1. Khái quát về nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc
Phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tại Trung Quốc mang lại kết quả ấn tượng với tốc độ tăng GDP trong khoảng 4 thập niên liên tiếp (tính từ năm 1978 khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành chủ trương cải cách, mở cửa) ở mức 9 - 11%/năm. Từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới và từ năm 2011, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng ngày càng tham gia tích cực hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Theo Báo cáo tại Đại hội XX (ngày 16/10/2022) của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tính từ Đại hội XVIII (năm 2012) đến Đại hội XX, GDP của Trung Quốc tăng từ 54.000 tỷ NDT lên 114.000 tỷ NDT[2], chiếm 18,5% GDP toàn cầu (tăng 7,2%), đứng ở vị trí thứ hai trên thế giới (sau Hoa Kỳ). GDP bình quân đầu người cũng đã tăng từ 39.800 NDT/năm lên 81.000 NDT/năm. Tỷ lệ đô thị hóa tăng 11,6%, đạt tới 64,7%. Quy mô ngành sản xuất và dự trữ ngoại tệ đứng đầu thế giới. Đã xây dựng hoàn thành mạng lưới đường sắt cao tốc, mạng lưới đường bộ cao tốc lớn nhất thế giới, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển, thủy lợi, năng lượng, thông tin... đều thu được thành tựu quan trọng[3].
Càng đi sâu vào cải cách, đổi mới, nhất là khi Trung Quốc chính thức tuyên bố áp dụng mô hình nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trong Hiến pháp (lần sửa đổi, bổ sung vào năm 1993), nhu cầu quản trị đất nước theo pháp luật càng trở nên cấp thiết. Năm 1999, Hiến pháp Trung Quốc được sửa đổi, bổ sung bằng việc chính thức ghi nhận nội dung tại Điều 5 về chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa[4]. Kể từ đó, pháp quyền với nghĩa tất cả các cơ quan nhà nước, các lực lượng vũ trang, các đảng phái chính trị, các tổ chức công, các doanh nghiệp và các thiết chế đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; mọi hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật đều phải được điều tra, xử lý; không tổ chức, cá nhân nào có đặc quyền đứng trên Hiến pháp hoặc pháp luật đã trở thành nguyên tắc hiến định[5].
Nghị quyết ngày 11/11/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về “Những thành tựu chủ yếu và kinh nghiệm lịch sử của Đảng trong một thế kỷ qua”[6] cho rằng, kể từ khi tiến hành đường lối cải cách và mở cửa, Đảng đã chủ trương việc quản trị dựa trên pháp luật và kiên trì thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc cam kết thực thi lý thuyết pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc; thực thi quyền lực nhà nước dựa trên pháp luật và quản trị chính quyền dựa trên pháp luật; thúc đẩy phát triển đất nước, phát triển chính quyền và xã hội dựa trên pháp quyền; thúc đẩy toàn diện ý thức của nhân dân về nhu cầu tôn trọng, nghiên cứu và tuân thủ pháp luật, cùng việc nâng cao khả năng của nhân dân trong sử dụng pháp luật. Đại hội XX (năm 2022) của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục chủ trương “kiên trì quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện, thúc đẩy xây dựng Trung Quốc pháp quyền”. Theo đó, “xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa toàn diện trên quỹ đạo pháp quyền”, kiên trì “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xoay quanh đảm bảo và thúc đẩy công bằng, chính nghĩa của xã hội, kiên trì thúc đẩy quản lý đất nước theo pháp luật, cầm quyền theo pháp luật, quản lý hành chính theo pháp luật, kiên trì xây dựng song song Nhà nước pháp quyền, chính phủ pháp quyền, xã hội pháp quyền, thúc đẩy lập pháp khoa học, hành pháp nghiêm minh, tư pháp công bằng, toàn dân tuân thủ pháp luật, thúc đẩy pháp trị hóa các công việc của nhà nước”, “đẩy nhanh xây dựng xã hội pháp quyền”[7].
