1. Tổng quan về những sửa đổi của Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022
Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư (International Centre for Settlement of Investment Disputes - ICSID) được thành lập năm 1966 theo Công ước ICSID với 165 quốc gia thành viên[1]. ICSID là tổ chức hàng đầu thế giới về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư (Investor - State Dispute Settlement - ISDS) khi quản lý hơn 70% các thủ tục tố tụng trọng tài theo cơ chế ISDS[2]. Đến cuối tháng 6/2023, có 933 vụ tranh chấp được đệ trình lên Trung tâm ICSID[3].
Quá trình sửa đổi các Quy tắc trọng tài ICSID được chính thức triển khai vào năm 2016. Về tổng quan nội dung sửa đổi, ngoài việc có nhiều quy tắc trọng tài hơn (86 quy tắc thay vì 56 quy tắc), Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 cũng có cấu trúc khác với Quy tắc trọng tài năm 2006 (thay vì 08 chương, Quy tắc trọng tài mới được xây dựng thành 13 chương với các tiêu đề khác nhau). Một số thay đổi chính sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư cũng như các quốc gia, tập trung vào bốn lĩnh vực chính: (i) Thủ tục hiệu quả; (ii) Giảm chi phí; (iii) Tài trợ của bên thứ ba; (iv) Các quy tắc thúc đẩy tính minh bạch cao hơn.
1.1. Trình tự, thủ tục tố tụng của Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022
Thứ nhất, thủ tục tố tụng đặc biệt:
Theo Quy tắc 41 Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022, các bên có thể phản đối trên cơ sở rằng, yêu cầu bồi thường rõ ràng là không có giá trị pháp lý trong vòng 45 ngày kể từ ngày thành lập Hội đồng trọng tài (HĐTT) và HĐTT phải đưa ra quyết định với sự tôn trọng phản đối đó trong vòng 60 ngày sau khi thành lập HĐTT hoặc từ ngày nộp bản đệ trình cuối cùng về sự phản đối. Sự phản đối có thể không chỉ liên quan đến nội dung của khiếu nại mà còn liên quan đến quyền tài phán của ICSID hoặc thẩm quyền của trọng tài. Việc đưa ra các thủ tục phản đối trong trọng tài quốc tế là một sự phát triển tương đối gần đây trong các quy tắc, thể chế khác nhau[4], đóng vai trò như một công cụ đặc biệt hữu ích khi một yêu cầu bồi thường hoặc bào chữa rõ ràng là thiếu cơ sở pháp lý.
Thứ hai, thủ tục tố tụng phân nhánh:
Lần đầu tiên, Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 bổ sung các điều khoản cụ thể điều chỉnh thủ tục phân nhánh[5]. Theo đó, thủ tục tố tụng có thể được chia thành hai hoặc nhiều giai đoạn để giải quyết các khía cạnh riêng biệt của tranh chấp. Các quy tắc này chỉ định rằng, HĐTT phải đưa ra quyết định về yêu cầu phân nhánh trong vòng 30 ngày kể từ ngày nộp đơn cuối cùng về yêu cầu. HĐTT sẽ phải xem xét các yếu tố: (i) Liệu việc phân nhánh có làm giảm đáng kể thời gian và chi phí của thủ tục tố tụng hay không; (ii) Liệu việc xác định các câu hỏi được phân nhánh có giải quyết được tất cả hay một phần đáng kể tranh chấp hay không; (iii) Liệu các câu hỏi được giải quyết trong các giai đoạn riêng biệt của thủ tục tố tụng khi kết hợp lại với nhau có khiến cho việc phân nhánh trở nên không thực tế hay không[6].
Thứ ba, các biện pháp tạm thời:
Quy tắc 47(1) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 là phiên bản mở rộng của Quy tắc 39 cũ, theo đó, các biện pháp tạm thời là một công cụ quan trọng để: (i) Ngăn chặn hành động có khả năng gây tổn hại hiện tại hoặc sắp xảy ra cho một bên hoặc làm phương hại đến quy trình trọng tài; (ii) Giữ nguyên hoặc khôi phục hiện trạng trong khi chờ quyết định giải quyết tranh chấp; (iii) Lưu giữ bằng chứng có thể liên quan đến việc giải quyết tranh chấp. Quy tắc 47(1) cũng nêu rõ các trường hợp mà HĐTT cần lưu ý khi xem xét đơn xin áp dụng các biện pháp tạm thời.
