Tóm tắt: Thông qua việc khảo cứu pháp luật Cộng hòa Pháp, bài viết cung cấp cái nhìn tổng quan về xác định quan hệ cha, mẹ, con trong các trường hợp có vi phạm pháp luật, từ đó, đối chiếu với thực trạng pháp luật Việt Nam và rút ra một số kinh nghiệm mang tính chất tham khảo.
Abstract: Through the study of the law of the French Republic, the article provides an overview of determining the parent-child relationship in cases of law violation, thereby comparing it with the current state of Vietnamese law and draws some experiences for reference.
1. Quy định của pháp luật Cộng hòa Pháp đối với vấn đề sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Tại Cộng hòa Pháp, việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (KTHTSS) (Procréation médicalement assistée - PMA) đã được hợp pháp hóa từ năm 1994. Điều L.2141-1 Bộ luật Sức khỏe cộng đồng[1] (Code de la santé publique - CSP) định nghĩa: “Hỗ trợ y tế trong sinh sản có nghĩa là các thực hành lâm sàng và sinh học cho phép thụ thai trong ống nghiệm, bảo quản giao tử, mô và phôi, chuyển phôi và thụ tinh nhân tạo”.
Ban đầu, pháp luật Cộng hòa Pháp hướng tới điều chỉnh hoạt động hỗ trợ sinh sản trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của trẻ em[2], theo đó, PMA chỉ dành cho các cặp đôi nam - nữ (không áp dụng PMA cho người độc thân và các cặp đôi đồng tính), trong độ tuổi sinh đẻ, đã kết hôn hoặc chung sống với nhau ít nhất hai năm, có nghĩa vụ chứng minh việc sống chung đó và được chẩn đoán vô sinh hoặc có nguy cơ lây truyền bệnh di truyền. Từ năm 2021, với việc ban hành Đạo luật về đạo đức sinh học và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật liên quan, thì sinh con bằng KTHTSS không còn chỉ dành riêng cho các cặp đôi dị tính nữa, mà giờ đây, cặp đôi gồm hai phụ nữ hoặc một phụ nữ độc thân cũng có thể có con bằng phương pháp này.
1.1. Điều kiện áp dụng quy trình sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Thứ nhất, điều kiện về chủ thể được áp dụng quy trình sinh con bằng KTHTSS. Bộ luật Sức khỏe cộng đồng quy định: Sinh con bằng KTHTSS nhằm đáp ứng một kế hoạch làm cha mẹ. Bất kỳ cặp đôi nào bao gồm một nam và một nữ hoặc hai phụ nữ hoặc bất kỳ phụ nữ chưa lập gia đình nào đều có quyền tiếp cận kỹ thuật trợ sinh sau khi tiến hành các cuộc phỏng vấn chuyên biệt giữa bên yêu cầu với các thành viên của nhóm y tế lâm sàng - sinh học đa ngành được thực hiện theo các điều khoản quy định tại Điều L.2141-10. Quyền tiếp cận này không thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự khác biệt nào trong cách điều trị, đặc biệt là đối với tình trạng hôn nhân hoặc khuynh hướng tình dục của người yêu cầu. Cả hai thành viên của cặp đôi hoặc người phụ nữ chưa kết hôn phải đồng ý trước khi thụ tinh nhân tạo hoặc chuyển phôi.
Như vậy, theo pháp luật của Pháp hiện hành, những người có thể tiếp cận quy trình sinh con bằng KTHTSS (căn cứ tình trạng hôn nhân của đương sự tại thời điểm đăng ký) bao gồm: Cặp đôi dị tính, cặp đôi đồng tính (gồm 02 người nữ) và một người phụ nữ độc thân. Không có sự phân biệt, đối xử nào trong việc tiếp cận điều trị PMA, đặc biệt là về xu hướng tính dục hoặc tình trạng hôn nhân.
Thứ hai, điều kiện về sự đồng thuận. Cả hai bên đương sự đối với cặp đôi hoặc người phụ nữ độc thân phải thể hiện sự đồng ý trước khi thụ tinh nhân tạo hoặc chuyển phôi. Nếu việc thực hiện PMA cần sử dụng tinh trùng, tế bào trứng hoặc phôi được hiến tặng bởi một bên thứ ba, cặp đôi hoặc người phụ nữ độc thân phải có sự đồng ý cụ thể được xác nhận bằng chứng thư bởi công chứng viên[3]. Đối với cặp đôi, quá trình thụ tinh hoặc chuyển phôi sẽ bị đình chỉ nếu rơi vào các tình huống như một hoặc hai bên chết, có yêu cầu ly hôn hoặc ly thân hợp pháp hoặc thực hiện yêu cầu đó bằng sự đồng thuận của cả hai bên, chấm dứt sống chung, hủy bỏ sự đồng ý bằng văn bản của một trong hai bên.
Thứ ba, điều kiện về độ tuổi. Pháp luật của Pháp quy định các điều kiện về độ tuổi để thực hiện sinh con bằng KTHTSS trên cơ sở tính đến các rủi ro y tế của việc sinh con liên quan đến tuổi cũng như quyền lợi của đứa trẻ chưa sinh. Theo đó, đối với việc thu thập giao tử hoặc mô mầm để tiến hành PMA, độ tuổi tối đa đối với phụ nữ là 43 tuổi (được phép lấy trứng trước thời điểm lần sinh nhật thứ 43)[4]; độ tuổi tối đa đối với nam giới là 60 tuổi (được phép lấy tinh trùng trước thời điểm lần sinh nhật thứ 60)[5]. Việc thụ tinh nhân tạo, sử dụng giao tử hoặc mô mầm được thu thập để tiến hành quy trình PMA, cũng như chuyển phôi được áp dụng cho người phụ nữ sinh con không quá 45 tuổi (cho đến thời điểm sinh nhật lần thứ 45)[6]; người còn lại (trường hợp cặp đôi) phải không quá 60 tuổi (tính đến thời điểm sinh nhật lần thứ 60). Nếu quy trình PMA dự kiến thực hiện trong tương lai, việc thu thập trước trứng và tinh trùng để bảo quản có thể được thực hiện như sau: Lấy trứng trong độ tuổi từ 27 tuổi đến 37 tuổi đối với phụ nữ; lấy tinh trùng trong độ tuổi từ 29 tuổi đến 45 tuổi đối với nam giới[7]. Các điều kiện về độ tuổi này áp dụng cho tất cả các trường hợp sinh con bằng KTHTSS bắt đầu sau ngày 28/9/2021.
1.2. Các trường hợp cấm áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Mặc dù, pháp luật của Pháp cho phép áp dụng KTHTSS để sinh con nhưng vẫn dự liệu các trường hợp cấm sử dụng kỹ thuật này để sinh con bằng mọi giá:
Thứ nhất, mang thai hộ. Với quy định xác định người mẹ là người mang thai và sinh con, việc mang thai hộ dù là với mục đích nhân đạo (phi lợi nhuận) hay vì lợi nhuận đều bị cấm hoàn toàn tại Pháp. Bộ luật Dân sự Pháp nêu rõ, mọi giao dịch liên quan đến mang thai hộ đều là vô hiệu[8].
Thứ hai, sử dụng phương pháp ROPA (Réception d’Ovocytes de la Partenaire) (đây là việc nhận trứng từ người phối ngẫu còn lại đối với trường hợp cặp đôi đồng tính nữ). Kỹ thuật này lấy trứng từ tử cung của người này để thụ tinh cùng với tinh trùng hiến tặng, sau đó chuyển phôi vào tử cung người kia để mang thai. Với cách làm này, cả hai người phụ nữ đều trở thành mẹ: Người mẹ di truyền (cho trứng) và người mẹ mang thai[9]. Hiện nay, phương pháp ROPA bị cấm sử dụng tại Pháp, do đó, các cặp đôi đồng tính nữ chỉ có thể thực hiện phương pháp này tại các nước cho phép như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ hay Đan Mạch.
Thứ ba, sử dụng KTHTSS sau khi một trong các bên chết (đối với cặp đôi). Điều này hiện vẫn thuộc diện bị cấm thực hiện tại Pháp, nhưng đã được phép tại Tây Ban Nha, Bỉ.
