1. Giới thiệu Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế[2]
1.1. Thành lập
HCCH tổ chức phiên họp đầu tiên vào năm 1893 dưới sáng kiến của Tobias Michael Carel Asser (người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1911). HCCH đã trở thành tổ chức liên Chính phủ hoạt động thường xuyên từ năm 1955 khi Quy chế của Hội nghị có hiệu lực[3].
Hiện nay, Hội nghị có 91 thành viên (90 quốc gia và 01 tổ chức hội nhập kinh tế khu vực - Liên minh châu Âu) đại diện cho tất cả các châu lục[4]. Một số nước ASEAN đã trở thành thành viên của Hội nghị như Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Singapore, Việt Nam và Thái Lan. Nhiều quốc gia không phải là thành viên của Hội nghị cũng trở thành các quốc gia thành viên của các công ước trong khuôn khổ Hội nghị (65 quốc gia - trong khu vực Đông Nam Á có cả Brunei, Campuchia và Indonesia). Vì vậy, công việc của Hội nghị có ảnh hưởng đến 156 quốc gia trên toàn thế giới.
Hội nghị có mục tiêu hài hòa hóa các hệ thống pháp luật khác nhau, phát triển và cung cấp các văn kiện pháp lý quốc tế đáp ứng các nhu cầu của thế giới. Với khẩu hiệu xây dựng “cầu nối” giữa các hệ thống pháp luật, Hội nghị hoạt động vì sự thống nhất dần dần các quy tắc về tư pháp quốc tế để giải quyết sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật được áp dụng trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, bao gồm cả việc tìm ra các cách tiếp cận được quốc tế thừa nhận với các vấn đề như thẩm quyền của Tòa án, pháp luật áp dụng, công nhận và thi hành các phán quyết. Qua thời gian, Hội nghị đã trở thành trung tâm của hoạt động hợp tác tư pháp và hành chính trong lĩnh vực luật tư, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ gia đình và trẻ em, thủ tục tố tụng dân sự và pháp luật thương mại. Mục tiêu cao nhất của HCCH là phục vụ một thế giới, trong đó, mỗi người bao gồm cả cá nhân và tổ chức có thể được hưởng mức độ chắc chắn và an toàn về mặt pháp lý cao nhất.
1.2. Hoạt động
1.2.1. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của HCCH
HCCH hoạt động trên cơ sở Quy chế (Statute), Quy tắc hoạt động (Rules of procedure), Quy định về ngân sách (Financial Regulations) và được định hướng bởi Kế hoạch chiến lược (Strategic Plan) và Khuôn khổ chiến lược cho các hoạt động hỗ trợ sau gia nhập các Công ước của Hội nghị (Strategic Framework for Post - Convention Assistance). Quy chế của Hội nghị - điều ước quốc tế có giá trị cao nhất trong hoạt động của tổ chức, sau lần sửa đổi năm 2005, về cơ bản vẫn giữ nguyên. Từ 2015 đến nay, các văn bản còn lại phục vụ quản trị của tổ chức đã được cập nhật, đồng thời, HCCH còn bổ sung thêm một số văn bản như: Quy chế nhân sự, Khuôn khổ để thiết lập văn phòng khu vực, Thủ tục chỉ định Tổng thư ký.
Ngoài ra, các thực tiễn hoạt động (usages) (phù hợp với Quy chế và các quy định của tổ chức được Phiên toàn thể, Hội đồng các vấn đề chung và chính sách hoặc Hội đồng đại diện ngoại giao thông qua) cũng có vai trò quan trọng trong hoạt động của HCCH (Điều 12)5.
Nhìn vào Kế hoạch chiến lược mới nhất được xây dựng cho giai đoạn 2023 - 2028, có thể thấy được định hướng lâu dài trong hoạt động của HCCH cụ thể hóa các quy định của Quy chế về tầm nhìn, sứ mệnh và nhiệm vụ, các nguyên tắc chỉ đạo, các mục tiêu chiến lược, theo dõi tiến trình và báo cáo, cụ thể là:
- Tầm nhìn của HCCH là nỗ lực vì một thế giới, trong đó việc thống nhất các quy tắc tư pháp quốc tế tạo điều kiện cho cá nhân, gia đình và doanh nghiệp tương tác giữa các hệ thống pháp luật khác nhau.
- Sứ mệnh của HCCH (nhấn mạnh lại Điều 1 của Quy chế) là nhất thể hóa dần dần các quy tắc tư pháp quốc tế.