Thứ tư, bảo đảm chi phí:
Quy tắc 53 Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 trao quyền cho HĐTT có thể ra lệnh bảo đảm chi phí - quyền này không được quy định rõ ràng trong Quy tắc trọng tài ICSID năm 2006. HĐTT có quyền ra lệnh bảo đảm chi phí trong trường hợp bất kỳ bên nào đưa ra yêu cầu bồi thường hoặc yêu cầu phản tố[7] và quy định thủ tục phải tuân theo khi đăng ký bảo đảm chi phí[8]. Khi một bên không tuân thủ lệnh bảo đảm chi phí, các biện pháp trừng phạt dự tính có thể áp dụng là HĐTT đình chỉ thủ tục tố tụng, nếu thủ tục tố tụng đã bị đình chỉ hơn 90 ngày, HĐTT sẽ ngừng thủ tục tố tụng[9].
1.2. Tính minh bạch trong Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022
Một là, công bố phán quyết trọng tài và các tài liệu khác.
Công ước ICSID yêu cầu các bên trong tranh chấp phải đồng ý công bố phán quyết[10]. Các bên “được coi là” đã đồng ý công bố phán quyết nếu không có bên nào phản đối bằng văn bản trong vòng 60 ngày kể từ ngày công bố[11]. Với sự đồng ý của các bên, trung tâm ICSID sẽ công bố mọi phán quyết, quyết định bổ sung về phán quyết, cải chính, giải thích, sửa đổi phán quyết và quyết định hủy bỏ[12]. Ngay cả khi các bên không đồng ý, ICSID có thể công bố các trích đoạn pháp lý ẩn danh của phán quyết và quyết định hủy bỏ, mặc dù các bên vẫn có khả năng đồng ý về việc biên tập trước khi công bố[13]. Rõ ràng, những sửa đổi này, một mặt, giúp cho quy trình tố tụng được minh bạch hơn, tăng tính nhất quán và khả năng dự đoán trong quá trình ra quyết định của HĐTT, mặt khác, đặt ra các vấn đề bảo mật[14] trong trường hợp cần thiết[15].
Hai là, quyền truy cập và tham gia của bên thứ ba vào các phiên điều trần.
Quy tắc 65 được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa và làm rõ yêu cầu HĐTT cho phép các bên thứ ba[16] quan sát các phiên điều trần, miễn là một trong hai bên không phản đối. Sự tham gia của Tổng thư ký theo Quy tắc 32(2) cũ đã bị loại bỏ và các HĐTT “sẽ ” thay vì “có thể” cho phép các bên thứ ba quan sát các phiên điều trần. Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 đã yêu cầu HĐTT xem xét các yếu tố khác nhau khi quyết định có cho phép đệ trình từ một bên không tranh chấp nhất định hay không, bao gồm liệu các bên không tranh chấp có “lợi ích đáng kể ” trong quá trình tố tụng hay không, cũng như liệu họ có giải quyết vấn đề trong phạm vi tranh chấp và “mang lại quan điểm, kiến thức hoặc hiểu biết cụ thể” khác với quan điểm của các bên hay không[17]. HĐTT có thể áp đặt các điều kiện đối với sự tham gia của bên thứ ba, chẳng hạn như hạn chế về độ dài hoặc phạm vi của văn bản đệ trình[18].
Ba là, tiết lộ tài trợ của bên thứ ba.
