1. Thực trạng hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có tổng diện tích tự nhiên là 9.562,9 km2, Điện Biên có đường biên giới chung với hai quốc gia là Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dài 414,712 km, trong đó: Đường biên giới tiếp giáp với Lào dài 373,851 km, đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 40,861 km. Địa bàn rộng, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn; có 10 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 08 huyện với 129 xã, phường, thị trấn và 1.441 thôn, bản, tổ dân phố, trong đó, có 103 xã và 21 thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tổng dân số của tỉnh khoảng 58,2 vạn người; toàn tỉnh có 19 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm 38%, dân tộc Mông chiếm 34,8%, dân tộc Kinh chiếm 18,4%, dân tộc Khơ Mú chiếm 3,9% còn lại là các dân tộc khác, người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số trong tỉnh, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế; tình hình dân di cư tự do, xuất, nhập cảnh trái phép, tội phạm về ma túy, mua bán người, mua bán trẻ em... vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số nơi.
Để góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu, triển khai thực hiện tốt các mặt công tác tư pháp trên địa bàn. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là quản lý nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp, hàng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục thực hiện các văn bản pháp luật, đề án đối với hoạt động bổ trợ tư pháp. Trong đó, tập trung thực hiện Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”; Đề án 258 về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giám định tư pháp”; Đề án “Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2020”; Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020… Đồng thời, Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, hướng dẫn triển khai thực hiện các hoạt động bổ trợ tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp; tổ chức phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về bổ trợ tư pháp và các văn bản có liên quan đến tổ chức hoạt động bổ trợ tư pháp cho các đối tượng liên quan trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Những năm gần đây, các lĩnh vực về bổ trợ tư pháp đã được quan tâm, phát triển mạnh dần lên theo thời gian. Tuy chưa thể đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra, song đã thể hiện tầm quan trọng đối với hệ thống tư pháp nói riêng và hoạt động quản lý nhà nước nói chung.
Về tổ chức và hoạt động của luật sư: Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 19 luật sư và 09 tổ chức hành nghề luật sư. Các tổ chức hành nghề luật sư đã từng bước hoạt động hiệu quả, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tố tụng tại địa phương. Các luật sư tích cực tham gia hoạt động hành nghề; phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Trung tâm Tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân. Số vụ việc luật sư tham gia tố tụng và tư vấn pháp luật bình quân thực hiện được trên 300 vụ việc/năm. Hoạt động hành nghề luật sư đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và doanh nhân thông qua hoạt động hỗ trợ về mặt pháp lý cho các cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt, việc hỗ trợ này đã góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho việc kinh doanh trên địa bàn.
Về lĩnh vực giám định tư pháp, ngày 26/11/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 2271/KH-UBND về triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Điện Biên; tổ chức quán triệt, tuyên truyền Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các đối tượng liên quan và nhân dân trên trên địa bàn tỉnh; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trên địa bàn tỉnh; ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp, tạo mối quan hệ phối hợp giữa người trưng cầu giám định tư pháp và người thực hiện giám định tư pháp, giữa các cơ quan quản lý hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng được yêu cầu ngày càng tốt hơn trong việc trưng cầu giám định tư pháp, phục vụ đắc lực cho việc điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết các vụ án trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động giám định tư pháp. Tính bình quân hàng năm, các tổ chức giám định tư pháp thực hiện được trên 900 vụ việc/năm. Trong quá trình thực hiện giám định, các giám định viên luôn thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc độc lập, khách quan, trung thực, chính xác trong giám định tư pháp, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử cũng như yêu cầu khác của tổ chức, cá nhân.
Công tác trợ giúp pháp lý đã và đang thực hiện đúng định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước, góp phần thiết thực trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, người có công, người yếu thế trong xã hội, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Số vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng không ngừng tăng. Trung bình hàng năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý được trên 1.000 vụ việc/năm; phối hợp với Phòng Tư pháp cấp huyện triển khai tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, truyền thông tại các xã đặc biệt khó khăn; đã thực hiện tư vấn, hướng dẫn, giải đáp cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý chủ yếu thuộc các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình.
