1. Pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động của một số quốc gia trên thế giới
1.1. Cộng hòa Liên bang Đức
Ở Đức, bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ) được quy định lần đầu tiên tại Luật Bảo hiểm tai nạn lao động năm 1884 và hiện đang được điều chỉnh bởi Luật Bảo hiểm tai nạn lao động năm 1996 (có hiệu lực từ năm 1997).
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng: Theo quy định của Luật Bảo hiểm tai nạn lao động năm 1996, BHTNLĐ được áp dụng cho tất cả người lao động (NLĐ), một số ít lao động tự do, người tham gia vào các hoạt động tự nguyện đặc biệt, đối tượng học nghề, thử việc (học sinh, sinh viên). Bảo hiểm xã hội của Đức loại trừ hầu hết các lao động tự do và áp dụng một chế độ riêng cho công chức, viên chức.
Thứ hai, về trách nhiệm đóng góp: NLĐ không có trách nhiệm đóng góp vào quỹ này mà hoàn toàn là trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ). Tỷ lệ đóng góp của NSDLĐ trung bình là 1,3% lương được xác định theo mức độ rủi ro của doanh nghiệp (căn cứ vào nguy cơ, tần suất xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) hằng năm của doanh nghiệp). Tỷ lệ đóng góp phụ thuộc vào mức độ TNLĐ của từng ngành. Tỷ lệ đóng góp là yếu tố được quyết định theo nguyên tắc “tiêu bao nhiêu, trả bấy nhiêu”, dựa trên thống kê chi tiêu của quỹ trong những năm trước đối với các vụ TNLĐ. Điều này có nghĩa là, vào cuối mỗi năm tài chính, quỹ bảo hiểm TNLĐ sẽ phân bổ các khoản chi trả của họ đối với các vụ tai nạn ở các công ty thành viên để nhận định mức độ rủi ro, từ đó, quyết định tỷ lệ đóng góp. Tỷ lệ đóng góp sẽ được định kỳ xem xét theo tình hình TNLĐ và tình hình chi trả. Do đó, cơ sở tính toán được hình thành dựa trên các nhu cầu tài chính thực tế, nghĩa là số tiền phải đóng của doanh nghiệp lúc này sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là tiền lương của người được bảo hiểm và mức độ nguy hiểm của ngành cụ thể. Tương tự, đối với NLĐ tự do, mức độ đóng cũng phụ thuộc vào mức độ rủi ro và thu nhập kê khai. Chính phủ hỗ trợ trợ cấp BHTNLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp đối với lao động học nghề và người tham gia vào các hoạt động tự nguyện đặc biệt.
Thứ ba, về quyền lợi của NLĐ: BHTNLĐ ở Đức bao gồm trợ cấp thương tật tạm thời, trợ cấp tàn tật vĩnh viễn, phụ cấp tàn tật nặng, phụ cấp thất nghiệp, phụ cấp sinh hoạt liên tục, chi phí y tế và tử tuất. Cụ thể:
- Chi phí y tế sẽ được chi trả toàn diện bao gồm: Chi phí điều trị, chi phí phục hồi chức năng, phương tiện trợ giúp sinh hoạt và trợ cấp phục vụ (giúp việc nhà). Trợ cấp sinh hoạt liên tục sẽ được chi trả 340 Euro đến 1.240 Euro một tháng khi NLĐ được cơ quan có thẩm quyền xác định là cần người trợ giúp để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.
- Khi xảy ra TNLĐ, NLĐ sẽ được nhận số tiền đền bù bằng 80% tiền lương của tháng cuối cùng trước khi bị TNLĐ và được trả ngay sau khi có thương tật do TNLĐ cho đến khi NLĐ nhận được đền bù bằng lợi ích vật chất chính thức. Thông thường, thời gian hưởng trợ cấp thương tật tạm thời sẽ kéo dài trong vòng 06 tuần. Nếu không dự kiến được thời gian hồi phục hoặc việc phục hồi là không thể thì thời gian tối đa được hưởng trợ cấp tạm thời là 78 tuần. Trong thời gian này, nếu xác định được mức độ phục hồi thì NLĐ sẽ tiến hành nhận trợ cấp chính thức phụ thuộc vào mức độ thương tật.
