1. Quy định về kiện tập thể ở Thái Lan
Kiện tập thể (KTT) là “một thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án, trong đó nguyên đơn được phép kiện bị đơn để bảo vệ lợi ích của mình cũng như lợi ích của số đông - những người cùng chịu thiệt hại tương tự”[2]. Theo đó, KTT là một thủ tục tố tụng dân sự liên quan đến một số người cùng chịu thiệt hại tương tự nhau. Nguyên đơn là đại diện của nhóm bị thiệt hại sẽ thay mặt các cá nhân trong nhóm đó khởi kiện ra Tòa án. KTT được điều chỉnh bởi Đạo luật Khởi kiện tập thể BE 2558 (2015). Đây là Đạo luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự (the Act to Amend the Civil Procedure Code - the Thai Class Action Law)[3] được Thái Lan ban hành vào năm 2015. Đạo luật này nhằm cung cấp khuôn khổ cho các vụ KTT[4] được đưa ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. Các vụ KTT được ủy quyền theo quy chế tại Chương 4 - Thủ tục tố tụng tập thể.
1.1. Về điều kiện và hình thức thực hiện kiện tập thể
Thái Lan lựa chọn hình thức KTT là chọn không tham gia. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự Thái Lan thì cá nhân nào có khả năng là thành viên của tập thể (cùng chịu thiệt hại tương tự) sẽ được coi là nguyên đơn của vụ KTT trừ khi họ chọn không tham gia. Khi những cá nhân liên quan từ chối không tham gia, họ sẽ không bị ràng buộc bởi phán quyết của Tòa án và có quyền khởi kiện độc lập. Các cá nhân thực hiện quyền từ chối bằng cách gửi văn bản xác nhận trong vòng 45 ngày kể từ ngày Tòa án ban hành thông báo chính thức[5].
Theo mục 222/10 và 222/12 Bộ luật Tố tụng dân sự Thái Lan, có 05 yêu cầu chính để một vụ kiện dân sự được chứng nhận là một vụ KTT[6]: (i) Tính phổ biến: Nguyên đơn đã chỉ ra một cách đầy đủ, rõ ràng những đặc điểm chung của nhóm người bị thiệt hại và có thể xác định được những đặc điểm đó; (ii) Tính điển hình của đại diện: Nguyên đơn chứng minh rằng nguyên đơn cũng là thành viên tập thể, có những đặc điểm giống nhau như trình độ chuyên môn, lợi ích…; (iii) Số lượng: Số lượng cá nhân trong tập thể quá nhiều nên các hành động tố tụng riêng lẻ trở nên phức tạp và không thực tế, gây bất tiện; (iv) Tính ưu việt/hiệu quả: Thủ tục tố tụng tập thể sẽ công bằng và hiệu quả hơn so với thủ tục tố tụng thông thường; (v) Tính đầy đủ của đại diện: Nguyên đơn và luật sư của tập thể chứng minh được rằng họ sẽ bảo vệ lợi ích của tập thể một cách công bằng và đầy đủ thông qua các thủ tục tố tụng.
1.2. Về xác định thiệt hại trong các vụ kiện tập thể
Các loại thiệt hại trong vụ KTT không cần phải giống nhau. Tuy nhiên, các loại thiệt hại này chỉ dựa trên cơ sở vi phạm hợp đồng hoặc một số luật chuyên ngành khác như Luật Môi trường, Luật Bảo vệ người tiêu dùng…[7]. Tòa án có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục giống với thủ tục tố tụng dân sự trong vụ kiện cá nhân. Bên cạnh đó, một số đạo luật cũng có quy định về một số hình thức đền bù khác. Chẳng hạn, theo Đạo luật Thủ tục vụ việc của người tiêu dùng BE 2551 (2008) có các biện pháp đền bù bổ sung khác như thu hồi sản phẩm, bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt[8].
