Dẫn nhập
Báo chí là công cụ đắc lực trong việc trình bày mọi quan điểm khác nhau về các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội. Báo chí cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc sống và sinh hoạt như những cá thể tự do trong một xã hội mở, khai phóng, nhưng đặt trên nền một hệ thống pháp lý chặt chẽ. Bởi lẽ, nền tảng của tự do một cách nghịch lý lại chính là pháp luật. Không có pháp luật thì tự do trở thành một thứ vô chính phủ, vô kỷ luật, mạnh ai nấy làm theo sở thích riêng và rốt cục đưa đến “luật rừng”...
Mác đã từng nói: “Báo chí nói chung là sự thực hiện tự do của con người. Do đó, ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí. Bản chất của báo chí tự do - đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức của tự do”. Về thiên chức của báo chí, Mác đã nói với giọng văn đầy hình tượng: "Báo chí tự do - đó là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân; là hiện thân sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với Nhà nước, với toàn thế giới, nó là hiện thân nền văn hóa đang biến cuộc đấu tranh vật chất thành cuộc đấu tranh tinh thần và lý tưởng hóa hình thức vật chất thô bạo của cuộc đấu tranh đó... Báo chí tự do là toàn diện, nơi nào cũng có mặt, cái gì cũng biết. Báo chí tự do là cái thế giới ý tưởng không ngừng trào ra từ thực tế hiện thực lại chảy trở về hiện thực như một dòng thác đầy sinh khí dưới hình thức của cái tinh thần ngày càng dồi dào”.
Ở Việt Nam hiện nay, báo chí đang là diễn đàn ngôn luận của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân; là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân. Và đặc biệt, báo chí đã góp phần to lớn trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là về bảo đảm các quyền con người.
Theo Báo cáo tổng kết công tác báo chí năm 2018, cả nước hiện nay có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí in và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập, cả nước có hơn 19.000 nhà báo được cấp Thẻ nhà báo...
1. Luật Báo chí năm 2016 và những nội dung cơ bản
Luật Báo chí năm 2016 gồm 06 chương với 61 điều. Luật được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 04/5/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 sau 17 lần soạn thảo, chỉnh sửa, vì thế có thể xem là luật mới. So với Luật Báo chí năm 1999, Luật Báo chí năm 2016 tăng 25 điều, trong đó có 32 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung; không quy định chương quản lý nhà nước về báo chí; thay đổi kết cấu Chương III (Nhiệm vụ quyền hạn của báo chí) của Luật Báo chí năm 1999 thành Chương III (Tổ chức báo chí) và Chương IV (Tổ chức báo chí và nhà báo) thành Chương IV (Hoạt động báo chí).
Luật Báo chí năm 2016 được quy định sát với thực tế đời sống báo chí trong nước hơn, sự ràng buộc cao hơn, đặc biệt có nhiều điểm mới đã được hiến định vào luật... Những nội dung cơ bản của Luật bao gồm:
Thứ nhất, quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Luật Báo chí 2016 đã kết cấu Chương II với 04 điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, trong đó quy định công dân có quyền: Sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và thành viên của các cơ quan, tổ chức đó.
Thứ hai, quy định về đối tượng thành lập cơ quan báo chí. Ngoài các đối tượng thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, Luật Báo chí năm 2016 đã bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tương đương trở lên. Quy định trên cho phép các cơ sở giáo dục và tổ chức khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài được phép ra tạp chí khoa học.
Thứ ba, quy định về liên kết trong hoạt động báo chí. Luật quy định các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định và kênh thời sự - chính trị tổng hợp; thời lượng tối đa mà cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình. Cơ quan báo chí chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí.
Thứ tư, quy định về quyền tác nghiệp của báo chí. Luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.
Luật cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp được luật quy định. Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ năm, quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Luật quy định Hội nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.
Thứ sáu, về hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí. Luật Báo chí năm 2016 quy định mở về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, theo đó nguồn thu của cơ quan báo chí gồm thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí.
Thứ bảy, quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí. Luật Báo chí năm 2016 đã quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí như:
- Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
- Thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng;
- Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam;
- Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án;
- Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em;
- In, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính;
- Cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng…
Những hành vi cấm đăng, phát thông tin quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 đã có sự tương thích với các quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, các hành vi bị cấm khác đã tương thích với Bộ luật Dân sự và các luật khác, đảm bảo tính khả thi trong thực tế.