- Nhiệm vụ của tổ chức là xây dựng các khuôn khổ pháp lý đa phương (Công ước hoặc các văn kiện khác) và tiến hành các công việc khác (như rà soát và khuyến khích việc thực thi các công ước và văn kiện của HCCH và tạo ra các công cụ như hướng dẫn, sổ tay và các văn kiện khác).
- Có 02 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của HCCH: (i) Hợp tác và đồng thuận: Tiếp tục khẳng định trách nhiệm hợp tác của các quốc gia thành viên và Ban thư ký, hoạt động của tổ chức tập trung vào chuyên môn và chương trình làm việc, phản ánh nhu cầu của toàn thể các quốc gia thành viên mà không mang tính chính trị; (ii) Minh bạch và có thể giải trình: Quản trị tổ chức dựa trên cơ sở minh bạch và giải trình, thông tin có sẵn và có thể tiếp cận kịp thời, thảo luận công khai và đưa ra quyết định trên cơ sở được thông tin đầy đủ, tài chính sử dụng hiệu quả nguồn lực có sẵn và có thể sử dụng thêm các nguồn lực bên ngoài.
- Có 03 mục tiêu chiến lược HCCH đặt ra là: (i) Phát triển các công ước và văn kiện đa phương giải quyết nhu cầu tư pháp quốc tế toàn cầu; (iii) Bảo đảm duy trì hiệu quả và sự phù hợp của các công ước và văn kiện của HCCH; (iii) Hỗ trợ hiện diện đa dạng và tham gia toàn diện, phản ánh bản chất toàn cầu của tổ chức và tư cách thành viên của HCCH (kể cả việc cân nhắc sử dụng các ngôn ngữ khác với ngôn ngữ chính thức hiện nay của HCCH).
- Tiến trình thực hiện kế hoạch chiến lược được theo dõi bởi các cơ quan của HCCH và trên cơ sở các ưu tiên được các cơ quan này xác định.
1.2.2. Cơ cấu tổ chức
Các nước thành viên điều hành hoạt động của Hội nghị. Về nguyên tắc, Hội nghị nhóm họp theo kỳ 04 năm: Phiên toàn thể (Phiên ngoại giao thông thường) để đàm phán và thông qua các Công ước và quyết định về các hoạt động tiếp theo[6]. Các hoạt động quan trọng trong năm của Hội nghị do Hội đồng các vấn đề chung và chính sách (gồm đại diện các quốc gia thành viên) quyết định. Hội đồng thường họp một lần vào tháng 3 hàng năm.
Dự thảo các công ước được chuẩn bị bởi Ủy ban đặc biệt hoặc nhóm công tác được nhóm họp nhiều lần trong một năm, thường tại La Hay, Hà Lan[7] và tại các quốc gia thành viên khác. Ủy ban đặc biệt còn được tổ chức để xem xét lại hoạt động của các công ước đã được thông qua và đưa ra các khuyến nghị với mục tiêu cải thiện hiệu quả và củng cố việc thực thi và giải thích thống nhất các công ước này. Hội đồng các vấn đề chung và chính sách và Ủy ban đặc biệt hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận (consensus) (Điều 8 của Quy chế). Thời gian gần đây, quy tắc hoạt động của Hội nghị quy định rõ ràng hơn về thủ tục bỏ phiếu tại các phiên họp trong trường hợp ngoại lệ đặc biệt không thể đạt được sự đồng thuận và thủ tục đưa ra quyết định khi không tổ chức các phiên họp.