1.3. Về phương thức giải quyết các vụ kiện tập thể
Vụ KTT sẽ được giải quyết bằng cách đưa ra xét xử tại Tòa án. Trước khi tiến hành phiên tòa, Tòa án sẽ chỉ định một “cán bộ hòa giải kiện tập thể”[9], hỗ trợ Tòa án bằng cách cố gắng hòa giải, thu thập và xác minh bằng chứng, gặp gỡ các nhân chứng và lấy lời khai trước và trong thời gian xét xử. Các cá nhân có thể rút khỏi tập thể trong giai đoạn hòa giải. Trước phiên tòa, Tòa án phải đưa ra một thông báo về vụ KTT. Thông báo này sẽ được đăng trong thời gian ba ngày dưới bất kỳ hình thức nào mà Tòa án cho là phù hợp.
Phán quyết của Tòa án có giá trị thi hành đối với tất cả các bên trong tập thể và các bên không có quyền kháng cáo đối với quyết định của Tòa án, trừ yêu cầu thanh toán nợ[10]. Sau khi có phán quyết, chấp hành viên sẽ thu giữ tiền và tài sản khác của bị đơn, tiếp đó tiến hành trả tiền theo thứ tự: Người cho vay trong giao dịch thế chấp, số tiền luật sư bên nguyên đơn, án phí của nguyên đơn, nguyên đơn đại diện và nguyên đơn khác, người cho vay khác có liên quan[11].
1.4. Về nghĩa vụ chứng minh trong các vụ kiện tập thể
Ngay từ giai đoạn chứng nhận tập thể, nguyên đơn phải cung cấp các tài liệu chứng minh vụ kiện là vụ KTT. Cụ thể, nhóm nguyên đơn phải chứng minh cho Tòa án thấy sự tồn tại một “nhóm người” có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại chung; chứng minh việc đưa vụ KTT sẽ mang lại “công lý và hiệu quả tốt hơn” theo mục 222/8 Bộ luật Tố tụng dân sự Thái Lan. Nếu muốn trở thành nguyên đơn đại diện, cá nhân đó phải chứng minh bản thân đáp ứng tiêu chuẩn: (i) Nguyên đơn là thành viên của vụ KTT; (ii) Nguyên đơn và luật sư của họ có đầy đủ khả năng bảo vệ một cách đầy đủ và chính đáng lợi ích của cả tập thể[12]. Sau khi thụ lý, các bên sẽ nộp các chứng cứ cho Tòa án và Tòa án cũng sẽ tiếp tục thu thập, xác minh, điều tra chứng cứ[13]. Các nguyên đơn khác không phải nguyên đơn đại diện có quyền sao chép tài liệu trong tập hồ sơ để giám sát vụ kiện[14].
1.5. Về chi phí trong các vụ kiện tập thể
Khi vụ KTT được thụ lý, nguyên đơn tiến hành đệ đơn khởi kiện sẽ là người nộp nhiều khoản chi phí cần phải có cho Tòa án[15]. Thời gian để nguyên đơn phải trả các loại phí là bảy ngày kể từ ngày đưa ra yêu cầu. Nếu nguyên đơn không nộp đầy đủ, Tòa án có quyền hủy bỏ vụ KTT[16]. Nếu nguyên đơn thắng kiện thì bị đơn phải trả lại tiền án phí cho nguyên đơn.
Về chi phí luật sư của bên nguyên đơn, nếu vụ kiện theo hướng có lợi cho bên nguyên đơn thì luật sư sẽ được hưởng thêm một khoản tiền từ phía bị đơn bên cạnh khoản tiền thù lao. Tòa án có quyền ấn định số tiền này nhưng số tiền bị đơn chi trả cho luật sư không được vượt quá 30% số tiền mà các nguyên đơn trong vụ KTT nhận được[17].