Thứ tám, quy định về cải chính và xử lý vi phạm. Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, Luật Báo chí năm 2016 đã bổ sung một số quy định mới về cải chính như: Báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Đồng thời quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí.
Luật Báo chí năm 2016 cũng đã bổ sung quy định mới về xử lý vi phạm như: Cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, sản xuất thêm kênh phát thanh, kênh truyền hình, chuyên trang của báo điện tử và cơ quan, tổ chức bị thu hồi giấy phép xuất bản đặc san, bản tin khi đăng, phát thông tin vi phạm quy định tại Điều 9 gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ chín, Luật Báo chí mới đã pháp điển hóa quy định tại các nghị định của Chính phủ để đưa vào luật, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí, cụ thể là các quy định về: Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí; hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài; hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, báo điện tử; phản hồi thông tin...
2. Tình hình triển khai thực hiện Luật Báo chí năm 2016 trong những năm qua
2.1. Những thành tựu đạt được
Ngay sau khi Luật Báo chí năm 2016 được ban hành, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đã tổ chức tuyên truyền phổ biến sâu rộng Luật Báo chí năm 2016 trong các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí và xã hội. Quán triệt các cơ quan báo chí, những người làm báo ngày càng ý thức hơn về nguyên tắc hoạt động của báo chí, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước; phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, phát hiện nhân tố mới, người tốt, việc tốt, đấu tranh phê phán các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, phê phán quan điểm sai trái...
Công tác tuyên truyền phổ biến Luật Báo chí năm 2016 được thực hiện sâu rộng với các hình thức khác nhau, tác động tích cực đến nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Người dân đã ý thức rõ ràng việc thực hiện Luật Báo chí là trách nhiệm của mọi công dân chứ không phải chỉ riêng những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Vì vậy, người dân đã ý thức hơn về quyền được thông tin của mình, hiểu rõ những quy định báo chí được thông tin và không được thông tin. Thông qua báo chí người dân thực hiện các kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo; được phản hồi thông tin không chính xác theo quy định pháp luật. Với các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành, người dân được tiếp cận thông tin một cách toàn diện về mọi mặt của đời sống xã hội, thông tin về hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Các tầng lớp nhân dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động.
Để triển khai hiệu quả Luật Báo chí năm 2016, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai việc xây dựng các nghị định, thông tư để phục vụ tốt cho việc đưa Luật Báo chí năm 2016 vào cuộc sống, đồng thời, tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai một số văn bản quản lý nhà nước về báo chí như: Quy hoạch Phát triển báo chí đến năm 2020; Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin cho báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
Cơ quan báo chí địa phương, cơ quan đại diện, phóng viên thường trú báo trung ương hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, phản ánh trung thực về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực sự là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu phục vụ đời sống xã hội. Các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đã quan tâm hơn đến thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Lãnh đạo cơ quan báo chí và phóng viên, nhà báo đã ngày càng ý thức đầy đủ về nguyên tắc hoạt động của báo chí, đó là báo chí phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Luật Báo chí năm 2016 được ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển, các phóng viên, nhà báo hoạt động có hiệu quả hơn.
2.2. Một số vấn đề còn tồn tại
Thực tiễn cho thấy, tình trạng vi phạm Luật Báo chí vẫn có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của các nhà báo, nhất là khi nhà báo thực hiện những tác phẩm báo chí đấu tranh chống tiêu cực. Dự án “Nghiên cứu truyền thông: Các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp” do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển thực hiện đã đưa ra kết quả: 87,9% trong tổng số hơn 400 nhà báo tham gia điều tra xã hội học cho biết đã từng bị cản trở dưới nhiều hình thức, đa phần trong số họ là các nhà báo viết về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đấu tranh chống tham nhũng[1]. Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong khoảng 05 năm trở lại đây, có khoảng 50 vụ tấn công nhà báo[2]. Chỉ tính riêng 09 tháng năm 2017, đã có 05 vụ hành hung, đe dọa, lăng mạ phóng viên được các cơ quan báo chí đưa tin[3]. Đáng ngại hơn, các vụ cản trở, hành hung vẫn xảy ra khi đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp, vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Báo chí, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát huy hiệu quả giám sát, phản biện xã hội. Các cơ quan, ban, ngành, tổ chức xã hội cần thực hiện nghiêm túc Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước để góp phần nâng cao tính chủ động, hạn chế tình trạng né tránh trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, góp phần giúp báo chí thông tin trung thực mọi lĩnh vực xã hội quan tâm. Đồng thời, giúp các cơ quan báo chí, nhà báo và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí tại Việt Nam có thêm những điều kiện thuận lợi, cũng như tự đề cao trách nhiệm, thận trọng trong tiếp cận và đăng tải các nguồn thông tin chính thức kịp thời và chính xác, đáp ứng nhu cầu minh bạch hóa thông tin, quyền tiếp cận thông tin của người dân, nâng cao trách nhiệm thông tin và giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước.