Trong thời gian các cơ quan quan trọng của Hội nghị không họp, các hoạt động hàng ngày của Hội nghị được hỗ trợ và điều phối bởi nhóm thư ký đa quốc gia - Ban Thường trực (Ban thư ký), đứng đầu là Tổng thư ký - có trụ sở tại La Hay, Hà Lan. Ban thư ký chuẩn bị cho các phiên họp toàn thể và Ủy ban đặc biệt và tiến hành các hoạt động nghiên cứu cơ bản cần thiết cho bất kỳ chủ đề nào do Hội nghị đưa ra. Ban thư ký cũng tham gia vào một loạt các hoạt động khác nhau để hỗ trợ cho việc thực thi và vận hành hiệu quả các công ước như các hoạt động đào tạo trao đổi (tiếp nhận thực tập sinh và công chức biệt phái từ các quốc gia thành viên), tham gia các hội thảo, hội nghị, tọa đàm và xuất bản các ấn phẩm về Hội nghị, các công ước của Hội nghị và tư pháp quốc tế. Đồng thời, Ban thư ký còn thực hiện cập nhật các thông tin về Hội nghị trong các tuyển tập Công ước, các sổ tay thực thi, các báo cáo giải thích ở cả dạng bản giấy và bản điện tử, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu như cơ sở dữ liệu về bắt cóc trẻ em (ICADAT), thống kê số liệu về các công ước chính của HCCH…
Ngoài trụ sở chính tại Hà Lan, Ban thư ký còn tổ chức các văn phòng khu vực: Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Hồng Kông, Trung Quốc và Văn phòng khu vực châu Mỹ La tinh và Caribê tại Buenos Aires, Ác-hen-ti-na. Các văn phòng khu vực có vai trò giúp đỡ các nước trong khu vực tham gia vào Hội nghị và các công ước của Hội nghị, thực thi công ước, nâng cao hiệu quả của các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị, đồng thời tăng cường mức độ đáp ứng của Hội nghị với nhu cầu của các nước trong khu vực.
Ban thư ký duy trì liên lạc trực tiếp với các nước thành viên thông qua các cơ quan quốc gia và cơ quan liên lạc được chỉ định. Ban thư ký cũng phát triển liên hệ với các chuyên gia và đại diện của các nước thành viên, với cơ quan trung ương của các quốc gia được chỉ định trong khuôn khổ các công ước cũng như với các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ, với giới học thuật và những người làm thực tiễn. Ban thư ký cũng trả lời các yêu cầu về thông tin của những người sử dụng các công ước của Hội nghị.
Ngân sách cho hoạt động của Hội nghị có từ nguồn niên liễm của các nước thành viên (theo năm tài chính từ ngày 01/7 năm trước đến 30/6 năm kế tiếp) và các khoản đóng góp tự nguyện từ các thành viên, tổ chức, cá nhân khác. Ngân sách được thông qua mỗi năm bởi Hội đồng đại diện ngoại giao của quốc gia thành viên.
Ngôn ngữ chính thức của Hội nghị là tiếng Pháp và tiếng Anh8. Sau Phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách năm 2023, tiếng Tây Ban Nha đã được ghi nhận là ngôn ngữ chính thức tiếp theo của tổ chức, đánh dấu bước phát triển mới của HCCH với tư cách là một tổ chức toàn cầu, có sự tham gia ngày càng đông đảo hơn từ các quốc gia sử dụng ngôn ngữ khác nhau.
2. Các văn kiện của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế
Khoảng giữa năm 1893 và 1904, Hội nghị đã thông qua 07 công ước quốc tế, sau đó, đều đã được thay thế bởi các văn kiện hiện đại hơn. Giữa năm 1951 đến nay, Hội nghị đã thông qua 37 công ước, 02 nghị định thư và 01 văn kiện luật mềm. Các văn kiện này thể hiện thành tựu và nỗ lực của HCCH trong lĩnh vực tư pháp quốc tế. So với các tổ chức “chị em” hoạt động trong cùng lĩnh vực (UNIDROIT - Viện nhất thể hóa luật tư và UNCITRAL - Ủy ban Liên Hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế), HCCH đã tạo ra được nhiều điều ước quốc tế hơn và các điều ước này cũng thu hút số lượng thành viên đông đảo hơn[9]. Không chỉ xây dựng, HCCH còn thiết lập cơ chế để theo dõi, xem xét việc áp dụng các công ước của Hội nghị thông qua các ủy ban đặc biệt và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên muốn tham gia hoặc nâng cao hiệu quả thực thi các điều ước quốc tế. Các công ước chính của HCCH tập trung vào 03 lĩnh vực:
- Bảo vệ trẻ em, quan hệ gia đình và tài sản: Công ước về xung đột pháp luật liên quan đến hình thức di chúc năm 1960 (Công ước di chúc), Công ước về công nhận ly hôn và ly thân năm 1970, Công ước về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế năm 1980 (Công ước bắt cóc trẻ em), Công ước về bảo vệ trẻ em và hợp tác về nuôi con nuôi quốc tế năm 1993 (Công ước con nuôi), Công ước về thẩm quyền, pháp luật áp dụng, công nhận, thi hành và hợp tác về trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em năm 1996 (Công ước bảo vệ trẻ em), Công ước về bảo vệ quốc tế đối với người trưởng thành năm 2000, Công ước về thu hồi quốc tế với các khoản cấp dưỡng trẻ em và các hình thức cấp dưỡng gia đình khác năm 2007 và Nghị định thư năm 2007 về pháp luật áp dụng đối với nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Tố tụng xuyên quốc gia và Apostille: Công ước miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài (Công ước Apostille năm 1961), Công ước tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại năm 1965 (Công ước tống đạt), Công ước thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại năm 1970 (Công ước thu thập chứng cứ), Công ước tiếp cận công lý quốc tế năm 1980, Công ước thỏa thuận lựa chọn Tòa án năm 2005, Công ước về công nhận và thi hành phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại năm 2019 (Công ước phán quyết năm 2019);
- Pháp luật thương mại, tài chính và số hóa quốc tế: Công ước về pháp luật áp dụng đối với tín thác và việc công nhận năm 1985, Công ước về pháp luật áp dụng đối với một số quyền nhất định phát sinh từ chứng khoán được lưu giữ tại tổ chức trung gian năm 2006.