2. Xử lý mối quan hệ giữa phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc
2.1. Trung Quốc đã không ít lần sửa đổi một số quy định của Hiến pháp để ngày càng thích ứng tốt hơn với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa
Năm 1982, Trung Quốc đã ban hành bản Hiến pháp mới, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện chủ trương “cải cách, mở cửa” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định từ năm 1978, chính thức thừa nhận vai trò bổ trợ của thị trường và cho phép các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức kinh tế nước ngoài và người nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc. Tất nhiên, khuôn khổ Hiến pháp “hạn hẹp” ấy chẳng bao lâu đã tỏ ra không phù hợp khi nền kinh tế Trung Quốc ngày càng hội nhập sâu với cộng đồng quốc tế, cùng với đó là sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. Phản ánh và hợp pháp hóa những chuyển biến thực tiễn này, từ năm 1982 tới năm 2023, Trung Quốc đã 05 lần sửa đổi Hiến pháp (vào các năm 1988, 1993, 1999, 2004 và 2018) trong đó, 04 lần sửa đổi đầu tiên chủ yếu là các sửa đổi liên quan tới các quy định về vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể: Trong lần sửa đổi thứ nhất (ngày 12/4/1988), Hiến pháp Trung Quốc bổ sung quy định “Nhà nước cho phép khu vực kinh tế tư nhân tồn tại và phát triển trong giới hạn mà pháp luật quy định”. Trong lần sửa đổi thứ hai (ngày 29/3/1993), thuật ngữ “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” chính thức được hiến định, lấy thị trường (thay cho kế hoạch) là công cụ cơ bản phân bổ nguồn lực trong xã hội. Trong lần sửa đổi thứ ba (ngày 15/3/1999), vị thế “thành tố chủ yếu” của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa chính thức được Hiến pháp ghi nhận (Điều 11). Trên thực tế, phát triển kinh tế tư nhân của Trung Quốc, đến năm 2001, lần đầu tiên đã có doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc mua được doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài. Đến năm 2004, tập đoàn kinh tế tư nhân của Trung Quốc (Lenovo Group) đã mua được một công ty con của Tập đoàn IBM[8]. Trong lần sửa đổi thứ tư (ngày 14/3/2004), Hiến pháp Trung Quốc chính thức quy định “quyền tư hữu hợp pháp của công dân là bất khả xâm phạm”. Như vậy, có thể thấy, với những lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp gần đây nhất, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc đã được minh định theo hướng, Nhà nước tôn trọng và bảo hộ khu vực kinh tế tư nhân, coi khu vực kinh tế tư nhân là thành tố chủ yếu của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mà Nhà nước có trách nhiệm “khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn… giám sát và kiểm tra”. Ngoài ra, Nhà nước cũng cam kết thiết lập hệ thống an sinh xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế trong từng giai đoạn.
2.2. Trung Quốc quan tâm hoàn thiện hệ thống các luật để thúc đẩy sự phát triển và vận hành lành mạnh của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa
Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống các luật[9] và văn bản dưới luật khá đồ sộ, tạo thành một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện trên các lĩnh vực.
Tình hình ban hành các luật của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc[10]:
Khóa Quốc hội |
Số luật được ban hành |
Số luật được sửa đổi |
Tổng số luật được ban hành hoặc sửa đổi |
Tỷ lệ % số luật được sửa đổi |
Quốc hội Khóa V (1978 - 1983) |
34 |
4 |
38 |
10,5 |
Quốc hội Khóa VI (1983 - 1988) |
37 |
5 |
42 |
11,9 |
Quốc hội Khóa VII (1988 - 1993) |
44 |
6 |
50 |
12 |
Quốc hội Khóa VIII (1993 - 1998) |
62 |
17 |
79 |
21,5 |
Quốc hội Khóa IX (1998 - 2003) |
35 |
41 |
76 |
53,9 |
Quốc hội Khóa X (2003 - 2008) |
31 |
42 |
73 |
57,5 |
Quốc hội Khóa XI (2008 - 2013) |
4 |
56 |
60 |
93,3 |
Quốc hội Khóa XII (2013 - 2018) |
22 |
107 |
129 |
82,9 |
Tổng số |
269 |
278 |
547 |
50,8 |
Các lĩnh vực pháp luật chủ yếu trong hệ thống pháp luật đều có nhiều bước phát triển và hoàn thiện[11]. Về lĩnh vực Luật Hiến pháp, cùng với Hiến pháp năm 1982 (sửa đổi, bổ sung nhiều lần như đã đề cập ở trên), Trung Quốc đã ban hành nhiều đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc vụ viện, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và chính quyền nhân dân địa phương các cấp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các luật về vùng tự trị hoặc đặc khu hành chính như: Luật tự trị của dân tộc thiểu số, Luật cơ bản về đặc khu hành chính Hong Kong, Luật cơ bản về đặc khu hành chính Macao, Luật Tổ chức các ủy ban thôn làng, Luật Tổ chức các ủy ban cư dân đô thị. Các đạo luật về quyền chính trị cơ bản bao gồm: Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật về hội họp, mít tinh và biểu tình; Luật Quốc tịch; Luật Bảo vệ quyền lợi phụ nữ; Luật bảo vệ người khuyết tật; Luật bảo vệ người chưa thành niên; Luật Công đoàn[12].