Về lĩnh vực công chứng, tỉnh Điện Biên hiện có 03 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó, 01 Phòng công chứng và 02 Văn phòng công chứng, chủ yếu tập trung ở thành phố. Trung bình hàng năm, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thực hiện được trên 6.500 việc/năm; phí công chứng thu được hàng năm đều tăng. Hoạt động công chứng nhìn chung đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo thuận tiện đối với cá nhân, tổ chức có nhu cầu công chứng.
Hoạt động bán đấu giá tài sản trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các ngành, các cấp, các tổ chức đấu giá tài sản ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Điều kiện kinh tế của tỉnh chưa phát triển, nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn ở mức độ nhất định; địa bàn hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; đội ngũ luật sư, giám định viên chuyên trách, công chứng viên, đấu giá viên, trợ giúp viên pháp lý còn ít. Nguyên nhân chủ yếu là do hiểu biết sâu về bản chất, vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác bổ trợ tư pháp còn chưa đầy đủ đối với cải cách tư pháp, đối với việc đảm bảo sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nhiệm vụ cần thiết.
2. Một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp trong thời gian tới
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tăng cường công tác truyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bổ trợ tư pháp; quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước, quản lý nghề nghiệp đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp phải chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể với từng cơ quan và xây dựng cơ chế phối hợp, kết nối trách nhiệm giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ quản lý.
Thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp vì có liên quan trực tiếp đến lợi ích khách hàng, với các hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan tiến hành tố tụng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bổ trợ tư pháp.
Thứ ba, quy định nhằm đảm bảo phát huy vai trò của các tổ chức, hoạt động bổ trợ tư pháp ngoài công lập, tạo cơ chế khuyến khích, huy động các cá nhân, tổ chức có điều kiện tham gia hỗ trợ, đóng góp trên tất cả các phương diện cho công tác bổ trợ tư pháp, mặt khác, cần hạn chế những hiện tượng không lành mạnh trong quá trình xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp.
Thứ tư, nâng cao nhận thức đúng đắn về chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng để thực hiện tốt chủ trương của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị) về lĩnh vực bổ trợ tư pháp; tạo cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp nhằm huy động nguồn lực từ người dân, khắc phục những thiếu hụt về nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho công tác bổ trợ tư pháp. Quan trọng hơn là tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội lựa chọn, thụ hưởng các dịch vụ bổ trợ tư pháp phù hợp với khả năng, nhu cầu của người dân, tổ chức; cần có các biện pháp, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho họ thành lập tổ chức và hoạt động như ưu đãi về thuế, thuê cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực... tạo niềm tin và động lực thúc đẩy cá nhân, tổ chức mạnh dạn tham gia, đầu tư vào hoạt động bổ trợ tư pháp.
Thứ năm, phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Công chứng…; đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành, thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của các tổ chức.
Thứ sáu, đổi mới nhận thức về công tác bổ trợ tư pháp vừa là đòi hỏi từ phía Nhà nước vừa là đòi hỏi đối với công dân, tổ chức và chính đội ngũ những người làm công tác bổ trợ tư pháp. Để đạt được mục tiêu này, cần tổ chức tập huấn, quán triệt nhận thức của các ngành, các cấp về bản chất, vai trò, ý nghĩa của hoạt động bổ trợ tư pháp đối với hoạt động tố tụng, cải cách tư pháp, sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; các cơ quan chủ quản, người tiến hành tố tụng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với hoạt động bổ trợ tư pháp; đồng thời, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, qua đó kiến nghị với các cơ quan, tổ chức khắc phục những hạn chế trong hoạt động bổ trợ tư pháp.
Thứ bảy, triển khai thực hiện tốt Đề án vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp, xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai thực hiện tốt việc phòng, chống tiêu cực trong hoạt động bổ trợ tư pháp; tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả các hoạt động bổ trợ tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đối với lĩnh vực, nhiệm vụ được giao.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên