
![]() |
Toàn cảnh Hội thảo. |
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc tăng cường tiếp cận công lý cho người dân
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc tăng cường tiếp cận công lý cho người dân, cụ thể: Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, các cơ quan tư pháp không ngừng đổi mới, cải cách thủ tục hành chính tư pháp được đẩy mạnh, các dịch vụ trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật ngày càng được mở rộng, đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp, xây dựng Tòa án điện tử, công khai thông tin bản án, quyết định đã góp phần nâng cao tính minh bạch và hiệu quả. Tuy nhiên, năng lực tiếp cận công lý của người dân vẫn còn nhiều dư địa cần cải thiện.
Trên cơ sở đó, Hội thảo sẽ tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung trọng tâm gồm: (i) Phân tích thực trạng năng lực tiếp cận công lý của người dân; (ii) Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và các mô hình sáng tạo trong nước; (iii) Đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi và toàn diện nhằm hoàn thiện khung pháp luật; nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp; tăng cường truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật.
![]() |
Ông Lê Anh Vũ, Quản lý chương trình, Tổ chức Hanns Seidel Foundation. |
Chuyển đổi số - một công cụ quan trọng giúp cải thiện khả năng tiếp cận công lý
Thay mặt Tổ chức Hanns Seidel Foundation, ông Lê Anh Vũ, Quản lý chương trình cho biết, tiếp cận công lý không chỉ là quyền con người cơ bản mà còn là nền tảng của một xã hội dân chủ, công bằng và bền vững. Thông qua việc tiếp cận công lý, mọi người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế có khả năng hiểu về quyền của mình, tìm kiếm biện pháp khắc phục khi quyền bị xâm phạm và có thể yêu cầu trách nhiệm giải trình từ các thiết chế công quyền. Một hệ thống pháp lý minh bạch, hiệu quả và dễ tiếp cận là điều kiện thiết yếu để củng cố lòng tin vào pháp luật và thể chế.
Vì vậy, Hội thảo là cơ hội quan trọng để nhận diện các thách thức mà người dân Việt Nam đang gặp phải trong tiếp cận công lý, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực và có thể triển khai hiệu quả trong thực tế. Từ kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức, Liên minh châu Âu cũng như các hoạt động giữa Tổ chức Hanns Seidel Foundation và Bộ Tư pháp từ năm 2021 đến nay, đặc biệt tiềm năng của chuyển đổi số - một công cụ quan trọng giúp cải thiện khả năng tiếp cận công lý thông qua các nền tảng thông tin pháp luật trực tuyến, hệ thống quản lý hồ sơ số và dịch vụ trợ giúp pháp lý từ xa. Khi được áp dụng một cách hợp lý, chuyển đổi số có thể giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và đưa pháp luật đến gần với hơn với người dân, đặc biệt là những người ở những vùng sâu, vùng xa.
Tiếp cận công lý là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì và phát triển xã hội công bằng, văn minh
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ một số nội dung liên quan đến năng lực tiếp cận công lý của người dân. Theo đó, một số đại biểu cho biết, Ở Việt Nam, công lý và bảo vệ công lý là mục tiêu cơ bản của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã khẳng định yêu cầu xây dựng cơ quan tư pháp là chỗ dựa của Nhân dân trong việc bảo vệ công lý và quyền con người. Ngoài ra, Nghị quyết số 49-NQ/TW cũng xác định rõ mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh và bảo vệ công lý. Hoạt động tư pháp mà trong đó Tòa án giữ vị trí trung tâm và công tác xét xử là hoạt động trọng tâm cần phải được tiếp tục cải cách, nâng cao chất lượng, bảo đảm có hiệu lực và hiệu quả cao.
![]() |
Đại biểu trao đổi tại Hội thảo. |
Về khái niệm tiếp cận công lý, đại biểu cho rằng, đây là khả năng của cá nhân hoặc nhóm người trong việc sử dụng các hệ thống pháp luật và tư pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ, giải quyết các tranh chấp và bảo đảm sự công bằng. Tiếp cận công lý là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì và phát triển một xã hội công bằng, văn minh, nơi mà mọi người đều có thể tiếp cận và nhận được sự bảo vệ từ các cơ quan pháp lý mà không bị phân biệt đối xử. Hiện nay, việc tiếp cận công lý của người dân đang gặp phải 05 rào cản gồm: (i) Rào cản về chi phí pháp lý và tiếp cận khu vực đặc thù: Án phí, lệ phí, phí luật sư cao, thủ tục miễn giảm phức tạp, chi phí đi lại ở vùng sâu, vùng xa; (ii) Rào cản về thông tin và nhận thức pháp luật: Người dân thiếu hiểu biết pháp luật, thông tin khó tiếp cận, ngôn ngữ phức tạp; (iii) Rào cản về thủ tục tố tụng phức tạp, kéo dài: Yêu cầu nhiều giấy tờ, thời gian giải quyết vụ việc kéo dài; (iv) Rào cản về chất lượng dịch vụ pháp lý: Tỷ lệ luật sư thấp, phân bổ không đều, một bộ phận luật sư chưa chú trọng bảo vệ công lý; (v) Rào cản về hiệu quả thi hành án: Thi hành án gặp nhiều khó khăn, kéo dài, ảnh hưởng niềm tin vào công lý.
Trên cơ sở đó, đại biểu đã đưa ra một số kiến nghị như: Mở rộng đối tượng miễn giảm, cắt giảm thủ tục, khuyến khích quỹ hỗ trợ pháp lý, phát triển dịch vụ pháp lý chi phí thấp/miễn phí; đổi mới phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật qua kênh hiện đại, tăng cường giáo dục pháp luật, xây dựng nền tảng trực tuyến tổng hợp, tư vấn từ xa; đơn giản hóa thủ tục, kiểm soát thời hạn, xây dựng cơ sở dữ liệu tư pháp liên thông; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, xây dựng cơ chế đánh giá, tuyển chọn cán bộ tư pháp công khai, minh bạch; rà soát, sửa đổi quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả phối hợp, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cán bộ thi hành án…
Ngoài ra, tại Hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ một số nội dung về yêu cầu tăng cường tiếp cận công lý trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; giải pháp nhằm bảo đảm năng lực tiếp cận công lý của người dân thông qua hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý và kinh nghiệm của các quốc gia châu Á về tăng cường tiếp cận công lý…
![]() |
TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp phát biểu kết luận Hội thảo. |
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý gửi lời cảm ơn sự đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn. Tổng kết các giải pháp được đưa ra tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh, để tiếp tục nâng cao năng lực tiếp cận công lý của người dân, cần tập trung thực hiện 05 nội dung sau: (i) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật vì sự phát triển bền vững của đất nước; (ii) Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng của các thiết chế tư pháp, phát triển đội ngũ cán bộ tư pháp, đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý có năng lực và bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp vững vàng theo tinh thần vì Nhân dân phục vụ, vì người dân, lấy người dân làm trung tâm phục vụ; (iii) Cần thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ hệ thống dịch vụ pháp lý, hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật, quản trị rủi ro pháp lý; (iv) Phải đổi mới, đa dạng hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ số để người dân ở mọi miền đất nước có thể dễ dàng tiếp cận với thông tin pháp luật và sử dụng dịch vụ pháp lý với chi phí hợp lý; (v) Cần tiếp tục tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, gắn với thực tiễn Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm có giá trị trong lĩnh vực này.