1. Khái quát chung
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, với đường biên giới trên đất liền dài 1.449,566 km (1037,15 km biên giới trên đất liền và 383.914 km biên giới theo sông suối), khởi đầu từ điểm ngã ba đường biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, kết thúc tại điểm thứ nhất của đường phân định lãnh hải trong Vịnh Bắc Bộ. Trên toàn tuyến biên giới có 1.971 cột mốc (trong đó, có 1.549 cột mốc chính và 422 cột mốc phụ). Đường biên giới đi qua 07 tỉnh của Việt Nam, lần lượt là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh (có tổng số 34 huyện, thành phố, thị xã và 168 xã, thị trấn biên giới).
Khu vực biên giới có hệ thống cửa khẩu thuận tiện cho người, phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất, nhập khẩu. Cùng với sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, các tỉnh biên giới hai nước đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, hợp tác song phương, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, bộ đội biên phòng (BĐBP) các tỉnh biên giới Việt Nam phải tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng; trong đó, có các Tổng trạm kiểm tra biên phòng (TTKTBP) Trung Quốc. Việc phối hợp giữa BĐBP các tỉnh biên giới Việt Nam và các TTKTBP Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp cao nhất trong kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu, giữ gìn vững chắc an ninh trật tự ở khu vực biên giói nói chung và ở cửa khẩu nói riêng.
Đến nay, trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, trong tổng số 22 cửa khẩu được ghi nhận tại Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 18/11/2009, hai bên đã mở chính thức được 07 cửa khẩu quốc tế và 04 cửa khẩu song phương. Bên cạnh đó, còn có 21 cửa khẩu phụ và 47 lối mở biên giới (theo cách gọi của phía Việt Nam).
Hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc cơ bản thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa trao đổi, qua lại giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác thương mại qua biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống dân sinh biên giới. Ngoài ra, nhằm thu hút các nhà đầu tư tại 02 nước, nước ngoài đến hợp tác đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các khu vực biên giới và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có chung biên giới, Chính phủ đã quyết định thành lập 11 khu kinh tế cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, phát huy tiềm năng, ưu thế địa phương biên giới, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế các tỉnh biên giới, góp phần thay đổi diện mạo khu vực biên giới, cửa khẩu. Quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc ngày càng củng cố và phát triển thuận lợi. Kim ngạch buôn bán qua biên giới, cửa khẩu không ngừng tăng, nhu cầu thông thương qua lại của các địa phương biên giới ngày càng tăng cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện qua lại biên giới, cửa khẩu và phát triển du lịch. Lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam tham quan, du lịch cũng ngày càng tăng.
2. Kết quả hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh
Thứ nhất, BĐBP các tỉnh biên giới Việt Nam và các TTKTBP Trung Quốc đã thực hiện thông báo giới thiệu các mẫu giấy tờ xuất, nhập cảnh mới, biện pháp chống làm giả, thông tin thay đổi về quy định thủ tục giấy tờ. Luân phiên hàng năm, tiến hành các hoạt động hội thảo chuyên đề, trao đổi thông tin nghiệp vụ, kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, phát hiện giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế giả mạo và các biện pháp phòng ngừa nhằm làm sâu sắc thêm cơ chế hợp tác trao đổi thông tin nghiệp vụ kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu. Bên cạnh đó, đã thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh với các TTKTBP Trung Quốc và nghiên cứu đề xuất thiết lập đường dây nóng giữa các đơn vị trực thuộc của hai bên.
Thứ hai, BĐBP các tỉnh biên giới Việt Nam và các TTKTBP Trung Quốc đã ký kết các biên bản ghi nhớ xác định rõ nội dung hợp tác trong thực hiện quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh, duy trì Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc với các TTKTBP Trung Quốc với các nội dung: Hai bên tăng cường hợp tác hơn nữa trong công tác phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, cùng tăng cường quản lý trị an biên giới và xuất, nhập cảnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho công dân hai nước xuất, nhập cảnh, cải tiến phương pháp quản lý biên giới và phương pháp kiểm chứng xuất, nhập cảnh; tăng cường hợp tác làm tốt công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh; kịp thời thông báo các chính sách có liên quan, trao đổi giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong quá trình kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu.
Thứ ba, BĐBP các tỉnh biên giới Việt Nam và các TTKTBP Trung Quốc đã ký kết các nội dung hợp tác trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở cửa khẩu với các đơn vị thuộc TTKTBP Trung Quốc. Theo đó, đã thiết lập cơ chế xử lý vụ việc liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra ở cửa khẩu. Các đơn vị cửa khẩu hai bên đã hợp tác làm tốt công tác thông báo, trao trả người xuất, nhập cảnh trái phép; thống nhất phương án xử lý, giải quyết các vụ án hình sự, vi phạm hành chính xảy ra tại cửa khẩu: Phối hợp triển khai lực lượng truy bắt tội phạm, phối hợp điều tra thu thập chứng cứ vụ án, hỗ trợ xác minh nhân thân. Hoạt động xử lý, giải quyết các vụ án xảy ra trong quá trình kiểm soát xuất, nhập cảnh được tiến hành theo đúng trình tự, bảo đảm nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ.