- Trợ cấp thương tật vĩnh viễn được chi trả bằng 66,75% thu nhập trung bình hàng năm của NLĐ trong trường hợp NLĐ mất hoàn toàn khả năng lao động. Nếu tỷ lệ thương tật được xác định là lớn hơn 20% thì mức trợ cấp được chi trả phụ thuộc vào mức độ thương tật. Thêm vào đó, NLĐ với tỷ lệ thương tật lớn hơn 50% còn được trả thêm một khoản trợ cấp tàn tật nặng với mức chi trả bằng 10% mức trợ cấp thương tật vĩnh viễn trong vòng hai năm trong trường hợp không được hưởng chế độ nào khác.
- Vợ hoặc chồng của NLĐ đã mất sẽ được cấp dưỡng lên đến 66,7% thu nhập tháng cuối cùng của NLĐ khi còn sống trong vòng ba tháng đầu tiên sau khi người đó tử vong. Sau đó, mức cấp dưỡng thông thường trong những tháng tiếp theo là 30% hoặc 40% trong trường hợp người góa vợ, góa chồng từ 47 tuổi trở lên, bị khuyết tật, đang nuôi con nhỏ. Khoản cấp dưỡng hàng tháng này sẽ chấm dứt khi người góa vợ, góa chồng tái hôn. Đối với người vợ hoặc chồng của NLĐ mà đã ly hôn thì vẫn được hưởng khoản cấp dưỡng bằng một nửa mức cấp dưỡng bình thường khi họ vẫn chưa tái hôn. Con của người mất do TNLĐ sẽ nhận khoản cấp dưỡng 20% thu nhập tháng cuối cùng của NLĐ đến năm 18 tuổi hoặc 27 tuổi trong trường hợp còn đang đi học. Đối với trẻ mất cả cha lẫn mẹ do TNLĐ thì mức cấp dưỡng là 30%. Mức cấp dưỡng cho người phụ thuộc cũng được áp dụng tương tự cho cha mẹ NLĐ trong trường hợp họ gặp khó khăn về mặt tài chính. Tổng mức cấp dưỡng cho những người phụ thuộc không được vượt quá 80% thu nhập của NLĐ đã mất khi còn sống.
Ngoài ra, các tổ chức BHTNLĐ hỗ trợ đào tạo việc làm cho NLĐ và bảo đảm chi phí cho việc bồi dưỡng, đào tạo NLĐ để thích nghi với công việc.
Thứ tư, về tổ chức thực hiện: Viện Bảo hiểm Liên bang chịu trách nhiệm giám sát và quản lý các tổ chức bảo hiểm tai nạn lao động Liên bang. Bộ Chính sách lao động và xã hội Liên bang giám sát các chương trình bảo đảm an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc cơ quan khác được sự phân công của chính quyền địa phương sẽ giám sát việc thực hiện BHTNLĐ ở mỗi bang.
1.2. Trung Quốc
Các vấn đề về BHTNLĐ tại Trung Quốc được điều chỉnh trong Điều lệ về bảo hiểm tai nạn lao động do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 16/4/2003 với một số nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng: Theo quy định của Điều lệ về bảo hiểm tai nạn lao động, việc tham gia và đóng phí BHTNLĐ vĩnh viễn và tạm thời cho NLĐ là nghĩa vụ bắt buộc của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Trung Quốc. Mặt khác, dù không tham gia BHTNLĐ nhưng khi có TNLĐ xảy ra, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn phát sinh trách nhiệm chi trả các chế độ cho NLĐ tương tự như các quy định trong Điều lệ này.