1.3. Xác định quan hệ cha, mẹ, con đối với trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Việc xác định quan hệ cha, mẹ, con (tử hệ) đối với trường hợp sinh con bằng KTHTSS, về nguyên tắc là tương tự trường hợp sinh con tự nhiên nếu PMA sử dụng trứng của người mẹ và tinh trùng của người cha và người mẹ tự mình mang thai. Vấn đề đặt ra là, đối với các trường hợp sử dụng tinh trùng, trứng và phôi được hiến tặng bởi bên thứ ba và trường hợp cặp đôi đồng tính nữ sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản được xác định như thế nào? Trong tất cả các trường hợp kể trên, quan hệ mẹ, con đối với người phụ nữ đã sinh ra đứa trẻ luôn đương nhiên được xác lập trên cơ sở ghi tên người mẹ vào giấy khai sinh của đứa trẻ, bất kể là phụ nữ đơn thân hay đã kết hôn[10].
Đối với tử hệ của người còn lại trong cặp đôi: (i) Nếu là một cặp đôi khác giới, quan hệ cha, con được thiết lập dựa trên giả định về tư cách làm cha nếu cặp đôi đã kết hôn (chồng của người phụ nữ sinh con luôn được coi là cha của đứa trẻ)[11]. Nếu cặp đôi chưa kết hôn, quan hệ cha, con chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở là kết quả của sự thừa nhận tự nguyện theo Điều 316 và Điều 327 Bộ luật Dân sự Pháp; (ii) Nếu là một cặp đôi đồng tính nữ, quan hệ mẹ, con của người phụ nữ thứ hai được thiết lập qua một chế độ tử hệ mới là sự thừa nhận con chung dự kiến. Chế độ tử hệ này giúp thừa nhận một cách trọn vẹn quyền làm mẹ của cặp đôi đồng tính nữ, đây là trường hợp duy nhất mà quan hệ mẫu tử kép có thể được thiết lập bên cạnh thủ tục nhận con nuôi. Sự thừa nhận dự kiến sẽ giúp hình thành quan hệ mẹ, con thực thụ giữa đứa trẻ với người phụ nữ không sinh con, nhưng điều đó phải được thực hiện bởi cả hai thành viên của cặp đôi, trước một công chứng viên, đồng thời với sự đồng thuận của cặp đôi trong khuôn khổ thủ tục PMA. Cần lưu ý rằng, người hiến tinh trùng hoặc trứng trong trường hợp sinh con bằng KTHTSS có bên thứ ba hiến tặng không thể xác lập bất kỳ quan hệ cha, mẹ, con nào đối với đứa trẻ được sinh ra[12].
2. Quy định về xác định quan hệ cha, mẹ, con đối với các trường hợp có vi phạm pháp luật trong sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của pháp luật Cộng hòa Pháp và kinh nghiệm cho Việt Nam
Vi phạm pháp luật trong sinh con bằng KTHTSS tức là việc thực hiện quy trình PMA thuộc các trường hợp bị pháp luật cấm hoặc vi phạm điều kiện về độ tuổi, về sự đồng thuận hay về đối tượng áp dụng. Trong các trường hợp này, giả định đứa trẻ được ra đời trong bối cảnh tiến hành kỹ thuật trợ sinh không hợp pháp đặt ra câu hỏi pháp lý về việc công nhận quan hệ cha, mẹ, con. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường hợp vi phạm về điều kiện thực hiện PMA rất hiếm khi xảy ra, bởi quy trình này đòi hỏi rất chặt chẽ về thủ tục và hồ sơ. Cơ sở y tế tiến hành kỹ thuật trợ sinh cũng phải là cơ sở đạt đủ các tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động theo luật định và sẽ phải từ chối tiến hành PMA nếu bên yêu cầu không đạt đủ điều kiện. Vì vậy, các vụ việc vi phạm pháp luật thường rơi vào các trường hợp PMA bị cấm hoặc không đủ điều kiện tại Pháp nhưng được đương sự tiến hành một cách hợp pháp tại nước ngoài theo pháp luật nước ngoài.