Thứ tư, hai bên hợp tác tổ chức tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân hai bên biên giới, cửa khẩu; thông qua hoạt động tuần tra song phương, phát tờ rơi, nội dung chủ yếu tập trung nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về biên giới, các hiệp định đã ký kết giữa hai Nhà nước về biên giới, cửa khẩu của nhân dân. Trong hợp tác duy trì trật tự xuất, nhập cảnh, xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu giữa hai lực lượng, đã lồng ghép các nội dung tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp với từng thời gian và địa điểm cụ thể: Tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; băng rôn, khẩu hiệu, nội dung tuyên truyền, vận động được thể hiện bằng cả 03 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh) và cán bộ, nhân viên cửa khẩu của hai bên trực tiếp tuyên truyền đến các đối tượng xuất, nhập cảnh, qua lại, hoạt động ở cửa khẩu.
Tuy nhiên, hoạt động hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu giữa BĐBP các tỉnh biên giới Việt Nam và các TTKTBP Trung Quốc có lúc chưa kịp thời, thiếu sự toàn diện; chưa đồng bộ, thống nhất, chỉ duy trì thường xuyên ở các đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế, ở các đồn Biên phòng, cửa khẩu phụ chưa thành nền nếp, chưa được quan tâm đúng mức; hợp tác giải quyết một số vụ việc xảy ra trên biên giới, cửa khẩu giữa một số đồn Biên phòng thuộc BĐBP tỉnh với các trạm, phân trạm kiểm tra Biên phòng xuất cảnh, nhập cảnh thuộc các TTKTBP Trung Quốc còn lúng túng, thiếu chặt chẽ, nhất là ở các địa bàn nhạy cảm, vụ việc phức tạp liên quan đến tố tụng hình sự, dẫn độ, tư pháp quốc tế...
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh
Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm và năng lực cho cán bộ, chiến sỹ BĐBP hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh với các TTKTBP Trung Quốc: Quán triệt chủ trương, đường lối, quan điểm về ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 và các thông tư hướng dẫn thi hành, nghị định quy định chi tiết một số điều; Nghị định số 22/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ quy định về đối ngoại quốc phòng; Thông tư số 152/2021/TT-BQP ngày 21/11/2021 của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Nghị định số 22/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ quy định về đối ngoại quốc phòng; Nghị quyết về công tác cửa khẩu như Nghị quyết số 387-NQ/ĐU ngày 13/3/2022 của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu và xây dựng lực lượng cửa khẩu vững mạnh, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là cơ sở định hướng quan trọng để cán bộ, chiến sỹ BĐBP vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp thực hiện hoạt động hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh với các TTKTBP Trung Quốc. Trang bị cho cán bộ, chiến sỹ BĐBP những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh bao gồm: Kiến thức tổng hợp; năng lực nhận thức, tư duy và kinh nghiệm thực tiễn. Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, sự hiểu biết về mọi mặt có liên quan đến hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu cho cán bộ, chiến sỹ. Giáo dục, rèn luyện nâng cao tính kỷ luật, ý thức bảo vệ nội bộ cho cán bộ, chiến sỹ khi hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh với các TTKTBP Trung Quốc.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh với TTKTBP Trung Quốc: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp có vị trí, vai trò rất quan trọng, nhân tố quyết định đến hiệu quả của hoạt động hợp tác. Do đó, phải duy trì thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt Đảng như ra nghị quyết, triển khai thực hiện nghị quyết, công tác kiểm tra giám sát của Đảng; các chế độ công tác của người chỉ huy như công tác kiểm tra, xây dựng kế hoạch, công tác báo cáo; hàng tháng, quý phải đưa các nội dung đó vào nghị quyết của Đảng ủy và phân công người phụ trách cụ thể, rõ ràng; tiến hành xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, duy trì có hiệu quả. Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, củng cố kiện toàn tổ chức biên chế đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại trong BĐBP các tỉnh, đặc biệt là cán bộ tại các cửa khẩu; bố trí hợp lý, ưu tiên địa bàn trọng điểm; bố trí những cán bộ có năng lực thực hiện công tác ngoại giao trên các địa bàn, thời gian trọng điểm, lựa chọn những cán bộ, chiến sỹ có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với nhiệm vụ, am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm trong xử lý tình huống. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cửa khẩu trong tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch về hợp tác quốc tế; kịp thời chấn chỉnh những sai sót, lệch lạc của cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời động viên cán bộ, chiến sỹ.
Thứ ba, tiến hành đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia phục vụ hoạt động hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh:
- Biện pháp vận động quần chúng: Thực hiện nội dung này, BĐBP các tỉnh cần phải thông qua công tác vận động quần chúng để nắm được tình hình nhân dân ở khu vực biên giới, tình hình hoạt động của các đối tượng tại cửa khẩu, qua đó, kết hợp với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, lực lượng và quần chúng nhân dân trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới, cửa khẩu, quy định về xuất - nhập cảnh, xuất - nhập khẩu, các văn kiện pháp lý và các thỏa thuận giữa hai Nhà nước, điều ước quốc tế cho nhân dân hai bên biên giới chấp hành.