Tình trạng nhà báo lạm quyền và cửa quyền ngày càng gia tăng. Một số cơ quan báo chí buông lỏng quy trình tác nghiệp, thiếu nhạy bén trong xử lý tình huống, xâm phạm đời tư, thông tin sai sự thật, thậm chí có thông tin sai sót ở mức nghiêm trọng gây hậu quả lớn cho tổ chức và cá nhân. Hiện tượng nhà báo thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, thiếu khách quan, thổi phồng sự thật và bóp méo sự thật; thương mại hóa tờ báo bằng việc đưa tin bài, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu tính thẩm mỹ và phản giáo dục... Một số người lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí dọa dẫm, sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và quy trình tác nghiệp. Do đó, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, địa phương rất sợ và né tránh báo chí vì mất lòng tin ở nhà báo, phóng viên.
Ngày 16/12/2016, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký Quyết định số 483/QĐ-HNBVN ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Đây là các chuẩn mực rất cụ thể và thiết thực nhằm xác định trách nhiệm đạo đức người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp. Để thực hiện tốt Quy định đạo đức nghề nghiệp, các cấp Hội Nhà báo cần phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức cho toàn thể hội viên và người làm báo học tập Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, đồng thời, tiếp tục quán triệt thực hiện Luật Báo chí năm 2016. Từng cơ quan báo chí, từng tổ chức Hội trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của mình, có thể tiếp tục bổ sung, xây dựng và thực hiện Nội quy, Quy chế, Quy ước riêng nhằm cụ thể hóa việc thực hiện 10 Quy định chung về đạo đức nghề nghiệp. Hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ở trung ương. Ở các cấp Hội địa phương, đã thành lập được 255 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam trên tổng số 285 tổ chức Hội.
Đối với việc cải chính, việc thực hiện cải chính của một số cơ quan báo chí chưa nghiêm túc. Khi thông tin sai sự thật, xúc phạm đến tổ chức, cá nhân, được phát hiện và có yêu cầu cải chính nhưng một số cơ quan báo chí vẫn im lặng hoặc cải chính bằng cách "nói lại cho rõ", thậm chí có hiện tượng "cửa quyền" khi đưa tin sai sự thật nhưng không cải chính. Mặt khác, một số cá nhân vẫn ngộ nhận rằng, khi báo chí “lỡ” thông tin sai sự thật mà đã cải chính rồi thì coi như hết trách nhiệm. Nhưng không thể “hết trách nhiệm” được nếu hậu quả của thông tin ấy gây thiệt hại nghiêm trọng và việc xin lỗi, cải chính không thể bù đắp được tổn thất vật chất và tinh thần. Về nguyên tắc, trong những trường hợp này, dù báo chí có cải chính rồi, người bị thiệt hại vẫn có quyền khiếu nại lên trên hoặc khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bồi thường dân sự hoặc yêu cầu khởi tố hình sự. Vì vậy, cần thực hiện nghiêm túc việc cải chính trên báo chí. Mỗi tòa soạn cần có quy chế rõ ràng cho việc đăng và gỡ bài (nhất là trên trang điện tử), phân công người trực tiếp chịu trách nhiệm. Khi có bài cần gỡ bỏ, phải cung cấp thông tin đầy đủ để người đọc có thể nắm bắt lý do.
Nhằm quản lý hiện tượng các báo điện tử bóc bài, gỡ bài và hạn chế những hành vi tiêu cực, động cơ không trong sáng từ việc gỡ tin, bài này, Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã thiết kế, thi công thành công phần mềm ứng dụng theo dõi gỡ bài, sửa bài của các báo điện tử và trang thông tin điện tử từ tháng 8/2017. Đến ngày 13/8/2017 thiết bị đã phát hiện việc gỡ 79 tin, bài khỏi 35 báo điện tử, trang thông tin điện tử, trong đó có 06 báo địa phương. Trong 79 tin, bài bị gỡ có 32 bài có nội dung phản ánh các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng. Từ tháng 01/2018 đến nay, đã phát hiện có 171 bài gỡ và 06 bài sửa[4]. Trong trường hợp có đủ bằng chứng về loại bài “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, “đánh hội đồng” thì phải xử lý theo quy định của pháp luật[5].
