Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị trong toàn tỉnh đã có những cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện các quyền trẻ em, tạo mọi điều kiện cho trẻ em được sống khỏe và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần quan tâm, trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
1. Thực trạng nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng dân tộc thiểu số tại Quảng Trị
Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này”. Cụ thể, căn cứ vào sự phát triển tâm sinh lý của con người và các điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (tại Điều 8) đã quy định, tuổi kết hôn đối với nam từ đủ 20 tuổi trở lên; đối với nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với hôn nhân cận huyết thống (kết hôn giữa những người có quan hệ họ hàng), theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, tức là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau; những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức truyền thống, phong tục của ông cha ta gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của các thế hệ con cháu sau này, tiềm ẩn nguy cơ sinh ra những đứa trẻ bệnh tật, dị tật, suy thoái nòi giống, làm gia tăng nhanh số lượng và giảm chất lượng dân số, trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Thực hiện Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 14/04/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện như: Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 11/01/2016 về triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015 - 2020” (giai đoạn I); Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 13/9/2021 về triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025” (giai đoạn II). Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện trên địa bàn đã chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương.
Thời gian qua, các các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn các xã, thôn, bản có tỷ lệ hoặc có nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Một số địa phương đã đưa các quy định về phòng, chống tảo hôn vào xây dựng hương ước, quy ước “Thôn không có tảo hôn”, bình xét gia đình văn hóa như: Các thôn A Đăng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông), Vùng Kho (xã Đakrông, huyện Đakrông), Ra Po (xã Xy, huyện Hướng Hóa), Thanh 1 (xã Thanh, huyện Hướng Hóa. Đến nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị đã giảm đáng kể. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, số cặp tảo hôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giảm 445 cặp, tình trạng kết hôn cận huyết thống giảm 07 cặp so với giai đoạn 2011 - 2015; trong 04 năm liền, trên địa bàn tỉnh đã không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống)[1], nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong muốn khi trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng tảo hôn. Tính riêng trong năm 2021, toàn tỉnh có 792 trường hợp kết hôn, trong đó có 175 trường hợp tảo hôn, chiếm tỷ lệ 22,1%[2]. Đặc biệt, ở huyện Đakrông tình trạng tảo hôn hiện vẫn còn phổ biến, làm suy giảm chất lượng dân số, chất lượng giống nòi. Theo số liệu báo cáo của Ủy ban nhân dân 13 xã, thị trấn và qua điều tra, rà soát hằng năm của Trung tâm Y tế huyện Đakrông, tỷ lệ tảo hôn dao động từ 16,3% - 23,3% và không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Tổng số cặp tảo hôn từ năm 2018 đến 06 tháng đầu năm 2021 là 195 trường hợp, nhưng đây chưa phải là con số thống kê đầy đủ. Trong đó, xã Đakrông là một trong những địa phương có nhiều trường hợp tảo hôn ở huyện Đakrông. Theo số liệu thống kê, số cặp tảo hôn ở xã tăng qua các năm (năm 2018 có 21 cặp, chiếm 38,88% trong số các cặp kết hôn; năm 2019 có 24 cặp, chiếm 41,37%; năm 2020 có 35 cặp, chiếm 61,4%)[3].
Từ kết quả trên cho thấy, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý, ngăn chặn, phòng tránh (đặc biệt là nạn tảo hôn) là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Thực tế chứng minh, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy đối với gia đình và xã hội như: Nhiều trường hợp do bị ép gả lấy chồng, lấy vợ sớm, tuổi còn quá trẻ chưa thể sống tự lập được dẫn đến tình trạng đói nghèo, ly hôn; việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên ảnh hưởng tới sức khỏe em gái, sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh, những đứa trẻ được sinh ra bởi cặp vợ chồng tảo hôn thường ốm yếu, suy dinh dưỡng và dị tật... Gần như 100% trẻ sau khi lấy vợ, lấy chồng đều không tiếp tục đi học. Đây là những con số đáng lo ngại không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi mà còn trở thành gánh nặng đối với xã hội. Tuy nhiên, những con số trên chỉ là tương đối, trên thực tế, số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có thể vẫn lớn hơn báo cáo của các xã. Lý do một số thôn, bản không báo cáo lên cấp trên, bởi vì, một mặt do lo sợ về thành tích, mặt khác chính quyền địa phương cũng không nắm chắc số liệu thực tế trên địa bàn do không có điều kiện để đi khảo sát.
2. Nguyên nhân của thực trạng trên
Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn các xã vùng miền núi tỉnh Quảng Trị nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là do quan niệm lấy vợ, gả chồng khi “nữ thập tam, nam thập lục” cùng sự hạn chế về hiểu biết pháp luật, mong muốn sớm có con để nối dõi tông đường, thêm người làm nương, rẫy...