Pháp luật hành chính của Trung Quốc đã ghi nhận những nguyên tắc rất quan trọng phản ánh đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, trong đó, phải kể tới các nguyên tắc: (i) Mọi thẩm quyền của cơ quan hành chính đều có nguồn gốc từ quy định của pháp luật; (ii) Mọi hành vi hành chính đều phải tuân theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định[13]; (iii) Công bằng (không bị phân biệt đối xử bất hợp lý) và công khai (mọi hành vi hành chính đều phải tiến hành một cách công khai, trừ trường hợp pháp luật quy định phải thực hiện bằng phương thức bí mật)[14]; (iv) Giám sát hiệu quả[15]. Trung Quốc cũng ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 1994, Luật về phạt hành chính năm 1996, Luật về khiếu nại hành chính năm 1999.
Với lĩnh vực pháp luật dân sự và thương mại, Trung Quốc không ban hành Bộ luật Thương mại riêng mà chỉ có Bộ luật Dân sự năm 2020 điều chỉnh chung các quan hệ hợp đồng. Bộ luật Dân sự bao gồm các quy định về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa các chủ thể bình đẳng nhau về địa vị pháp lý, nhất là các quy định về sở hữu, hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hôn nhân và gia đình, thừa kế… Trước đó, năm 1980, Trung Quốc ban hành Luật Gia đình (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Năm 1985, Trung Quốc ban hành Luật Thừa kế. Năm 1986, Trung Quốc ban hành “Những nguyên tắc chung của pháp luật dân sự”. Năm 1991, Trung Quốc ban hành Luật Nuôi con nuôi (được sửa đổi, bổ sung năm 1998). Năm 1999, Trung Quốc ban hành Luật Hợp đồng và Luật Đấu thầu. Năm 2007, Trung Quốc ban hành Luật về vật quyền (Luật về quyền tài sản). Năm 2009, Trung Quốc ban hành Luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Năm 2010, Trung Quốc ban hành Luật về áp dụng pháp luật đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Năm 2017, Trung Quốc ban hành Các quy định chung của pháp luật dân sự. Các văn bản kể trên đã ghi nhận những nguyên tắc rất quan trọng của pháp luật dân sự hiện đại, bao gồm: (i) Nguyên tắc bình đẳng về địa vị pháp lý của các chủ thể trong quan hệ dân sự; (ii) Nguyên tắc tự nguyện/tự do hợp đồng; (iii) Nguyên tắc công bằng; (iv) Nguyên tắc trung thực, thiện chí; (v) Nguyên tắc không lạm dụng quyền; (vi) Nguyên tắc tuân thủ pháp luật; (vii) Nguyên tắc tôn trọng chính sách công và đạo đức tốt đẹp; (viii) Nguyên tắc xanh (bảo vệ môi trường)[16]. Trung Quốc ban hành Bộ luật Hàng hải năm 1992, Luật Công ty năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 1999, 2004 và 2005), Luật về các công cụ chuyển nhượng năm 1995 (sửa đổi, bổ sung năm 2004), Luật Bảo hiểm năm 1995 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, sau đó được thay thế bởi Luật Bảo hiểm năm 2009, rồi tiếp tục được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và 2015), Luật về doanh nghiệp hợp danh năm 1997, Luật Chứng khoán năm 1998 (được thay thế bởi Luật Chứng khoán năm 2005, sửa đổi, bổ sung vào năm 2013 và 2014; sau đó, được thay thế bởi Luật Chứng khoán năm 2019), Luật về doanh nghiệp một chủ là cá nhân năm 1999, Luật Tín thác năm 2001, Luật Quỹ đầu tư chứng khoán năm 2003 và Luật Phá sản doanh nghiệp năm 2006 (thay cho Luật Phá sản năm 1986). Với lĩnh vực luật kinh tế, Trung Quốc đã ban hành Luật về chất lượng sản phẩm năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2000 và 2018), Luật An toàn thực phẩm năm 2009 (sửa đổi, bổ sung năm 2015, 2018 và 2021), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2013), Luật Kế toán năm 1985 (được sửa đổi, bổ sung năm 1993 và năm 1999), Luật Kiểm toán năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2006), Luật Đấu thầu năm 1999, Luật Đấu giá năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2004 và năm 2015), Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 và năm 2019), Luật Chống độc quyền năm 2007, Luật Quảng cáo năm 1994 (được thay thế bởi Luật Quảng cáo năm 2015), Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế đối với phương tiện giao thông, Luật Thuế Bảo vệ môi trường, Luật Ngân hàng thương mại năm 1995 (sửa đổi, bổ sung năm 2003 và năm 