Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có các thành viên của hội đồng thẩm định là đại diện của các cơ quan: Thanh tra Chính phủ; Bộ Công an; Bộ Tài chính; Bộ Ngoại giao; Bộ Công Thương; Bộ Nội vụ; Bộ Quốc phòng; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Kiểm toán nhà nước… và đại diện một số cơ quan thuộc Bộ Tư pháp.
Đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính phát biểu tại phiên họp
Tại phiên họp, đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính đã báo cáo và cho biết, dự thảo luật được xây dựng nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính do bị tác động bởi sắp xếp, tổ chức bộ máy, bảo đảm hệ thống các cơ quan, người có thẩm quyền hoạt động liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập cơ bản, mang tính phổ quát trong quá trình triển khai thi hành Luật thời gian qua, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng hoạt động của lực lượng thực thi công vụ và giúp đơn giản hóa, minh bạch hóa, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện quy trình, thủ tục xử lý vi phạm hành chính, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay; đồng thời, hiện đại hóa, tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong hoạt động thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm 03 điều, cụ thể: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 2 hiệu lực thi hành; Điều 3 điều khoản chuyển tiếp, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung của 31/143 điều, sửa kỹ thuật 10/143 điều, bổ sung mới 01 điều, bãi bỏ 16 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đại biểu phát biểu tại phiên họp
Tại phiên họp, các thành viên hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận và cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi đã bảo đảm tính kịp thời với bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tế của người dân. Đặc biệt, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung: (i) bổ sung các nội dung về đổi mới sáng tạo khoa học, công nghệ trong trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trên cơ sở Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57-NQ/TW) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính; (ii) thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cần nghiên cứu giao cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị trực tiếp phát hiện ra hành vi vi phạm hành chính thay vì các chủ thể như Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ, Chi cục trưởng Chi cục thuộc Sở... do các chủ thể này không phải là người trực tiếp phát hiện ra hành vi vi phạm hành chính; (iii) nghiên cứu bổ sung quy định giao Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với các lĩnh vực đặc thù; (iv) khoản 17 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 83 Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa phù hợp với nguyên tắc của khoản 1 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, do đó, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại nội dung này; (v) về thẩm quyền của cơ quan thanh tra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bám sát chủ trương, định hướng của Kết luận số 134-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và dự thảo Luật Thanh tra đã được thẩm định để hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm thống nhất, chính xác, tránh khoảng trống pháp lý; (vi) về mức phạt tiền đối với các hoạt động khoáng sản, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nâng mức phạt lên 02 tỷ do giá trị của tang vật vi phạm lớn để bảo đảm sức răn đe; (vii) tại khoản 7 điều 1 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã bỏ nội dung được phạt tại chỗ, do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; (viii) cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung cụm từ “hành vi vi phạm hành chính xảy ra trên biển” vào khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính, bởi, trên thực tế, lực lượng kiểm ngư vẫn đang tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với các tàu cá vi phạm mà vi phạm này lại không diễn ra ở trên các phương tiện giao thông.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh cao ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng thẩm định, đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc tiếp thu. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số nội dung sau: (i) cân nhắc phạm vi sửa đổi, bổ sung, cần tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp bách liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy theo chiều ngang và theo chiều dọc; (ii) nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính và số hóa việc xử lý vi phạm hành chính gắn với việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW; (iii) về sự phù hợp của dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, cơ quan chủ trì soạn thảo cần chú ý một số nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân và nội dung dự thảo Luật cần bảo đảm bám sát Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; (iv) dự thảo Luật cần thống nhất với các văn bản pháp luật sẽ sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới như Hiến pháp, Luật Thanh tra...
Thùy Dung