
![]() |
Toàn cảnh cuộc họp. |
Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Trần Văn Lợi, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 36 điều của Nghị định số 78/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 78/2025/NĐ-CP) và sửa đổi, bổ sung 16 điều của Nghị định số 79/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 79/2025/NĐ-CP), cụ thể như sau:
Đối với Nghị định số 78/2025/NĐ-CP:
Dự thảo Nghị định bổ sung các quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã. Bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thường xuyên, liên tục một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định không được phân cấp.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về sự tham gia bắt buộc của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ trong quá trình lấy ý kiến, thẩm định chính sách, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Đồng thời, bổ sung quy định yêu cầu đánh giá tác động đối với nội dung ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo quy định của dư thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đang trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV). Sửa đổi, bổ sung một số quy định về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc tham gia thẩm định và phát biểu ý kiến thẩm định về việc ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 13 về việc áp dụng “trình tự, thủ tục rút gọn” để xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp cần ban hành luật, nghị quyết tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra hoặc kỳ họp gần nhất để giải quyết vấn đề cấp bách, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn mà nội dung đề xuất chưa có trong Chương trình lập pháp hằng năm cho đầy đủ, phù hợp với thực tiễn.
Đối với Nghị định số 79/2025/NĐ-CP:
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 79/2025/NĐ-CP theo hướng bổ sung trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan chuyên môn, cơ quan được giao nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức hành chính khác của Ủy ban nhân dân cấp xã để phù hợp với cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã. Đồng thời, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung điều khoản chuyển tiếp đối với văn bản cấp huyện đã được ban hành, còn hiệu lực tại khoản 1 Điều 60 Nghị định số 79/2025/NĐ-CP theo hướng:
“1. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2025 còn hiệu lực, chưa được hoặc đang được kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, xử lý thì việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, xử lý được thực hiện theo quy định của Luật và Nghị định này; văn bản quy phạm pháp luật đã được kết luận trái pháp luật nhưng chưa được xử lý thì việc xử lý văn bản trái pháp luật thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp huyện trái pháp luật, Sở Tư pháp kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý theo quy định tại khoản 7 Điều 24 của Nghị định này”.
Theo đó, Giám đốc Sở Tư pháp kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định: Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện, báo cáo Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bãi bỏ.
Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản bày thống nhất với nội dung của dự thảo Nghị định, bên cạnh đó, các đại biểu cũng tích cực tham gia thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định. Các ý kiến tập trung vào việc điều chỉnh, làm rõ thêm một số quy định để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn thi hành. Trên cơ sở những góp ý này, Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị định, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận cuộc họp |
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật rà soát, tổng hợp những nội dung góp ý đối với dự thảo Nghị định, đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục chỉnh lý về nội dung và kỹ thuật để hoàn thiện dự thảo Nghị định./.