Thứ hai, về trách nhiệm đóng góp: Trách nhiệm đóng góp vào quỹ TNLĐ là của NSDLĐ. Theo quy định của Điều lệ về bảo hiểm tai nạn lao động, mức đóng góp của NSDLĐ là 1% so với tổng quỹ lương của đơn vị. Tỷ lệ phí BHTNLĐ được xác định theo nguyên tắc căn cứ vào thu chi và cân đối thu nhập và chi tiêu. Nhà nước sẽ xác định tỷ lệ phí bảo hiểm khác biệt của các ngành khác nhau do rủi ro thương tật liên quan đến công việc của họ và đưa ra nhiều mức phí bảo hiểm cho mỗi ngành công nghiệp dựa trên mức phí BHTNLĐ và tỷ lệ thương tích liên quan đến công việc. Mức đóng phí bảo hiểm phân biệt công nghiệp và mức phí bảo hiểm trong mỗi ngành do cơ quan hành chính về an ninh lao động của Hội đồng Nhà nước cùng với phòng tài chính, cơ quan hành chính về y tế xây dựng, cơ quan quản lý, giám sát sản xuất an toàn thuộc Hội đồng Nhà nước và phải được Hội đồng Nhà nước chấp thuận trước khi ban hành và thi hành. Tổ chức xử lý trong một chủ đề khu vực quy hoạch tổng thể trách nhiệm, trong bối cảnh các thông tin về việc sử dụng các đối tượng sử dụng phí bảo hiểm TNLĐ liên quan và tỷ lệ xảy ra TNLĐ… áp dụng các lớp tương ứng của tỷ lệ phí bảo hiểm cho ngành công nghiệp để xác định tỷ lệ phí bảo hiểm cho các thực thể.
Thứ ba, về quyền lợi của NLĐ: Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, NLĐ khi bị TNLĐ được hưởng các quyền lợi như sau:
- Chi phí cho việc điều trị y tế: Khi NLĐ bị TNLĐ dẫn đến thương tật, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chi trả toàn bộ chi phí điều trị phát sinh nếu NLĐ tham gia BHTNLĐ. Trong trường hợp NLĐ không tham gia BHTNLĐ thì chi phí điều trị sẽ do NSDLĐ chi trả.
NLĐ sau khi đã hồi phục sức khỏe sẽ được giám định y tế theo quy định của Nhà nước về giám định mức độ thương tật đối với NLĐ. Cụ thể, mức độ thương tật chia thành 10 cấp, từ cấp 1 đến cấp 4 là mất hoàn toàn khả năng lao động, cấp 5 đến cấp 6 là mất phần lớn khả năng lao động, cấp 7 đến cấp 10 là mất một phần khả năng lao động. Tùy thuộc vào mức độ thương tật sẽ có các chế độ khác nhau đối với NLĐ như bố trí công việc phù hợp với sức khỏe…
- Trợ cấp một lần: NLĐ sẽ được trả trợ cấp một lần căn cứ vào mức độ thương tật và bình quân lương của NLĐ trong vòng 12 tháng trước khi bị TNLĐ.
- Phụ cấp TNLĐ: Sau khi bị TNLĐ, NLĐ có thể được hưởng trợ cấp hàng tháng nếu thuộc trường hợp thương tật vĩnh viễn. Trong đó, mức trợ cấp cho NLĐ được căn cứ vào mức độ thương tật và mức lương trung bình của NLĐ.
- Trợ cấp cho thân nhân của NLĐ: Nếu NLĐ bị chết do TNLĐ thì thân nhân hoặc những người mà NLĐ có trách nhiệm nuôi dưỡng được hưởng các quyền lợi bao gồm chi phí mai táng, trợ cấp tử tuất hoặc trợ cấp hàng tháng.
Thứ tư, về tổ chức thực hiện: Trung Quốc tổ chức mô hình bảo hiểm xã hội theo hướng tập trung. Trong đó, cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội là Bộ Lao động và An sinh xã hội của Trung Quốc. Nhà nước sẽ ban hành các văn bản pháp luật về bảo hiểm xã hội nói chung và BHTNLĐ nói riêng, từ đó, các cấp chính quyền tại địa phương sẽ triển khai thực hiện trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Mức phí BHTNLĐ được xác định dựa trên nguyên tắc xác định số tiền trên cơ sở thanh toán và việc nhận thanh toán được cân đối. Nhà nước sẽ xác định mức chênh lệch giữa các ngành nghề theo mức độ rủi ro liên quan đến công việc, các thương tật trong các ngành công nghiệp khác nhau và sẽ xác định một số mức phí bảo hiểm trong mỗi ngành theo các tình huống như sử dụng phí bảo hiểm thương tật liên quan đến công việc và tần suất xảy ra thương tích do TNLĐ. Mức chênh lệch tỷ lệ giữa phí bảo hiểm liên ngành và tỷ lệ phí bảo hiểm trong ngành công nghiệp do bộ phận hành chính về an ninh lao động của Hội đồng Nhà nước cùng với Vụ Tài chính, Y tế và Phòng Chế độ sản xuất an toàn của Hội đồng Nhà nước xây dựng, ban hành và thực hiện theo sự chấp thuận của Hội đồng Nhà nước. Cơ quan cho một khu vực tổng hợp sẽ xác định tỷ lệ phí đóng của đơn vị làm việc cho một NSDLĐ dựa trên các hoàn cảnh như sử dụng phí BHTNLĐ và tần suất xảy ra thương tích liên quan đến công việc của chủ đầu tư và phí bảo hiểm tương ứng mức thuế áp dụng theo ngành.
Tổ chức bảo hiểm xã hội phải cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỏi đáp để NLĐ và đơn vị biết về tình hình đóng phí, chi trả chế độ và giám sát việc thực thi quy định về BHTNLĐ; một số địa phương còn yêu cầu đơn vị sử dụng lao động phải treo “Giấy chứng nhận BHTNLĐ” vào vị trí nổi bật của công ty để NLĐ giám sát và cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
Bên cạnh đó, để thực hiện nghiêm túc việc đóng bảo hiểm TNLĐ, cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền kiểm tra việc tham gia và thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ của NSDLĐ thông qua việc yêu cầu cung cấp danh sách NLĐ tại đơn vị, bảng lương và các tài liệu khác có liên quan.
Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc rất đề cao nguyên tắc “An toàn và phòng chống là ưu tiên số một” trong việc bảo đảm an toàn lao động cho người lao động. Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc cũng phát triển công nghệ trong việc giám sát an toàn lao động, ban hành các quy tắc, quy chuẩn trong việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất. NLĐ, NSDLĐ, nhân viên bảo hiểm xã hội… nếu vi phạm quy định về chế độ TNLĐ đều bị xử lý kỷ luật, từ phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Những đơn vị sử dụng lao động thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động không để xảy ra TNLĐ dẫn đến thương tật, chết người sẽ được khen thưởng.
1.3. Hàn Quốc
Chế độ BHTNLĐ của Hàn Quốc được quy định tại Luật Bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động năm 1963 (được sửa đổi, bổ sung lần gần nhất là năm 2012) và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động năm 1964 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Cụ thể:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng: Chế độ BHTNLĐ bắt buộc được áp dụng cho cơ sở có ít nhất một NLĐ. Riêng các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, săn bắn, đánh bắt và xây dựng; NLĐ làm việc trong các lĩnh vực đặc biệt bao gồm thợ điện, công nhân viễn thông, nhân viên phục vụ chữa cháy và một số người tự làm chủ, công nhân gia đình được áp dụng chế độ BHTNLĐ tự nguyện.
Chế độ BHTNLĐ không áp dụng đối với các đối tượng là lao động gia đình, các doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp (trừ khai thác gỗ), nghề cá, săn bắn và ít hơn 05 lao động làm việc toàn thời gian.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định riêng một hệ thống dành cho các đối tượng NLĐ làm việc trong các lĩnh vực công bao gồm công chức, nhân viên quân sự, nhân viên trường tư thục và thủy thủ đoàn.
Thứ hai, về trách nhiệm đóng góp: Quỹ bảo hiểm bồi thường TNLĐ ở Hàn Quốc được hình thành từ sự đóng góp của các cá nhân tự kinh doanh và NSDLĐ. Trong đó, cá nhân tự kinh doanh đóng góp từ 0,6% đến 34% thu nhập khai báo hoặc biên chế. NSDLĐ có nghĩa vụ đóng góp từ 0,6% đến 34% thu nhập khai báo hoặc biên chế. Số tiền đóng góp được thay đổi tùy theo mức độ rủi ro của từng ngành, nghề, công việc mà không có một chuẩn chung cố định. Mặt khác, pháp luật cũng không giới hạn thu nhập tối đa hoặc tối thiểu làm cơ sở để xác định tỷ lệ phần trăm nghĩa vụ đóng góp của các đối tượng trên. Tỷ lệ đóng góp được xem xét thay đổi hàng năm sao cho phù hợp với tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Cũng giống nhiều quốc gia trên thế giới, quỹ bảo hiểm bồi thường TNLĐ Hàn Quốc không yêu cầu nghĩa vụ đóng góp từ phía NLĐ và Chính phủ. Bên cạnh việc lập quỹ bảo hiểm bồi thường TNLĐ, một quỹ dự phòng cũng được thành lập. Quỹ dự phòng được xem như một công cụ hạn chế rủi ro từ quỹ bảo hiểm bồi thường TNLĐ. Trong trường hợp quỹ bảo hiểm bồi thường TNLĐ sau khi thanh toán vẫn có thặng dư, số tiền thặng dư sẽ được gửi vào tài khoản quỹ dự phòng và số tiền này sẽ được lấy ra khi có thâm hụt tài khoản của quỹ bảo hiểm.
Thứ ba, về quyền lợi của NLĐ: NLĐ khi rơi vào các trường hợp được xem là TNLĐ sẽ được hưởng các khoản trợ cấp, bồi thường do quỹ bảo hiểm bồi thường TNLĐ chi trả. Các trường hợp được xem là TNLĐ bao gồm các nguyên nhân có mối quan hệ nhân quả giữa công việc và tai nạn, gây thương tích, tàn tật hoặc chết NLĐ, cụ thể: (i) Tai nạn xảy ra trong khi NLĐ thực hiện công việc hoặc hành vi theo hợp đồng lao động; (ii) Tai nạn xảy ra do khuyết tật hoặc quản lý không cẩn thận, cơ sở vật chất… được cung cấp bởi NSDLĐ trong khi NLĐ đang sử dụng các phương tiện này…; (iii) Tai nạn xảy ra trong khi NLĐ đang đi làm hoặc về nhà bằng phương tiện giao thông hoặc tương đương do NSDLĐ cung cấp và chi phối quản lý; (iv) Tai nạn xảy ra trong khi công nhân tham gia hoặc chuẩn bị một sự kiện được tổ chức hoặc theo yêu cầu của NSDLĐ; (v) Tai nạn xảy ra trong những giờ nghỉ nhưng do một hành vi được xem là đặt dưới sự quản lý của NSDLĐ; (vi) Các tai nạn khác xảy ra liên quan đến công việc.
Chế độ BHTNLĐ cung cấp cho NLĐ các lợi ích: Chăm sóc y tế; trợ cấp thay thế tiền lương; trợ cấp khuyết tật; trợ cấp điều dưỡng; trợ cấp cho thân nhân NLĐ bị chết do TNLĐ; tiền lương hằng tháng bồi thường thương tật; chi phí mai táng; trợ cấp phục hồi nghề nghiệp. Cụ thể:
- Chăm sóc y tế được thanh toán cho NLĐ nếu bị thương tích liên quan đến công việc. Phúc lợi chăm sóc y tế bao gồm các lợi ích: Chi phí điều trị y tế, phẫu thuật, nhập viện, thuốc men, điều dưỡng, chăm sóc nha khoa, phục hồi chức năng dụng cụ và vận chuyển và các chi phí liên quan khác.
- Trợ cấp thay thế tiền lương được thực hiện cho NLĐ không thể làm việc trong thời gian chăm sóc y tế. Số tiền trợ cấp được trả trong suốt thời gian NLĐ nghỉ việc để điều trị và mỗi ngày được chi trả một khoản tiền tương đương 70% mức bình quân lương ngày. Phúc lợi này không được thực hiện đối với các trường hợp có thời gian điều trị từ ba ngày trở xuống.
- Trợ cấp khuyết tật được thực hiện cho NLĐ bị khuyết tật do TNLĐ sau khi được chăm sóc y tế mà vẫn không hồi phục. Trợ cấp được chi trả dưới hình thức bồi thường khuyết tật hàng năm hoặc một lần theo quy định trong Bảng 2 Luật Bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động phụ thuộc vào sự lựa chọn của NLĐ. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp, hình thức bồi thường được thực hiện theo quy định của Luật này mà không phụ thuộc vào ý chí của NLĐ, đó là: (i) NLĐ mất hoàn toàn khả năng lao động được áp dụng hình thức trợ cấp khuyết tật hằng năm; (ii) NLĐ là công dân nước ngoài hoặc cư trú nước ngoài rơi vào trường hợp áp dụng Luật này sẽ được chi trả trợ cấp một lần. Khoản tiền trợ cấp khuyết tật hằng năm có thể được chi trả theo yêu cầu của NLĐ. Trong trường hợp này, số tiền trợ cấp nhận trước sẽ được khấu trừ một khoản tiền tương đương với mức lãi suất ngân hàng nhưng tối đa không quá 5%.
