
Luật Cán bộ, công chức năm 2025 (Luật năm 2025) đã bám sát và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/02/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Luật năm 2025 đã thể hiện tư tưởng mới trong xây dựng pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong công tác quản lý công chức theo hướng năng động, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm, tận tâm phục vụ Nhân dân.
Liên thông quản lý cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã bảo đảm thực hiện tốt mô hình chính quyền địa phương hai cấp
Để thực hiện thống nhất mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Luật năm 2025 đã sửa đổi khái niệm cán bộ, công chức (Điều 2), theo đó đã liên thông quản lý cán bộ, công chức cấp xã, cấp tỉnh theo cùng một chế độ công vụ, bảo đảm xây dựng nền công vụ thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến cấp xã, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh. Quy định này nhằm hướng tới sự bình đẳng và cơ hội phát triển cho tất cả cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, tạo động lực để cán bộ, công chức phát huy năng lực, cống hiến cho sự phát triển của nền công vụ.
Bên cạnh đó, Luật năm 2025 đã quy định điều khoản chuyển tiếp (Điều 45) để bảo đảm cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật năm 2025 có hiệu lực thi hành (nếu đáp ứng đủ điều kiên, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo) được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định của Luật năm 2025 và tiếp tục được bố trí công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị tại cấp xã hình thành sau sắp xếp. Chậm nhất đến ngày 01/7/2027 phải hoàn thành việc bố trí vào vị trí việc làm và xếp ngạch tương ứng với vị trí việc làm đối với nhóm công chức này.
Hiện thực hóa chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công
Luật năm 2025 lần đầu tiên dành 01 điều luật (Điều 4) quy định về cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Theo đó, Nhà nước có cơ chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nguồn nhân lực chất lượng cao khác vào làm việc trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; chính sách trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Luật năm 2025 cũng đưa ra nội hàm của khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ”, là cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; có năng lực chuyên môn, kỹ năng vượt trội thể hiện qua giải quyết công việc; có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đạt được những thành tích nổi bật trong hoạt động công vụ thể hiện bằng kết quả, sản phẩm cụ thể mang lại giá trị, hiệu quả cao cho tổ chức, ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước hoặc địa phương.
Luật năm 2025 cho phép cơ quan quản lý công chức quyết định: (i) Ký hợp đồng với chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; (ii) Ký hợp đồng đối với nhân lực chất lượng cao để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ.
Với những quy định trên của Luật năm 2025 đã thể hiện đúng theo tinh thần của Đại hội XIII của Đảng, theo đó, “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” được xác định là một trong ba đột phá chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới.
Cán bộ, công chức tiếp tục được bảo đảm các quyền lợi chính đáng và được đáp ứng các điều kiện khi thi hành công vụ
Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức phát huy được hết năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và yên tâm thực thi công vụ, Luật năm 2025 đã quy định đầy đủ các quyền của cán bộ, công chức, bao gồm: Quyền về bảo đảm điều kiện thi hành công vụ (Điều 9); Quyền về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ liên quan đến tiền thưởng (Điều 10); Quyền về nghỉ ngơi và các quyền khác (Điều 11). Trong đó, nổi bật có một số quy định mới như: (i) Công chức được bố trí hoặc được thuê nhà ở công vụ; (ii) Công chức được xem xét loại trừ, miễn trừ, giảm trách nhiệm theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền khi thi hành công vụ.
Chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức theo vị trí việc làm
Với việc lấy vị trí việc làm là trung tâm, trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và kết quả, sản phẩm thực hiện nhiệm vụ để tiến hành tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện một số nội dung khác trong công tác quản lý cán bộ, công chức, cụ thể:
(i) Trong công tác tuyển dụng: Một trong những nguyên tắc quan trọng khi tiến hành tuyển dụng công chức đó là “người được tuyển dụng phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển” và sau khi trung tuyển “người được tuyển dụng được bố trí vào vị trí việc làm và xếp ngạch công chức tương ứng”[1].
(ii) Trong công tác xếp ngạch công chức: Luật năm 2025 quy định, việc xếp ngạch công chức phải tương ứng với vị trí việc làm[2].
(iii) Trong công tác đánh giá công chức: một trong những nguyên tắc đánh giá đó là “nội dung đánh giá phải được định lượng tối đa về tiến độ, chất lượng hiệu quả gắn với vị trí việc làm”; phương thức đánh giá công chức cũng cần gắn với tiến độ, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo từng vị trí việc làm; nội dung đánh giá cũng cần căn cứ vào “năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm”[3].
(iv) Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức: Luật năm 2025 quy định rõ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đào tạo, bồi dưỡng công chức, phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực để xây dựng kế hoạch và cử công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng[4].
Luật năm 2025 đã thống nhất phân loại vị trí việc làm thành 03 loại: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ; vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Đổi mới phương thức đánh giá, xếp loại công chức; gắn đánh giá, xếp loại chất lượng công chức với việc thực hiện công tác đào tạo, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thực hiện chế độ khen thưởng
Để nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, xếp loại công chức, khắc phục tình trạng đánh giá mang tính hình thức, dựa nhiều vào “cảm tính”, không thực chất, không phản ánh đúng kết quả công việc của công chức, Luật năm 2025 đã đổi mới phương thức đánh giá, xếp loại công chức. Theo đó, xác định rõ nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung và phương thức đánh giá, xếp loại công chức trên cơ sở dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, khách quan, xuyên suốt, liên tục, đa chiều. Việc đánh giá phải được định lượng tối đa về tiến độ, chất lượng hiệu quả gắn với vị trí việc làm. Nội dung đánh giá bao gồm: (i) Phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, văn hóa công vụ; ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; việc chấp hành quy định của pháp luật về công chức, công vụ và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (ii) Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm; khả năng đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ được giao thường xuyên, đột xuất; tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp đối với các vị trí việc làm tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp; khả năng phối hợp với đồng nghiệp; (iii) Năng lực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực thi công vụ; (iv) Kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm; (v) Nội dung khác theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, Luật năm 2025 còn quy định về việc sử dụng kết quả đánh giá để thực hiện chế độ khen thưởng, thu nhập tăng thêm, xem xét bố trí vào vị trí việc làm thấp hơn hoặc cho thôi việc để sàng lọc những công chức không đáp ứng đực yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy, thực hiện tốt mục tiêu “không để cơ quan Nhà nước là vùng trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém” (Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW).
Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động công vụ
Nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, chuyên nghiệp và minh bạch, Luật năm 2025 đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, như: Nghĩa vụ ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ (Điều 7); mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc, mức độ ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số là một trong những căn cứ để xác định vị trí việc làm (Điều 23); đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong đánh giá công chức (Điều 25); xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức trong quản lý cán bộ, công chức (Điều 40); quản lý hồ sơ công chức điện tử và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cập nhật hồ sơ cán bộ, công chức và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức (Điều 42).
Luật năm 2025 đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, là dấu mốc quan trọng trong tiến trình thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, trách nhiệm và phục vụ Nhân dân./.
QV
Ảnh: Internet
Xem thêm tại Điều 18, 20 Luật Cán bộ, công chức năm 2025.
Xem thêm tại Điều 24 Luật Cán bộ, công chức năm 2025.
Xem thêm tại Điều 25 Luật Cán bộ, công chức năm 2025.
Xem thêm tại Điều 28 Luật Cán bộ, công chức năm 2025.