Thứ năm 12/06/2025 22:09
Email: danchuphapluat@moj.gov.vn
Hotline: 024.627.397.37 - 024.62.739.735

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân được thụ hưởng nền tư pháp văn minh

Tiếp cận công lý của người dân là một trong những quyền cơ bản của quyền con người, được ghi nhận và bảo đảm thực hiện trên thực tế bằng pháp luật. Nội dung của quyền tiếp cận công lý thể hiện ở việc thực hiện các quyền cơ bản về tố tụng đã được luật nhân quyền quốc tế và pháp luật các quốc gia ghi nhận, trước hết là quyền được xét xử, xét xử kịp thời và quyền bình đẳng trước pháp luật và Tòa án.

Trong bối cảnh cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, lâu dài và có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có tiến trình hiện đại hóa ngành Tòa án. Chuyển đổi số trong ngành Tòa án không chỉ là việc ứng dụng công nghệ mà còn là thay đổi phương thức vận hành, cải cách mô hình quản trị và tổ chức thực thi quyền tư pháp theo hướng minh bạch, công khai, hiệu quả.

Nhiều hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến đã được đưa vào sử dụng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của Tòa án

Thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa vào sử dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của Tòa án, qua đó góp phần tạo ra những giá trị lớn cho xã hội, giúp nâng cao hiệu quả phục vụ người dân tốt hơn, đã được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lựa chọn là mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành. Cụ thể:

Một là, triển khai các dịch vụ tư pháp công phục vụ người dân.

Đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện cung cấp được một số dịch vụ tư pháp công trực tuyến như: (i) Gửi, nhận đơn tư pháp, tài liệu, chứng cứ và thực hiện cấp, tống đạt, thông báo văn bản của Tòa án thông qua phương tiện điện tử; (ii) Đăng ký trực tuyến cấp sao bản án và tài liệu trong hồ sơ vụ án; (iii) Nộp tạm ứng án phí, lệ phí, tiền phạt trực tuyến. Thông qua dịch vụ trực tuyến này, người tham gia tố tụng có thể nộp tạm ứng án phí, lệ phí, tiền phạt trực tuyến theo quy định của pháp luật hoặc quyết định trong các bản án thông qua thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại, máy tính… mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến Kho bạc Nhà nước hay ngân hàng. Các dịch vụ này được xây dựng theo phương châm lấy người dân làm trung tâm để phát triển.

Hai là, công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án.

Công khai là thuộc tính của hoạt động xét xử, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, là phương thức hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, đồng thời là cơ chế đề cao trách nhiệm của thẩm phán trong thực thi quyền tư pháp. Với ý nghĩa như vậy, công khai trong hoạt động của Tòa án là nguyên tắc quan trọng đã được quy định trong Hiến pháp. Theo đó, trên nền tảng số, ngành Tòa án tập trung vào nhu cầu tư pháp của người dân để kịp thời cung cấp thông tin tư pháp mà đương sự và công chúng quan tâm, đồng thời thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng sự “cởi mở” của tư pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và bảo đảm sự tham gia của công chúng. Tòa án nhân dân tối cao đã đưa vào sử dụng Cổng Thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao; Cổng thông tin đào tạo Học viện Tòa án và 66 trang thông tin điện tử của các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Trang thông tin điện tử công bố bản án; Trang thông tin về án lệ nhằm tạo môi trường giao tiếp điện tử giúp người dân, sinh viên dễ dàng tiếp cận và theo dõi tình hình hoạt động của Tòa án; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án; tăng cường niềm tin của người dân vào hoạt động của Tòa án; đồng thời là diễn đàn để các thẩm phán, các nhà nghiên cứu, luật sư, sinh viên, người dân trao đổi, bình luận về án lệ cũng như những vướng mắc trong quá trình áp dụng án lệ và đề xuất nguồn phát triển án lệ. Theo số liệu thống kê, đến nay đã có trên 1,7 triệu bản án, quyết định được công bố, phục vụ gần 330 triệu lượt truy cập đọc, tra cứu, khai thác thông tin[1].

Dự kiến, trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao sẽ đề xuất với Chính phủ xem xét công nhận, bổ sung cơ sở dữ liệu về bản án, quyết định của Tòa án vào danh mục cơ sở dữ liệu cấp quốc gia để phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính quyền số.

