1. Thực trạng thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp
1.1. Thủ tục hành chính về Phiếu lý lịch tư pháp
Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định rõ ràng về thẩm quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, theo đó, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp: Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam. Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp: Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước; Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài; Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 cũng quy định về thủ tục, thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của người dân, cơ quan, tổ chức. Hiện nay, Phiếu lý lịch tư pháp đang được cấp thông qua ba phương thức khác nhau gồm trực tiếp, bưu chính, trực tuyến và đang thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID. Thủ tục và thành phần hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã được đơn giản hóa tối đa. Đối với phương thức yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp hoặc qua bưu chính, cá nhân, cơ quan, tổ chức, chỉ cần nộp bản sao Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Căn cước/Hộ chiếu và Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (bỏ Sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú năm 2020). Trường hợp yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và qua ứng dụng VNeID, cá nhân, cơ quan, tổ chức không phải nộp bản sao giấy tờ tùy thân mà chỉ phải điền ba trường thông tin bắt buộc (họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi thường trú) tại Tờ khai tương tác yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp; các thông tin khác sẽ được khai thác tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trường hợp không khai thác được thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân mới phải thực hiện khai đầy đủ thông tin.
Tính đến 31/12/2023, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp đã cấp 3.771.695 Phiếu lý lịch tư pháp, trong đó, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cấp 33.626 Phiếu lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp cấp 3.738.069 Phiếu lý lịch tư pháp. Trong năm 2023, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và 63 Sở Tư pháp đã cấp 1.158.575 Phiếu lý lịch tư pháp (tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022). Một số địa phương có nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp tăng rất cao như Hà Nội (tăng 150%), Bình Định (tăng 33%), Quảng Ninh (tăng 30%)... Trong bối cảnh nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp còn hạn chế thì việc tiếp nhận một số lượng lớn hồ sơ đã gây tình trạng quá tải cho bộ phận làm công tác lý lịch tư pháp tại các địa phương.
1.2. Thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp
Hiện nay, có 154 thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp, trong đó, có 06 thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp, còn 138 thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp của 15 lĩnh vực, bao gồm: (i) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực khoa học công nghệ (09 thủ tục hành chính); (ii) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực ngoại giao (04 thủ tục hành chính); (iii) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực nội vụ (15 thủ tục hành chính); (iv) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (02 thủ tục hành chính); (v) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực tài chính (28 thủ tục hành chính); (vi) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (02 thủ tục hành chính); (vii) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực tư pháp (28 thủ tục hành chính); (viii) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực xây dựng (02 thủ tục hành chính); (ix) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực y tế (08 thủ tục hành chính); (x) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực ngân hàng nhà nước (19 thủ tục hành chính); (xi) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (03 thủ tục hành chính); (xii) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội (19 thủ tục hành chính); (xiii) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực công an (05 thủ tục hành chính); (xiv) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực quốc phòng (02 thủ tục hành chính); (xv) Thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải (03 thủ tục hành chính).
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu phục vụ mục đích tiến hành tố tụng, quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, hiện nay, do nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về Phiếu lý lịch tư pháp và pháp luật về lý lịch tư pháp chưa đầy đủ nên các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chưa chủ động thực hiện quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 mà chủ yếu yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người dân phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp.
2. Đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp
Trong tiến trình cải cách hành chính nhà nước theo yêu cầu của Đảng và Chính phủ đề ra, công cuộc cải cách tổng thể nền hành chính quốc gia nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả hoạt động có liên quan đến thủ tục hành chính nhà nước, trong đó có công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cho công dân, cơ quan, tổ chức. Đảng và Nhà nước ta xem cải cách thủ tục hành chính là là khâu quan trọng của quá trình cải cách nền hành chính nhà nước. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 đã đưa ra mục tiêu: “Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau”; đồng thời chủ trương cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính có Phiếu lý lịch tư pháp cũng được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuân lợi cho người dân, doanh nghiệp, theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để cắt giảm yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý trong thực hiện thủ tục hành chính; các cơ quan nhà nước chủ động thực hiện quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp, không yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người dân phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp”.
Để khắc phục tình trạng bất cập trong tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhằm tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí xã hội cho người dân, cần thiết phải hiểu đúng các quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 về Phiếu lý lịch tư pháp, để từ đó có những đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp cho phù hợp, khả thi.
Vì vậy, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp đòi hỏi phải bảo đảm các yếu tố sau:
Một là, cần rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính cần được đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi và phát huy hiệu quả trên thực tế. Đồng thời, các bộ, ngành có thủ tục hành chính đánh giá về sự cần thiết hay không cần thiết của Phiếu lý lịch tư pháp trong thủ tục hành chính ở các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và về tính khả thi của phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp.
Hai là, đơn giản hóa thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp theo hướng, thay vì yêu cầu người dân nộp Phiếu lý lịch tư pháp, trong trường hợp cần xác minh thêm thông tin, cơ quan, tổ chức tự yêu cầu cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoặc yêu cầu cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp để hoàn thiện hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.
Ba là, bổ sung quy định về giá trị sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp điện tử tại Kho dữ liệu cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên các ứng dụng có thủ tục hành chính./.
Nguyễn Hồng Linh
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 405), tháng 5/2024)