Quy tắc trọng tài ICSID năm 2006 vẫn được áp dụng cho các trường hợp được nộp trước ngày 01/7/2022, việc tiết lộ nguồn tài trợ của bên thứ ba (third-party funding - TPF) là không bắt buộc[19]. Các nội dung sửa đổi trong Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 về TPF được xây dựng trên cơ sở tham khảo các tiền lệ của các quy tắc trọng tài khác trên thế giới[20]. Theo Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022, đối với bất kỳ đơn kiện trọng tài nào của ICSID được đệ trình sau ngày 01/7/2022 và liên quan đến TPF, bên được tài trợ phải ngay lập tức và liên tục: (i) Tiết lộ tên của nhà tài trợ theo thỏa thuận tài trợ; (ii) Danh tính của các chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng của bên ký kết đó[21]. Ngoài ra, các quy tắc trọng tài mới trao quyền cho HĐTT ra lệnh tiết lộ bất kỳ thông tin bổ sung nào liên quan đến thỏa thuận tài trợ giữa một bên và TPF nếu điều đó được coi là cần thiết[22].
1.3. Những quy tắc nâng cao hiệu quả về thời gian, chi phí và thúc đẩy trọng tài “xanh”
Thứ nhất, cơ chế tiết kiệm thời gian:
- Trọng tài khẩn cấp:
Quy tắc sửa đổi đã đưa ra một thủ tục mới về phân xử nhanh - trọng tài khẩn cấp (Chương XII) cho phép hoàn thành phân xử trọng tài trong vòng chưa đầy 1,5 năm kể từ khi đăng ký yêu cầu chuyển tranh chấp lên ICSID[23]. Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 xây dựng nội dung về trọng tài khẩn cấp trên cơ sở tùy ý, tức là trao cho các bên quyền quyết định có nên sử dụng thủ tục này mà không cần căn cứ vào giá trị của khiếu nại[24]. Các bên tham gia trọng tài có thể đồng ý với trọng tài khẩn cấp bất kỳ lúc nào bằng cách cùng nhau thông báo cho Tổng thư ký ICSID bằng văn bản về sự đồng ý của họ[25]. Tuy nhiên, thủ tục khẩn cấp này đòi hỏi một số điều kiện, chẳng hạn, các bên phải chỉ định một trọng tài duy nhất hoặc một HĐTT gồm 03 thành viên trong vòng 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo đồng ý[26]. Ngoài ra, việc sử dụng trọng tài khẩn cấp sẽ giảm bớt các quy tắc thông thường theo cách triệt để và có thể dự đoán được[27]. Một tính năng mới khác của thủ tục trọng tài khẩn cấp là phải tuân theo các thời hạn nghiêm ngặt đối với việc nộp đơn bào chữa và dung lượng của đơn bào chữa sẽ được giới hạn ở độ dài 100 và 200 trang[28].
- Khung thời gian rút ngắn:
Theo Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022, phán quyết phải được đưa ra càng sớm càng tốt trong mọi trường hợp và không muộn hơn 60 ngày sau ngày thành lập HĐTT hoặc đệ trình cuối cùng trong trường hợp phản đối rằng yêu cầu bồi thường rõ ràng là thiếu giá trị pháp lý; 180 ngày sau lần gửi đơn cuối cùng trong trường hợp phản đối sơ bộ; 240 ngày sau lần gửi cuối cùng trong tất cả các trường hợp khác[29]. Thời hạn nộp đơn cải chính và bổ sung sau khi phán quyết được ban hành vẫn giữ nguyên như quy định tại các điều từ Điều 49 - Điều 52 của Công ước ICSID, tuy nhiên, các quyết định trong những trường hợp này hiện phải được đưa ra trong vòng 60 ngày đối với trường hợp yêu cầu quyết định bổ sung hoặc sửa đổi[30] và trong vòng 120 ngày đối với trường hợp yêu cầu giải thích, sửa đổi hoặc hủy bỏ của phán quyết[31]. Tuy nhiên, các thời hạn đưa ra chỉ mang tính chất tư vấn và tham khảo, còn hiệu quả của những quy tắc này sẽ phụ thuộc vào quá trình giải quyết tranh chấp trên thực tế.
