Quyền an tử không phải là sự chối bỏ giá trị cuộc sống, mà ngược lại, nó là sự tôn trọng giá trị cuộc sống, tôn trọng nhân quyền, phẩm giá con người vì mục đích nhân đạo. Từ khi xuất hiện cho đến nay, quyền an tử luôn là vấn đề có nhiều quan điểm trái chiều, vấp phải sự phản đối gay gắt, song song với đó thì ngày càng có nhiều quan điểm ủng hộ xuất hiện rộng khắp từ các bài báo đến các diễn đàn và đặc biệt là quyền an tử còn được luật hóa tại một số quốc gia. Mặc dù, trong các văn kiện pháp lý quốc tế chưa ghi nhận về quyền an tử, tuy nhiên, quyền an tử vẫn là một trong những nội dung tiêu biểu trong một số án lệ tiêu biểu của các quốc gia.
Sự chủ động của quốc gia và các quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia là cơ sở hữu hiệu để kết luận rằng an tử có hợp pháp hay không. Việc xem xét quyền an tử nên đặt trong mối quan hệ với các quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu lên hàng đầu, chú trọng sự tự quyết của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, trong giới hạn của pháp luật mỗi quốc gia, khi đối mặt với vấn đề quyền an tử nên có sự đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với các đặc điểm tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại quốc gia sở tại. Để làm được điều đó, việc nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới là rất quan trọng, trong đó không thể không đề cập đến Hà Lan - quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa quyền an tử.
1. Khái niệm an tử và quyền an tử
Quyền an tử ngay từ khi bắt đầu xuất hiện cho đến nay vẫn là một quyền gây ra nhiều tranh cãi gay gắt nhưng vì mục đích nhân đạo mà quyền an tử hướng đến nên nó dần được chấp nhận và có được cái nhìn thiện cảm hơn từ xã hội. Vì thế, quyền an tử phải là một quyền có điều kiện để tránh sự lạm dụng vào mục đích khác với ý nghĩa nhân đạo mà quyền an tử hướng đến ngay từ đầu.
Tại Điều 1 Chương I Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử của Hà Lan ghi nhận: “Hỗ trợ tự tử có nghĩa là cố ý hỗ trợ việc tự tử của người khác hoặc mua sắm cho người khác các phương tiện để người đó tự sát”. Như vậy, quy định này đã nêu ra được khái lược về an tử là giúp cho một người thực hiện cái chết theo mong muốn của họ. Tuy nhiên, quyền an tử theo quy định này lại chưa giải quyết vấn đề đây có phải là quyền nhân thân hay không.
2. Chủ thể hưởng thụ quyền an tử
Quyền an tử là quyền của một nhóm đối tượng đặc biệt. Để một người trở thành chủ thể của quyền an tử cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, theo quy định tại các điểm a, d khoản 1 Điều 2 Chương II Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử, Luật không yêu cầu người bệnh phải chịu những đau đớn về thể xác hoặc bị bệnh nan y, mà chỉ quy định “bệnh nhân phải chịu sự đau khổ của bệnh tật kéo dài và không thể chịu đựng được, không có giải pháp hợp lý nào khác cho tình huống mà bệnh nhân đang gặp phải”. Như vậy, pháp luật Hà Lan hướng đến đối tượng là những bệnh nhân trong tình trạng y tế vô phương cứu chữa, không có giải pháp hợp lý nào khác cho tình huống này của bệnh nhân, do bệnh tật hay do một tai nạn gây ra. Tuy nhiên, về bản chất, việc chẩn đoán bệnh nhân có đang phải chịu đựng những đau đớn về thể chất hoặc tinh thần là không thể chịu đựng được thì bác sĩ cần phải sử dụng các tiêu chuẩn y tế khách quan để đánh giá, chứ không thể dựa vào các yếu tố chủ quan của bác sĩ hay từ phía người bệnh.
Thứ hai, về năng lực hành vi, pháp luật cho phép an tử đối với người còn khả năng biểu đạt nguyện vọng và cả với những người không còn khả năng biểu đạt nguyện vọng, cụ thể như sau: Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 2 Chương II Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử quy định: “Yêu cầu an tử phải là yêu cầu của bệnh nhân, bệnh nhân phải có khả năng đưa ra quyết định và tự nguyện đưa ra quyết định của mình về yêu cầu an tử”. Tuy nhiên, đối với những người không còn khả năng biểu đạt nguyện vọng thì ghi nhận tại khoản 2 Điều 2 Chương II của Luật này như sau: “Nếu người bệnh không còn khả năng diễn đạt ý chí nhưng nếu trước đó còn đầy đủ năng lực hành vi, nhận thức được về quyền và lợi ích hợp pháp của mình và người bệnh tự nguyện đưa ra một tuyên bố bằng văn bản có yêu cầu chấm dứt cuộc sống thì yêu cầu này sẽ có thể được cân nhắc thực hiện”. Tại Hà Lan, một tuyên bố bằng văn bản được đưa ra trong trường hợp người bệnh muốn sử dụng quyền an tử nhưng lại rơi vào trạng thái không còn khả năng biểu đạt ý chí của mình[1].
Thứ ba, về độ tuổi, Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử cho phép thực hiện an tử cho người từ 12 tuổi trở lên (các khoản 2, 3, 4 Điều 2 Chương II ). Cụ thể, yêu cầu người bệnh từ 16 tuổi trở lên có thể lập “Tuyên bố bằng văn bản yêu cầu chấm dứt sự sống” (khoản 2 Điều 2 Chương II). Tuyên bố bằng văn bản này phải được lập khi người lập không ở trạng thái y khoa đặc biệt nào, có hiểu biết và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và tự nguyện đưa ra tuyên bố này. Nếu bệnh nhân vị thành niên đã từ 16 đến 18 tuổi có thể yêu cầu và được an tử. Bố hoặc mẹ hoặc cả bố và mẹ hoặc người giám hộ phải tham gia vào quá trình quyết định (khoản 3 Điều 2 Chương II) nhưng không cần phải có sự chấp thuận của bố, mẹ hoặc người giám hộ. Nếu bệnh nhân vị thành niên từ 12 đến 16 tuổi, có thể yêu cầu và được an tử. Bố hoặc mẹ hoặc cả bố và mẹ hoặc người giám hộ phải đồng ý với việc chấm dứt cuộc sống hoặc tự tử (khoản 4 Điều 2 Chương II). Có thể thấy, xu hướng trẻ hóa chủ thể của quyền an tử ngày càng phổ biến và nhận được sự ủng hộ của chủ thể hưởng thụ quyền và các nhà làm luật bởi lý do quyền được an tử nói riêng và quyền được chết nói chung chỉ nên bị chi phối bởi yếu tố tình trạng bệnh lý, không nên dựa vào yếu tố độ tuổi để đảm bảo tính khách quan của quyền an tử hướng đến. Tuy nhiên, ngay cả tại Hà Lan, một quốc gia có nền giáo dục phát triển với trình độ rất cao, cũng được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) nhận xét sau khi nước này ban hành luật về cái chết nhân đạo như sau: Ủy ban thấy khó để dung hòa một quyết định hợp lý rằng, có nên kết thúc cuộc sống các em nhỏ khi mà một căn bệnh y học ở thời điểm hiện tại là chưa thể chữa khỏi, bởi y học trong tương lai có thể chữa khỏi hay không vẫn là một ẩn số. Liên quan đến việc áp dụng luật về an tử, Ủy ban muốn nhấn mạnh rằng trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt[2]. Do vậy, về độ tuổi được phép thực hiện quyền an tử trên thế giới nói chung và Hà Lan nói riêng sẽ là vấn đề cần được lưu tâm tại mỗi quốc gia, tùy vào tình trình độ văn hóa xã hội và góc nhìn của các nhà làm luật trong việc đưa ra quy định về độ tuổi trong pháp luật của chính quốc gia mình. Theo tác giả, về độ tuổi được phép an tử nên tuân thủ các điều kiện về độ tuổi trưởng thành trong quy định của pháp luật dân sự.
3. Người thực hiện hành vi an tử
Pháp luật an tử Hà Lan ghi nhận việc cần có sự tham gia phối hợp của nhiều bác sĩ trong một trường hợp an tử cụ thể, bao gồm: Bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, bác sĩ cố vấn chịu trách nhiệm kiểm tra việc chữa trị, các chẩn đoán, tiên lượng của bác sĩ điều trị, kiểm tra các thủ tục mà bác sĩ điều trị đã thực hiện và bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia tâm lý chịu trách nhiệm xác định năng lực hành vi của bệnh nhân, chứng nhận bệnh nhân không mắc bệnh tâm lý hoặc tâm thần có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và đưa ra quyết định của bệnh nhân hay không. Thông thường, người thực hiện hành vi an tử sẽ là bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, bởi chỉ có như thế thì người thực hiện hành vi mới hiểu và biết rõ các đặc điểm về tình hình sức khỏe của chủ thể hưởng thụ quyền. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng giúp chúng ta phân định hành vi của bác sĩ có vi phạm pháp luật hình sự hay không.
Một trong những điểm nổi bật của pháp luật an tử tại Hà Lan là quy định về “Trách nhiệm cẩn trọng, giảm thiểu rủi ro” tại Điều 2 Chương 2 Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử. Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 293 Bộ luật Hình sự Hà Lan, hành vi của bất kỳ ai nhằm chấm dứt cuộc sống của người khác theo ý muốn rõ ràng và nghiêm túc của người đó sẽ không bị xem là tội phạm nếu đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 2 Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử: (i) Tin chắc rằng yêu cầu của bệnh nhân là tự nguyện và được cân nhắc kỹ lưỡng; (ii) Sự đau khổ của bệnh nhân là kéo dài và không thể chịu đựng được; (iii) Đã thông báo cho bệnh nhân về tình trạng của họ và diễn biến ở tương lai; (iv) Không có giải pháp hợp lý nào khác cho tình huống của bệnh nhân ở hiện tại; (v) Đã tham khảo ý kiến của ít nhất một bác sĩ độc lập khác, người đã khám bệnh cho bệnh nhân và đã đưa ra ý kiến bằng văn bản về các yêu cầu chăm sóc thích hợp; (vi) Đã chấm dứt cuộc sống của chủ thể quyền an tử một cách thận trọng. Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 293 Bộ luật Hình sự Hà Lan, bác sĩ (người thực hiện hành vi an tử) phải thông báo cho nhà nghiên cứu bệnh học về hành động này theo các quy định của khoản 2 Điều 7 Đạo luật Mai táng và hỏa táng.
Như vậy, các quy định tại Hà Lan về giới hạn, phạm vi và phương thức thực hiện hành vi an tử sao cho phù hợp với quy định của pháp luật sẽ giúp cho người dân có cái nhìn đúng về nghề thầy thuốc và giúp cho các bác sĩ, những người thực hiện hành vi an tử phân định được ranh giới rõ ràng, giữa hành vi phạm pháp luật hình sự với hành vi an tử vì mục đích nhân đạo, tránh sự lạm quyền của người thực hiện hành vi an tử.
4. Phân loại an tử được cho phép thực hiện
Pháp luật Hà Lan đều cho phép an tử tự nguyện theo yêu cầu của chủ thể hưởng quyền, cụ thể là an tử tự nguyện theo ý chí của bệnh nhân. Việc an tử tại Hà Lan là an tử tự nguyện và được phân thành an tử tự nguyện chủ động và an tử tự nguyện bị động.
An tử tự nguyện chủ động: Là hành vi an tử của một người trong tình trạng tỉnh táo, có đủ khả năng nhận thức và năng lực hành vi, hiểu rõ đề nghị an tử trong việc kết thúc cuộc sống của họ một cách trực tiếp. An tử trong trường hợp này cần có sự tác động trực tiếp của người khác để giúp bệnh nhân chấm dứt cuộc sống nhanh chóng.
An tử tự nguyện bị động: Là hành vi an tử cho một người trong tình trạng tỉnh táo, có đầy đủ khả năng nhận thức và năng lực hành vi, hiểu rõ đề nghị an tử trong việc kết thúc cuộc sống một cách gián tiếp. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh đã rơi vào trạng thái mất khả năng diễn đạt ý muốn bởi hôn mê, chết não, hay là người thực vật, nếu trước đó, khi còn khả năng biểu đạt ý chí, năng lực hành vi, người bệnh thông qua một văn bản hợp pháp hay một chỉ thị trước theo quy trình, thủ tục luật định thì sẽ được ghi nhận như là một yêu cầu tự nguyện của người bệnh. Đây là sự tác động gián tiếp từ người thực hiện hành vi để bệnh nhân chết bằng việc không thực hiện hoặc chấm dứt việc thực hiện, trị liệu cần thiết để kéo dài sự sống.
Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử không ghi nhận việc cho phép thực hiện hành vi an tử không tự nguyện và an tử trái nguyện vọng. Nếu khi tiến hành các hành vi an tử không tự nguyện và trái nguyện vọng cho bệnh nhân thì sẽ bị xem là hành vi giết người. Một số quốc gia đã từ chối an tử không tự nguyện dưới mọi hình thức, điều đó có nghĩa là, nếu người bệnh chưa kịp đưa ra chúc thư y tế với ý định muốn được chết do quyền an tử một cách hợp lệ, mà đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu hay mất tỉnh táo thì không ai được phép định đoạt mạng sống của họ bằng bất kỳ cách thức nào, bởi đây sẽ bị xem là hành vi cấu thành tội giết người theo quy định của pháp luật hình sự.
5. Quy trình thực hiện an tử
Đối với yêu cầu an tử tự nguyện chủ động, quy trình thực hiện việc an tử cần được tiến hành tuần tự như sau để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật[3]: (i) Có yêu cầu một cách tự nguyện, mong muốn được an tử của bệnh nhân; (ii) Bác sĩ điều trị phải tiến hành kiểm tra và chẩn đoán về tình hình của bệnh nhân, xem xét các điều kiện về chủ thể hưởng thụ quyền an tử và đảm bảo rằng bệnh nhân đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được an tử tự nguyện chủ động; (iii) Đã tham khảo ý kiến của ít nhất một bác sĩ độc lập khác, người đã khám bệnh cho bệnh nhân và đã đưa ra ý kiến bằng văn bản về các yêu cầu chăm sóc thích hợp; (iv) Tiến hành thực hiện việc an tử cho bệnh nhân một cách thận trọng đáp ứng các điều kiện về an tử; (v) Bác sĩ phải tiến hành thông báo cho nhà nghiên cứu bệnh học về hành động an tử cho một bệnh nhân; (vi) Các ủy ban khu vực xem xét thông báo về các trường hợp chấm dứt mạng sống theo yêu cầu an tử, xem xét việc tuân thủ các quy định tại luật an tử.
Đối với yêu cầu an tử tự nguyện bị động, yêu cầu về an tử tự nguyện bị động ghi nhận trong pháp luật an tử của Hà Lan chỉ được xem là hợp lệ nếu[4]: (i) Có yêu cầu bằng văn bản hay chỉ thị trước của bệnh nhân về mong muốn được an tử là hợp lệ; (ii) Từ các số liệu về tình trạng bệnh lý của bệnh nhân hiện tại, bác sĩ điều trị phải đưa ra các chẩn đoán và tiên lượng về tình hình bệnh nhân, có rơi vào trường hợp vô phương về mặt y tế hay không; (iii) Đảm bảo rằng bệnh nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an tử; (iv) Đã tham khảo ý kiến của ít nhất một bác sĩ độc lập khác, người đã khám bệnh cho bệnh nhân và bác sĩ tư vấn đã đưa ra ý kiến bằng văn bản về tình trạng của bệnh nhân hiện tại; (v) Không có giải pháp nào hợp lý hơn cho tình huống của bệnh nhân ở hiện tại, bác sĩ điều trị sẽ tiến hành ngừng các biện pháp, liệu pháp chữa trị để kéo dài sự sống cho bệnh nhân; (vi) Một ủy bản tư pháp sẽ tiến hành giám sát hành vi an tử của người thực hiện hành vi an tử để đảm bảo hành vi an tử được tiến hành đúng với quy định của pháp luật.
6. Chúc thư y tế
Chúc thư y tế là văn bản cho người bệnh lập, trong đó thể hiện rõ ràng phương hướng điều trị người bệnh mong muốn tiếp nhận khi lâm vào tình trạng y tế đặc biệt và chỉ định người được ủy nhiệm thay người bệnh quyết định việc chăm sóc, chữa trị[5]. Văn bản này lập ra nhằm tránh sự xung đột giữa mong muốn đã thể hiện của người bệnh và quan điểm của những chủ thể khác như gia đình, bạn bè,… cũng như loại bỏ những tranh chấp có thể xảy ra khi thực hiện mong muốn này.
Tại Hà Lan, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Chương II Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử, nếu người bệnh trước khi mất khả năng biểu đạt nguyện vọng, có đầy đủ nhận thức và năng lực hành vi thì có thể thông qua một yêu cầu bằng văn bản yêu cầu chấm dứt cuộc sống của mình thông qua quyền an tử. Đây là cơ sở cho việc bác sĩ thực hiện mong muốn được an tử của bệnh nhân nếu như tình trạng bệnh nhân đáp ứng các điều kiện về an tử.
Quy định về chúc thư y tế của Hà Lan được các nhà làm luật quy định một cách chặt chẽ và cụ thể để người dân hiểu một cách rõ ràng nhất, không cần sự dẫn chiếu đến các văn bản khác trong hệ thống pháp luật để làm rõ vấn đề về chúc thư y tế.
7. Giám sát của một ủy ban phi tư pháp
Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử quy định tại khoản 1 Điều 3 Chương I rằng: Các ủy ban đánh giá khu vực về việc kết thúc sự sống và trợ tử sau đây sẽ gọi tắt là ủy ban. Ủy ban sẽ xem xét các thông báo về các trường hợp chấm dứt mạng sống khi có yêu cầu an tử bởi một ủy ban. Theo quy định tại khoản 2 Điều này, một ủy ban bao gồm số lượng thành viên không đồng đều, sẽ bao gồm một chuyên gia pháp lý đồng thời là chủ tịch, một bác sĩ và một chuyên gia về đạo đức hoặc những vấn đề triết học. Tại đây, ủy ban sẽ đánh giá trên cơ sở báo cáo của bác sĩ thực hiện an tử gửi về, liệu bác sĩ đã chấm dứt một cuộc sống theo yêu cầu an tử với những hành động đã phù hợp với yêu cầu chăm sóc thích hợp, được đề cập trong Điều 2 Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử hay chưa. Mặt khác, ủy ban còn có thể yêu cầu bác sĩ bổ sung báo cáo của mình bằng văn bản hoặc bằng lời nói, khi điều này là cần thiết để đánh giá đúng các hành động của bác sĩ. Ngoài ra, ủy ban có thể đặt câu hỏi tại cơ quan khám nghiệm tử thi, nhà tư vấn hoặc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc có liên quan khi điều này là cần thiết để đánh giá đúng hành vi của bác sĩ là có tuân thủ theo các quy định của pháp luật hay chưa. Nhiệm vụ của ủy ban trong vòng 06 tuần kể từ khi nhận được báo cáo của bác sĩ về hành vi an tử đã thực hiện phải có câu trả lời bằng văn bản về ý kiến của ủy ban trước báo cáo mà bác sĩ gửi đến. Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử, quy định thời hạn nêu tại khoản 1 Điều 9 có thể được gia hạn tối đa một lần thời gian sáu tuần. Ủy ban sẽ thông báo cho bác sĩ về điều này. Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 9, ủy ban có thể giải thích thêm bằng lời về ý kiến của mình cho bác sĩ, việc giải thích bằng lời nói này có thể diễn ra theo yêu cầu của ủy ban hoặc theo yêu cầu của bác sĩ.
Theo thực tiễn hoạt động an tử tại Hà Lan trước đây, nghĩa vụ chứng minh làm sáng tỏ mục đích và quá trình chấm dứt sự sống thuộc về bác sĩ. Pháp luật sửa đổi đã chuyển nghĩa vụ chứng minh này sang cho công tố viên, người được yêu cầu phải chứng minh việc chấm dứt sự sống không tuân thủ đúng trách nhiệm cẩn trọng. Công tố viên không được tiếp cận thông tin nếu thông tin không do ủy ban địa phương chuyển đến. Cụ thể, tại Điều 10 Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử, Ủy ban có nghĩa vụ cung cấp tất cả thông tin cho công tố viên trong trường hợp: (i) Vì lợi ích của việc đánh giá các hành động của bác sĩ đã thực hiện; (ii) Vì lợi ích của một cuộc điều tra hình sự. Ủy ban sẽ thông báo cho bác sĩ về bất kỳ việc cung cấp thông tin nào cho công tố viên[6].
8. Cách thức thực hiện an tử
Quy định cách thức thực hiện an tử của Hà Lan nhằm hướng tới sự giải thoát cho người được an tử khỏi những đau đớn do bệnh tật gây ra, vì mục đích nhân đạo. Cụ thể, Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử không ghi nhận một cách cụ thể về phương thức an tử mà bác sĩ sẽ thực hiện, Luật chỉ quy định rằng, an tử là việc một người cố ý giúp người khác tự sát theo quy định tại Điều 1 Chương I của Luật. Nhưng dù có là cách thức như thế nào thì tại Bỉ và Hà Lan đều có quy định về việc thực hiện an tử phải hướng đến cách thức thực hiện ít hoặc không gây đau đớn cho người được an tử, bởi đây là mục đích nhân đạo mà quyền an tử hướng đến.
9. Thủ tục sau an tử
Theo Điều 10 Luật Mai táng và hỏa táng Hà Lan, nếu nhân viên khám nghiệm tử thi thành phố cho rằng họ không thể cấp giấy chứng tử thì họ phải nhanh chóng báo cáo điều này cho công tố viên bằng cách điền vào một mẫu đơn và nếu công tố viên, trong các trường hợp nêu tại Điều 7 có ý kiến cho rằng, họ không thể cấp giấy chứng nhận, không phản đối việc chôn cất hoặc hỏa táng, thì công tố viên phải nhanh chóng thông báo cho nhân viên khám nghiệm thành phố và ủy ban đánh giá khu vực được đề cập trong Điều 3 Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử (thủ tục xem xét), bằng cách điền vào một biểu mẫu và sẽ gửi kèm một báo cáo.
Tóm lại, nhìn vào lịch sử và thực tiễn phát triển của quyền an tử, một sự thật không thể phủ nhận rằng xu hướng của thế giới là đang dần cởi mở hơn với quyền an tử và con người dần chấp nhận chế định này. Thực tế cũng đã chứng minh rằng số lượng các nước chấp thuận quyền được chết và xây dựng luật an tử đang có xu hướng tăng dần đầu tiên là Hà Lan, rồi đến Bỉ,... Việt Nam và các nước Đông Á không thể nằm ngoài dòng chảy chung của thế giới. Từ kinh nghiệm các nước cũng như thực tiễn ghi nhận tại Việt Nam, việc cho phép hợp thức hóa quyền an tử và thực thi quyền an tử trong đời sống xã hội nhằm thực hiện những mong cầu về một sự sống cuối đời có ý nghĩa càng phải được nhân rộng và quan tâm. Hợp pháp hóa quyền an tử tại Hà Lan đã mở ra một bước tiến mới quan trọng, một kỷ nguyên mới để quyền an tử có tiền đề để phát triển và được công nhận rộng khắp.
ThS. Nguyễn Thanh Quyên
Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Ảnh: internet
[1] Nguyễn Mai Chi (2014), Quyền an tử - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội , tr . 78.
[2] Trung tâm Nghiên cứu quyền con người và quyền công dân, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (2012), Giới thiệu công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1996), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 103.
[3] Theo quy định tại Chương II, Chương II, Chương IV Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và trợ tử.
[4] Theo quy định tại Chương II, Chương III, Chương IV Luật Yêu cầu chấm dứt sự sống và Trợ tử Hà Lan.
[5] Nguyễn Mai Chi (2014), tlđd, tr . 88.
[6] Các thành viên, phó thành viên của tiểu ban có nghĩa vụ giữ bí mật bất kỳ thông tin có được trong việc thực hiện nhiệm vụ của họ, trừ khi có quy định pháp luật bắt buộc họ phải tiết lộ thông tin này hoặc khi nhu cầu tiết lộ thông tin xuất phát từ nhiệm vụ của họ.