Thứ bảy 05/07/2025 12:44
Email: danchuphapluat@moj.gov.vn
Hotline: 024.627.397.37 - 024.62.739.735

Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài và khả năng gia nhập của Việt Nam

Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài được ký ngày 18/3/1970 và có hiệu lực từ ngày 07/10/1972 (Công ước).

Hiện nay, Công ước có 61 thành viên là quốc gia và vùng lãnh thổ từ tất cả các hệ thống pháp luật và châu lục trên thế giới[1]. Việc tham gia và thực thi Công ước đã góp phần hỗ trợ tích cực các cơ quan tư pháp của các quốc gia thành viên giải quyết nhanh chóng các vụ việc dân sự, thương mại và các hoạt động tư pháp khác có yếu tố nước ngoài. Qua bài viết này, tác giả giới thiệu nội dung cơ bản của Công ước và kết quả nghiên cứu, đánh giá về khả năng gia nhập Công ước của Việt Nam.

1. Nội dung cơ bản của Công ước

Công ước gồm 03 chương và 42 điều, quy định kênh thu thập chứng cứ thông qua văn bản yêu cầu và kênh thu thập chứng cứ bổ sung thông qua viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự và người được ủy quyền. Công ước được áp dụng nhằm thu thập chứng cứ trong các thủ tục tố tụng dân sự, thương mại và thực hiện các “hoạt động tư pháp khác” giữa các quốc gia thành viên.

Theo quy định của Công ước, căn cứ để các quốc gia thành viên Công ước thực hiện thu thập chứng cứ dựa trên văn bản yêu cầu thu thập chứng cứ. Văn bản yêu cầu được gửi giữa các quốc gia thành viên qua cơ quan trung ương được chỉ định. Tuy nhiên, ngoài kênh chính thức tiếp nhận văn bản yêu cầu là cơ quan trung ương, Công ước cũng cho phép các quốc gia thành viên có thể chỉ định cơ quan khác để nhận văn bản yêu cầu (Điều 24.1).

1.1. Văn bản yêu cầu

Công ước quy định cơ quan có thẩm quyền lập văn bản yêu cầu là cơ quan tư pháp của quốc gia yêu cầu (Điều 2). Công ước không đưa ra định nghĩa về “cơ quan tư pháp”, do vậy, việc xác định cơ quan tư pháp tùy thuộc vào pháp luật của mỗi quốc gia. Theo tài liệu hướng dẫn của Hội nghị La Hay, cơ quan tư pháp không bao gồm cá nhân, trọng tài và thường là Tòa án các cấp, một số cơ quan hành chính nhất định[2].

Nội dung và hình thức của văn bản yêu cầu được quy định tại Điều 3. Theo đó, văn bản yêu cầu phải được lập thành 02 bản với các thông tin: (i) Cơ quan yêu cầu; (ii) Cơ quan được yêu cầu (nếu có); (iii) Tên và địa chỉ của các bên tham gia tố tụng và đại diện của họ (nếu có); (iv) Bản chất của vụ việc; (v) Chứng cứ cần thu thập hoặc hoạt động tư pháp khác cần thực hiện. Trong một số trường hợp, văn bản yêu cầu có thể gồm các thông tin khác liên quan.

Công ước không quy định hình thức của văn bản yêu cầu, tuy nhiên, Hội nghị La Hay khuyến nghị văn bản yêu cầu được lập bằng văn bản theo mẫu, dịch có chứng thực sang ngôn ngữ chính thức của quốc gia được yêu cầu hoặc dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp nếu quốc gia được yêu cầu không tuyên bố bảo lưu quy định này.

1.2. Chuyển giao văn bản yêu cầu

Công ước quy định việc chuyển giao văn bản yêu cầu có thể được chuyển qua hai kênh chính: (i) Kênh cơ quan trung ương - kênh chuyển giao chính (Điều 2.2); (ii) Kênh bổ sung: Công ước không quy định các kênh chuyển giao bổ sung, tuy nhiên, Công ước cho phép các quốc gia thành viên được thỏa thuận về các kênh chuyển giao bổ sung khác thông qua thỏa thuận, hoặc điều ước quốc tế song phương (Điều 27.a).

