
Đối với Hội đồng nhân dân xã
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã từ ngày 01/7/2025 được quy định tại: (i) Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025; (ii) 28 nghị định về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 02 cấp ngày 11/6/2025 của Chính phủ và (iii) Các nhiệm vụ, quyền hạn nhận phân cấp từ Hội đồng nhân dân cấp trên, các nhiệm vụ quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Một là, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.
Theo quy định tại Điều 21 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, Hội đồng nhân dân xã thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực, gồm:
Trong tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật: (i) Quyết định biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên ở địa bàn; (ii) Quyết định chính sách, biện pháp để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế tư nhân và đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn theo quy định của pháp luật; (iii) Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp mình; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật; (iv) Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Trong lĩnh vực tổ chức bộ máy và xây dựng chính quyền: (i) Quyết định thành lập, tổ chức lại, thay đổi tên gọi, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật; (ii) Căn cứ chỉ tiêu được chính quyền địa phương cấp tỉnh giao, quyết định cụ thể biên chế cán bộ, công chức trong các cơ quan của chính quyền địa phương cấp mình, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn; (iii) Xem xét, cho ý kiến về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp mình; (iv) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, đặt tên, đổi tên thôn theo quy định của pháp luật; quyết định cụ thể số lượng người hoạt động không chuyên trách hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước trên địa bàn theo quy định của chính quyền địa phương cấp tỉnh; (v) Ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình; (vi) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp mình, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân cùng cấp; (vii) Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chấp thuận việc đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật.
Trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách, liên kết, hợp tác giữa các đơn vị hành chính cấp xã: (i) Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hằng năm của cấp mình, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, các quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng, giao thông trên địa bàn bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch của chính quyền địa phương cấp tỉnh và quy hoạch chung của cấp mình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; (ii) Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; điều chỉnh dự toán ngân sách cấp mình trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách cấp mình và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; (iii) Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật về đầu tư công; quyết định biện pháp huy động sự đóng góp của Nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, công trình công cộng, phúc lợi trên địa bàn theo quy định của pháp luật; (iv) Quyết định biện pháp thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các đơn vị hành chính cấp xã; (v) Quyết định chương trình, biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, thông tin, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: (i) Quyết định biện pháp, chương trình, đề án về phát triển khoa học, công nghệ, thông tin, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn; (ii) Quyết định biện pháp xây dựng chính quyền địa phương số, kinh tế số, xã hội số ở địa bàn; biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của chính quyền địa phương cấp mình và cung ứng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng và giao thông: (i) Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp mình trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; (ii) Quyết định biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên nước, rừng, bảo vệ môi trường trên địa bàn theo quy hoạch, kế hoạch và quy định của pháp luật; biện pháp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn; (iii) Quyết định biện pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng, giao thông; biện pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao: (i) Quyết định biện pháp phát triển sự nghiệp giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; phát triển văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao trên địa bàn theo quy định của pháp luật; (ii) Quyết định biện pháp thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo: (i) Quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn theo quy định của pháp luật; (ii) Quyết định biện pháp thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình, Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan khác ở địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Hai là, nhiệm vụ, quyền hạn được phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền theo quy định tại các nghị định của Chính phủ.
Khi thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp, nhiệm vụ, thẩm quyền của cấp huyện hiện nay cần phải rà soát để phân định thẩm quyền, bảo đảm không để sót nhiệm vụ khi vận hành bộ máy mới. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành 28 nghị định quy định về phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cho chính quyền địa phương, trong đó quy định một số nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trước đây được phân định cho Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện (ngoài quy định tại các nghị định này, Hội đồng nhân dân cấp xã còn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật khác của cơ quan nhà nước ở Trung ương). Trong 28 nghị định này, Hội đồng nhân dân cấp xã được phân định thẩm quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực sau:
Đối với lĩnh vực tài chính: Nghị định số 125/2025/ NĐ-CP ngày 11/6/2025 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính quy định Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp huyện (trước đây) trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia quy định tại điểm c khoản 1, điểm a khoản 6 điểm b và điểm c khoản 7, điểm a khoản 8 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 (theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 125/2025/NĐ-CP) và khoản 5 Điều 6 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP) (theo điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 125/2025/NĐ-CP).