2.1. Trường hợp mang thai hộ
Điều 16-7 Bộ luật Dân sự Pháp quy định rằng, mọi thỏa thuận liên quan đến việc sinh con hoặc mang thai hộ người khác đều là vô hiệu. Đây trở thành một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hòa Pháp, là trật tự công buộc phải tuân thủ. Trên cơ sở điều cấm này, điều khoản về xác định quan hệ cha, mẹ, con trong Bộ luật Dân sự đã khẳng định, “người mẹ” phải là người đã sinh ra đứa trẻ. Cụ thể, Điều 332[13] quy định, quan hệ mẹ - con có thể bị phủ nhận nếu có chứng cứ là người mẹ đã không sinh ra đứa trẻ. Điều 342-11[14] quy định, quan hệ huyết thống được xác lập đối với người phụ nữ sinh ra đứa trẻ theo Điều 311-25. Như vậy, nếu một người có con nhờ mang thai hộ, thì người mẹ nhờ mang thai hộ sẽ không phải là mẹ ruột, vì người này không sinh ra đứa trẻ, ngay cả khi người đó đã cung cấp trứng. Những người bảo trợ cho việc mang thai hộ sẽ phạm tội “xúi giục bỏ rơi trẻ em”. Người trung gian vì mục đích lợi nhuận giữa một bên là cá nhân hoặc một cặp vợ chồng “mong muốn một đứa trẻ” và một bên là người phụ nữ “chấp nhận mang thai đứa trẻ” sẽ bị phạt sáu tháng tù và phạt tiền 7.500 euro[15].
Vì mang thai hộ bị cấm ở Pháp nên hầu hết các trường hợp sinh con nhờ mang thai hộ thường xảy ra ở nước ngoài, nơi mang thai hộ được hợp pháp hóa. Tuy nhiên, khi trở lại Pháp, giấy khai sinh của đứa trẻ được lập ở nước ngoài, với tên của cha mẹ nhờ mang thai hộ có được ghi chú vào hộ tịch Pháp hay không? Đây chính là vấn đề gây tranh luận thời gian qua khi các cơ quan có thẩm quyền của Pháp đã tiếp cận trường hợp này với những quan điểm trái ngược nhau. Một bên từ chối ghi chú hộ tịch với lý do bảo vệ trật tự công cho rằng, chấp nhận ghi chú, tức là thừa nhận quan hệ cha, mẹ, con được xác lập thông qua mang thai hộ, một hành vi vốn bị pháp luật cấm. Điều này sẽ gián tiếp thừa nhận hành vi “lẩn tránh” pháp luật bằng việc mang thai hộ tiến hành ở nước ngoài. Bên còn lại, tiếp cận dưới góc độ bảo vệ quyền lợi trẻ em cho rằng, nếu không ghi chú hộ tịch Pháp, đứa trẻ sẽ không được bảo đảm lợi ích tốt nhất.
Sau nhiều vụ kiện và phán quyết được đưa ra bởi Tòa án quốc gia và Tòa án Nhân quyền châu Âu[16], gần đây nhất, quyết định của Tòa phá án Pháp đã khẳng định khả năng ghi chú toàn bộ giấy khai sinh đối với hai cha mẹ dự định và đã loại bỏ các điều kiện ghi chú trước đó[17]. Tuy nhiên, Luật Đạo đức sinh học ngày 02/8/2021 đi ngược với quan điểm này qua việc sửa đổi Điều 47 Bộ luật Dân sự với quy định: Tính thực tế của các sự kiện được khai báo trong giấy tờ hộ tịch nước ngoài xác lập nên quan hệ cha, mẹ, con được đánh giá theo luật của Pháp. Điều khoản sửa đổi này có nghĩa là việc ghi chú các giấy tờ hộ tịch sẽ phải dựa trên thực tế và các điều kiện pháp lý của Pháp, do đó không công nhận tử hệ trực tiếp của cha mẹ dự định đã nhờ đến việc mang thai hộ. Như vậy, chỉ cha mẹ sinh học mới được công nhận tử hệ trong quá trình ghi chú một phần hộ tịch, người còn lại, dù mang quốc tịch Pháp hay quốc tịch nước ngoài, sau đó phải thông qua thủ tục nhận con nuôi để xác lập quan hệ cha, mẹ, con[18]. Việc thừa nhận một phần quan hệ cha, mẹ, con sẽ thuộc các trường hợp sau:
- Nếu mang thai hộ sử dụng trứng của người mẹ và tinh trùng của người cha, người cha được xem là có liên kết sinh học và sẽ được thừa nhận quan hệ cha, con. Người mẹ do không sinh con nên không được thừa nhận quan hệ mẹ, con đương nhiên theo pháp luật Pháp mà phải thực hiện thủ tục nhận con nuôi.