1.3. Thực hiện văn bản yêu cầu

Điều 9 Công ước quy định, cơ quan tư pháp của quốc gia được yêu cầu phải áp dụng pháp luật nước mình để thực hiện văn bản yêu cầu một cách nhanh chóng hoặc theo cách thức và thủ tục đặc biệt mà quốc gia gửi yêu cầu đề nghị, trừ khi việc thực hiện yêu cầu này không phù hợp với pháp luật của quốc gia được yêu cầu hoặc không thể thực hiện được vì thông lệ hay thủ tục trong nước không cho phép hoặc vì những khó khăn thực tiễn.

1.4. Việc có mặt khi thực hiện văn bản yêu cầu

Công ước quy định đương sự hoặc người đại diện có quyền có mặt khi thực hiện thu thập chứng cứ mà không cần sự cho phép của quốc gia được yêu cầu (Điều 7). Khi có yêu cầu, các thông tin về thời gian, địa điểm phải được gửi tới cơ quan yêu cầu hoặc nếu quốc gia yêu cầu đề nghị gửi trực tiếp tới các đương sự hoặc người đại diện của họ. Ngoài ra, Điều 8 Công ước quy định, trong trường hợp được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia được yêu cầu, cán bộ tư pháp của cơ quan yêu cầu của quốc gia thành viên khác có thể có mặt khi thực hiện văn bản yêu cầu.

1.5. Chi phí thực hiện văn bản yêu cầu

Theo Điều 14 Công ước, việc thực hiện văn bản yêu cầu không làm phát sinh chi phí đối với quốc gia yêu cầu. Tuy nhiên, quốc gia được yêu cầu có quyền yêu cầu thanh toán các khoản phí cho chuyên gia, thông dịch viên và chi phí phát sinh khi thực hiện các thủ tục đặc biệt theo yêu cầu của quốc gia yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật của quốc gia được yêu cầu.

1.6. Quyền và nghĩa vụ từ chối cung cấp chứng cứ

Theo Điều 11 Công ước, một người có thể từ chối cung cấp chứng cứ trong phạm vi người đó có quyền không cung cấp hoặc có nghĩa vụ từ chối cung cấp theo: (i) Pháp luật của quốc gia được yêu cầu; (ii) Pháp luật của quốc gia yêu cầu với điều kiện quyền và nghĩa vụ từ chối cung cấp chứng cứ đã được nêu cụ thể trong văn bản yêu cầu (hoặc đã được cơ quan yêu cầu xác nhận); (iii) Pháp luật của quốc gia thứ ba nếu quốc gia thành viên đã đưa ra tuyên bố tôn trọng các quyền và nghĩa vụ đó.

1.7. Xác nhận việc thực hiện văn bản yêu cầu

Theo Điều 13 Công ước, văn bản xác nhận việc thực hiện văn bản yêu cầu phải được gửi tới cơ quan yêu cầu. Công ước không quy định hình thức cụ thể của văn bản xác nhận việc thực hiện văn bản yêu cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, hình thức của văn bản xác nhận phụ thuộc vào loại chứng cứ được thu thập hoặc hoạt động tư pháp khác được thực hiện (thư điện tử, giấy…). Văn bản xác nhận việc thực hiện văn bản yêu cầu có thể được gửi theo cùng kênh mà cơ quan yêu cầu đã sử dụng và gửi kèm với yêu cầu thanh toán các chi phí theo Điều 14 Công ước.

1.8. Từ chối thực hiện văn bản yêu cầu

Việc thực hiện văn bản yêu cầu có thể bị từ chối thực hiện trong một số trường hợp quy định tại Điều 12 Công ước, như: Không tuân thủ các quy định của Công ước; cơ quan lập văn bản yêu cầu không có chức năng lập văn bản yêu cầu; quốc gia yêu cầu thấy rằng, việc thực hiện yêu cầu có thể phương hại tới chủ quyền và an ninh quốc gia đó.

