
![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Theo đó, trong 06 tháng đầu năm 2025, Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Cục đã tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật thực hiện các nhiệm vụ về rà soát các quy định có vướng mắc, bất cập trong thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, quy định có tính chất hạn chế quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy và các kiến nghị, đề xuất theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội quy định xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước…; thực hiện cập nhật văn bản quy phạm pháp luật mới thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp vào các đề mục của Bộ pháp điển như: “Thi hành án dân sự”, “Đấu giá tài sản”, “Viên chức”, “Trợ giúp pháp lý”, “Xử lý vi phạm hành chính”, “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế”; “Theo dõi tình hình thi hành pháp luật”; “Hộ tịch”; “Quốc tịch Việt Nam”; phối hợp với Cục Công nghệ thông tin trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, tái cấu trúc, chuẩn hóa dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật nhằm bảo đảm nâng cao hiệu quả việc đăng tải, quản lý, khai thác văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, bảo đảm việc kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật với các hệ thống phần mềm khác.
Bên cạnh đó, Cục đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2025, gồm: (i) Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; (ii) Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường; (iii) Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; (iv) Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy; (v) Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực an sinh xã hội. Ngoài ra, Cục đã tổ chức đoàn kiểm tra chuyên đề công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản tại một số tỉnh, thành phố và đã kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh, xử lý, khắc phục, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và đánh giá cao chất lượng công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính của Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính đối với các hoạt động tham mưu, xây dựng, hoàn thiện thể chế đến tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về quản lý nhà nước. Đối với công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng đề nghị Cục cũng như các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc tổ chức triển khai nhiệm vụ rà soát văn bản tại Bộ Tư pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả và tiến độ triển khai nhiệm vụ này trước bối cảnh yêu cầu ngày càng cao trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và các kết quả công tác mà Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính đã đạt được trong 06 tháng đầu năm 2025, đặc biệt là đối với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị Cục tập trung triển khai một số nội dung sau: (i) Về công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Cục cần nghiên cứu, đề xuất đổi mới cách thức hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật để nâng cao hiệu quả, tính kịp thời của các kiến nghị hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh mới; (ii) Đối với công tác ứng dụng công nghệ thông tin, Cục cần nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong công tác của đơn vị, đặc biệt là trong hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản. Bên cạnh đó, cần xác định việc hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của đơn vị mà của Bộ, của ngành để bảo đảm xây dựng nguồn dữ liệu quan trọng phục vụ cho các công tác nghiệp vụ khác; (iii) Đối với cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính, Cục cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, có tính liên thông và tích hợp cao...