- Nếu mang thai hộ sử dụng trứng của người mẹ và tinh trùng hiến tặng, cặp cha mẹ dự định được xem là không có mối liên kết sinh học với đứa trẻ, do đó không được pháp luật Pháp thừa nhận quan hệ cha, mẹ, con đương nhiên mà phải làm thủ tục nhận con nuôi.
Kinh nghiệm cho Việt Nam: Không hoàn toàn giống trường hợp của Pháp, Việt Nam hiện nay đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Mang thai hộ vì mục đích thương mại bị cấm theo khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, dẫn đến các chế tài xử phạt hành chính và hình sự liên quan đến hành vi này. Tuy nhiên, do các điều kiện khắt khe về đối tượng được mang thai hộ, nhiều cặp vợ chồng vẫn tìm kiếm giải pháp mang thai hộ (vì mục đích thương mại) thực hiện tại nước ngoài. Như vậy, trường hợp này cũng đặt ra vấn đề ghi chú vào sổ hộ tịch giấy khai sinh được xác lập tại nước ngoài. Pháp luật hộ tịch hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, mặc dù, nếu chấp nhận ghi chú hộ tịch, có thể dẫn đến vi phạm những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại). Khác với Pháp, luật học Việt Nam không áp đặt nguyên tắc “người mẹ đương nhiên” vào trong luật. Như vậy, việc xác định quan hệ mẹ, con không thực sự bị ràng buộc bởi thực tế người mẹ có mang thai và sinh con hay không. Trong trường hợp này, trên cơ sở kinh nghiệm của Pháp, tác giả cho rằng, Việt Nam có thể xem xét cho phép ghi chú một phần hoặc toàn bộ giấy khai sinh của đứa trẻ, để bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ.
2.2. Sinh con bằng phương pháp ROPA
Như đã đề cập, sinh con bằng KTHTSS ROPA bị cấm tại Pháp. Do đó, cũng giống mang thai hộ, ROPA có thể được các cặp đôi đồng tính nữ thực hiện ở nước ngoài nơi hợp pháp hóa phương pháp này. Mặc dù, cũng rơi vào trường hợp “lẩn tránh” pháp luật và về nguyên tắc, là vi phạm trật tự công của pháp luật Pháp, tuy nhiên, việc ghi chú hộ tịch và thừa nhận quan hệ mẹ, con “kép” vẫn khả dĩ. Bởi lẽ, về quy trình, pháp luật Pháp không yêu cầu phải khai báo kỹ thuật trợ sinh đã áp dụng khi sinh con trong bản thừa nhận con chung dự kiến lập tại phòng công chứng, nên cặp đôi đồng tính nữ dùng phương pháp ROPA có thể không cần đề cập đến phương pháp này và tiến hành đăng ký theo thủ tục chung trước khi tiến hành sinh đẻ[19].