2. Điều kiện, thủ tục gia nhập, quyền lợi và nghĩa vụ của nước thành viên Công ước

2.1. Điều kiện, thủ tục gia nhập

Quốc gia muốn gia nhập Công ước phải nộp văn kiện gia nhập. Sau khi nhận văn kiện gia nhập, Bộ Ngoại giao Hà Lan sẽ gửi một bản sao chứng thực văn kiện gia nhập và các bảo lưu, tuyên bố tới các quốc gia thành viên để các quốc gia này đưa ra tuyên bố chấp thuận sự gia nhập của quốc gia xin gia nhập. Công ước sẽ có hiệu lực giữa quốc gia xin gia nhập và quốc gia thành viên đã chấp thuận sự gia nhập đó sau 60 ngày, kể từ ngày nộp lưu chiểu tuyên bố chấp thuận sự gia nhập. Quốc gia thành viên nào phản đối thì Công ước không có hiệu lực giữa quốc gia đó và quốc gia xin gia nhập.

2.2. Quyền và nghĩa vụ chính của thành viên Công ước

- Về quyền: Khi trở thành thành viên Công ước, quốc gia thành viên có những quyền cơ bản sau: (i) Yêu cầu các quốc gia thành viên khác thu thập chứng cứ theo quy định của Công ước; (ii) Cho phép viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự hoặc người được ủy quyền thu thập chứng cứ tại các quốc gia thành viên khác theo quy định của Công ước; (iii) Đưa ra các bảo lưu mà Công ước cho phép; (iv) Quốc gia thành viên có thể rút khỏi Công ước bằng việc thông báo tới Bộ Ngoại giao Hà Lan theo Điều 41 Công ước; (v) Các quyền khác theo quy định của Công ước.

- Về nghĩa vụ: Quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện văn bản yêu cầu của các quốc gia thành viên khác theo quy định của Công ước. Đồng thời, quốc gia thành viên cũng phải cho phép viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự hoặc người được ủy quyền tiến hành thu thập chứng cứ theo các quy định của Công ước.

Để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, quốc gia thành viên có nghĩa vụ chỉ định cơ quan trung ương (Điều 2), cơ quan khác có thẩm quyền nhận văn bản yêu cầu (Điều 24.1), cơ quan có thẩm quyền cho phép cán bộ tư pháp của quốc gia thành viên khác có mặt khi thực hiện văn bản yêu cầu (Điều 8), cơ quan khác theo các điều 15, 16, 17, 18 Công ước.

3. Đánh giá về sự cần thiết gia nhập Công ước

3.1. Sự cần thiết gia nhập Công ước

Qua nghiên cứu thực tiễn thực thi Công ước cho thấy, việc gia nhập Công ước sẽ góp phần trực tiếp giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động ủy thác tư pháp thu thập chứng cứ của Việt Nam, cụ thể như sau:

- Việc gia nhập Công ước góp phần hoàn thiện, đồng bộ hóa thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam. Yêu cầu thu thập chứng cứ cũng như tống đạt giấy tờ được thực hiện theo chuẩn mực chung của thế giới.

- Rút ngắn thời gian thu thập chứng cứ của Việt Nam tại các quốc gia thành viên và ngược lại. Theo Sổ tay hướng dẫn thực thi Công ước, thời gian trung bình để thực hiện thu thập chứng cứ theo Công ước là khoảng 06 tháng, một số yêu cầu được thực hiện trong thời gian dưới 03 tháng[3]. Trong khi đó, trung bình một hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam hiện nay có kết quả là khoảng từ 09 tháng. Do đó, việc gia nhập Công ước phần nào giải quyết được tình trạng chậm trễ trong quá trình thực hiện thu thập chứng cứ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và người dân.

- Khi gia nhập Công ước, chi phí trả cho yêu cầu thu thập chứng cứ sẽ giảm thiểu do Công ước quy định việc thực hiện thu thập chứng cứ là miễn phí và chỉ phải trả một số chi phí nhất định. Ở một số quốc gia như Pháp, Hy Lạp, Đan Mạch, Na Uy, Nam Phi, Hồng Kông… đều không thực hiện thu phí đối với thu thập chứng cứ của các nước thành viên của Công ước.