3. Xu hướng phát triển của báo chí hiện đại và những thách thức
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, thế giới bị "san phẳng" bởi cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là mạng internet và các thiết bị di động, báo chí thế giới có nhiều biến động, buộc phải thích ứng, thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ngày nay, chỉ báo in, truyền hình hay website thì chưa đủ, mà phải đồng thời có các phiên bản cho máy tính bảng và điện thoại di động theo thiết kế chuyển đổi linh hoạt. Mức độ “đa nền tảng” cũng ngày càng trở nên cao cấp hơn chứ không chỉ đơn giản là việc sử dụng cùng một mật khẩu để truy cập. Độc giả xem báo in có thể dùng điện thoại di động “đánh dấu” một bài viết và xem lại trên thiết bị điện tử khi có thời gian, hoặc truy cập mã QR để theo dõi các sản phẩm đa phương tiện như đồ họa hoặc video. Hoặc một độc giả đang theo dõi một bài viết trên máy tính, khi rời bàn làm việc để di chuyển thì có thể truy cập thẳng vào bài viết đó trên máy tính bảng hoặc điện thoại di động[6].
Mạng xã hội cũng là một thành tựu của khoa học kỹ thuật, giúp con người kết nối chia sẻ thông tin trong điều kiện cá nhân hóa thông tin ngày càng cao, đã và đang là một bộ phận quan trọng của truyền thông hiện đại, có tác động rộng lớn đến đời sống xã hội, giúp đời sống xã hội dân chủ hơn. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức, buộc báo chí phải thay đổi cách thức làm báo truyền thống... Bên cạnh đó, báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át; bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo và có thể sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội để tăng lượng truy cập, tạo nguồn thu… Để giải quyết những vấn đề này trong hoạt động báo chí, các cơ quan từ quản lý tới cơ quan báo chí phải bắt kịp xu thế của thời đại và phát huy tối đa năng lực sáng tạo và áp dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động báo chí.
Xu hướng đa phương tiện - hiện nay không còn xa lạ trong giới báo chí truyền thông, nhất là trong kỷ nguyên hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0. Đa phương tiện là truyền thông tin, làm báo bằng nhiều phương tiện, như viết, nghe, nhìn, truyền tin trực tuyến đem lại sự sống động cũng như thông tin trung thực nhất. Tuy nhiên, đa phương tiện không phải chỉ là một tòa soạn có đủ các hình thức: Báo viết, báo điện tử, phát thanh, truyền hình… mà để đạt được một tòa soạn đa phương tiện, người lãnh đạo phải tổ chức, quản lý được hệ đa phương tiện đó, các nhà báo cũng phải trang bị cho mình các kiến thức về đa phương tiện[7].
Đa phương tiện phải được thực hiện trên cả 3 mặt:
Một là, không gian đa phương tiện: Không gian mở là điều thật tuyệt vời đối với một nhà báo chuyên nghiệp. Ở đó họ thấy mình có thể tiếp cận lãnh đạo và có một không gian làm việc cởi mở. Sự phân cấp cũng giản dị, tiến độ công việc được đẩy nhanh bởi không gian mở giúp mọi người đưa ra câu hỏi và nảy sinh ý tưởng nhanh hơn. Tuy nhiên, cần khắc phục tình trạng ồn ào và phóng viên bị phân tán. Nhiều tòa soạn đã mở rộng mặt sàn, rất ít sự chia cắt về không gian làm việc. Không gian mở giúp mọi người giao lưu với nhau nhiều hơn và tạo điều kiện cho các cuộc tranh luận cởi mở. Lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, họa sĩ thiết kế có thể trao đổi ý tưởng trong quá trình phát triển bài viết…
Hai là, nhà báo đa phương tiện: Nhà báo đa phương tiện phải biết làm việc theo nhóm, phải biết lên kế hoạch cụ thể cho từng sản phẩm của mình. Đối với báo điện tử, phóng viên luôn ý thức về những đặc thù khác biệt từ sự nghiên cứu độc giả. Bên cạnh những tiện ích hấp dẫn và cách thức sử dụng tiện lợi, một website chỉ thu hút người đọc khi có nhiều thông tin. Một cơ quan báo chí đa phương tiện chuyên nghiệp lôi kéo độc giả đến với mình cần có những tin mới, nóng. Cần phải có những nhà báo bình luận giỏi, luôn đi sát tin tức thời sự, đó chính là khởi nguồn cho những sáng tạo khi họ mổ xẻ vấn đề ở mọi góc độ. Không chỉ đưa tin, một tờ báo thu hút được độc giả còn bởi các bài phân tích, đưa ý kiến công chúng, tranh luận, bình luận… Báo chí đa phương tiện với những đòi hỏi về tính nhanh nhạy, độc đáo, sự lôi cuốn của hình ảnh… đã hình thành nên một lớp nhà báo di động. Đó là những người thu thập tin tức, các bài viết của mình với sự hỗ trợ của các công cụ kỹ thuật như máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay video xách tay cùng với kết nối không dây. Họ trở thành “đội đa phương tiện - một người”.