2015)… Với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Trung Quốc đã ban hành Luật về nhãn hiệu năm 1982 (sửa đổi, bổ sung năm 1993 và 2001 để đáp ứng yêu cầu trong Hiệp định TRIPS khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); sau đó, Luật này được sửa đổi, bổ sung vào năm 2013), Luật về sáng chế năm 1984 (sửa đổi, bổ sung năm 1992, 2000 và 2008), Luật về bản quyền năm 1991 (sửa đổi, bổ sung năm 2001 và 2010), Quy định về bảo vệ phần mềm máy tính năm 2002, Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh năm 1993 (trong đó có các quy định về bảo vệ bí mật thương mại) (được thay thế bởi Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh năm 2017 và được sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Riêng lĩnh vực đầu tư nước ngoài, năm 1979, Trung Quốc ban hành Luật về liên doanh cổ phần (sửa đổi, bổ sung năm 1990 và 2001). Năm 1986, Trung Quốc ban hành Luật về doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (sửa đổi, bổ sung năm 1990 và 2001). Năm 1988, Trung Quốc ban hành Luật về liên doanh dựa trên hợp đồng (sửa đổi, bổ sung năm 2000).
Trung Quốc ban hành Luật Hình sự năm 1979 trong đó có quy định việc áp dụng tương tự pháp luật trong lĩnh vực hình sự. Tuy nhiên, năm 1997, Luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung một cách căn bản, trong đó bãi bỏ quy định về áp dụng tương tự trong lĩnh vực hình sự[17], quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, đồng thời bổ sung nhiều tội danh mới trong lĩnh vực kinh tế (trong đó có quy định các tội danh về sở hữu trí tuệ từ Điều 140 đến Điều 149, từ Điều 213 đến Điều 220 để đáp ứng cam kết với Hoa Kỳ về tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ)[18]. Luật Hình sự năm 1997 của Trung Quốc có 452 điều. Từ đó đến nay, Luật Hình sự cũng được sửa đổi, bổ sung 11 lần, trong đó có lần gần đây nhất là năm 2020. Với những sửa đổi, bổ sung này, các quy định của pháp luật hình sự Trung Quốc ngày càng phản ánh nhiều hơn các yêu cầu, giá trị của pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, trong đó phải kể tới việc ghi nhận những nguyên tắc cơ bản sau trong Luật Hình sự Trung Quốc hiện hành: (i) Nguyên tắc pháp chế; (ii) Nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật hình sự; (iii) Nguyên tắc cân xứng (giữa mức và loại hình phạt với những thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra cho xã hội)[19].
Cũng từ khi triển khai đường lối cải cách, mở cửa năm 1978, Trung Quốc quan tâm hoàn thiện các quy định tố tụng, qua đó, cải thiện quy trình ra quyết định của tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân). Cụ thể: Năm 1979, Trung Quốc ban hành Luật Tố tụng hình sự với 164 điều. Luật này được sửa đổi, bổ sung lần đầu vào năm 1996 (với việc lần đầu tiên nguyên tắc “giả định vô tội” được quy định trong Luật Tố tụng hình sự của Trung Quốc). Với lần sửa đổi này, có 110 nội dung sửa đổi, bổ sung và số điều của Luật được nâng lên 225 điều. Trong lần sửa đổi, bổ sung thứ hai vào năm 2012, có 60 nội dung được sửa đổi, bổ sung, nâng số điều của Luật này từ 225 điều lên 290 điều. Năm 1982, Trung Quốc ban hành quy định tạm thời về tố tụng dân sự với 205 điều và năm 1991, Luật Tố tụng dân sự được chính thức ban hành với 270 điều. Luật này được sửa đổi, bổ sung lần đầu vào năm 2007 với 19 nội dung được sửa đổi, bổ sung, nâng số điều của Luật lên 268 điều. Năm 2012, đạo luật này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung (với 60 nội dung được sửa đổi, bổ sung), nâng số điều của Luật này lên 284 điều. Năm 2017, đạo luật này được sửa đổi, bổ sung lần thứ ba với việc bổ sung 01 điều luật (Điều 55), nâng tổng số điều hiện tại của Luật này là 285 điều. Năm 1990, Trung Quốc ban hành Luật Tố tụng hành chính[20]. Năm 1995, Trung Quốc ban hành Luật Trọng tài[21]. Ngoài ra, Trung Quốc còn ban hành một số văn bản điều chỉnh hoạt động hòa giải[22] (như Quy định chung tạm thời về các Ủy ban hòa giải nhân dân năm 1954; các Quy tắc tổ chức Ủy ban hòa giải nhân dân năm 1989; Hướng dẫn về các quy định liên quan tới công việc của Ủy ban hòa giải nhân dân do Bộ Tư pháp ban hành năm 2002).