Theo thống kê của Ban thư ký HCCH, tổng số các lượt phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận, gia nhập các công ước của HCCH là 994 lượt, tương đương với việc ký kết 30.997 điều ước quốc tế song phương để thiết lập quan hệ điều ước giữa các quốc gia[10]. Ngay cả khi các công ước của HCCH chưa được phê chuẩn thì chúng cũng có ảnh hưởng nhất định đến các hệ thống pháp luật tại các quốc gia thành viên và không phải thành viên của Hội nghị. Các điều ước còn tạo nguồn tham khảo cho những nỗ lực thống nhất tư pháp quốc tế ở cấp độ khu vực như trong Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) hoặc Liên minh châu Âu (EU).
Hội nghị mới bắt đầu phát triển thêm các văn kiện luật mềm khác để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thực tiễn (chẳng hạn như Bộ quy tắc về pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế). Ở khía cạnh này, HCCH có ít kinh nghiệm hơn so với các tổ chức “chị em” của mình nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến hiệu quả của văn kiện luật mềm do HCCH xây dựng. Bộ quy tắc vẫn được xác định là một trong những văn kiện cơ bản của Hội nghị[11] và được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao, trở thành nguồn tài liệu để sửa đổi tư pháp quốc tế của nhiều quốc gia trong lĩnh vực này[12].
Ngoài ra, Hội nghị đang tiếp tục bàn về những phát triển mới của tư pháp quốc tế và tiến hành các nghiên cứu khả thi về các vấn đề như quan hệ cha mẹ con xuyên quốc gia, kinh tế số, thẩm quyền của Tòa án… Các nghiên cứu và hoạt động được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm phù hợp và tránh chồng lấn với hoạt động do các tổ chức quốc tế khác (như Viện nhất thể hóa luật tư UNIDROIT, Ủy ban Liên Hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế UNCITRAL, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)…) đang tiến hành. Trong những năm gần đây, Hội nghị quan tâm hơn đến ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức và hoạt động của Ban thư ký cũng như trong áp dụng các Công ước của Hội nghị, bao gồm: Dự án e-APP (cấp dấu Apostille điện tử), tống đạt điện tử các văn bản tố tụng…
Lợi thế lớn nhất của HCCH là mạng lưới toàn cầu chấp nhận sự đa dạng của các hệ thống pháp luật và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp quốc tế. Thành tựu của HCCH được thể hiện trong những đổi mới, sáng tạo thích hợp với thời đại, có sức ảnh hưởng rộng lớn, lan tỏa trong lĩnh vực tư pháp quốc tế trên toàn thế giới[13]. Hans Van Loon - Cựu Tổng thư ký của HCCH đã tổng kết các điểm cách tân này bao gồm: (i) Giới thiệu khái niệm nơi thường trú (habitual residence) với tư cách là hệ thuộc xác định pháp luật áp dụng và thẩm quyền; (ii) Quan tâm đến kết quả về nội dung thực chất để xác định được hệ thuộc luật phù hợp; (iii) Thừa nhận quyền tự quyết/tự do thỏa thuận của các bên, đặc biệt trong lĩnh vực hợp đồng thương mại quốc tế; (iv) Giới thiệu ngoại lệ trật tự công hạn chế, nhấn mạnh tính chất “mở” của tư pháp quốc tế; (v) Thiết lập kênh liên hệ trực tiếp để hợp tác hành chính và tư pháp trong thực thi các điều ước quốc tế của HCCH[14].