Kinh nghiệm cho Việt Nam: Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ROPA chỉ áp dụng đối với các cặp đôi đồng tính nữ. Vì thế, trong bối cảnh Việt Nam chưa công nhận quan hệ kết hôn đồng giới cũng như quan hệ mẹ, con “kép”, kỹ thuật này không thuộc diện được tiến hành tại Việt Nam. Giả định cặp đôi đồng tính nữ thực hiện sinh sản ở nước ngoài với giấy khai sinh hợp pháp có tên hai người mẹ lập tại nước sở tại, việc ghi chú hộ tịch giấy khai sinh của đứa trẻ tại Việt Nam chỉ có thể xét đến phương án ghi chú một phần với tên người mẹ đã sinh ra đứa bé, với tư cách người phụ nữ độc thân sinh con theo khoản 2 Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
2.3. Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật trợ sinh sản sau khi người cha chết
Nếu người cha chết, việc người mẹ thực hiện chuyển phôi để sinh con cũng là một trong những trường hợp bị cấm thực hiện tại Pháp[20]. Các nhà lập pháp Pháp và đa số ý kiến phản đối cho rằng, trẻ em được sinh ra trong trường hợp này sẽ không được bảo đảm quyền lợi tốt nhất vì sẽ bị “mồ côi cha” từ khi mới lọt lòng[21]. Vì bị cấm nên việc sinh con bằng kỹ thuật trợ sinh sau khi người cha chết chỉ có thể thực hiện tại các quốc gia đã hợp pháp hóa thủ tục này như Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Italia, Hà Lan, Hy Lạp và Vương Quốc Anh[22]. Trẻ em sinh ra nhờ kỹ thuật này ở nước ngoài có thể được khai sinh hợp pháp tại nước mà trẻ chào đời với đầy đủ tử hệ với cha mẹ. Tuy nhiên, quan hệ cha, mẹ, con được nước ngoài công nhận này không hoàn toàn được thừa nhận tại Pháp. Điều 47 Bộ luật Dân sự Pháp về nguyên tắc thừa nhận giấy tờ hộ tịch được xác lập tại nước ngoài quy định: Mọi chứng thư hộ tịch của người Pháp và người nước ngoài lập ở nước ngoài theo đúng thủ tục của nước đó thì đều có giá trị, trừ trường hợp các tài liệu hoặc giấy tờ khác thu thập được, các dữ liệu bên ngoài hoặc bên trong chính chứng thư đó, hoặc tất cả những thẩm định cho phép cho thấy chứng thư đó đã được lập không đúng thủ tục, bị làm giả hoặc nội dung khai trong chứng thư đó không đúng sự thật. Điều này được đánh giá theo luật của Pháp.
Như đã phân tích, pháp luật Pháp sẽ áp đặt các điều kiện về thực hiện kỹ thuật trợ sinh lên vấn đề xác lập quan hệ cha, mẹ, con. Vì vậy, về nguyên tắc, chỉ người mẹ đã mang thai đứa bé là được thừa nhận quan hệ mẹ, con đương nhiên tại Pháp theo Điều 311-25 Bộ luật Dân sự. Còn đối với người cha đã khuất, sự kiện chết đã làm chấm dứt quan hệ hôn nhân với người mẹ, do vậy không thể xác lập quan hệ cha, con đương nhiên trong thời kỳ hôn nhân theo Điều 312 Bộ luật Dân sự Pháp. Bên cạnh đó, do vi phạm điều cấm của pháp luật Pháp, quan hệ cha, con sẽ không được thừa nhận. Việc ghi chú hộ tịch Pháp cho đứa trẻ vì thế cũng chỉ được tiến hành một phần (đối với tên người mẹ).
Kinh nghiệm cho Việt Nam: Pháp luật Việt Nam hiện hành không thể hiện rõ điều khoản cấm áp dụng kỹ thuật chuyển phôi sau khi người cha chết. Quy định về đối tượng áp dụng KTHTSS cũng giới hạn chỉ đối với cặp vợ chồng hoặc người phụ nữ độc thân[23]. Việc ghi chú vào sổ hộ tịch tại Việt Nam giấy khai sinh của con sinh ra bằng kỹ thuật này lập tại nước ngoài sau khi cha chết có thể xét đến hai hướng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của Pháp: Một là, chấp nhận ghi chú một phần với tên người mẹ sinh ra đứa trẻ và trong trường hợp này, xem người mẹ thuộc diện phụ nữ độc thân sinh con (do tình trạng hôn nhân đã chấm dứt kể từ thời điểm người chồng chết); hai là, có thể quy định linh hoạt hơn pháp luật Pháp, theo đó, xem xét ghi chú toàn bộ giấy khai sinh cho trẻ nếu trẻ được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm cha chết (theo nguyên tắc suy đoán tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trẻ vẫn được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của cặp vợ chồng).
