn có tình trạng nể nang, ngại va chạm với các cơ quan tiến hành tố tụng…
Từ những hạn chế, bất cập được chỉ ra, đa số các đại biểu tham dự đều thống nhất cho rằng, Luật Người khuyết tật năm 2010 cần được sửa đổi, bổ sung, phù hợp với tình hình phát triển của xã hội nhưng vẫn bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Theo đó, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn pháp luật về Luật Người khuyết tật, Luật Trợ giúp pháp lý cho các hội viên người khuyết tật; cần quy định chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi từ chối tiếp nhận người khuyết tật nhập học trái quy định pháp luật; phát huy vai trò của các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nói chung, Trung tâm Trợ giúp pháp lý - Tạp chí Đồng hành Việt nói riêng trong việc trợ giúp người khuyết tật bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo, Trung tâm Trợ giúp pháp lý - Tạp chí điện tử Đồng hành Việt và Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai đã ký kết văn bản hợp tác về trợ giúp pháp lý cho các thành viên của Hội, bảo đảm người khuyết tật được tiếp cận đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và các quy định của pháp luật.
Hải Việt