Thứ hai, công tác tuyên truyền, giáo dục ngăn ngừa đối với tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, hầu hết trên địa bàn các xã chưa có mô hình truyền thông nào phù hợp để tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Chỉ là các hoạt động mang tính lồng ghép ở thôn bản hoặc nhà trường khi thấy học sinh bỏ học để lấy vợ, lấy chồng hoặc có những trường hợp con cô, con cậu lấy nhau. Mặt khác, phương pháp tuyên truyền tại địa phương chưa có hiệu quả, do không có tài liệu tuyên truyền, những cán bộ tuyên truyền chưa được tập huấn về công tác tuyên truyền nói chung và những kiến thức về hôn nhân và gia đình nói riêng.
Thứ ba, sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết chưa được thực hiện tốt ở địa phương. Các mô hình về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở nhà trường không có, chính quyền địa phương không có kinh phí cho hoạt động này. Mặt khác, ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn nên chính quyền địa phương tập trung cho công việc phát triển kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo, chưa xem việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở địa phương là nhiệm vụ chính trị xã hội nên tảo hôn mặc nhiên phát triển và có chiều hướng gia tăng.
Thứ tư, điều kiện về hoàn cảnh về kinh tế, văn hóa và tầm nhận thức của không ít đồng bào các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn nên việc kết hôn trước tuổi và kết hôn cận huyết được xem là duy trì truyền thống lâu đời của đồng bào. Mặt khác, đó là sự “cải thiện” lao động cho những gia đình neo đơn, lấy vợ, lấy chồng sớm để làm kinh tế, phụ giúp cho gia đình nhưng thực chất lại trở thành một gánh nặng đối với gia đình và bản thân người tảo hôn, gây ra hệ quả không tốt đối với con cái, gia đình và xã hội.
Thứ năm, việc thực hiện chế tài xử phạt kết hôn trước tuổi tại địa phương theo Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã làm nảy sinh vấn đề khác: Một số địa phương đã thực hiện chế tài xử phạt những trường hợp tảo hôn, khi họ đến khai sinh cho con hoặc đến đăng ký kết hôn (khi đã đủ tuổi) làm nảy sinh hệ quả là những trường hợp khác biết được điều đó sợ bị xử phạt nên không đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã để làm khai sinh cho con dẫn đến trẻ em trong độ tuổi không được khám, chữa bệnh, không được hưởng các chế độ chính sách cho trẻ em, không được đi học... Lúc đó, chính quyền địa phương lại phải đi đến tận thôn, bản để vận động nhằm tránh tình trạng thiệt thòi quyền lợi cho trẻ em.
3. Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Tảo hôn được coi là vấn nạn “chiếm đoạt tuổi thơ” gây ra hậu quả to lớn về sức khỏe của các cặp vợ chồng như ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý, nhất là các em gái, khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe cả bố, mẹ và con cái. Vì vậy, trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” và Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, theo tác giả, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, để ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, vấn đề mấu chốt là cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình, tiến tới giảm thấp nhất và đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, chăm sóc và bảo vệ trẻ em vùng sâu, vùng xa, qua đó, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là trong các trường học... Mặt khác, các địa phương cần đưa nhiệm vụ giảm thấp nhất tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào chương trình công tác của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, xây dựng các mô hình điểm ở thôn, bản và trường học gây hiệu ứng lan tỏa đối với các địa bàn xung quanh.
Hai là, tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân. Khi đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đầy đủ kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình thì tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ được kéo giảm.
Ba là, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền - gia đình - nhà trường trong việc tuyên truyền, vận động, lồng ghép kiến thức giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và nhận thức về hệ lụy của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản và quyền trẻ em. Cần tăng cường nâng cao nhận thức để chuyển đổi hành vi cho thế hệ trẻ, đồng thời, tổ chức thực hiện tốt mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, gắn trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình để từng bước nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Bốn là, thực hiện các quy ước chung dành cho cộng đồng thôn, bản tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số căn cứ trên quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình. Đồng thời lồng ghép, kết hợp biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Năm là, cần tiến hành xây dựng các mô hình tiêu biểu, điển hình ở cấp thôn, bản về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hàng năm, nên sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình, tăng cường giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương về các mô hình tuyên truyền hiệu quả trong hoạt động giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để áp dụng đối với điều kiện thực tế tại địa phương.
Như vậy, để đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong thời gian tới đòi hỏi cần có sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội và sự chủ động, tích cực của mỗi cá nhân để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
ThS. Trần Văn Toàn
Trường Chính trị Lê Duẩn, tỉnh Quảng Trị
Ảnh: internet
[1] Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, Báo cáo Kết quả triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020”.
[2] Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 13/9/2021 về triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025”.
[3] Trung tâm Y tế huyện Đakrông, báo cáo số liệu điều tra về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.