2. Ưu điểm và hạn chế của kiện tập thể ở Thái Lan
2.1. Ưu điểm của kiện tập thể ở Thái Lan
Thứ nhất, KTT thuận tiện hơn kiện thông thường về thủ tục pháp lý. Một nhóm cá nhân có thể kết hợp các yêu cầu của họ thành một yêu cầu để đưa ra Tòa án. Nguyên đơn đại diện sẽ thay mặt cho một số lượng lớn nguyên đơn khác tham gia các thủ tục tố tụng tại Tòa án. Ngược lại, với kiện thông thường, mỗi cá nhân có yêu cầu phải nộp đơn riêng lẻ. Sau đó, họ phải tham gia mọi phiên tòa hoặc ủy quyền cho người khác tham gia.
Thứ hai, KTT giúp nâng cao hiệu quả tư pháp. KTT giúp Tòa án tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa nguồn nhân sự. Với cơ chế KTT, Tòa án sẽ hợp nhất các vụ kiện cá nhân có yêu cầu tương tự thành một vụ việc. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất làm việc và bảo đảm sự nhất quán trong các quyết định tư pháp của Tòa án.
Thứ ba, KTT bảo vệ lợi ích cá nhân riêng lẻ và tiết kiệm chi phí kiện tụng. KTT giúp một số lượng lớn những người bị thiệt hại bởi cùng một hành vi sẽ được nhận sự trợ giúp theo nhóm khi yêu cầu bồi thường riêng lẻ của từng cá nhân trong tập thể là “quá nhỏ để có thể chi trả cho các chi phí của một vụ kiện riêng biệt”[18]. Điều này đặc biệt có lợi cho những cá nhân có thu nhập thấp.
Thứ tư, KTT có tác dụng răn đe và ngăn ngừa các hành vi gây thiệt hại trong tương lai. Khi nhóm lớn nguyên đơn thắng kiện thì số tiền bồi thường cho họ sẽ rất lớn. Điều này góp phần ngăn cản bị đơn “tương lai” thực hiện hành vi vi phạm tương tự vì họ biết rằng họ có thể phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Hơn nữa, các vụ KTT sẽ nhận được sự quan tâm của công chúng, các tình tiết của vụ việc có thể được công khai như danh tính, hành vi vi phạm… Điều này làm tổn hại đến danh tiếng của họ.
2.2. Hạn chế của kiện tập thể ở Thái Lan
Thứ nhất, xử lý các vụ KTT có sự phức tạp hơn các vụ kiện cá nhân. Số lượng thành viên trong tập thể rất lớn và các yêu cầu bồi thường khá đa dạng. Do đó, việc quản lý vụ KTT để bảo đảm sự công bằng cho tất cả các thành viên trong nhóm đòi hỏi Tòa án phải xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng hơn. Việc thu thập và phân tích các tài liệu có thể tốn nhiều thời gian và nguồn lực, hơn nữa, việc đánh giá mức độ công bằng của phương án thỏa thuận cho tập thể có thể phức tạp. Sự phức tạp có thể kéo dài khi các bên có thể không đồng ý với phương án thỏa thuận.
Thứ hai, mỗi cá nhân có thể nhận được khoản bồi thường thấp hơn so với kiện thông thường: (i) KTT sẽ chia nhỏ khoản tiền bồi thường thiệt hại trong một vụ KTT; (ii) Mức độ bồi thường và phê duyệt phương án còn dựa vào ý chí chủ quan của Tòa án; (iii) Phát sinh thêm các chi phí liên quan đến các công việc hành chính như thông báo cho tập thể, phân bổ quỹ giải quyết.