- Công ước đặt ra yêu cầu là các quốc gia thành viên phải có trách nhiệm chỉ định chính thức cơ quan trung ương. Nếu gia nhập Công ước này, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi, cơ chế rõ ràng để trao đổi thông tin với các cơ quan trung ương các nước khác để kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thu thập chứng cứ, tránh được tình trạng không xác định được nguyên nhân của việc chậm trễ trong việc thực hiện ủy thác tư pháp.

Từ thực tiễn công tác ủy thác tư pháp về thu thập chứng cứ còn nhiều hạn chế nêu trên, trước nhu cầu hợp tác quốc tế ngày càng lớn của Việt Nam, có thể thấy rằng, việc Việt Nam gia nhập Công ước này là rất cần thiết.

3.2. Đánh giá về tác động của việc gia nhập Công ước

- Về chính trị, quốc phòng, an ninh: Về chính trị, việc tham gia Công ước không chỉ nhằm thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta mà còn khẳng định rằng, Việt Nam sẵn sàng tham gia cơ chế hợp tác đa phương về pháp luật, đồng thời khẳng định vai trò tích cực của Việt Nam trong việc nghiên cứu, gia nhập và sử dụng các công cụ pháp lý của Hội nghị La Hay. Về quốc phòng, an ninh, Công ước chỉ điều chỉnh hoạt động thu thập chứng cứ trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, liên quan đến lợi ích và quan hệ cá nhân nên không đặt ra vấn đề về quốc phòng và an ninh.

- Về kinh tế - xã hội: Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cải cách tư pháp và cải cách pháp luật, việc gia nhập Công ước sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp quốc tế phù hợp với chuẩn mực quốc tế về tương trợ tư pháp. Hài hòa hóa thể chế pháp luật quốc gia với chuẩn mực quốc tế chính là một trong những yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại và dân sự của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, qua đó, thúc đẩy hội nhập quốc tế của đất nước.

3.3. Đánh giá những thuận lợi và khó khăn

a. Thuận lợi

- Việc gia nhập Công ước phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Các nghị quyết và các văn kiện quan trọng của Đảng đều khẳng định Việt Nam cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội nói chung và tăng cường hợp tác tương trợ tư pháp nói riêng.

- Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay vào ngày 10/4/2013. Trong tiến trình gia nhập Hội nghị La Hay, Việt Nam đã thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với Ban Thường trực Hội nghị. Do vậy, việc Việt Nam gia nhập Công ước cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ của Ban Thường trực Hội nghị cũng như ủng hộ của các nước thành viên của Hội nghị.

- Việc gia nhập Công ước cũng đã được Việt Nam chuẩn bị theo lộ trình. Đồng thời, chúng ta cũng đã chủ động, tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm gia nhập và thực thi Công ước thông qua việc mời các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam để trình bày, chia sẻ kinh nghiệm.

- Về mặt thể chế pháp luật trong nước, như phân tích ở trên, mặc dù Việt Nam chưa có quy định về thu thập chứng cứ thông qua viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự hoặc người được ủy quyền. Tuy nhiên, Công ước cũng cho phép quốc gia thành viên khi gia nhập có thể tuyên bố bảo lưu kênh thu thập chứng cứ này. Đối với các quy định khác, quy định pháp luật Việt Nam và các hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam về cơ bản phù hợp với quy định của Công ước, không có nhiều điểm khác biệt lớn giữa pháp luật Việt Nam với quy định của Công ước. Đồng thời, Công ước không yêu cầu phải sửa đổi pháp luật trong nước của quốc gia thành viên cũng như ảnh hưởng tới việc áp dụng những điều ước song phương và khu vực đã ký kết hoặc gia nhập, điều ước sắp ký kết hoặc gia nhập của các nước thành viên về cùng lĩnh vực. Do đó, việc gia nhập Công ước không có nhiều tác động lớn đối với hệ thống văn bản pháp luật trong nước.