Thứ hai, phán quyết về chi phí:
Công ước ICSID cho phép các HĐTT có quyền quyết định đáng kể trong việc phân bổ các chi phí “như thế nào và bởi ai”[32] giữa các bên tranh chấp. Trái ngược với thông lệ của một số thành viên về các nguyên tắc rõ ràng để phân bổ chi phí như “người thua trả tiền”[33], Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 yêu cầu rõ ràng các trọng tài viên xem xét các yếu tố cụ thể, bao gồm: Hành vi của các bên, mức độ phức tạp của các vấn đề liên quan và liệu yêu cầu chi phí của các bên có hợp lý hay không[34]. Mặc dù HĐTT luôn được trao quyền để đưa ra quyết định phân bổ chi phí nhưng các HĐTT được khuyến khích đưa ra các lệnh về chi phí ở các giai đoạn quan trọng trong suốt quá trình tố tụng thay vì chỉ đưa ra trong phán quyết cuối cùng[35].
Thứ ba, phiên điều trần từ xa và nộp hồ sơ điện tử:
Trong Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022, yêu cầu nộp hồ sơ và tài liệu điện tử trở thành một thủ tục bắt buộc[36]. Việc nộp tài liệu ở các định dạng khác có thể được HĐTT yêu cầu trong những trường hợp đặc biệt. Các quy tắc mới cũng quy định rõ ràng rằng, phiên điều trần đầu tiên sẽ được tổ chức từ xa nếu HĐTT xét thấy thích hợp[37] và trao quyền cho HĐTT xác định phương pháp tổ chức phiên điều trần quan trọng (quy tắc này sẽ cho phép phiên điều trần từ xa)[38].
2. Cơ hội và thách thức của nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia sở tại
2.1. Cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia sở tại
Nhìn chung, những đổi mới trong Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 có khả năng mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia trọng tài ICSID và phù hợp với thông lệ trọng tài đang phát triển.
Thứ nhất, cơ hội tiếp nhận và sử dụng bộ quy tắc nhất quán: Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 đã được soạn thảo lại bằng ngôn ngữ đơn giản, hiện đại, trung lập. Sự không nhất quán giữa các phiên bản tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha trong Quy tắc trọng tài ICSID năm 2006 đã được giải quyết.
Thứ hai, cơ hội cho các bên được tham gia xét xử theo cơ chế ISDS hiện đại, minh bạch: Bản sửa đổi đã đưa ra một giải pháp hợp lý giúp các bên có cơ hội xác định danh tính nhà tài trợ thứ ba, từ đó tránh các xung đột lợi ích ngoài ý muốn. Việc quy định bắt buộc công khai các phán quyết, lệnh, quyết định giúp cho các quan điểm, phán quyết của trọng tài dễ dàng tiếp cận hơn với công chúng.
Thứ ba, cơ hội giảm chi phí và thời gian tố tụng, thúc đẩy trọng tài “xanh”: Việc tuân thủ nghiêm ngặt các giới hạn về thời gian và sử dụng cơ chế trọng tài khẩn cấp trong quy tắc sửa đổi mới sẽ giúp các bên đạt được nhiều lợi ích về thời gian và chi phí. Thêm vào đó, các thủ tục trọng tài khẩn cấp mở ra nhiều cơ hội cho các bên tham gia tranh chấp, yêu cầu ít nguồn lực và năng lực thể chế hơn, giúp các bên dễ tranh tụng hơn ngay cả khi các bên chưa có kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp trước đây.
Thứ tư, cơ hội giải quyết tranh chấp bởi cơ chế có tính nhất quán cao: Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 được ra đời nhằm hướng đến sự công bằng và hiệu quả hơn trong việc giải quyết tranh chấp, tránh khả năng đưa ra các phán quyết xung đột, khẳng định sự tồn tại của các án lệ, tạo tiền đề cho việc phân xử các vụ tranh chấp tiếp theo. Từ đó, khả năng dự đoán của các bên trong tranh chấp sẽ phần nào được nâng cao.
Thứ năm, cơ hội bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp: Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 trao cho nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia sở tại nhiều quyền hơn trong quá trình tố tụng và tiếp cận công lý như đưa ra các yêu cầu về bảo đảm chi phí, phản đối sơ bộ, truất quyền trọng tài viên, yêu cầu áp dụng các biện pháp tạm thời… Bên cạnh đó, HĐTT có nghĩa vụ xem xét, đánh giá các yêu cầu này của các bên dựa trên các tiêu chí sẵn có.
