
Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Công ty Cổ phần Truyền thông Quốc tế INCOM (Công ty sở hữu cơ sở dữ liệu luatvietnam.vn) và lãnh đạo một số công ty phần mềm.
Tại buổi làm việc, ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, thay mặt đơn vị được nhiệm vụ chủ trì xây dựng Cổng Pháp luật Quốc gia đã báo cáo về dự kiến xây dựng Cổng Pháp luật Quốc gia với mục tiêu xây dựng trở thành điểm truy cập chính thức, phục vụ người dân, doanh nghiệp nghiên cứu, tra cứu, tìm hiểu hệ thống pháp luật của Việt Nam bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đại biểu tham dự
Để làm được điều đó, theo ông Lê Vệ Quốc, Cổng Pháp luật Quốc gia phải được thiết kế với các tính năng cơ bản để người dân, doanh nghiệp tra cứu thông tin pháp luật được kịp thời, đầy đủ, chính xác; giải đáp được các câu hỏi về các nội dung, tình huống pháp luật mà người dân, doanh nghiệp quan tâm; tiếp nhận, xử lý được phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về văn bản quy phạm pháp luật trên môi trường số và phân định rõ trách nhiệm, nội dung, thời gian giải quyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo đảm nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Đồng thời, Cổng Pháp luật Quốc gia phải bảo đảm các tính năng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: hỏi đáp pháp luật; sử dụng Chatbot AI; giải đáp phản ánh - kiến nghị; hỗ trợ pháp lý cho người dân, doanh nghiệp… Bên cạnh đó, Cổng Pháp luật Quốc gia sẽ tích hợp với cổng thông tin của một số cơ quan, tổ chức, cơ sở dữ liệu pháp luật Việt Nam,…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh
Tại buổi làm việc, sau khi nghe ông Lê Quang Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ OSP giới thiệu về dự kiến giao diện, các tính năng cơ bản của Công Pháp luật Quốc gia; ông Trần Văn Trí, đại diện Công ty Cổ phần Truyền thông Quốc tế INCOM (Công ty chủ quan cơ sở dữ liệu luatvietnam.vn) giới thiệu về cơ sở dữ liệu luật Việt Nam, Trợ lý ảo Luật Việt Nam (AI Luật) và phát biểu của các thành viên tham dự họp, Bộ trưởng đã nhất trí về tên gọi là Cổng Pháp luật Quốc gia, tên miền dự kiến là phapluat.gov.vn (tên tiếng Anh dự kiến là vietnamlaw.gov.vn). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đề nghị Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, các đơn vị, cá nhân có liên quan khẩn trương hoàn thiện giao diện, công nghệ để Cổng Pháp luật Quốc gia được đưa vào sử dụng, vận hành chính thức từ ngày 01/6/2025, với mục tiêu đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, đưa đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng chỉ đạo Cổng Pháp luật Quốc gia phải có giao diện đơn giản, thân thiện, dễ sử dụng với các nội dung và tính năng cơ bản như:
Ông Hồ Quang Huy - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính
Thứ nhất, có mục giới thiệu để giới thiệu về Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật và Cổng Pháp luật Quốc gia.
Thứ hai, có mục hệ thống văn bản pháp luật để người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu các văn bản pháp luật của Việt Nam khi có nhu cầu.
Thứ ba, có mục phản ánh - kiến nghị để tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đối với hệ thống pháp luật.
Thứ tư, có mục dự thảo văn bản pháp luật để lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan, tổ chức đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ năm, có mục chính sách văn bản mới để truyền thông, giới thiệu về các chính sách của văn bản pháp luật mới ban hành.
Thứ sáu, có mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Thứ bảy, có mục trợ giúp pháp lý để hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế có nhu cầu theo đúng quy định của pháp luật..
Đại biểu tham dự
Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu Cổng Pháp luật Quốc gia phải kết nối với Cổng thông tin của một số cơ quan, tổ chức như Chính phủ, Quốc hội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, một số hãng luật lớn có uy tín,… để người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu, tìm hiểu, liên hệ khi có nhu cầu; Cổng Pháp luật Quốc gia phải sử dụng trợ lý ảo pháp luật để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tra cứu, nghiên cứu, tìm hiểu về hệ thống pháp luật của Việt Nam được nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm, chất lượng và hiệu quả. Có như vậy, Cổng Pháp luật Quốc gia mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
PV