Mặc dù vậy, các công ước thành công nhất của HCCH chủ yếu giải quyết các vấn đề về hợp tác pháp luật, gia đình và trẻ em, chưa mở rộng ra toàn bộ 03 lĩnh vực hoạt động chính[15]. Sự mở rộng của tổ chức cũng mang lại những thách thức như: Khó đạt được sự đồng thuận khi ra quyết định, những xung đột chia rẽ chính trị có thể ảnh hưởng đến việc áp dụng các công ước của Hội nghị cũng như những hoạt động chung, gánh nặng tài chính gia tăng do các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các nước thành viên đang và kém phát triển cần nhiều kinh phí hơn, việc bổ sung ngôn ngữ mới cũng tác động không nhỏ đến ngân sách. Hoạt động lâu dài của tổ chức trong phạm vi chuyên môn hẹp dẫn đến thiếu hụt ý tưởng khả thi cho các dự án lập pháp mới… Trước những thách thức này, Hội nghị vẫn tiếp tục xem xét định hướng lâu dài của mình trong giai đoạn tới đây, đó là vừa tiếp tục xây dựng các điều ước quốc tế, vừa mở rộng soạn thảo các luật mềm (hướng dẫn, luật mẫu, quy tắc…), đồng thời cho phép bỏ phiếu để ra quyết định trong một số trường hợp không thể đạt đồng thuận.
Hơn một thế kỷ qua, trải bao thăng trầm của lịch sử, HCCH vẫn tồn tại và chứng minh vị thế của mình trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, trở thành cầu nối để các hệ thống pháp luật trên thế giới xích lại gần nhau, mang đến những lợi ích thực chất cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia vào các quan hệ dân sự xuyên biên giới. Để trở nên hiệu quả hơn trong một thế giới ngày càng kết nối, HCCH đang cố gắng cải tổ cách thức vận hành của mình, thu hút thêm nhiều thành viên, khuyến khích sự tham gia tích cực của các thành viên vào hoạt động chung của tổ chức. Hy vọng rằng, những nỗ lực không ngừng sẽ giúp HCCH tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực tư pháp quốc tế và đóng góp nhiều hơn nữa cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc[16], vì một thế giới tốt đẹp hơn.
ThS. Hoàng Ngọc Bích
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. Các thông tin về HCCH trên trang thông tin điện tử https://www.hcch.net/en/home.
[2]. https://www.hcch.net/en/about.
[3]. Lịch sử của tổ chức tại địa chỉ https://www.hcch.net/en/about/history.
[4]. https://www.hcch.net/en/states/hcch-members, truy cập ngày 26/4/2023.
[5]. Ví dụ: Cách thức tổ chức phiên ngoại giao vẫn phụ thuộc nhiều vào thực tiễn hoạt động của tổ chức.
[6]. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các phiên ngoại giao toàn thể để xây dựng các công ước của Hội nghị không được tiến hành thường xuyên. Phiên ngoại giao gần nhất năm 2019 là phiên thứ 22 thông qua Công ước về công nhận và thi hành phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại cách phiên liền trước tới 12 năm. Hội nghị đang nỗ lực để khôi phục lại chu kỳ 04 năm của các phiên ngoại giao nhằm cải thiện hoạt động lập pháp của mình.
[7]. Trong ba năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động của HCCH phải chuyển sang hình thức họp trực tuyến. Trong năm 2023, nhiều hoạt động đã được tổ chức trực tiếp trở lại nhưng một số hoạt động trực tuyến vẫn được duy trì để tăng cường thêm các kênh tương tác, đồng thời tiết kiệm chi phí cho tổ chức.
[8]. Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức của HCCH vào khoảng năm 1964 theo đề nghị của Vương quốc Anh. Hiện nay, tiếng Anh lại trở nên phổ biến hơn trong các hoạt động của Hội nghị, nhiều hội nghị, hội thảo, phiên họp được tổ chức chỉ bằng tiếng Anh (trong điều kiện hạn chế về phiên dịch) và các tài liệu tiếng Anh cũng thường được chuẩn bị sớm hơn so với tài liệu tiếng Pháp.