2.2. Thách thức đối với nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia sở tại
Một là, thách thức cản trở các bên theo đuổi mục tiêu thúc đẩy trọng tài “xanh”: Theo quy định của Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022, các bên có thể sẽ gặp phải khó khăn trong việc đáp ứng các múi giờ khác nhau, khả năng biện hộ hoặc trình bày bằng chứng của các bên có thể thiếu hiệu quả hơn, khả năng trao đổi giữa các nhóm tư vấn và HĐTT không được thuận tiện. Việc tham dự các phiên điều trần trực tuyến trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến các vấn đề về tập trung và sức khỏe. Bên cạnh đó, việc nộp hồ sơ điện tử có thể gặp trục trặc, lỗi đường truyền, khả năng xem xét hồ sơ bị hạn chế.
Hai là, thách thức về việc tiết lộ thỏa thuận tài trợ của TPF: Trong bối cảnh thảo luận của Ủy ban Liên Hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) về cải cách ISDS[39], các chuyên gia cho rằng, hoạt động TPF đã làm nảy sinh các vấn đề đạo đức và có thể có tác động tiêu cực đến thủ tục tố tụng ISDS. Các nhà tài trợ có thể giành quyền kiểm soát hoặc ảnh hưởng quá mức đối với quy trình phân xử, tác động đến tính bảo mật, chi phí và bảo đảm chi phí. Mặt khác, việc tiết lộ nội dung của thỏa thuận tài trợ có thể tác động tiêu cực đến bên được tài trợ và việc yêu cầu tiết lộ toàn bộ thỏa thuận tài trợ dường như là không chính đáng. Một số ý kiến khác cho rằng, nghĩa vụ tiết lộ thỏa thuận TPF có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược tố tụng của bên nhận tài trợ[40].
Ba là, thách thức về thời gian: Các quy tắc trọng tài mới áp đặt các giới hạn thời gian chặt chẽ hơn, điều này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro khi buộc các trọng tài viên hành động nhanh chóng, quyết định của trọng tài viên có thể được ban hành “nóng vội” và chưa có sự xem xét thấu đáo. Mặt khác, khi lựa chọn tham gia thủ tục trọng tài khẩn cấp, các quốc gia bị đơn khó có thể cam kết thực hiện các thủ tục tố tụng nếu không xem xét trước các bản đệ trình của nguyên đơn và có thể không tuân thủ thời hạn phản hồi, thực hiện các thủ tục tố tụng tiếp theo do nhu cầu tìm luật sư và thực hiện các thủ tục nội bộ có liên quan[41].
Bốn là, thách thức khi yêu cầu áp dụng các biện pháp tạm thời: Mặc dù Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 cho phép các bên yêu cầu HĐTT áp dụng các biện pháp tạm thời, tuy nhiên, HĐTT cũng có thể đề xuất các biện pháp tạm thời theo sáng kiến riêng của mình hoặc đề xuất các biện pháp khác với biện pháp được chỉ định trong yêu cầu[42]. Do đó, có quan điểm cho rằng, HĐTT của ICSID có nhiều quyền hạn và quyền tự quyết đối với các biện pháp tạm thời, ngay cả khi không có quy định rõ ràng và cụ thể về bảo đảm chi phí của các bên.
Năm là, thách thức về sự thiện chí: Trong vụ tranh chấp RSM v. St Lucia, một trong các trọng tài viên đã bị truất quyền vì quan điểm riêng của trọng tài này bộc lộ rõ ràng sự thiên vị khi chống lại các nhà tài trợ bên thứ ba[43]. Đối với các bên tranh chấp, trong vụ Cemetownia v. Republic of Turkey, HĐTT phát hiện ra rằng, nguyên đơn đã cố ý và có ý định lạm dụng trọng tài để che giấu hành vi thực hiện thủ tục tố tụng không đúng quy định, do đó kết luận nguyên đơn đã hành động không thiện chí để giải quyết tranh chấp[44]. Hiện nay, Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 đặt ra yêu cầu rất cao về sự thiện chí của các bên khi tiến hành tố tụng. Điều này có nghĩa rằng, tất cả các bên bao gồm nhà đầu tư nước ngoài, quốc gia sở tại và cả trọng tài viên đều bắt buộc tuân thủ nghĩa vụ này.