2.3. Kiên định vai trò dẫn dắt và định hướng nền kinh tế bằng các doanh nghiệp nhà nước
Chuyển sang nền kinh tế thị trường, thực hiện mở cửa, hội nhập từ một nền kinh tế kế hoạch hóa trong đó khu vực kinh tế quốc doanh và tập thể chi phối hầu như toàn bộ nền kinh tế, Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Năm 1980, các xí nghiệp quốc doanh ở Trung Quốc thống lĩnh toàn bộ nền kinh tế, nhất là ở khu vực công nghiệp và đô thị, tuyển dụng tới 80,19 triệu người làm công (bằng khoảng 76,2% số người trong độ tuổi lao động tại các đô thị), tạo ra 86,3% tổng thu ngân sách nhà nước (phần còn lại là do khu vực kinh tế tập thể[23] đóng góp khoảng 13,2% trong khi khu vực kinh tế tư nhân chỉ đóng góp có 0,5%). Trong thực tế, Trung Quốc đã có chiến lược riêng của mình để thực hiện công việc này. Trong giai đoạn đầu (từ năm 1979 đến năm 1997), Trung Quốc không tiến hành ồ ạt tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước mà trước tiên, Trung Quốc tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được phát triển, tạo áp lực cạnh tranh đối với chính khu vực kinh tế quốc doanh. Trong giai đoạn đó, việc thành lập mới doanh nghiệp nhà nước (xí nghiệp quốc doanh) được kiểm soát chặt chẽ, trong khi việc thành lập doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích bằng các chính sách ưu đãi thuế. Vào cuối năm 1995, khu vực kinh tế quốc doanh vẫn đóng góp tới 71,4% tổng thu ngân sách (cùng với khu vực kinh tế tập thể đóng góp 17,2% tổng thu ngân sách), khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp được 11,3% tổng thu ngân sách. Vào năm 1997, khu vực kinh tế quốc doanh đóng góp 41,9% GDP trong khi khu vực kinh tế tập thể đóng góp 33,9% và khu vực kinh tế tư nhân cùng với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp 24,3% GDP. Cũng vào thời điểm đó, khu vực kinh tế quốc doanh đóng góp 26,5% tổng giá trị sản lượng công nghiệp, khu vực kinh tế tập thể đóng góp 40,5% tổng giá trị sản lượng công nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp được 15,9% và phần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 17% tổng giá trị sản lượng công nghiệp[24].
Hiện nay, Nhà nước Trung Quốc vẫn duy trì một tỷ lệ đáng kể các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nắm giữ các vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân. Sau hơn 1 thập kỷ cải cách doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước (nhất là doanh nghiệp do trung ương quản lý) đã trở thành “trái tim” của nền kinh tế Trung Quốc và là động lực cơ bản thúc đẩy các chiến lược phát triển quốc gia. Doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò thống lĩnh trong những ngành công nghiệp chiến lược như hàng không vũ trụ, đường sắt tốc độ cao, hàng không, công nghiệp quốc phòng, viễn thông, các lĩnh vực liên quan tới an ninh quốc gia hoặc lĩnh vực liên quan tới đời sống dân sinh thiết yếu như xăng dầu, hóa dầu, điện, giao thông, khai mỏ. Doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt cao tốc và hàng không vũ trụ được xem là nắm được những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Hệ thống truyền tải điện của Trung Quốc cũng được đánh giá có mức an toàn và hiệu quả cao trên thế giới[25].