[9]. HCCH có 12 điều ước với số lượng thành viên trên 20. UNIDROIT hay UNCITRAL cũng xây dựng các điều ước quốc tế nhưng tập trung hơn vào các quy phạm thực chất để giải quyết vấn đề xung đột pháp luật. Tuy nhiên, UNIDROIT mới xây dựng được 15 điều ước (11 công ước và 04 nghị định thư), trong đó, thành công nhất là 03 điều ước: Công ước về quyền lợi quốc tế với trang thiết bị di động (86 thành viên), Nghị định thư về tàu bay của Công ước Cape Town (83 thành viên), Công ước về các văn hóa phẩm bị đánh cắp hoặc xuất khẩu bất hợp pháp (54 thành viên), Công ước về hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường bộ (58 thành viên). UNCITRAL chủ trì xây dựng 12 điều ước, trong đó, thành công nhất cũng là 04 điều ước: Công ước New York về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (172 quốc gia thành viên), Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (95 quốc gia thành viên), Công ước về thời hiệu trong mua bán hàng hóa quốc tế (30 quốc gia thành viên), Công ước về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển (Quy tắc Hamburg - 35 thành viên). Các công ước còn lại của cả hai tổ chức này đều chỉ có khoảng xấp xỉ 10 thành viên hoặc ở tình trạng chưa có hiệu lực.
Xem thông tin trên trang điện tử chính thức của HCCH, UNCITRAL, UNIDROIT: https://www.hcch.net/ en/instruments/conventions;http://www.uncitral.org/uncitral/en/uncitral_texts.html; http://www.unidroit.org/instruments/, truy cập ngày 22/4/2023.
[10]. Số liệu trong bài trình bày của ông Christophe Bernasconi - Tổng thư ký HCCH tại Diễn đàn pháp luật ASEAN năm 2022 tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 17/11/2022.
[11]. Danh sách các văn kiện chính của HCCH có tại địa chỉ https://www.hcch.net/en/instruments/conventions
Kết luận và khuyến nghị của Hội đồng các vấn đề chung và chính sách năm 2022, đoạn 48,
https://assets.hcch.net/docs/e4f07d85-7a2e-4105-970c-1bd93ea6186d.pdf, truy cập ngày 24/4/2023.
[12]. Xem UNCITRAL Endorses the Hague Principles (UNCITRAL ủng hộ Bộ quy tắc La Hay), ngày 08/7/2015,
https://www.hcch.net/de/news-archive/details/?varevent=414, truy cập ngày 25/4/2023.
ICC appeals to authorities to strengthen legal certainty for international contracts by implementing the newly approved Hague Principles (ICC đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nâng cao tính chắc chắn về mặt pháp lý cho hợp đồng thương mại quốc tế bằng cách áp dụng Bộ quy tắc La Hay mới được thông qua), ngày 04/11/2015,
https://iccwbo.org/news-publications/news/icc-appeals-to-authorities-to-strengthen-legal-certainty-for-international-contracts-by-implementing-the-newly-approved-hague-principles/, truy cập ngày 25/4/2023.
Paraguay Promulgates the Law based on the Draft Hague Principles on Choice of Law in International Commercial Contracts (Paraguay phổ biến Luật dựa trên dự thảo Bộ quy tắc La Hay về lựa chọn pháp luật trong hợp đồng thương mại quốc tế), ngày 20/01/2015, https://www.hcch.net/en/news-archive/details/?varevent=392, truy cập ngày 25/4/2023.
[13]. Christophe Bernasconi - The HCCH: A Constant in a World of Change (HCCH: Không đổi trong một thế giới biến đổi) - Diplomat Magazine, ngày 06/12/2020, https://diplomatmagazine.eu/2020/12/06/the-hcch-a-constant-in-a-world-of-change/, truy cập ngày 25/4/2023.
[14]. Hans Van Loon - The Global Horizon of Private International Law (Chân trời toàn cầu của tư pháp quốc tế) - Nxb. Brill Nijhoff, 2016, tr. 31 - 36.
[15]. Các công ước thành công nhất điều chỉnh các lĩnh vực: (i) Miễn hợp pháp hóa lãnh sự (Apostille); (ii) Tống đạt giấy tờ; (iii) Thu thập chứng cứ; (iv) Tiếp cận công lý; (v) Các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế; (vi) Nuôi con nuôi quốc tế; (vii) Xung đột pháp luật liên quan đến hình thức của di chúc; (viii) Nghĩa vụ cấp dưỡng; (ix) Công nhận ly hôn.
[16]. Xem: Gérardine Goh Escolar (First Secretary) - Statement of the Hague Conference on private international law at the Sixth Committee of the 74th Session of the United Nations General Assembly [Bài phát biểu của HCCH tại Ủy ban 6 trong phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc], ngày 11/10/2019, https://www.un.org/en/ga/sixth/74/pdfs/statements/rule_of_law/hcch.pdf.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 381), tháng 5/2023)