Sáu là, thách thức về tính minh bạch: Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022 bảo đảm tính minh bạch cao hơn, đồng nghĩa với việc các bên cần nhìn nhận lại chiến lược tố tụng của mình. Trước những yêu cầu tiết lộ thông tin và công bố các lệnh, quyết định và phán quyết, các bên cần hết sức cẩn trọng trước những thông tin bí mật kinh doanh, chính sách công, các vấn đề nhạy cảm, hành vi liên quan đến chính trị hoặc có yếu tố gây tranh cãi cao. Mặt khác, các bên cần chú ý đến các yêu cầu, biện hộ và bằng chứng đưa ra, bởi các quy tắc trọng tài sửa đổi mới cho phép các bên thứ ba không tranh chấp được phép tham gia điều trần và gửi bản đệ trình.
Bảy là, thách thức về bảo đảm chi phí: Để đảm bảo rằng những yêu cầu về bảo đảm chi phí chắc chắn được thực thi, bên nộp đơn cần xem xét các yếu tố: Chứng minh với mức độ chắc chắn hợp lý về yêu cầu bồi thường chi phí[45]; tính khẩn cấp của biện pháp được áp dụng; đánh giá tình hình tài chính của bên còn lại[46]; xem xét nguồn tài trợ của bên thứ ba với bên còn lại[47].
Ngô Quỳnh Liên
Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp
[1]. Tính đến tháng 10/2023, 165 quốc gia đã ký Công ước ICSID và 158 quốc gia đã phê chuẩn Công ước. Xem ICSID (2023), Database of ICSID Member States, https://icsid.worldbank.org/about/member-states/database-of-member-states, truy cập ngày 02/10/2023.
[2]. Ucheora Onwuamaegbu, Lee M. Caplan , Timothy J. Feighery (2022), Highlights of the 2022 ICSID Rules Amendments, https://www.afslaw.com/perspectives/international-arbitration-dispute-resolution-blog/highlights-the-2022-icsid-rules, truy cập ngày 02/10/2023.
[3]. ICSID (2023), The ICSID Caseload – Statistics (Issue 2023-1), tr. 7.
[4]. Ví dụ, Quy tắc 29 Quy tắc Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore và Quy tắc 43 Quy tắc Trung tâm Trọng tài quốc tế Hồng Kông.
[5]. Quy tắc 42 Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[6]. Quy tắc 42(4) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[7]. Quy tắc 53(1) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[8]. Quy tắc 53(2) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[9]. Quy tắc 53(6) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[10]. Điều 48(5) Công ước ICSID.
[11]. Quy tắc 62(3) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[12]. Quy tắc 62(1) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[13]. Quy tắc 62(4) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[14]. Quy tắc 66 Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[15]. Trong trường hợp các bên tranh chấp muốn bảo vệ bí mật thương mại, các cuộc thảo luận nội bộ của Chính phủ hoặc các thông tin nhạy cảm khác; khi không có sự đồng ý của các bên trong tranh chấp, các tài liệu tránh được việc bị tiết lộ công khai.
[16]. Quy tắc 65(1) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022: Các bên thứ ba được định nghĩa là người ngoài các bên, đại diện của họ, nhân chứng và chuyên gia trong quá trình lấy lời khai của họ, và những người hỗ trợ HĐTT.
[17]. Quy tắc 67(2) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[18]. Quy tắc 67(4) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[19]. Trong vụ Sehil v. Turkmenistan (ICSID Case No. ARB/12/6), HĐTT đã bác bỏ yêu cầu của bị đơn rằng, những người yêu cầu bồi thường phải tiết lộ cách họ tài trợ cho việc phân xử bằng trọng tài, nhưng vì trường hợp này được quyết định theo các quy tắc của ICSID năm 2006, HĐTT không có quy định cụ thể về cách giải quyết vấn đề này. Cuối cùng, HĐTT đã từ chối yêu cầu, cho rằng không có bằng chứng về xung đột lợi ích do tài trợ của bên thứ ba và không có gợi ý nào được đưa ra liên quan đến việc tiết lộ hoặc lạm dụng thông tin bí mật.