Thứ ba, có khả năng xảy ra tình trạng lạm dụng KTT. Ở Thái Lan, các luật sư nguyên đơn không thể được trao hơn 30% số tiền phán quyết. Trong một số trường hợp, mục tiêu chính của luật sư là mang lại lợi ích tài chính cho mình thay vì giải quyết để bảo vệ quyền lợi của tập thể: (i) Các luật sư có thể khai thác những lỗ hổng pháp lý để KTT. Họ có thể cố gắng mở rộng quy mô tập thể bằng cách tìm thêm những cá nhân không thực sự bị thiệt hại tương tự, thậm chí có thể phóng đại những thiệt hại mà cả tập thể phải chịu để tăng tiền bồi thường. (ii) Họ có thể thông đồng với bị đơn để đạt được giải pháp có lợi cho cả hai bên nhưng không thỏa đáng cho tập thể.
3. Một số nhận định và đề xuất cho Việt Nam về kiện tập thể
Nghiên cứu pháp luật và bối cảnh của Việt Nam về KTT có thể nhận thấy:
Thứ nhất, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu giải quyết tranh chấp tập thể. Cụ thể, khoản 1 Điều 42 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã cho phép nhiều nguyên đơn đứng ra khởi kiện cùng một bị đơn về vấn đề pháp lý tương tự nhau bằng cách nhập vụ án. Tuy nhiên, nhập vụ án chưa có căn cứ rõ ràng hay quy trình chứng minh, xác định thiệt hại riêng dẫn đến Tòa án lúng túng, trì hoãn trong quá trình thụ lý và xét xử, thậm chí bác bỏ đơn kiện vì không có căn cứ tiến hành vụ kiện.
Điển hình là vụ việc thực tế[19]: Tại thành phố BT đã có 173 người bị ngộ độc do ăn bánh mì kẹp thịt của cơ sở M. Vì chủ cơ sở né tránh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân bị ngộ độc nên 22 người trong 173 nạn nhân đã làm đơn khởi kiện cùng một nội dung. Tuy nhiên, Tòa án vẫn xét xử riêng lẻ vì cho rằng thiệt hại của từng người là khác nhau. Tòa án đã tổ chức hơn 40 phiên hòa giải và 07 phiên tòa xét xử và đều bác bỏ với lý do: Không đủ cơ sở chứng minh bị ngộ độc do ăn bánh mì tại cơ sở M. Việc giải quyết có phần cứng nhắc của Tòa án xuất phát từ lý do chưa có quy trình thống nhất về KTT. Hay vụ việc tranh chấp liên quan đến tập thể cư dân mua chung cư ở Việt Nam[20]: Chung cư LA của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng A đã có biểu hiện thay thế vật tư được ghi trong hợp đồng bằng vật tư có nguồn gốc không rõ ràng. Toàn bộ cư dân khởi kiện nhưng Tòa án không có căn cứ để nhập vụ án bởi tình trạng căn hộ của mỗi cư dân là khác nhau. Cho nên, cư dân đã không thể tạo sức ép để các công ty phải khắc phục thiệt hại.
Thứ hai, trong tình hình kinh tế chung ở khu vực các nước thành viên ASEAN hiện nay thì bổ sung phương thức KTT trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là rất cần thiết đối với Việt Nam. Kể từ ngày 31/12/2015, ASEAN đã chính thức trở thành một Cộng đồng kinh tế (AEC[21]. Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tự do hóa thương mại, hợp tác kinh doanh hiệu quả trong khu vực, nhu cầu hài hòa hóa pháp luật về phương thức giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tư đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Việc công nhận KTT là phương thức kiện tụng tại Việt Nam là một trong những bước đi cần thiết để đạt được các mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng trong khối ASEAN mà các nước thành viên đã cam kết trong bản Kế hoạch hành động chiến lược để bảo vệ người tiêu dùng ASEAN năm 2016 - 2025.