- Trợ cấp cho thân nhân NLĐ trong trường hợp NLĐ chết do TNLĐ: Đây là khoản tiền trợ cấp được trả cho các thành viên còn sống trong gia đình NLĐ chết vì TNLĐ. Những người còn sống đủ điều kiện nhận khoản tiền trợ cấp này bao gồm các thành viên phụ thuộc vào thu nhập của NLĐ tại thời điểm NLĐ chết theo thứ tự ưu tiên như sau: Vợ/chồng; cha, mẹ và ông, bà lớn hơn 60 tuổi; con và cháu dưới 19 tuổi; anh, chị, em ruột dưới 19 tuổi hoặc trên 60 tuổi.
Khoản tiền trợ cấp này được thanh toán cho những người thụ hưởng kể trên theo hai hình thức bồi thường một lần hoặc hằng năm được quy định trong Bảng 3 Luật Bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động. Trong trường hợp, người thụ hưởng thuộc trường hợp nhận bồi thường hằng năm có nhu cầu nhận một khoản tiền tương đương với 50% tổng số tiền trợ cấp vẫn sẽ được chấp nhận. Tuy nhiên, số tiền trợ cấp còn lại sẽ được trả ở mức dưới 50%.
Thứ tư, về tổ chức thực hiện: Bộ Lao động và Việc làm chịu trách nhiệm thành lập và quản lý Quỹ bảo hiểm bồi thường TNLĐ và Quỹ dự trữ; quy định mức đóng góp, chi trả các khoản trợ cấp và quản lý các hoạt động chăm sóc y tế do Bộ tổ chức.
2. Kinh nghiệm đối với Việt Nam
Từ các quy định pháp luật của một số nước nêu trên, một số điểm tiến bộ trong các quy định về BHTNLĐ có thể được rút ra để làm kinh nghiệm tham khảo cho pháp luật Việt Nam trong việc hoàn thiện chế định này. Cụ thể:
Thứ nhất, về đối tượng tham gia: Kinh nghiệm của pháp luật về BHTNLĐ của Đức có điểm đáng chú ý như đối tượng áp dụng cho cả người thử việc, người học nghề và các lao động tự do. Bên cạnh đó, BHTNLĐ theo pháp luật Hàn Quốc được xây dựng với hai hình thức BHTNLĐ bắt buộc và tự nguyện, do đó, chế độ này được áp dụng cho nhiều đối tượng, bao gồm cả đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và kinh doanh hộ gia đình.
Thứ hai, về tỷ lệ đóng góp: Theo pháp luật của Đức, tỷ lệ đóng góp phụ thuộc vào mức độ rủi ro, đặc biệt là nguyên tắc “tiêu bao nhiêu, trả bấy nhiêu” là một điểm đáng học hỏi và được nhiều nước tiến bộ áp dụng.
Bên cạnh đó, có thể nhận thấy sự tiến bộ trong quy định về tỷ lệ đóng góp vào quỹ TNLĐ của Trung Quốc phụ thuộc vào mức chênh lệch giữa các ngành, nghề theo mức độ rủi ro liên quan đến công việc, các thương tật phát sinh trong các ngành công nghiệp khác nhau và sẽ xác định một số mức phí bảo hiểm trong mỗi ngành theo các tình huống như sử dụng phí bảo hiểm thương tật liên quan đến công việc và tần suất xảy ra thương tích do TNLĐ.