[20]. Quy tắc 24(1) Quy tắc trọng tài SIAC năm 2017; Quy tắc 27 Quy tắc trọng tài CIETAC năm 2017; Quy tắc 44 Quy tắc trọng tài HKIAC năm 2018; Quy tắc 39 Quy tắc trọng tài BCA năm 2019; Quy tắc 43 Quy tắc trọng tài CAM năm 2020; Quy tắc 11(7) Quy tắc trọng tài ICC năm 2021. Sự khác biệt chính phát sinh từ các quy tắc thể chế trên là mức độ yêu cầu của việc tiết lộ thông tin đó, nghĩa là loại thỏa thuận nào nên được tiết lộ và những thỏa thuận đó nên được tiết lộ ở mức độ nào.
[21]. Quy tắc 14(1) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[22]. Quy tắc 14(4), Quy tắc 36(3) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[23]. Quy tắc mới về trọng tài khẩn cấp cung cấp một lộ trình nhanh hơn, qua đó, quá trình tố tụng phải được kết thúc trong vòng 290 ngày kể từ ngày thành lập HĐTT và phán quyết phải được ban hành trong vòng 120 ngày kể từ ngày xét xử.
[24]. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân có rất ít khiếu nại có giá trị thấp trong trọng tài đầu tư.
[25]. Quy tắc 75 Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[26]. Quy tắc 76(2) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[27]. Quy tắc 75(2) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[28]. Quy tắc 91 Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[29]. Quy tắc 58(1) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[30]. Quy tắc 61 Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[31]. Quy tắc 72 Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[32]. Điều 61(2) Công ước ICSID.
[33]. Europese Commissie (2019), Revised comments to the proposed amendments to the ICSID Rules submitted on behalf of the European Union and its Members States, đoạn 27.
[34]. Quy tắc 52(1) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[35]. Quy tắc 52(3) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[36]. Quy tắc 4(2) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[37]. Quy tắc 29(2) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[38]. Quy tắc 32(2) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[39]. United Nations (2019), Possible reform of investor-State dispute settlement (ISDS) Third-party funding, UN Doc. A/CN.9/WG.III/WP.157, đoạn 16.
[40]. Yarik Kryvoi, Alexandros Bakos (2022), Practitioners’ View of the New ICSID Arbitration Rules: A Step in the Right Direction, but Many Unknowns and Risks of Abuse, Kluwer Arbitration Blog, https://arbitrationblog.kluwerarbitration.com/2022/11/20/practitioners-view-of-the-new-icsid-arbitration-rules-a-step-in-the-right-direction-but-many-unknowns-and-risks-of-abuse-2/, truy cập ngày 10/10/2023.
[41]. Yarik Kryvoi, Alexandros Bakos (2022), tlđd.
[42]. Quy tắc 39(1), Quy tắc 39(4) Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022.
[43]. RSM v. St Lucia (ICSID Case No ARB/12/10), Decision on Claimant’s Proposal for the Disqualification of Dr Gavan Griffith QC, (23 October 2014), đoạn 40 - 53.
[44]. Cemetownia “Nowa Huta” SA v Republic of Turkey (ICSID Case No ARB/06/2), Award (17 September 2009), đoạn 158.
[45]. Trong công pháp quốc tế, yêu cầu này thường được gọi là “fumus boni iuris”. Điều 17A(1)(b) Luật mẫu UNCITRAL năm 2006 đưa ra các điều kiện để áp dụng các biện pháp tạm thời bao gồm “một khả năng hợp lý là bên yêu cầu sẽ thành công trên cơ sở yêu cầu bồi thường” (UNCITRAL Working Group II (Arbitration and Conciliation), 38th Session, UN Doc A/CN.9/ WG.II/ WP.123 (2003) mục 3, 2).
[46]. Weixia Gu (2005), “Security for Costs in International Commercial Arbitration”, Tournal of International Arbitration, (22), tr. 190.
[47]. Alan Redfern, Sam O’Leary (2016), “Why it is Time for International Arbitration to Embrace Security for Costs”, Arbitration International, (32), tr. 409.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 397), tháng 1/2024)