2.4. Phát huy vai trò của Nhà nước trong khắc phục một số hạn chế của cơ chế thị trường, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường
Sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc không chỉ mang lại những điều tích cực mà kéo theo đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, trong đó có tình trạng chênh lệch giàu - nghèo (phát triển tập trung quá mức ở các thành phố ven biển như Quảng Đông, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiên Tân nhưng khu vực nông thôn, nhất là vùng miền Tây Trung Quốc lại rất kém phát triển; hiện nay, Trung Quốc có khoảng 150 triệu lao động di cư), ô nhiễm môi trường, khiếu kiện đông người, bất công xã hội[26]. Để giải quyết các vấn đề xã hội, Chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực cụ thể trong việc hoàn thiện tư duy tiếp cận các vấn đề xã hội cũng như trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan. Giai đoạn từ năm 1990 đến năm 1999, Trung Quốc ban hành 10 đạo luật có nội dung trực tiếp điều chỉnh về an sinh xã hội, trong đó phải kể tới: Luật Bảo vệ người khuyết tật năm 1990, Luật Bảo vệ người chưa thành niên năm 1991, Luật Công đoàn năm 1992, Luật Bảo vệ quyền lợi của phụ nữ năm 1992, Luật An toàn mỏ năm 1992, Luật về hội chữ thập đỏ năm 1993, Luật Lao động năm 1994, Luật Bảo vệ quyền lợi người cao tuổi năm 1996, Luật Phòng ngừa vi phạm pháp luật của người chưa thành niên năm 1999, Luật về quyên góp cho mục đích phúc lợi công năm 1999. Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, Trung Quốc ban hành thêm các đạo luật quan trọng khác như Luật về phòng, chống bệnh nghề nghiệp năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2011 và 2016), Luật An toàn lao động năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2014 và 2021), Luật Hợp đồng lao động năm 2007, Luật Thúc đẩy việc làm năm 2007, Luật Hòa giải và trọng tài tranh chấp lao động năm 2007, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2010, Luật Bảo hiểm nhân sự quốc phòng năm 2012, Luật Sức khỏe tâm thần năm 2012… Từ ngày 01/7/2011, Luật Bảo hiểm xã hội của Trung Quốc (ban hành ngày 28/10/2010) chính thức có hiệu lực. Trên cơ sở kế thừa các quy định trước đó về chế độ bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2010 của Trung Quốc quy định rõ cơ chế hình thành và cách thức vận hành năm loại hình bảo hiểm xã hội: (i) Hưu trí cho người già; (ii) Bảo hiểm y tế cơ bản; (iii) Bảo hiểm lao động nghề nghiệp; (iv) Bảo hiểm thất nghiệp; (v) Bảo hiểm thai sản.
Về vai trò bảo vệ môi trường của Nhà nước, ngay từ thập niên 80 của thế kỷ XX, các đạo luật về bảo vệ môi trường đã được ban hành, trong số đó phải kể tới Luật Bảo vệ môi trường năm 1979 (sửa đổi, bổ sung năm 1989 và được ban hành mới vào năm 2014), Luật Kiểm soát ô nhiễm thủy sản năm 1982 (sửa đổi, bổ sung năm 1999), Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí năm 1984 (sửa đổi, bổ sung năm 1996 và 2008), Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí năm 1987 (sửa đổi, bổ sung năm 1995 và 2000), Luật Kiểm soát chất thải rắn năm 1995 (sửa đổi, bổ sung năm 2004), Luật Kiểm soát tiếng ồn năm 1997, Luật Đánh giá tác động môi trường[27] năm 2002, Luật Khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn năm 2008, Luật về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước năm 2008… Các đạo luật kể trên được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung theo chủ trương bảo vệ môi trường trong các giai đoạn khác nhau, theo đó, giai đoạn những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu theo đuổi quan điểm về “phát triển bền vững” (với việc nâng cấp dần Cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia từ cấp cơ quan thuộc Chính phủ vào năm 1993 lên cơ quan thuộc Chính phủ vào năm 1998), giai đoạn những năm 2000, Trung Quốc theo đuổi “quan điểm phát triển dựa trên khoa học” (trong giai đoạn này, năm 2008, Cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia đã được đổi tên thành Bộ Môi trường) và giai đoạn những năm 2010, Trung Quốc (nhất là sau Đại hội XVIII vào năm 2012) theo đuổi quan điểm xây dựng “văn minh sinh thái” (trong giai đoạn này, từ năm 2016, Trung Quốc đã xây dựng và áp dụng bộ chỉ số phát triển xanh, thực hiện kiểm toán môi trường; vào năm 2018, Bộ Môi trường được đổi tên thành Bộ Môi trường và Sinh thái)[28]. Các đạo luật kể trên đã đề cao nguyên tắc phòng ngừa, ghi nhận nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, cung cấp cơ sở pháp lý cần thiết để thiết lập cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia, thiết lập hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường, các loại giấy phép môi trường và hệ thống giám sát sự tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của cá nhân, tổ chức (nhất là doanh nghiệp).
