Thứ bảy 21/06/2025 05:05
Email: danchuphapluat@moj.gov.vn
Hotline: 024.627.397.37 - 024.62.739.735

Đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có trình độ trung cấp tại trường Trung cấp Luật Đồng Hới hiện nay

Xuất phát từ yêu cầu “đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cán bộ làm công tác pháp luật…, đổi mới công tác đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu sử dụng, luân chuyển các chức danh tư pháp” và “xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp

1. Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ trung cấp luật là nhiệm vụ chính trị quan trọng
Xuất phát từ yêu cầu “đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cán bộ làm công tác pháp luật…, đổi mới công tác đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu sử dụng, luân chuyển các chức danh tư pháp” và “xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp theo hướng nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ” được xác định tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Bộ Tư pháp đã thành lập hệ thống 05 Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ ở 05 khu vực trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới được Bộ Tư pháp thành lập1 tại tỉnh Quảng Bình, với nhiệm vụ đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực pháp luật tại chỗ cho các tỉnh khu vực Bắc miền Trung.

Tại Đề án thành lập Trường, Bộ Tư pháp đã xác định và giao nhiệm vụ cho Trường Trung cấp Luật Đồng Hới là đào tạo, chuẩn hóa trình độ trung cấp luật cho công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, đào tạo trình độ trung cấp luật cho cán bộ, công chức công tác tại các phòng tư pháp, thi hành án dân sự địa phương (cán sự pháp lý), đội ngũ giúp việc cho các chức danh tư pháp (như thư ký Tòa án, cán bộ giúp việc các văn phòng luật sư, văn phòng công chứng…), đội ngũ cán bộ chủ chốt của chính quyền cơ sở (như bí thư, phó bí thư Đảng ủy xã, chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp xã, công an, quân sự, địa chính, văn hóa, văn phòng...), các doanh nghiệp, các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội... Những nhóm đối tượng này, do đặc thù công việc mang tính tác nghiệp cụ thể nên không nhất thiết phải được đào tạo trình độ đại học, mà chỉ cần qua đào tạo trình độ trung cấp luật với việc chú trọng trang bị kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu công việc và một nền tảng tư duy pháp lý cơ bản để có thể đáp ứng được nhiệm vụ được giao.

2. Tích cực triển khai hoạt động tuyển sinh - điều kiện bảo đảm bước đầu cho quá trình đào tạo

Ngay từ khi thành lập, căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Trường đã chủ động và tích cực triển khai hoạt động tuyển sinh và đào tạo. Địa bàn tuyển sinh chủ yếu của Trường gồm 05 tỉnh, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Qua 05 năm, từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, Trường đã và đang tuyển sinh, đào tạo đến khóa thứ 05 chương trình trung cấp luật với tổng số 1.734 học sinh, học viên được tuyển sinh, nhập học. So với chỉ tiêu tuyển sinh được giao, tỷ lệ tuyển sinh trong 05 năm qua chỉ đạt được 70,2%, nhưng so với các trường trung cấp, cao đẳng khác ở trong khu vực và trên phạm vi cả nước thì tỷ lệ tuyển sinh của Trường Trung cấp Luật Đồng Hới đạt được là khá cao. Mặc dù số lượng tuyển sinh chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch nhưng kết quả đạt được hàng năm cho thấy, số lượng học sinh được tuyển sinh ngày càng tăng, năm sau thường cao hơn năm trước.