Thứ ba, việc bổ sung phương thức KTT vào pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam là khả thi và phù hợp với bối cảnh thực tiễn trong nước và khu vực. Bởi vì, tại Thái Lan, trước khi bổ sung các quy tắc về tố tụng KTT, Luật Bảo vệ người tiêu dùng Thái Lan năm 1979 cũng đã có những quy định làm cơ sở cho tố tụng tập thể sau này. Điểm này hoàn toàn tương đồng với pháp luật Việt Nam. Do đó, Việt Nam đã có đủ cơ sở pháp lý nghiên cứu và xây dựng cơ chế KTT. Hơn nữa, Thái Lan và Việt Nam đều là nước thành viên của ASEAN và theo hệ thống pháp luật Civil law nên hai nước sẽ có sự tương đồng trong việc xây dựng pháp luật và cùng hướng tới mục tiêu chung về kinh tế.
Từ việc nghiên cứu pháp luật của Thái Lan về KTT, Việt Nam có thể tham khảo những khía cạnh tiến bộ của Thái Lan để xây dựng các quy định pháp luật về KTT theo hướng:
Một là, cần xác định phương thức KTT là một biện pháp tư pháp được phép sử dụng khi bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp vào trong luật nội dung: Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Môi trường... Từ đó, các cá nhân có cùng yêu cầu sẽ có cơ sở pháp lý vững chắc cả về luật nội dung và luật hình thức để phát động một vụ KTT.
Hai là, bổ sung các quy định về khái niệm KTT, các điều kiện khởi kiện và quy trình, thủ tục giải quyết vụ KTT vào một chương riêng của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 tương tự như Thái Lan đã bổ sung quy trình KTT ở một chương riêng trong Bộ luật Tố tụng dân sự Thái Lan năm 2015.
Ba là, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cần nghiên cứu và xây dựng những điều kiện về nguyên đơn đại diện. Bởi vì, trong vụ KTT luôn có một chủ thể đại diện cho nhóm. Theo đó, có thể tham khảo tiêu chuẩn của Thái Lan về nguyên đơn đại diện như sau: (i) Nguyên đơn là thành viên của vụ KTT; (ii) Nguyên đơn và luật sư của họ có đầy đủ khả năng tiến hành vụ kiện KTT phải đại diện đầy đủ cho tập thể.
Bốn là, bổ sung quy định liên quan đến việc xác định thiệt hại và các biện pháp khắc phục thiệt hại. Cụ thể, vẫn sẽ áp dụng những quy tắc chung của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực có thể quy định các cách thức xác định thiệt hại và biện pháp khắc phục thiệt hại đặc thù. Có thể tham khảo biện pháp khắc phục thiệt hại của Thái Lan trong tiêu dùng như thu hồi sản phẩm, bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt.
Năm là, cần nghiên cứu cơ chế tài chính cho vụ KTT. Cơ chế tài chính có thể xây dựng như sau: Các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào vụ KTT dưới dạng tạm ứng án phí. Khi vụ KTT thành công, sẽ trích tỷ lệ phần trăm nhất định khoản bồi thường cho các tổ chức, doanh nghiệp đã đầu tư trước đó. Ngoài ra, cần có quy định các trường hợp Nhà nước hỗ trợ chi trả án phí cho vụ KTT, có thể hỗ trợ chi trả trực tiếp hoặc chi trả gián tiếp thông qua chi trả kinh phí hoạt động cho tổ chức đại diện (Hội bảo vệ người tiêu dùng…).
Sáu là, bổ sung quy định về cách tính phí luật sư. Có thể tham khảo và áp dụng cách tính phí luật sư của Thái Lan. Cụ thể, việc chi trả chi phí luật sư bên nguyên đơn sẽ do bên bị đơn gánh chịu và đây là một khoản chi phí riêng nằm ngoài khoản bồi thường của nguyên đơn. Chi phí của luật sư có thể xác định theo phần trăm khoản bồi thường của các nguyên đơn, giới hạn tối đa là 30%.
Bảy là, xây dựng một quy trình thi hành án KTT hiệu quả. Cần tập trung nghiên cứu về quyền hạn của chấp hành viên trong việc thi hành phán quyết của Tòa án. Về thứ tự trả tiền, có thể tham khảo quy định của Thái Lan như sau: Người cho vay trong giao dịch thế chấp, án phí của nguyên đơn, nguyên đơn đại diện và thành viên khác của tập thể, những người cho vay khác có quyền được chia tài sản./.