3. Kết luận
Thứ nhất, quá trình cải cách, mở cửa của Trung Quốc cho thấy, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa không miễn nhiễm với những mặt trái của cơ chế thị trường (ví dụ: Bất ổn kinh tế vĩ mô, phân hóa giàu - nghèo, thông tin bất cân xứng, độc quyền hóa, ô nhiễm môi trường…). Càng thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường (để khai thác khả năng giải phóng năng lực sản xuất, giải phóng lực lượng sản xuất, năng động hóa đời sống kinh tế), thì Đảng và Nhà nước phải hết sức lưu ý thiết kế và thực thi các giải pháp xử lý các mặt trái của cơ chế thị trường.
Thứ hai, quá trình cải cách, mở cửa của Trung Quốc, cùng với việc xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đã đặt ra yêu cầu khách quan về việc thiết lập một hệ thống pháp luật (với Hiến pháp là đạo luật nền tảng, có hiệu lực pháp lý cao nhất) ngày càng hoàn thiện. Tuy công việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Trung Quốc có tính chất tiệm tiến (chứ không phải việc thực hiện những cải cách mang liệu pháp sốc), nhưng tính hệ thống của pháp luật Trung Quốc ngày càng được củng cố. Qua thời gian, hệ thống pháp luật ấy ngày càng hoàn thiện cả về độ bao phủ của các đạo luật lẫn chất lượng của các đạo luật. Trong thực tế, Trung Quốc đã rất quan tâm tới công tác xây dựng pháp luật, từ việc chấp nhận những sửa đổi, bổ sung Hiến pháp (kể từ năm 1982 tới nay, tuy thời gian mới là khoảng 40 năm nhưng Trung Quốc đã có tới 05 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, trong đó, những sửa đổi rất đáng lưu ý là việc thừa nhận tính hợp hiến, hợp pháp của khu vực kinh tế tư nhân và việc thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực ngày càng hoàn thiện hơn). Điều này cho thấy, những giá trị pháp quyền được nhiều quốc gia coi trọng, trong đó có việc đề cao tầm quan trọng của Hiến pháp và các đạo luật trong điều chỉnh các quan hệ xã hội, coi trọng việc giới hạn và kiểm soát quyền lực cũng được chính quyền Trung Quốc chấp nhận phần nào[29]. Theo các nhà nghiên cứu của Trung Quốc, xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc đòi hỏi thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc phải xác định được 03 danh mục: (i) Danh mục những việc mà doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân không được làm hoặc khi làm thì phải có điều kiện nhất định (mà ngoài những ngành, nghề đầu tư, kinh doanh này, doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân được tự do kinh doanh); (ii) Danh mục thẩm quyền, những công việc mà nhà nước có thể làm hoặc không được phép làm - danh mục quyền hạn của nhà nước (để can thiệp vào hoạt động của thị trường); (iii) Danh mục những công việc mà nhà nước buộc phải thực hiện (cùng căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện) - danh mục trách nhiệm của nhà nước[30].
Thứ ba, quá trình cải cách, mở cửa, xử lý mối quan hệ giữa nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc đưa tới nhận thức mới quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo đó, khi pháp quyền là thống trị, quốc gia sẽ hưng thịnh và khi pháp quyền bị suy yếu, quốc gia sẽ rơi vào hỗn loạn. Thúc đẩy toàn diện quản trị dựa trên pháp luật là yêu cầu tiên quyết và bảo đảm quan trọng để có chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và đây cũng là cuộc cách mạng quan trọng trong quản trị đất nước Trung Quốc. Đảng phải bảo vệ và thúc đẩy công bằng xã hội và công lý, nỗ lực để bảo đảm rằng nhân dân cảm nhận được sự công bằng và công lý “ngự trị” trong mọi quy định pháp luật, mọi quyết định thực thi pháp luật và mọi vụ việc tư pháp[31]./.
TS. Nguyễn Văn Cương
Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1]. Bài viết này là một trong những kết quả nghiên cứu thuộc Đề tài KX.04.04/21-25 về “Giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, do TS. Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương là chủ nhiệm Đề tài, triển khai trong giai đoạn 2022 - 2024.
[2]. Khoảng 16.000 tỷ USD tính theo tỷ giá quy đổi 1 USD = 6,92 NDT.
[3]. Xem: https://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan---thuc-tien/toan-van-bao-cao-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xx-cua-dang-cong-san-trung-quoc-phan-1.html.
[4]. Cũng có tài liệu dịch là “Nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa”.
