Abstract: In this article, the author mentions the use of artificial intelligence, big data analytics in crime investigation and laser scanning technology and 3D image rendering in crime scene investigation widely applied in developed countries and has a basis for application and implementation in Vietnam as well as proposing some contents to build a legal basis and pay attention when applying in Vietnam.
1. Dẫn nhập
Khoa học, kỹ thuật, công nghệ là một lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển của một đất nước. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Thời gian qua, các quốc gia phát triển trên thế giới đã từng bước nghiên cứu, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, đặc biệt là trong công tác điều tra vụ án hình sự. Một số ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới trong lĩnh vực điều tra vụ án hình sự trên thế giới, như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Bigdata Analytics) trong điều tra tội phạm; công nghệ quét Laze và dựng hình ảnh 3D trong khám nghiệm hiện trường. Đây đều là những công nghệ, kỹ thuật mới đã được áp dụng thành công ở một số nước trên thế giới, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động điều tra tội phạm của lực lượng chức năng, có khả năng triển khai cho lực lượng điều tra tội phạm của Việt Nam trong thời gian tới.
2. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Bigdata Analytics) trong điều tra tội phạm
Chính phủ Hoa Kỳ đã đầu tư khoảng 80 tỷ đô la Mỹ cho chương trình nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn (AI và Big data) trong cơ quan đấu tranh tội phạm ở liên bang và các tiểu bang. Trí tuệ nhân tạo cùng việc bố trí hệ thống camera theo dõi đã giúp lực lượng Cảnh sát Hoa Kỳ có thể chủ động nhận diện sớm được các nguy cơ ảnh hưởng tình hình an toàn trật tự như phát hiện tiếng súng (ShotSpotter, khả năng chính xác lên đến 95%), cải thiện khả năng phân tích của hệ thống camera giám sát hỗ trợ cho lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện sớm tội phạm cũng như truy tìm thủ phạm trong các vụ án hình sự. Tại một số đơn vị, lực lượng điều tra tội phạm của Hoa Kỳ đang ứng dụng công nghệ “predictive policing” (dùng toán học, AI để dự báo, điều tra tội phạm) nhằm xác định chính xác đặc điểm của đối tượng phạm tội, dự đoán và ngăn chặn các vụ án có thể xảy ra trong tương lai, để liệt kê danh sách các đối tượng có điều kiện, khả năng có thể thực hiện hành vi phạm tội phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm cũng như theo dõi, giám sát phục vụ công tác thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án[1].
Lực lượng Cảnh sát Hoa Kỳ và một số nước châu Âu đã phát triển những ứng dụng trí tuệ nhân tạo tích hợp trong các ứng dụng di động để dễ dàng cài đặt trên các loại điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android hoặc IOS. Với ứng dụng điện thoại này, lực lượng điều tra chỉ cần chụp hình đối tượng nghi vấn và sử dụng kho dữ liệu được kết nối trực tiếp đến điện thoại cá nhân của lực lượng chức năng để khai thác mọi thông tin có liên quan và truy cập, khai thác hồ sơ của đối tượng (địa chỉ nhà riêng, email, công việc, lịch sử phạm tội…).
Tại Trung Quốc, lực lượng điều tra cũng đang triển khai và sử dụng ứng dụng nhận dạng khuôn mặt Cloudwalk (ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn để nhận diện khuôn mặt) trên 29 tỉnh, thành ở Trung Quốc. Trong hơn 05 năm qua, hệ thống này đã thực hiện được hơn 1 tỷ lượt so sánh các khuôn mặt với cơ sở dữ liệu gốc, cũng như tích lũy 100 tỷ điểm dữ liệu, từ đó đã hỗ trợ lực lượng điều tra của Trung Quốc thực hiện hơn 10.000 cuộc bắt giữ. Cùng với công nghệ trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn, từ năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã lắp đặt hơn 170 triệu camera giám sát ở các địa điểm công cộng và địa bàn phức tạp về an ninh trật tự và ngày càng nhiều camera được lắp thêm để phục vụ công tác quản lý và bảo đảm an ninh trật tự công cộng cũng như phục vụ công tác điều tra tội phạm.
Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge - Vương quốc Anh đã giới thiệu phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể nhận dạng khuôn mặt ngay cả khi đeo mạng che mặt hoặc đeo kính. Phần mềm có tên gọi là “Hệ thống nhận diện khuôn mặt ngụy trang” (DFI) sử dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích hình ảnh, thiết lập dữ liệu và đưa ra danh tính của nhân vật trong ảnh. DFI được đánh giá là sẽ tạo ra “cuộc cách mạng” trong công tác phòng, chống tội phạm, giúp các cơ quan chức năng xác định danh tính tội phạm, người biểu tình, hoặc bất cứ ai che giấu danh tính bằng cách che mặt bằng mặt nạ, khăn choàng hoặc đeo kính râm. DFI sử dụng trí tuệ nhân tạo và để có cơ sở dữ liệu phân tích, nhận dạng hình ảnh, phần mềm này được cập nhật rất nhiều hình ảnh của con người trong các trạng thái, tình huống khác nhau. AI xác định danh tính một người bằng cách đo khoảng cách và lập “bản đồ điểm” trên khuôn mặt. Theo đó, AI sẽ xác định 14 điểm mấu chốt trên khuôn mặt, 10 điểm mấu chốt trên mắt, 03 điểm trên môi và 01 điểm trên mũi. Từ “bản đồ điểm” này, AI sẽ ước lượng cấu trúc khuôn mặt ẩn, so sánh với những hình ảnh trong cơ sở dữ liệu để xác định danh tính đích thực của người đó. Trong các thử nghiệm ban đầu, thuật toán xác định chính xác những người có khuôn mặt bị che khuất bởi mũ hoặc khăn với tỷ lệ 56%. Độ chính xác này giảm xuống còn 43% khi người trong ảnh đeo thêm kính râm. Phần mềm này được các cơ quan điều tra sử dụng để xác định danh tính những đối tượng phạm tội có sử dụng các phương thức ngụy trang như: Dùng mặt nạ, che mặt, đeo kính râm, thay đổi nhận dạng khuôn mặt…
Như vậy, việc sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Bigdata Analytics) trong điều tra tội phạm sẽ thu được những lợi ích lớn sau:
- Có thể xử lý khối lượng dữ liệu lớn: Trí tuệ nhân tạo tự động hóa quá trình phát hiện các mối đe dọa, hành vi phạm tội một cách chủ động. Nó có thể phân tích khối lượng rất lớn hoạt động diễn ra cùng lượng lớn các thông tin trong một thời gian rất ngắn.
- Có thể học hỏi theo thời gian: Trí tuệ nhân tạo có thể xác định, dự đoán các vụ án, hành vi tội phạm có thể xảy ra trong tương lai. Theo thời gian, các ứng dụng, công nghệ sử dụng AI có thể tìm hiểu về các hành vi của con người, những đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội và có thể phát hiện ra những bất thường so với chuẩn mực, có xu hướng thực hiện hành vi phạm tội.
- Có thể xác định tội phạm ẩn hoặc tội phạm xảy ra trong tương lai: Trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để tích lũy và tổng hợp thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm đã xảy ra, tạo cơ sở dữ liệu thông minh, phân loại tội phạm cùng những đặc điểm riêng biệt phục vụ công tác dự báo tình hình tội phạm và các hành vi phạm tội cụ thể trong tương lai.
3. Một số kiến nghị, đề xuất
Việt Nam hiện nay đã có đủ điều kiện cả về cơ sở vật chất và con người để có thể áp dụng phù hợp các công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong hoạt động của Ngành Công an cũng như hoạt động điều tra vụ án hình sự. Tuy nhiên, để việc sử dụng các hệ thống khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nêu trên được hiệu quả cần có một số lưu ý và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại nước ta hiện nay.
3.1. Xây dựng khung pháp lý hoàn thiện cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Bigdata Analytics) trong điều tra tội phạm
Các vấn đề mới mẻ phát sinh liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Bigdata Analytics) trong điều tra tội phạm tại Việt Nam sẽ tạo ra rất nhiều tình huống pháp lý mới đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp. Trong đó, xây dựng khung pháp lý là một vấn đề rất quan trọng và cần có quy định cụ thể.
Cơ quan chức năng cần khảo sát nhu cầu ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Bigdata Analytics) trong điều tra tội phạm tại Việt Nam; đề xuất phương án thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển và chuyển giao trí tuệ nhân tạo phục vụ điều tra tội phạm đặt tại Bộ Công an; xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo tại cơ sở nghiên cứu đào tạo…
Đối với hạng mục xây dựng cơ chế, chính sách và khung pháp lý về trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Bigdata Analytics) trong điều tra tội phạm, cần chú trọng đến quy định, tiêu chuẩn, quy trình về công nghệ, an toàn thông tin, chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, trách nhiệm xã hội cho các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động điều tra tội phạm; xây dựng chính sách khuyến khích đơn vị thử nghiệm và triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Bigdata Analytics) trong điều tra tội phạm; khảo sát, nghiên cứu và học tập mô hình triển khai thành công trên thế giới, từ đó đề xuất cơ chế phù hợp với từng đơn vị, địa phương.