Ba là, tích cực triển khai xét xử trực tuyến.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác xét xử, nhất là tại thời điểm bối cảnh cả nước triển khai các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19, để đảm bảo giải quyết các vụ án trong thời hạn theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động đề xuất và được Quốc hội chấp nhận, ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Sự ra đời của Nghị quyết số 33/2021/QH15 tạo ra một phương thức mới trong việc tổ chức công tác xét xử của Tòa án, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cam kết quốc tế; thể hiện việc thích ứng và bắt kịp với các giá trị của nền tư pháp văn minh trong thời đại số và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay.

Theo thống kê, tính từ ngày 01/01/2022 đến nay, các Tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20 nghìn vụ án[2]. Việc triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến trong nhiều trường hợp bảo đảm tính nhân văn trong quá trình giải quyết vụ án (đối với vụ án hình sự có liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục hoặc bị hại là trẻ em thì người bị hại không cần xuất hiện trực tiếp tại phiên tòa) giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và bảo đảm các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định; tiết kiệm được các chi phí; thuận lợi cho việc bảo vệ phiên tòa;...

Bốn là, ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ thẩm phán nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.

Nếu trong hoạt động tư pháp, Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm thì người thẩm phán là hạt nhân của quá trình này. Chính vì vậy, cần có sự hỗ trợ tốt nhất, giúp cho thẩm phán có được một phán quyết đúng pháp luật, “khuất phục” kẻ phạm tội, thuyết phục với các bên. Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án là phải làm thế nào để thẩm phán nhận thức và áp dụng pháp luật đúng; xử lý các tình huống pháp lý chính xác; thực hiện các hoạt động tố tụng nhanh chóng, kịp thời, khoa học, đúng quy định; các văn bản tố tụng càng ngày càng chặt chẽ chất lượng, không bị sai sót và giảm bớt áp lực công việc cho các thẩm phán trong bối cảnh số lượng vụ việc Tòa án phải giải quyết ngày càng tăng. Vì vậy, để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Thẩm phán thông qua việc ứng dụng công nghệ số, năm 2022, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thử nghiệm phần mềm “Trợ lý ảo” đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân.

Việc Tòa án nhân dân tối cao đưa phần mềm “Trợ lý ảo” vào khai thác, sử dụng[3] được xem là một bước tiến lớn, điểm sáng trong ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống Tòa án. “Trợ lý ảo” sẽ số hóa các tri thức, kinh nghiệm xử án của các thẩm phán giỏi, giàu kinh nghiệm; tạo ra Thư ký ảo làm việc trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cho thẩm phán trong quá trình nghiên cứu, phân tích, giải quyết vụ án; bảo đảm việc áp dụng đúng, thống nhất pháp luật; hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp tiếp nhận và xử lý các loại đơn tư pháp; cung cấp dịch vụ chỉ dẫn pháp luật và đoán định tư pháp cho người dân. Đến nay, phần mềm đã tích hợp trên 173.000 văn bản, trên 1,7 triệu bản án, quyết định, trên 64.000 câu giải đáp tình hình pháp lý, trên 10,5 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000 - 15.000 lượt/ngày. Phần mềm này nhận được những phản hồi, đánh giá tích cực từ các Tòa án.

Năm là, kết nối với nền tảng số quốc gia.

Đối với nhiệm vụ xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đóng vai trò quan trọng, giúp hệ thống Tòa án đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử, giúp Tòa án thực hiện một số hoạt động của Tòa án trên nền tảng số, như: quản trị nội bộ Tòa án, công khai hoạt động của Tòa án, cung ứng dịch vụ tư pháp công trực tuyến, tiến hành các hoạt động tố tụng điện tử và thu thập, tài liệu chứng cứ điện tử; đồng thời, chia sẻ dữ liệu của hệ thống Tòa án để triển khai xây dựng xã hội số, kinh tế số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản trị quốc gia.

Thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan triển khai kết nối, tích hợp lên nền tảng số quốc gia các hệ thống công nghệ thông tin sau: (i) Đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia 06 dịch vụ công của Tòa án, bao gồm: Đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Toà án bằng phương tiện điện tử; thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tra cứu thông tin bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tra cứu nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tra cứu thông tin các Án lệ của Tòa án trên Cổng dịch vụ công quốc gia. (ii) Hoàn thành việc kết nối liên thông dữ liệu giữa hệ thống quản lý văn bản điện tử và chỉ đạo điều hành của Tòa án nhân dân với Trục văn bản liên thông quốc gia qua nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia (Vietnam Data Exchange Platform - VDXP) của Văn phòng Chính phủ; (iii) Hoàn thành kết nối, đồng bộ hơn 15 nghìn hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân lên cơ sở quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ quản lý với đầy đủ các trường thông tin theo quy định của Bộ Nội vụ; (iv) Dự án “Xây dựng và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của Tòa án nhân dân đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu với trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06” bước đầu hoàn thành việc kết nối vật lý với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Dự kiến, trong năm 2025 sẽ hoàn thành kết nối, chia sẻ xác thực thông tin đối với đương sự, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng… trên Cổng dịch vụ tư pháp công và nâng cấp một số phần mềm nội bộ của Toà án nhân dân để phục vụ triển khai tố tụng điện tử và xét xử trực tuyến.

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm được đề ra đến năm 2030, trong đó, lấy mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử làm trung tâm

Nhằm tạo ra những đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án và thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hoạt động Tòa án trong “thời đại số”, Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó lấy mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử làm trung tâm. Xây dựng Tòa án điện tử sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng, công khai minh bạch hoạt động của các Tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có việc cần giải quyết, người dân được thụ hưởng nền tư pháp văn minh, dễ dàng tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý, ít phải trực tiếp đến Tòa án mà có thể thực hiện các hoạt động tố tụng qua các giao thức điện tử.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ trọng tâm khác cũng được Tòa án nhân dân tối cao đề ra, cụ thể: (i) Tham gia hoàn thiện thể chế, xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số; (ii) Phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; (iii) Cung cấp đầy đủ các dịch vụ tư pháp công trực tuyến theo quy định của pháp luật để phục vụ người dân tốt hơn; (iv) Đẩy mạnh xét xử trực tuyến, tạo tiền đề triển khai nền tảng tố tụng trực tuyến; (v) Tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án trên nền tảng số; (vi) Ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ Thẩm phán nâng cao năng suất lao động và phục vụ nhân dân; (vii) Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ triển khai Tòa án điện tử; (viii) Hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số.

Có thể nói, phát triển Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới; giúp người dân được thụ hưởng một nền tư pháp văn minh, hiện đại, các hoạt động tố tụng và phán quyết của Tòa án được công khai minh bạch để người dân tiếp cận thông tin và giám sát hoạt động tư pháp; bảo đảm tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Kết quả trên thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực hành động toàn diện của Tòa án nhân dân tối cao nhằm thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần tạo ra những chuyển biến căn bản trong phương thức thực thi công lý, phù hợp với định hướng của Đảng và kỳ vọng của Nhân dân.

Ảnh: internet


[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/, truy cập ngày 28/5/2025.

[2] https://vneconomy.vn/gan-20-000-vu-an-duoc-dua-ra-xet-xu-truc-tuyen.htm#:~:text=V%E1%BB%81%20tri%E1%BB%83n%20khai%20x%C3%A9t%20x%E1%BB%AD,ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20v%C3%A0%20x%C3%A3%20h%E1%BB%99i, truy cập ngày 29/5/2025.

[3] https://trolyao.toaan.gov.vn/.

Vinh Nguyễn

Bài liên quan

Tin bài có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh: Nỗ lực cao nhất để sớm đưa Cổng Pháp luật quốc gia phục vụ người dân và doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh: Nỗ lực cao nhất để sớm đưa Cổng Pháp luật quốc gia phục vụ người dân và doanh nghiệp

Sáng nay (31/5/2025), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương đã bấm nút khai trương Cổng Pháp luật quốc gia. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối vận hành Cổng Pháp luật quốc gia về nội dung này.

Theo dõi chúng tôi trên:

mega story

trung-nguyen
hanh-phuc
cong-ty-than-uong-bi
vien-khoa-hoac-cong-nghe-xay-dung
bao-chi-cm