Tương tự, trong pháp luật về BHTNLĐ của Đức, quỹ bảo hiểm được hình thành từ sự đóng góp của NSDLĐ, không yêu cầu nghĩa vụ đóng góp từ phía NLĐ với mức đóng góp linh hoạt dao động trong mức giới hạn mà Chính phủ quy định tùy theo mức độ rủi ro của từng ngành, nghề, nghĩa là, mức đóng góp cao ở các ngành, nghề có mức độ rủi ro cao và ngược lại. Vào cuối mỗi năm tài chính, quỹ BHTNLĐ sẽ xem xét việc phân bổ các khoản chi trả của họ đối với các vụ tai nạn ở các công ty thành viên để nhận định mức độ rủi ro, từ đó quyết định tỷ lệ đóng góp. Tỷ lệ đóng góp sẽ được định kỳ xem xét theo tình hình TNLĐ và tình hình chi trả vào mỗi năm tài chính.
Ngoài ra, pháp luật của Hàn Quốc cũng quy định tương tự pháp luật của Đức về vấn đề này và tỷ lệ đóng góp còn được xem xét thay đổi hàng năm sao cho phù hợp với tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Thứ ba, về quyền lợi của NLĐ: Theo pháp luật của Trung Quốc, để giám định mức độ thương tật do TNLĐ, Ủy ban Giám định lao động cấp tỉnh và cấp huyện được thành lập. Thành phần của Ủy ban Giám định lao động ở tất cả các cấp bao gồm đại diện của cơ quan lao động, cơ quan y tế và công đoàn nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ.
Theo pháp luật của Đức, khi xảy ra TNLĐ, NLĐ sẽ được nhận số tiền đền bù bằng 80% tiền lương của tháng cuối cùng trước khi bị TNLĐ và được trả ngay sau khi có thương tật do TNLĐ cho đến khi NLĐ được nhận được đền bù bằng lợi ích vật chất chính thức. Nếu không dự kiến được thời gian hồi phục hoặc việc phục hồi là không thể thì thời gian tối đa được hưởng trợ cấp tạm thời là 78 tuần. Trong thời gian này, nếu xác định được mức độ phục hồi thì NLĐ sẽ tiến hành nhận trợ cấp chính thức phụ thuộc vào mức độ thương tật. Trợ cấp này giúp bảo đảm đền bù vật chất một cách thỏa đáng và kịp thời cho NLĐ khi có TNLĐ.
Pháp luật của Hàn Quốc quy định chi tiết và đa dạng quyền lợi NLĐ được hưởng. Theo đó, chế độ BHTNLĐ cung cấp cho NLĐ các lợi ích: Chăm sóc y tế; trợ cấp thay thế tiền lương; trợ cấp khuyết tật; trợ cấp điều dưỡng; trợ cấp cho thân nhân NLĐ bị chết do TNLĐ; tiền lương hằng tháng bồi thường thương tật; chi phí mai táng; trợ cấp phục hồi nghề nghiệp.
Thứ tư, về điều kiện hưởng: Pháp luật của Hàn Quốc quy định cụ thể về điều kiện hưởng, trong đó quy định chi tiết các trường hợp được xem là TNLĐ. Các trường hợp được xem là TNLĐ bao gồm các nguyên nhân có mối quan hệ nhân quả giữa công việc và tai nạn, gây thương tích, tàn tật hoặc chết NLĐ mà Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi để áp dụng trong các trường hợp thực tế như: Tai nạn xảy ra trong khi NLĐ thực hiện công việc hoặc hành vi theo hợp đồng lao động; tai nạn xảy ra do khuyết tật, hoặc quản lý không cẩn thận, cơ sở vật chất… được cung cấp bởi NSDLĐ trong khi NLĐ đang sử dụng các phương tiện này; tai nạn xảy ra trong khi NLĐ đang đi làm hoặc về nhà bằng phương tiện giao thông hoặc tương đương do NSDLĐ cung cấp và chi phối quản lý; tai nạn xảy ra trong khi công nhân tham gia hoặc chuẩn bị một sự kiện được tổ chức hoặc theo yêu cầu của NSDLĐ; tai nạn xảy ra trong những giờ nghỉ nhưng do một hành vi được xem là đặt dưới sự quản lý của NSDLĐ và các tai nạn khác xảy ra liên quan đến công việc.
TS. Bùi Kim Hiếu
Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học thành phố Hồ Chí Minh
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 399), tháng 2/2024)