Đối tượng tuyển sinh của Trường khá phong phú, gồm: Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, tốt nghiệp trung học phổ thông; đội ngũ cán bộ trong các cơ quan chính quyền, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và người lao động ở các tổ chức, doanh nghiệp ngoài xã hội chưa qua đào tạo hoặc đã được đào tạo ngành nghề khác nhưng chưa phù hợp với công việc hiện tại cần chuẩn hóa. Đối với đối tượng người học đã tốt nghiệp trung học phổ thông, chương trình đào tạo trung cấp luật được thực hiện với thời gian 02 năm. Đối với đối tượng người học mới tốt nghiệp trung học cơ sở, chương trình đào tạo được thực hiện với thời gian 03 năm, theo đó, người học phải học song song hai chương trình, gồm chương trình văn hóa trung học phổ thông và chương trình trung cấp luật. Với đối tượng người học mới tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển vào học tại Trường Trung cấp Luật Đồng Hới có rất nhiều lợi ích, chỉ trong thời gian 03 năm, khi hoàn thành khóa học, được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và bằng trung cấp luật, nếu so với phương thức học xong trung học phổ thông mới đi học trung cấp chuyên nghiệp, người học tiết kiệm được khoảng thời gian 02 năm, mặt khác, còn được hưởng chính sách miễn học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Vì vậy, học sinh được tuyển của Trường hiện nay chủ yếu là đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở, trong đó, hơn 80% học sinh là con em của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Pa Hy, H’Mông… đến từ các huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Bình.

Để có được kết quả tuyển sinh trên, đối với một cơ sở đào tạo trong điều kiện mới được thành lập và đào tạo chương trình trung cấp trong giai đoạn hiện nay là không dễ. Đó là kết quả của một quá trình nỗ lực rất lớn của tập thể từ lãnh đạo đến cán bộ, giáo viên và người lao động của Trường. Đối với công tác tuyển sinh, Nhà trường đặc biệt chú trọng và ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để thực hiện một cách quyết liệt. Ngoài việc xây dựng chiến lược, chính sách tuyển sinh đúng đắn, Nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên không quản ngại thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở đến tận từng thôn, bản vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Bắc miền Trung để tư vấn, tuyển sinh và đón các em về học, đồng thời, có những chính sách thu hút, ưu đãi như miễn, giảm học phí, hỗ trợ tài liệu, sách vở, tiền ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh trong quá trình học tại Trường.

3. Lấy người học làm trung tâm để tập trung đào tạo có chất lượng

Trong quá trình tổ chức đào tạo, Nhà trường luôn bám sát Chương trình khung đã được Bộ Tư pháp phê duyệt, đồng thời, thường xuyên có sự cập nhật, bổ sung, điều chỉnh một cách hợp lý khối kiến thức lý thuyết với kỹ năng thực hành nghề nghiệp nhằm đào tạo có chất lượng. Với mục tiêu đào tạo người học sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận ngay các vị trí công việc có tính chất chuyên môn ở trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở, Nhà trường không những quan tâm và áp dụng các biện pháp để đào tạo cho học sinh được trang bị và nắm chắc kiến thức lý thuyết cơ bản về các ngành luật, mà còn đặc biệt quan tâm và có nhiều giải pháp như: Xây dựng giáo án, bài giảng, học liệu, mời các chuyên gia đã và đang công tác trong các cơ quan tư pháp, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tham gia giảng dạy các môn học nghiệp vụ, áp dụng phương pháp song giảng, tăng cường thực hành, thực tế... để đào tạo cho học sinh có kỹ năng nghề nghiệp về từng lĩnh vực chuyên môn của công tác tư pháp và thực thi pháp luật ở cơ sở.

Với mục tiêu và kết quả đào tạo đó, đến nay, Nhà trường đã hoàn thành việc đào tạo và cấp bằng cho 04 khóa với số lượng 372 học sinh, học viên tốt nghiệp. Mặc dù, đến nay mới chỉ có 259 học sinh, học viên sau khi tốt nghiệp (chiếm 69,62%) có việc làm trong các cơ quan, tổ chức, nhưng theo đánh giá của các cơ quan, tổ chức sử dụng lao động thì các học viên này cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Điều này cho thấy kết quả đào tạo của Nhà trường đúng hướng, sát với thực tiễn.

Bên cạnh việc đào tạo học sinh trong nước, Nhà trường đã chủ động tiến hành phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào tiến hành tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cho nước bạn Lào. Trường Trung cấp Luật Đồng Hới là đơn vị đầu tiên trong 05 Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ hợp tác đào tạo quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cho nước bạn Lào theo thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào.