[5]. Jingwen Zhu, et. al (eds.), China’s Legal System: An Interpretation of Its Structure, Principles and Institutions (China Renmin University Press, 2023) at 40.
[6]. Xem: http://www.news.cn/english/2021-11/16/c_1310314611.htm.
[7]. Xem: http://hochiminhcity.china-consulate.gov.cn/xwdt/202210/t20221026_10792286.html.
[8]. Wei Liu (ed.), China’s 40 years of reform (People’s Publishing House, 2023) at 64.
[9]. Hiện tại, Trung Quốc có khoảng 250 luật do Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ban hành đang có hiệu lực [Jingwen Zhu, et. al (eds.), China’s Legal System: An Interpretation of Its Structure, Principles and Institutions (China Renmin University Press, 2023) at 226].
[10]. Jingwen Zhu, et. al (eds.), China’s Legal System: An Interpretation of Its Structure, Principles and Institutions (China Renmin University Press, 2023) at 25.
[11]. Jingwen Zhu, et. al (eds.), China’s Legal System: An Interpretation of Its Structure, Principles and Institutions (China Renmin University Press, 2023) at 9.
[12]. Jingwen Zhu, et. al (eds.), China’s Legal System: An Interpretation of Its Structure, Principles and Institutions (China Renmin University Press, 2023) at 35.
[13]. Để bảo đảm nguyên tắc này, Trung Quốc đã ban hành 03 đạo luật quan trọng: (i) Luật về cấp phép hành chính năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); (ii) Luật về cưỡng chế hành chính năm 2011;
(iii) Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2021 (thay thế cho Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 1996).
[14]. Để bảo đảm nguyên tắc này, Trung Quốc đã ban hành Luật Khiếu nại hành chính năm 1999.
[15]. Để bảo đảm nguyên tắc này, Trung Quốc đã ban hành Luật giám sát hành chính.
[16]. Jingwen Zhu, et. al (eds.), China’s Legal System: An Interpretation of Its Structure, Principles and Institutions (China Renmin University Press, 2023) at 123 - 128.
[17]. Daniel C.K. Chow, The Legal System of the People’s Republic of China in a Nutshell, 2nd ed. (West, 2009) at 322.
[18]. Daniel C.K. Chow, The Legal System of the People’s Republic of China in a Nutshell, 2nd ed. (West, 2009) at 325 and 421.
[19]. Jingwen Zhu, et. al (eds.), China’s Legal System: An Interpretation of Its Structure, Principles and Institutions (China Renmin University Press, 2023) at 93 - 97.
[20]. Daniel C.K. Chow, The Legal System of the People’s Republic of China in a Nutshell, 2nd ed. (West, 2009) at 259.
[21]. Daniel C.K. Chow, The Legal System of the People’s Republic of China in a Nutshell, 2nd ed. (West, 2009) at 312.
[22]. Năm 2006, khoảng trên 04 triệu vụ tranh chấp được giải quyết qua hệ thống hòa giải, trong đó, Trung Quốc có khoảng 850.000 Ủy ban hòa giải (Daniel C.K. Chow, The Legal System of the People’s Republic of China in a Nutshell, 2nd ed. (West, 2009) at 310).
[23]. Chính là các doanh nghiệp hương trấn của người Trung Quốc.
[24]. Xem Yinxing Hong: The China Path to Economic Transition and Development , Singapore: Springer, 2016, at 34 - 36.
[25]. Yu Jiang, A New Possible World is Possible: The Modernization of China (CITEC Press, 2023) at 2014.
[26]. Xem Patrick H. O’Neil, et.al: Cases in Comparative Politics, 3rd ed, New York: W.W. Norton & Company, 2010, at 319.
[27]. Charles R. McElwee: Environmental Law in China: Mitigating Risk and Ensuring Compliance, Oxford: Oxford University Press, 2011, at 60 - 67.
[28]. Jing Wu and I-Shin Chang, Environmental Management in China: Policies and Institutions (Springer, 2020) at 10 - 14.
[29]. Trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2018, Trung Quốc đã thiết lập cơ chế giám sát đặc biệt đối với việc thực thi quyền lực nhà nước (nhất là giám sát đối với việc thực thi quyền lực của các cơ quan hành chính nhà nước và cá nhân các cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền các cấp).
[30]. Yining Li and Zhiqiang Cheng (eds.), The Chinese Path Toward a Leaner Government (Springer, 2023) at ix - x.
[31]. Xem: http://www.news.cn/english/2021-11/16/c_1310314611.htm.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 396), tháng 1/2024)