- Biện pháp nghiệp vụ: Thông qua biện pháp nghiệp vụ để nắm được chủ trương, đối sách và chiến lược của Trung Quốc về vấn đề biên giới, lãnh thổ, tình hình hoạt động của các loại tội phạm và vi phạm pháp luật hai bên biên giới, cửa khẩu, từ đó có chủ trương, đối sách đấu tranh.
- Biện pháp vũ trang: Thông qua biện pháp vũ trang để nắm được tình trạng hệ thống đường biên giới, mốc quốc giới, vật đánh dấu đường biên giới, các hạng mục, công trình kỹ thuật ở khu vực cửa khẩu để có biện pháp trao đổi, phản kháng với các TTKTBP Trung Quốc trong giải quyết những vấn đề liên quan đến biên giới, cửa khẩu. Tăng cường phối hợp tuần tra song phương, tuần tra liên hợp trên biên giới, đặc biệt là hai bên “cánh gà” cửa khẩu ở cả cấp tỉnh - tổng trạm và cấp đồn - trạm, phân trạm nhằm phát hiện, đấu tranh, xử lý các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trên biên giới, cửa khẩu.
- Biện pháp khoa học - kỹ thuật: Khai thác tốt và triển khai ứng dụng đồng bộ các trang bị kỹ thuật nghiệp vụ, công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nói chung, hợp tác với các TTKTBP Trung Quốc về kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu nói riêng; tăng cường rà soát để báo cáo, tham mưu cho cấp có thẩm quyền bổ sung, trang cấp đầy đủ; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn để cán bộ, chiến sỹ sử dụng thành thạo các trang bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm phục vụ hoạt động hợp tác có hiệu quả.
- Biện pháp kinh tế: Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về biên giới, cửa khẩu cho nhân dân ở địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu; sử dụng các lợi ích kinh tế để thu thập tin tức, tình hình, động viên, khuyến khích cũng như răn đe các đối tượng trên địa bàn quản lý.
Thứ tư, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các ngành, các lực lượng thực hiện tốt hoạt động hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh: Chủ động nắm chắc tình hình trên biên giới và cửa khẩu để tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh ban hành các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời đối với hoạt động hợp tác quốc tế nói chung, thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu nói riêng. Tham mưu, đề xuất tham gia các đoàn công tác của Ủy ban nhân dân các tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện biên giới và các cơ quan, ban, ngành trong đàm phán về phát triển kinh tế - xã hội, thương mại biên giới ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Tham mưu, đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu với các TTKTBP Trung Quốc. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, lực lượng có liên quan trong trao đổi thông tin nghiệp vụ, tình hình có liên quan, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp để hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu với các TTKTBP Trung Quốc, tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ, bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, phương tiện cho BĐBP các tỉnh thực hiện thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu với các TTKTBP Trung Quốc.
Thứ năm, chủ động rà soát, báo cáo cấp trên tăng cường đầu tư trang bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu: Bảo đảm trang bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động của người chỉ huy, của các đơn vị trong thực hiện hợp tác như bảo đảm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác hợp tác quốc phòng, an ninh cũng như hợp tác giữa BĐBP các tỉnh và các TTKTBP Trung Quốc trong thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị (cổng kiểm soát tự động, máy quét mã vạch, máy vi tính, hệ thống camera giám sát, áo chống đạn…) và phương tiện. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền thiết lập đường dây nóng giữa các đồn Biên phòng của BĐBP các tỉnh với các trạm, phân trạm thuộc các TTKTBP Trung Quốc để phục vụ cho công tác nắm tình hình, trao đổi thông tin về hoạt động xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu của mỗi bên và các vấn đề khác có liên quan giữa hai bên được diễn ra thường xuyên, liên tục và kịp thời. Từ đó, phục vụ tốt cho hoạt động hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu đạt hiệu quả cao. Triển khai thực hiện tốt chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ, chiến sỹ. Phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tác động của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường tới đời sống vật chất, tinh thần của bản thân và hậu phương gia đình cán bộ, chiến sỹ, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, gắn bó phấn đấu phát huy tốt năng lực, sở trường và tinh thần trách nhiệm trong các nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
Tóm lại, để nâng cao hiệu quả hợp tác thực thi pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh giữa BĐBP các tỉnh biên giới Việt Nam với các TTKTBP Trung Quốc, cần nghiên cứu và vận dụng linh hoạt các giải pháp trên một cách đồng bộ, hợp lý, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, xây dựng BĐBP Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và hội nhập quốc tế, tiếp cận được các biện pháp và kinh nghiệm mới trong công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh của các nước trên thế giới; tạo môi trường hợp tác quốc tế thuận lợi, phục vụ đắc lực nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, bền vững và cùng phát triển.
Thiếu tá, ThS. Lê Hồng Thành
Giảng viên Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Học viện Biên phòng
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 394), tháng 12/2023)