Song song với việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ trung cấp, Nhà trường còn tích cực liên kết, phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín như Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, Đại học Vinh, Đại học Nội vụ Hà Nội... để mở các lớp đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có trình độ cao hơn như văn bằng 2 đại học luật, liên thông từ trung cấp lên đại học luật, nghiệp vụ luật sư, quản lý nhà nước ngạch chuyên viên. Phối hợp với Sở Tư pháp các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị tổ chức các lớp bồi nghiệp vụ tư pháp cho cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã của các huyện thuộc Chương trình 30a của Chính phủ (Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo), phối hợp tổ chức các lớp bồi kiến thức pháp luật, kỹ năng soạn thảo văn bản hành chính... cho cán bộ, nhân viên của các cơ quan, tổ chức ngoài xã hội có nhu cầu.

4. Những thuận lợi và khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có trình độ trung cấp luật tại Trường Trung cấp Luật Đồng Hới hiện nay

Với những kết quả tuyển sinh và đào tạo đạt được trong 05 năm qua của Trường Trung cấp Luật Đồng Hới đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp mới nguồn nhân lực pháp luật vừa có kiến thức về lý luận, vừa có kỹ năng nghiệp vụ và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cho bộ máy chính quyền và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở của các tỉnh khu vực Bắc miền Trung. Kết quả đó cũng đã khẳng định vị thế và sự phát triển của Trường Trung cấp Luật Đồng Hới trên bản đồ các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi như luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của cơ quan chủ quản là Bộ Tư pháp, sự đồng thuận, giúp đỡ và phối hợp của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan có liên quan của các tỉnh Bắc miền Trung; các chính sách ưu đãi, thu hút của Nhà nước đối với người học, thì quá trình đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có trình độ trung cấp luật tại Trường Trung cấp Luật Đồng Hới hiện nay đã và đang gặp không ít những khó khăn, thách thức.

Ngoài những khó khăn mang tính chủ quan như Trường đang trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện chương trình đào tạo, thì có những khó khăn mang tính khách quan, lâu dài, khó khắc phục, thậm chí không thể khắc phục, cụ thể:

- Tâm lý “sính” bằng cấp đại học ăn sâu vào nhận thức của người dân nên phần lớn học sinh các trường phổ thông đều mong muốn vào học ở các trường cao đẳng, đại học. Tâm lý của các gia đình không muốn cho con em đi học trung cấp, xem việc học trung cấp là lựa chọn cuối cùng.

- Các tỉnh Bắc miền Trung có rất nhiều trường đại học, cao đẳng. Trong đó, có không ít trường chuyên ngành luật hoặc có khoa luật. Mặt khác, các trường này và các trường đại học ở khu vực khác thường xuyên tổ chức tuyển sinh đào tạo theo hình thức liên thông, từ xa, tại chức, văn bằng 2 luật và mở ngay tại các đơn vị hành chính cấp huyện làm cho nguồn tuyển sinh trung cấp luật của Trường bị hạn chế.

- Địa bàn các tỉnh Bắc miền Trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có bề ngang hẹp và trải dài, dân số ít, học sinh của các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa thường chọn các trường ở Hà Nội hay Nghệ An, học sinh ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thường chọn các trường ở Thừa Thiên Huế để học vì vừa gần về khoảng cách địa lý, lại vừa gần gũi hơn về truyền thống văn hóa.

- Cán bộ tư pháp và cán bộ trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị cơ sở ở các tỉnh Bắc miền Trung cơ bản đều đã được chuẩn hóa có trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó, đa số đã có bằng tốt nghiệp đại học. Mặt khác, một số vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức chỉ cần tốt nghiệp trung cấp luật là đã đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động khi có biên chế chỉ tuyển dụng người tốt nghiệp đại học, đó là điều bất lợi đối với người tốt nghiệp trung cấp luật khi tìm kiếm việc làm. Điều này thể hiện rất rõ ở tỷ lệ có việc làm đối với học sinh của Trường sau khi tốt nghiệp, ngoài các đối tượng là cán bộ đi học chuẩn hóa tiếp tục làm việc sau khi tốt nghiệp, thì các đối tượng là học sinh đi học chỉ có 31 học sinh (chiếm 8,3%) có việc làm sau khi tốt nghiệp.