Đối với lĩnh vực nông nghiệp và môi trường: Nghị định số 131/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường quy định Hội đồng nhân dân cấp xã có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: (i) Phê duyệt phương án sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, xét duyệt báo cáo quyết toán kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại khoản 4 Điều 70 và điểm g khoản 4 Điều 71 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 91/2024/ NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ (khoản 1 Điều 11 Nghị định số 131/2025/NĐ-CP); (ii) Phê duyệt kế hoạch tài chính hằng năm, báo cáo quyết toán của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại điểm d, điểm đ khoản 3 Điều 9, điểm d khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 12 Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (khoản 2 Điều 11 Nghị định số 131/2025/NĐ-CP); (iii) Bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo phân cấp ngân sách hiện hành quy định tại điểm h khoản 2 Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường (Điều 27 Nghị định số 131/2025/NĐ-CP).
Đối với lĩnh vực xây dựng: Nghị định số 140/2025/ NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với nguồn vốn ủy thác từ Quỹ phát triển nhà ở địa phương (nếu có), ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm, vốn từ phát hành trái phiếu, công trái nhà ở và từ các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật đối với ngân sách cấp huyện để thực hiện mục tiêu, kế hoạch nhà ở xã hội tại địa phương quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ (khoản 7 Điều 14).
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Nghị định số 142/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định Hội đồng nhân dân cấp xã có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: (i) Phê duyệt kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn thuộc cấp xã quản lý theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã (điểm a khoản 1 Điều 41 Nghị định số 142/2025/NĐ-CP); (ii) Quyết định, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục của tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (điểm c khoản 1 Điều 41 Nghị định số 142/2025/nĐ-CP).
Ba là, nhiệm vụ, quyền hạn nhận phân cấp từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.
Việc phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho Hội đồng nhân dân cấp xã phải đáp ứng các điều kiện sau: (i) Việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; (ii) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp, trừ trường hợp Hội đồng nhân dân cấp xã có đề nghị và tự bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.
Trong quá trình nhận phân cấp, Hội đồng nhân dân cấp xã có quyền và nghĩa vụ sau: (i) Có quyền tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản phân cấp; (ii) Có quyền đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh nội dung phân cấp; (iii) Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp; (iv) Định kỳ báo cáo, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp; (v) Không được phân cấp tiếp nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được phân cấp.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định Hội đồng nhân dân cấp xã có quyền chủ động đề xuất với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về việc phân cấp cho mình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng nếu đáp ứng các yêu cầu về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường
Hội đồng nhân dân phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như đối với Hội đồng nhân dân xã trừ quy định liên quan đến “thôn” (các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 24 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025; nhiệm vụ, quyền hạn được phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền tại các nghị định của Chính phủ và nhiệm vụ, quyền hạn được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp) và thực hiện thêm các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Quyết định biện pháp để thực hiện quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên địa bàn theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển đô thị, quy hoạch chung của chính quyền địa phương cấp tỉnh.
- Quyết định các biện pháp khuyến khích phát triển kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc điểm của đô thị theo quy định của pháp luật.
- Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, đặt tên, đổi tên tổ dân phố; quyết định cụ thể số lượng người hoạt động không chuyên trách hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước trên địa bàn theo quy định của chính quyền địa phương cấp tỉnh.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân đặc khu
Theo quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, Hội đồng nhân dân đặc khu thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như đối với Hội đồng nhân dân xã; đối với các đặc khu được công nhận loại đô thị theo quy định của pháp luật thì Hội đồng nhân dân đặc khu thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như đối với Hội đồng nhân dân phường.
Đồng thời, với tính chất của “đặc khu” là các đơn vị hành chính hải đảo, có vị trí trọng yếu, chiến lược về an ninh, quốc phòng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 quy định khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho chính quyền địa phương ở đặc khu (trong đó có Hội đồng nhân dân đặc khu) tại các văn bản quy phạm pháp luật khác phải bảo đảm tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước tại địa phương, bảo đảm linh hoạt, chủ động ứng phó khi có sự kiện, tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo. Căn cứ phạm vi, thẩm quyền được giao, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho chính quyền địa phương ở đặc khu thực hiện ở khu vực hải đảo.
Căn cứ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và khả năng của chính quyền địa phương ở từng đặc khu, chính quyền địa phương cấp tỉnh trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định cơ chế, chính sách đặc thù cho chính quyền địa phương ở từng đặc khu để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.