Ba là, quản lý đa phương tiện: Những quyết định chiến lược của tờ báo nằm ở Tổng biên tập. Người giữ chức danh này cũng phải đổi mới theo hướng đa phương tiện. Ngoài việc hiểu rõ đặc trưng từng loại hình báo chí, Tổng biên tập đa phương tiện cần hiểu rõ độc giả của mình. Tổng biên tập luôn đứng trước những lựa chọn, có thể không có lợi nhất cho tòa soạn nhưng phải có lợi cho dư luận, cho độc giả. Người chịu trách nhiệm xuất bản, xét cho cùng là một công việc đơn độc. Chịu một áp lực nặng nề như vậy nên lắng nghe độc giả là điều cần thiết của một Tổng biên tập chuyên nghiệp. Báo nào cũng mong muốn có được những tin độc, tin bản quyền, những bức ảnh có một không hai. Điều đó vừa mang lại lợi thế cạnh tranh, vừa chứng minh sức mạnh và độ chuyên nghiệp của tờ báo. Tuy nhiên, nhiều tòa soạn phải bỏ đi những tin tức như thế khi tin đó xâm phạm đời tư, có thể dấy lên làn sóng dư luận…
Quyết định bỏ hay đăng là sự lựa chọn “ngàn cân treo sợi tóc” của người đứng đầu cơ quan báo chí. Ngoài việc quyết định đăng tải tin tức, Tổng biên tập cũng như đội ngũ lãnh đạo tòa soạn phải tạo ra những nguyên tắc, “thủ thuật” nhằm đào tạo đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, hình thành một lối làm việc theo hướng đa phương tiện cho nhân viên của mình. Tuy nhiên, mặt trái của “đa phương tiện” là nếu không quản lý tốt, sản phẩm của cơ quan báo chí sẽ bị hỗn tạp. Nhà báo đa phương tiện nếu không sử dụng thành thạo các công cụ của mình dễ bị kéo theo bởi “cộng đồng mạng” vốn không được kiểm chứng…
Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của báo chí hiện đại và truyền thông đa phương tiện, dẫn đến những thách thức mới, yêu cầu mới đối với công tác quản lý báo chí truyền thông.Việc quản lý báo chí truyền thông sẽ đối mặt với các thay đổi của dòng chảy thông tin hơn là quản lý theo định hướng. Quá trình này đòi hỏi thông tin mặc dù được tạo ra rất nhanh chóng, kịp thời nhưng tính chính xác và sự tin cậy lại cần được kiểm chứng một cách khắt khe hơn khi các hệ thống thông minh được ứng dụng để tạo ra các sản phẩm báo chí - truyền thông[8].
Mô hình quản lý nhà nước, mô hình quản lý cơ quan báo chí và tổ chức, doanh nghiệp truyền thông cần được xây dựng nhằm đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý nội dung và chất lượng sản phẩm cũng như các bài toán về chính sách phải bắt kịp với sự thay đổi của công nghệ. Chủ động sớm để bổ sung và hoàn thiện môi trường pháp lý, đặc biệt là hoàn thiện môi trường pháp lý về ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại cho báo chí - truyền thông. Môi trường pháp lý này cần phải được xây dựng toàn diện đối với cả nhà quản lý, nhà cung cấp, các cơ quan, tổ chức báo chí, truyền thông và công chúng./.
Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật
Ảnh minh hoạ: nguoilambao.vn