- Số học sinh đăng ký và trúng tuyển vào học trung cấp luật tại Trường chủ yếu là con em của đồng bào dân tộc thiểu số, đến từ miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, có trình độ văn hóa thấp hơn so với học sinh ở các khu vực khác. Vì thế, với chất lượng đầu vào thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo đầu ra của Nhà trường. Mặt khác, do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, mặc dù đã được hưởng chính sách miễm giảm học phí, chế độ nội trú nhưng không ít học sinh vẫn không đủ kinh phí cho các khoản chi phí sinh hoạt khác nên phải bỏ học giữa chừng.

5. Định hướng đào tạo nguồn nhân lực pháp luật trong thời gian tới

Trước thực trạng tâm lý “sính” bằng cấp, coi trọng đại học, đồng thời là cơ sở đào tạo trung cấp lại “sinh sau, đẻ muộn” trong bối cảnh “trăm hoa đua nở” của các trường đại học, cao đẳng hiện nay, để cạnh tranh, thu hút người học, yêu cầu đặt ra đối với Trường Trung cấp Luật Đồng Hới trong thời gian tới là phải tự khẳng định mình bằng cách chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển, nâng cấp để đào tạo ở trình độ cao hơn, với những chiến lược cơ bản sau:

- Nắm bắt nhu cầu xã hội, bám sát những quy định mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, giáo dục chuyên nghiệp… để xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng chuyên môn hóa các chức danh, vị trí việc làm đòi hỏi có kỹ năng chuyên sâu nghề pháp luật như công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, thư ký giúp việc cho các chức danh luật sư, công chứng viên, thừa phát lại... Đào tạo người học sau khi tốt nghiệp vừa có kiến thức lý thuyết cơ bản về pháp luật, vừa có kỹ năng chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp để đảm nhận ngay công việc mà không cần phải mất thời gian tập sự, học việc.

- Mở thêm các mã ngành mới có tính chất gần với ngành luật như: Hành chính - văn phòng, văn thư - lưu trữ, thư ký văn phòng...

- Bảo đảm các điều kiện tốt nhất và hỗ trợ tối đa cho người học thông qua chính sách miễn, giảm học phí, chế độ nội trú, học bổng, bảo đảm chỗ ở, hỗ trợ áo, quần, sách, tài liệu học tập và các điều kiện sinh hoạt khác.

- Phát triển, nâng cấp lên trường cao đẳng để đào tạo đa cấp gồm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng đáp ứng khả năng và nhu cầu người học.

- Đẩy mạnh liên kết đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học, tạo cơ hội học lên cho người học; liên kết đào tạo văn bằng 1, văn bằng 2 đại học luật và đào tạo các chức danh tư pháp.

ThS. Võ Khắc Hoan

Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Đồng Hới

Tài liệu tham khảo:

[1]. Quyết định số 889/QĐ-BTP ngày 25/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Trường Trung cấp Luật Đồng Hới.

Bài liên quan

Tin bài có thể bạn quan tâm

Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị hiện nay

Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị hiện nay

Quảng Trị là một tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ, là địa phương chịu hậu quả nặng nề của hai cuộc chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt, là địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều, Tà Ôi. Quảng Trị có hơn 183.000 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 30% dân số), có trên 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó, có khoảng 34.000 trẻ em sống ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số .

Một số kết quả nổi bật trong công tác hòa giải ở cơ sở 06 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội

Trong 06 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố Hà Nội đã hòa giải thành công 1.334/1.544 vụ việc, đạt tỷ lệ 86,4%, đáp ứng nhu cầu công tác hòa giải ở cơ sở, nhờ đó góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn dân cư.

Nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” từ thực tiễn Hà Nội

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), ngày 17/02/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND tổ chức triển khai thực hiện trên toàn Thành phố

Hiệu quả hoạt động và phối hợp trong công tác trợ giúp pháp lý tại tỉnh Tây Ninh

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được thông qua với nhiều nội dung mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác trợ giúp pháp lý. Xác định được tầm quan trọng đó, ngay từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực

Thực trạng nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý tại tỉnh Đồng Tháp

Triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, trong những năm qua, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý,...

Kết quả 05 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 ra đời, khắc phục triệt để những vấn đề tồn tại trong công tác trợ giúp pháp lý, tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế công tác trợ giúp pháp lý.

Vị trí, vai trò của trợ giúp viên pháp lý trên địa bàn Thành phố Hà Nội - Thực trạng và giải pháp

Là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước, dân số của Thành phố Hà Nội cao thứ hai trong cả nước (khoảng 8,3 triệu người) với nhiều thành phần dân cư, lao động từ các địa phương khác tập trung về.

Một số kết quả nổi bật công tác tư pháp 06 tháng đầu năm trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Năm 2022, Thành phố Hà Nội xây dựng chủ đề công tác: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Triển khai thực hiện chủ đề công tác trên, trong 06 tháng đầu năm Ngành Tư pháp Thủ đô đã triển khai thống nhất, đồng bộ trên các lĩnh vực công tác và cơ bản hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra, cụ thể như sau:

Bấp cập trong việc thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 16/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Việc thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có ý nghĩa quan trọng, giúp cho các bên đương sự tự thỏa thuận, giải quyết toàn bộ vụ việc trên nguyên tắc tự nguyện, chia sẻ, đồng cảm với nhau; hàn gắn tình cảm, giữ mối quan hệ tình cảm giữa các đương sự, tình làng, nghĩa xóm và góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nghệ An: Điểm sáng trong công tác thi hành án hành chính

Thi hành án nói chung là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành trên thực tế; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Xét một cách tổng thể, trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong những năm gần đây, công tác thi hành án nói chung và thi hành án dân sự, hành chính nói riêng đã đạt được nhiều kết quả, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, từng bước tạo được niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các cơ quan nhà nước. Trong những thành quả chung đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác thi hành án chính.

Thực tiễn thi hành pháp luật về đấu giá tài sản tại Nam Định

Từ trước và sau khi Luật Đấu giá tài sản năm 2016 được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã chỉ đạo triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về đấu giá tài sản và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Nam Định và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại tạo sự hài lòng của tổ chức, công dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính

Trong thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Sở Tư pháp, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (Bộ phận Một cửa) thuộc Văn phòng Sở đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị và địa phương, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ các dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Cần bổ sung đối tượng được xét miễn nghĩa vụ thi hành án phần án phí

Quy định về xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự cho người phải thi hành án đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án, đã góp phần giải quyết tình trạng án tồn đọng, đồng thời, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người phải thi hành án.

Một số dạng vi phạm điển hình trong thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án dân sự tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014, đặc biệt là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự được ban hành, tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự (THADS), tạo cơ sở pháp lý cho sự chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác THADS, theo đó, bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Để bảo đảm cho các bản án, quyết định được thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật, hạn chế vi phạm và tội phạm xảy ra trong lĩnh vực THADS, Ngành Kiểm sát được Quốc hội giao chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực THADS.

Thi hành án dân sự tại tỉnh Tiền Giang - Thực trạng và giải pháp

Bài viết dựa trên các quy định pháp luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự; đồng thời tìm hiểu thực tiễn áp dụng pháp luật về thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Từ đó, bài viết đề cập đến những kết quả, hạn chế, và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động THADS trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo dõi chúng tôi trên:

mega story

trung-nguyen
hanh-phuc
cong-ty-than-uong-bi
vien-khoa-hoac-cong-nghe-xay-dung
bao-chi-cm