Đinh Minh Tâm, Nguyễn Thục Anh & Nguyễn Kim Phượng
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường: “Kiện tập thể - phương thức tiếp cận công lý hữu hiệu trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Trường Đại học Luật Hà Nội.
[2]. Mục 222/1 Bộ luật Tố tụng dân sự Thái Lan.
[3]. Hội đồng Lập pháp Quốc gia đã thông qua dự luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự để cho phép tiến hành KTT ở Thái Lan, có hiệu lực vào tháng 12/2015.
[4]. Mục 222/8 Bộ luật Tố tụng dân sự Thái Lan.
[5]. Mục 222/16 Bộ luật Tố tụng dân sự Thái Lan.
[6]. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tham gia vào quá trình xây dựng Luật này nên Luật KTT ở Thái Lan dựa một phần vào Quy tắc Tố tụng dân sự Liên bang Hoa Kỳ số 23.
[7]. Wiss-thai Chamber of Commerce, “ThaiLand welcomes class action lawsuits”, https://www.dfdl.com/wp-content/uploads/2015/01/.pdf, truy cập ngày 28/9/2023.
[8]. Baker McKenzie, “First-step analysis: the essentials of class actions in Thailand”, https://www.lexology.com/library/detail.aspx, truy cập ngày 28/9/2023.
[9]. Mục 222/1 Bộ luật Tố tụng dân sự Thái Lan.
[10]. Mục 222/46 Bộ luật Tố tụng dân sự Thái Lan.
[11]. Mục 222/44 Bộ luật Tố tụng dân sự Thái Lan.
[12]. Linklaters, “Global guide: collective redress in Thailand”, https://www.linklaters.com/en/insights/publications/collective-redress/global-guide-collective-redress/thailand, truy cập ngày 28/9/2023.
[13]. Baker McKenzie, “At a glance: class action formation in Thailand”, https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=7226b314-fd91-41cf-b4bc-8324eb2f4b13, truy cập ngày 28/9/2023.
[14]. Summary of Class Action under the Civil Procedure Code, https://www.sec.or.th/EN/Documents/s/ClassAction-appendix-EN.pdf , truy cập ngày 28/12/2023.
[15]. Summary of Class Action under the Civil Procedure Code, https://www.sec.or.th/EN/Documents/s/ClassAction-appendix-EN.pdf , truy cập ngày 28/12/2023.
[16]. The Legal Co, “Thailand - justice for the crowd as class action”, https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=dc28caf1-df1e-4411-bd60-f8f7dfc0ab25, truy cập ngày 05/9/2023.
[17]. Mục 222/37 Bộ luật Tố tụng dân sự Thái Lan.
[18]. Mục 222/37 Bộ luật Tố tụng dân sự Thái Lan.
[19]. Báo Pháp luật và Xã hội, “Vụ 173 người dân bị ngộ độc bánh mì ở Bến Tre: Đau vì ăn, ức vì kiện”, https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vu-173-nguoi-dacircn-bi-ngo-doc-baacutenh-migrave-o-ben-tre-dau-vigrave-an-uc-vigrave-kien-9406.html, truy cập ngày 12/9/2023.
[20]. Vân Hằng, “Bùng nổ tranh chấp chung cư: Hệ lụy của sự trục lợi”, https://kinhtedothi.vn/bung-no-tranh-chap-chung-cu-he-luy-cua-su-truc-loi.html, truy cập ngày 12/9/2023.
[21]. Hà Nội mới, “Triển vọng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc Châu Á - Thái Bình Dương”, https://www.dienbien.gov.vn/portal/pages/print.aspx?p=18620, truy cập ngày 15/9/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 400), tháng 3/2024)