Toàn cảnh phiên họp thẩm định.
Tham dự phiên họp thẩm định gồm các thành viên đại diện của các cơ quan: Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ; Bộ Ngoại giao; Bộ Công an; Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính; Sở Tư pháp thành phố Hà Nội… và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Tại phiên họp thẩm định, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo về dự thảo Luật và cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là sự hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… các quốc gia trên thế giới đều đang có xu hướng mở rộng và linh hoạt hơn trong chính sách quốc tịch. Hiện nay, trên thế giới có 78 quốc gia áp dụng nguyên tắc một quốc tịch (trong đó có 51 quốc gia áp dụng nguyên tắc một quốc tịch triệt để và 27 quốc gia chấp nhận trường hợp công dân có hai quốc tịch trong các trường hợp ngoại lệ); có khoảng 66 quốc gia không có quy định về nguyên tắc một quốc tịch.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 06 triệu người, sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, tính đến tháng 03/2025, có 229.336 người được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam. Việc thay đổi chính sách pháp luật quốc tịch của một số nước (cho phép công dân có thể mang 02 quốc tịch) trong thời gian gần đây dẫn đến các trường hợp trước đây đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài bày tỏ nguyện vọng xin trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài có dấu hiệu tăng.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo tại phiên họp thẩm định.
Tính đến tháng 03/2025, Chủ tịch nước đã cho trở lại quốc tịch Việt Nam đối với 311 trường hợp, trong đó có 20 trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài; cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 7.014 trường hợp, trong đó có 60 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.
Sau 17 năm triển khai thi hành, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã thể chế hóa các định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về quốc tịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, Bộ Tư pháp nhận thấy, một số quy định hiện hành liên quan đến thủ tục nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam chưa thực sự tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài; chưa thu hút được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Xuất phát từ thực tiễn trên, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, trong đó “nới lỏng” chính sách cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới là thực sự cần thiết.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam gồm một số nội dung chính như: (i) sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam; (ii) sửa đổi, bổ sung quy định về trở lại quốc tịch Việt Nam; (iii) sửa đổi, bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.
Tại phiên họp thẩm định, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luật và có ý kiến góp ý trực tiếp đối với một số nội dung trong Tờ trình dự án Luật và dự thảo Luật như: (i) bổ sung quy định liên quan đến “biên chế nhà nước” tại khoản 1 Điều 1 dựa thảo Luật theo hướng: “Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài khi thực hiện các quyền ứng cử, tuyển dụng vào các chức danh, làm việc trong “biên chế” tổ chức bộ máy Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tham gia lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài và phải thường trú tại Việt Nam” nhằm phân định rõ ràng giữa đối tượng làm việc trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, qua đó góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý và phù hợp với yêu cầu quản lý hiện nay; (ii) rà soát, đánh giá sự thống nhất, đồng bộ quy định của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật chuyên ngành liên quan đến việc quy định việc tuyển dụng đối với người là công dân Việt Nam và có thêm quốc tịch nước ngoài làm việc trong hệ thống bộ máy nhà nước tại Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Cơ yếu; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân; Luật Công an nhân dân; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; (iii) dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 và 2a Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam theo hướng “Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, đ, e khoản 1 Điều này nếu có vợ, chồng, con đẻ là công dân Việt Nam”, bên cạnh đó, dự thảo Luật còn mở rộng thêm đối tượng được có thể được nhập tịch nếu “Có cha hoặc mẹ hoặc ông bà nội hoặc ông bà ngoại là công dân Việt Nam”. Quy định này là quá rộng so với quy định hiện hành và tiềm ẩn những hệ lụy nếu không có cơ chế kiểm soát phù hợp. Việc mở quá nhiều đối với điều kiện nhập quốc tịch có thể dẫn đến tình trạng lợi dụng chính sách, gây khó khăn cho công tác quản lý dân cư và bảo đảm an ninh quốc gia. Vì vậy, cần cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động toàn diện và làm rõ tiêu chí xác định các mối quan hệ nhân thân, nhằm bảo đảm chính sách vừa nhân văn, linh hoạt, vừa chặt chẽ và phù hợp với yêu cầu thực tiễn; (iii) bổ sung phần tính toán, đánh giá về tác động nguồn lực tài chính đối với ngân sách nhà nước khi luật được ban hành và làm tăng số lượng hồ sơ xin nhập quốc tịch. Bên cạnh đó, cần đánh giá về cơ sở vật chất, hạ tầng hiện tại và nhu cầu đầu tư thêm cho việc xử lý hồ sơ (kể cả hồ sơ điện tử); (iv) cần rà soát, đánh giá tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên; (v) cân nhắc bỏ nội dung trong dự thảo Tờ trình “việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó” vì vấn đề quốc tịch hoàn toàn là vấn đề chủ quyền của Việt Nam và do các cơ quan chức năng của Việt Nam xem xét quyết định mà không phải phụ thuộc vào pháp luật của nước ngoài.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận phiên họp thẩm định.
Phát biểu kết luận phiên họp thẩm định, đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam, xuất phát từ bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thu hút nguồn lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị, việc mở rộng các quy định của Luật phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh mở rộng “tràn lan”, thiếu kiểm soát. Việc sửa đổi phải được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật hiện hành và trong khuôn khổ khả năng thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước. Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng và giải trình đầy đủ về những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình triển khai luật, nhất là trong các quy định mở mới liên quan đến nhập, trở lại quốc tịch, người có yếu tố nước ngoài, người có hai quốc tịch.
Về tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Thứ trưởng đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa quy định tại dự thảo Luật với các luật chuyên ngành như Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Cơ yếu; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân... Trong đó, cần xác định rõ ràng, bảo đảm không mâu thuẫn giữa Luật Quốc tịch Việt Nam và các luật khác, đồng thời, không tạo ra khoảng trống pháp lý trong công tác tổ chức cán bộ và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu cần tiếp tục rà soát về thẩm quyền và kỹ thuật lập pháp, đặc biệt, các nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết phải bảo đảm đúng thẩm quyền theo Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về cải cách thủ tục hành chính, Thứ trưởng đề nghị tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 09/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục không cần thiết, đồng thời, đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục về quốc tịch. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú cũng đề nghị cần hoàn thiện hồ sơ trình dự án Luật, đặc biệt, Tờ trình, Báo cáo giải trình và các phụ lục, bảo đảm tuân thủ đúng quy định tại Nghị định số 78/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ cần thể hiện rõ nội dung giữ nguyên, nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và các lý do cụ thể kèm theo, tránh tình trạng thiếu minh bạch trong quá trình thẩm tra và thảo luận tại Quốc hội.
Về các nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật như quy định sửa đổi, bổ sung Điều 19, Điều 22 và khoản 5 Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến chuyên gia và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao để hoàn thiện nội dung dự thảo bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp thực tiễn./.
Hoàng Trung