- Trong những năm gần đây, công tác tổ chức thực hiện ủy thác tư pháp, đặc biệt là việc tuân thủ quy trình, thủ tục lập hồ sơ ủy thác tư pháp ở các cơ quan trung ương cũng như địa phương đã có những chuyển biến tích cực, tuân thủ đúng các quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp. Điểm đáng chú ý là, trong một năm gần đây, tỷ lệ hồ sơ ủy thác tư pháp bị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trả lại do không hợp lệ đã giảm đáng kể. Đây là một điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện Công ước.

b. Khó khăn

- Về tổ chức thực hiện: Do hầu hết các nước mà Việt Nam có nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp là quốc gia thành viên của Công ước nên khi Việt Nam gia nhập Công ước, số lượng yêu cầu thu thập chứng cứ của nước ngoài dự báo sẽ gia tăng, trong khi đó, tổ chức bộ máy, nhân lực thực hiện các ủy thác tư pháp của Việt Nam chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đang là thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, cơ sở vật chất và điều kiện để cán bộ thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài còn hạn chế do chưa có điều kiện số hóa, tin học hóa việc thực hiện hồ sơ ủy thác tư pháp.

- Về chất lượng, trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác ủy thác tư pháp: Theo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, đội ngũ cán bộ làm công tác ủy thác tư pháp ở trung ương phải có trình độ chuyên môn cũng như nghiệp vụ và các kỹ năng khác phục vụ cho công việc như: Tin học, ngoại ngữ, nghiên cứu hồ sơ, tổng hợp phù hợp với yêu cầu của công việc. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng của đội ngũ cán bộ này cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

- Về các quy định của pháp luật: Giữa quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Công ước chưa có sự hài hòa về một số nội dung, vì vậy, cần nghiên cứu khả năng bổ sung quy định của pháp luật Việt Nam cho phù hợp với công ước liên quan tới việc có mặt của đương sự và người đại diện; thu thập chứng cứ thông qua viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự, người được ủy quyền.

Qua những thông tin, nghiên cứu và đánh giá ở trên, có thể thấy, mặc dù nếu gia nhập Công ước thì về thể chế và thực tiễn thực hiện ủy thác tư pháp tại Việt Nam còn tồn tại một số khó khăn nhất định nhưng đây chỉ là những khó khăn tạm thời và hoàn toàn có thể khắc phục được. Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tích cực tuyên truyền, phổ biến về nội dung Công ước, đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, kinh phí và chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện cần thiết khác trước khi đề xuất gia nhập Công ước.

ThS. Chu Tam Tuấn

Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp

Tài liệu tham khảo:

[1]. Xem: https://www.hcch.net/en/instruments/conventions/status-table/?cid=82, cập nhật ngày 23/7/2017.

[2]. Xem thêm: Sổ tay hướng dẫn thực thi Công ước thu thập chứng cứ, Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế, năm 2016, tr. 41.

[3]. Sổ tay hướng dẫn thực thi Công ước thu thập chứng cứ, Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế, năm 2016, tr. 93.

Bài liên quan

Tin bài có thể bạn quan tâm

Công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung; thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp

Công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung; thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp

Ngày 23/6/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1858/QĐ-BTP về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung; thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.
Công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thừa phát lại thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp

Công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thừa phát lại thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp

Ngày 23/6/2025, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1836/QĐ-BTP về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thừa phát lại thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.
Công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực công chứng thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp

Công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực công chứng thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp

Ngày 23/6/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1859/QĐ-BTP về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực công chứng thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp

Công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp

Ngày 23/6/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1857/QĐ-BTP về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

Giải trừ trách nhiệm của công chức thuế, tạo thuận lợi giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp

Luật số 56/2024/QH15 bổ sung quy định về trách nhiệm của công chức thuế theo hướng giải trừ trách nhiệm cho công chức thuế khi có gian lận trong kê khai, cung cấp thông tin tạo thuận lợi giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp chân chính.

Cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tại thành phố Hải Phòng

Hải Phòng là địa phương luôn nỗ lực, tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, với mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong đó phải kể đến lĩnh vực cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Điều này được thể hiện rõ nét qua sự quyết tâm, chủ động, sáng tạo trong triển khai, thực hiện các văn bản, quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Pháp luật quốc tế về bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân trong bối cảnh chuyển đổi số và những khuyến nghị cho Việt Nam

Bài viết bàn về những vấn đề cơ bản của quyền riêng tư và sự cần thiết phải bảo vệ quyền riêng tư; phân tích các vấn đề pháp lý về bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân theo pháp luật quốc tế, từ đó đúc kết và đưa ra những khuyến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này tại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.

Bảo đảm quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số trong bối cảnh chuyển đổi số

Bài viết nghiên cứu về những vấn đề đặt ra đối với việc bảo đảm quyền văn hóa của người dân tộc thiếu số ở nước ta hiện nay trong bối cảnh chuyển đổi số.

Xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Bài viết đề cập đến vấn đề xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp trong sạch, vững mạnh, liêm chính, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nâng cao hiệu quả công tác xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân ở các cơ sở giam giữ

Nâng cao hiệu quả công tác xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân ở các cơ sở giam giữ

Thi đua chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ là một trong những yêu cầu phạm nhân phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Kết quả của việc thi đua chấp hành án phạt tù là cơ sở để thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Công tác xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân thuộc về cơ sở giam giữ phạm nhân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành cho thấy một số khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đẩy mạnh hoạt động xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đẩy mạnh hoạt động xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

Nhận thức rõ tầm quan trọng của dữ liệu lý lịch tư pháp trong tiến trình xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, công dân số, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp thông qua việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua môi trường điện tử theo tinh thần của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06/CP của Chính phủ), được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 64/KH-STP ngày 18/7/2024 về cao điểm nhập dữ liệu thông tin lý lịch tư pháp vào Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp dùng chung của Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum.

Công tác tư pháp 06 tháng cuối năm 2024: Tập trung hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Tư pháp

Trong 06 tháng đầu năm 2024, Bộ, Ngành Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đoàn kết, trách nhiệm, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời các nhiệm vụ được giao đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Theo đó, để hoàn thành tốt kế hoạch công tác năm 2024, Bộ, Ngành Tư pháp đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của 06 tháng cuối năm, trong đó xác định tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Ngành Tư pháp... góp phần vào công cuộc phát triển đất nước trong tình hình mới.
Một số ý kiến góp ý đối với Đề cương chi tiết Luật Luật sư thay thế Luật Luật sư năm 2006

Một số ý kiến góp ý đối với Đề cương chi tiết Luật Luật sư thay thế Luật Luật sư năm 2006

Một trong các nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW) đã xác định: “Hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật...”.
Hoạt động đấu giá tài sản tiếp tục được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa một cách mạnh mẽ

Hoạt động đấu giá tài sản tiếp tục được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa một cách mạnh mẽ

Ngày 27/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Nỗ lực số hóa dữ liệu hộ tịch - Phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, “về đích” sớm*

Nỗ lực số hóa dữ liệu hộ tịch - Phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, “về đích” sớm*

Số hóa dữ liệu hộ tịch được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Tư pháp năm 2024. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, các cơ quan đăng ký hộ tịch trên cả nước đang lưu trữ trên 08 triệu sổ đăng ký hộ tịch các loại, tương ứng với hơn 100 triệu dữ liệu hộ tịch, việc hoàn thành số hóa các dữ liệu hộ tịch vừa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - xác định năm 2024 là năm số hóa dữ liệu, vừa bảo đảm cung cấp thông tin đầu vào, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu dân cư, thúc đẩy việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06).

Theo dõi chúng tôi trên:

trung-nguyen
hanh-phuc
cong-ty-than-uong-bi
vien-khoa-hoac-cong-nghe-xay-dung
bao-chi-cm