Nhà nước cần xây dựng khung tiêu chuẩn đánh giá năng lực riêng cho trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Bigdata Analytics) trong điều tra tội phạm. Quá trình này phải có thời gian quan sát, nghiên cứu cũng như tham khảo ý kiến của các chuyên gia về các lĩnh vực công nghệ để xây dựng bộ tiêu chuẩn và quy trình giám định kèm theo trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi.
Ngoài ra còn cần quy định về kết quả thu thập được thông qua sử dụng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Bigdata Analytics) có được coi là nguồn chứng cứ trong điều tra tội phạm hay không hoặc các điều kiện để kết quả này được sử dụng là nguồn chứng cứ.
Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm đối với những nhà phát triển, sử dụng, điều hành trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Bigdata Analytics) trong điều tra tội phạm khi có những sai sót ảnh hưởng hoặc dẫn đến hậu quả nguy hại do các hành vi cẩu thả, không tuân thủ quy định hoặc cố ý làm trái các quy định.
3.2. Chú ý trong quá trình áp dụng vào công tác điều tra tội phạm tại Việt Nam
Thứ nhất, cần chú ý về quyền con người trong quá trình ghi nhận, khai thác, sử dụng, lưu trữ các thông tin liên quan đến đặc điểm, thông tin của các cá nhân tổ chức được hệ thống trí tuệ nhân tạo phát hiện, ghi nhận, phân tích. Trước khi được áp dụng rộng rãi, cần có bộ quy tắc quy định các trường hợp cụ thể cũng như thẩm quyền được truy cập, khai thác các dữ liệu từ hệ thống trí tuệ nhân tạo và cơ sở dữ liệu lớn.
Thứ hai, hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể phân tích một lượng dữ liệu lớn trong thời gian ngắn để đưa ra các dự đoán về tình hình tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật cụ thể trong tương lai, tuy nhiên, các dự đoán này không phải luôn chính xác, việc đưa ra dự đoán này có thể ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh, điều kiện về kinh tế, xã hội của từng quốc gia, địa phương, do đó, đội ngũ phát triển, sử dụng các phần mềm, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong điều tra vụ án hình sự cần thường xuyên bổ sung các nội dung, tài liệu, thông tin để “giáo dục” hệ thống trí tuệ nhân tạo, phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam cũng như từng nhóm tội phạm cụ thể.
Thứ ba, việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình điều tra vụ án hình sự, tuy nhiên, cũng cần quan tâm đào tạo đội ngũ điều tra viên - đối tượng trực tiếp sử dụng, khai thác dữ liệu cần có đủ trình độ, kỹ năng nghiệp vụ để sử dụng hiệu quả, khai thác triệt để những lợi ích mà khoa học, công nghệ mới mang lại.
Thứ tư, đội ngũ điều tra viên cũng cần thường xuyên tự học tập, bồi dưỡng, trau dồi các kiến thức về pháp luật, nghiệp vụ, tránh trường hợp quá phụ thuộc vào kỹ thuật, công nghệ, coi nhẹ quá trình thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ truyền thống.
Thứ năm, quá trình sử dụng các tài liệu, kết quả của hệ thống khoa học, kỹ thuật mới trong điều tra vụ án hình sự, điều tra viên cũng cần có sự so sánh, đối chiếu, kiểm tra với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được tương tự như các tài liệu, chứng cứ truyền thống khác.
Thứ sáu, việc thu thập, bảo quản, sử dụng kết quả, dữ liệu từ hệ thống, khoa học kỹ thuật cần bảo đảm về tính bảo mật và các yêu cầu nghiệp vụ khác, tránh lộ lọt bí mật, nội dung, tiến độ của hoạt động điều tra gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác điều tra vụ án hình sự.
Thứ bảy, cần tự chủ trong nghiên cứu và làm chủ các công nghệ lõi, gia tăng cơ cấu các sản phẩm, chi tiết của hệ thống được nội địa hóa để giảm giá thành nghiên cứu, phát triển, sử dụng sản phẩm cũng như chủ động trong hoạt động sử dụng thường xuyên.
ThS. Phạm Thúy Nga
Học viện Cảnh sát nhân dân
Ảnhh: internet
[1]. Artificial Intelligence and Data Science are changing Crime Investigation and Prevention, Omkar Sabnis and Sukant Khurana, towardsdatascience.com.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 379), tháng 4/2023)