2.4. Trường hợp vi phạm điều kiện trước khi luật mới được ban hành
Trước khi Đạo luật số 2021-1017 về đạo đức sinh học được ban hành vào ngày 02/8/2021 (Đạo luật số 2021-1017), việc thực hiện PMA chỉ được giới hạn cho cặp vợ chồng khác giới. Do đó, các cặp đôi đồng tính nữ hoặc phụ nữ độc thân muốn có con phải ra nước ngoài để sinh con bằng KTHTSS. Tuy nhiên, khi trở lại Pháp, họ gặp khó khăn trong việc ghi chú hộ tịch Pháp[24] và xác định quan hệ mẹ, con. Đối với người mẹ đơn thân, quan hệ mẹ, con có thể được công nhận trên cơ sở sự kiện mang thai theo pháp luật Pháp. Đối với cặp đôi đồng tính nữ, bên cạnh quan hệ mẹ, con hiển nhiên được thừa nhận của người mẹ mang thai, người phụ nữ không sinh con nếu muốn được công nhận tư cách làm mẹ về mặt pháp lý phải trải qua thủ tục phức tạp về nhận con nuôi, với điều kiện là cặp đôi đã kết hôn với nhau trước đó. Kể từ khi Đạo luật số 2021-1017 có hiệu lực, đối tượng áp dụng PMA đã được mở rộng bao gồm cặp đôi nam - nữ, nữ - nữ (đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng) và người phụ nữ độc thân.
Như vậy, khi xét đến các trường hợp cặp đôi đồng tính nữ vi phạm pháp luật khi sinh con bằng PMA tại nước ngoài trước khi luật có hiệu lực, Đạo luật số 2021-1017 giải quyết như sau: Cặp đôi có thể đến văn phòng công chứng để ký vào một bản “thừa nhận con chung sau sinh” và tiến hành ghi chú giấy khai sinh của đứa trẻ tại cơ quan hộ tịch của Pháp. Việc này được phép thực hiện trong vòng ba năm kể từ sau khi Luật có hiệu lực, tức là cho đến ngày 04/8/2024. Như vậy, các cặp đôi đồng tính nữ đã sinh con ở nước ngoài trước khi Luật này được công bố có thể thừa nhận con chung đối với đứa trẻ được sinh ra trước ngày 03/8/2021 trước sự chứng kiến của một công chứng viên, để xác lập quan hệ mẹ, con với người phụ nữ không sinh con. Sau đó, cặp đôi phải xuất trình một bản sao chứng thư công chứng cho viên chức hộ tịch có thẩm quyền ghi chú giấy khai sinh, để phần đề cập đến việc công nhận chung được dán vào lề giấy khai sinh của trẻ, quan hệ mẹ, con thứ hai từ đó sẽ được xác lập[25].
Kinh nghiệm cho Việt Nam: Hiện nay, Việt Nam chưa hợp pháp hóa quan hệ kết đôi đồng giới (kể cả hình thức kết hợp dân sự hay kết hôn giữa những người cùng giới tính). Trong khi đó, ở Pháp đã công nhận quan hệ hôn nhân và kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính, là cơ sở để xác lập quan hệ mẹ, con cho đứa trẻ đối với người mẹ không mang thai. Vì thế, việc tham khảo kinh nghiệm trong xây dựng quan hệ mẹ, con “kép” đối với các cặp đồng tính nữ là chưa thể thực hiện. Bởi vì, để làm điều đó, trước hết, pháp luật Việt Nam cần công nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính, tiếp đó mới có thể điều chỉnh pháp luật về xác định cha, mẹ, con, pháp luật nuôi con nuôi, pháp luật hộ tịch và các luật liên quan đến quy định đối tượng sinh con bằng KTHTSS. Kinh nghiệm này của pháp luật Pháp vẫn có thể được các nhà làm luật Việt Nam tham khảo trong khuôn khổ lộ trình dài hạn cho các dự luật đề xuất công nhận hôn nhân đồng giới tại Việt Nam trong tương lai.
ThS. Hoàng Thảo Anh
TS. Hoàng Thị Hải Yến
Khoa Luật dân sự, Trường Đại học Luật - Đại học Huế
[1]. Được sửa đổi, bổ sung năm 2021.
[2]. “Qu’est-ce que la PMA?”, Fondation Jérome Lejeune https://www.fondationlejeune.org/defense-vie-humaine/education/manuels-bioethiques/manuel-pma/?gclid=Cj0KCQiA-oqdBhDfARIsAO0TrGHqRpSCPB1JrRuHGNNrPDIHktPt1rT7H7PoTPDYLB570gXU9qF5qMgaAoCXEALw_wcB.
[3]. https://www.la-vie-nouvelle.fr/infos/droit-et-chiffre/quelles-nouveautes-concernant-la-procreation-medicalement- assistee%E2%80%89/.
[4]. Điều R.2141-36 Bộ luật Sức khỏe cộng đồng.
[5]. Qu’est-ce que l’assistance médicale à la procréation (AMP)?, L’assurance maladie, https://www.ameli.fr/assure/sante/themes/assistance-medicale-procreation-amp/assistance-medicale-la-procreation-amp#:~:text=L’acc%C3%A8s%20%C3%A0%20l’AMP,femme%20non%20mari%C3%A9e%20 (c%C3%A9libataire).
[6]. Điều R.2141-36 Bộ luật Sức khỏe cộng đồng.
[7]. https://www.lecomparateurassurance.com/103386-actualites-assurance-sante/nouvelle-loi-evoque-nouvelles-conditions-pour-realisation-pma-france.
[8]. Điều 16-7 Bộ luật Dân sự Pháp.
[9]. https://www.leaetcapucine.com/post/tout-ce-que-vous-devez-savoir-sur-la-m%C3%A9thode-ropa-m%C3% A9thode-de-pma-pour-les-couples-lesbiens.
[10]. Điều 311-25 Bộ luật Dân sự Pháp, trên cơ sở nguyên tắc “Mater semper certa est” (quan hệ mẹ, con luôn là đương nhiên).
[11]. Theo Điều 312 Bộ luật Dân sự Pháp.
[12]. Điều 311-19 Bộ luật Dân sự Pháp.
[13]. Được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 2005-759, có hiệu lực từ ngày 01/7/2006.
[14]. Được bổ sung vào Bộ luật Dân sự bởi Luật số 2021-1017 ngày 02/8/2021 tại Điều 6 (V).
[15]. https://www.la-croix.com/France/gpa-gestation-pour-autrui-loi-francaise-bioethique-definition-2022-05-19-1201215868.
[16]. Ở đây, nói đến các phán quyết ngày 26/6/2014 của Tòa án Nhân quyền châu Âu (CEDH) đối với 02 vụ việc của hai cặp vợ chồng người Pháp, lần lượt bị Tòa án Pháp từ chối vào năm 2008 và năm 2011 việc ghi chú giấy khai sinh đứa con được sinh ra do mang thai hộ ở nước ngoài. Trong cả 02 vụ việc, phôi được hình thành nhờ tinh trùng của người chồng và trứng của một người Mỹ hiến tặng. Hai cặp đôi đã gửi đơn lên Tòa Nhân quyền châu Âu vào tháng 10/2011 với lập luận rằng, việc Nhà nước từ chối đăng ký giấy khai sinh cho con của họ đã cấu thành hành vi xâm phạm quyền được tôn trọng cuộc sống riêng tư và gia đình được bảo đảm bởi Điều 8 của Công ước Nhân quyền Châu Âu.
[17]. Trước phán quyết này, ngày 23/5/2019, Tòa án sơ thẩm Nantes đã công nhận người mẹ dự định của một đứa trẻ sinh ra ở nước ngoài do mang thai hộ.
[18]. https://alliancesolidaire.org/2022/06/08/filiation-des-enfants-francais-dans-le-cadre-dune-pma-et-dune-gpa/.
[19]. https://www.service-public.fr/particuliers/vosdroits/F35858.
[20]. Điều L.2141-2 Bộ luật Sức khỏe cộng đồng.
[21]. https://www.genethique.org/pma-post-mortem-il-nest-pas-dans-linteret-dun-enfant-de-le-faire-naitre-volontairement-orphelin-de-pere/.
[22]. Hiện nay, tại châu Âu, chỉ có 07 quốc gia kể trên cho phép sinh con bằng kỹ thuật trợ sinh chuyển phôi sau khi người cha chết.
[23]. Điều 3 và Điều 5 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
[24]. Tương tự với khái niệm “ghi chú vào sổ hộ tịch giấy khai sinh đã được lập ở nước ngoài” theo pháp luật hộ tịch Việt Nam.
[25]. https://www.leaetcapucine.com/post/pma-pour-toutes-le-nouveau-processus-de-filiation.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 378), tháng 4/2023)