Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu pháp luật Liên minh châu Âu về công ty ma, từ đó, đưa ra những gợi mở cho Việt Nam trong tiến trình hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp trong thời gian tới.
Abstract: The article studies the legislation of the European Union on ghost companies, thereby, giving suggestions for Vietnam in the process of improving the law on enterprises in the near future.
1. Nhận diện thuật ngữ “công ty ma” ở Liên minh châu Âu
“Công ty ma” ở Liên minh châu Âu (EU) được được định nghĩa khác nhau trong các bối cảnh khác nhau. Cụ thể, tài liệu tổng quan về các “công ty ma” ở EU[1] vào tháng 4/2018 nghiên cứu về hiện tượng các “công ty ma” ở EU cho rằng, “công ty ma” được định nghĩa khác nhau theo từng bối cảnh khác nhau là: Công ty ma ẩn danh (Anonymous shell company), công ty hộp thư (Letterbox companies); các thực thể mục đích đặc biệt (Special purpose entities). Công ty ma ẩn danh là công ty được đăng ký thành lập nhằm che dấu danh tính thật của chủ sở hữu. Công ty hộp thư là các công ty được đăng ký tại một quốc gia thành viên trong khi hoạt động kinh tế thực chất diễn ra ở quốc gia thành viên khác nhằm lách luật lao động và đóng góp xã hội ở quốc gia thành viên, nơi diễn ra hoạt động kinh tế thực chất. Các pháp nhân với mục đích đặc biệt là công ty có hoạt động kinh doanh cốt lõi bao gồm các hoạt động tài trợ hoặc nắm giữ của nhóm. Đây là những tổ chức không có hoặc có ít nhân viên, có rất ít hoặc không có sự hiện diện vật chất trong nền kinh tế chủ nhà và có tài sản và nợ phải trả đại diện cho các khoản đầu tư vào hoặc từ các quốc gia khác.
Mặc dù được định nghĩa khác nhau trong bối cảnh khác nhau, nhưng đặc điểm chung chính của ba loại hình công ty này đều không có hoạt động kinh tế thực sự tại quốc gia thành viên đăng ký. Điều này có nghĩa là, các công ty này có một hoặc các đặc điểm tại quốc gia đăng ký: Không có (hoặc ít) nhân viên; không (hoặc ít) sản xuất; không (hoặc ít) hiện diện thực tế tại quốc gia thành viên đăng ký.
2. Pháp luật của Liên minh châu Âu về “công ty ma”
Để kiểm soát những “công ty ma” ở EU, bên cạnh các quy định chung trong thành lập công ty, EU cũng ban hành chỉ thị hạn chế sự lạm dụng của “công ty ma”, từ đó đặt ra yêu cầu chung đối với các nước thành viên kể đến như Chỉ thị số 2015/121/EU, Chỉ thị Chống rửa tiền lần 5 của EU (Anti-Money Laundering Directive - AMLD) với mục đích ngăn chặn sự thành lập các “công ty ma” ở một nước thứ ba cho các mục đích phi pháp như trốn thuế, bình phong để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.
2.1. Những quy định chung về thành lập công ty trong các nước thuộc Liên minh châu Âu
- Trụ sở của công ty: Mỗi công ty được thành lập trong EU đều yêu cầu phải cung cấp thông tin về địa chỉ văn phòng, trụ sở kinh doanh[2]. Pháp luật không yêu cầu một công ty phải đăng ký địa chỉ tại thành phố nơi diễn ra hoạt động kinh doanh, song yêu cầu công ty vẫn phải thiết lập địa chỉ ở đó nếu trong giấy đăng ký kinh doanh ghi địa chỉ của quốc gia nơi công ty đã đăng ký. Tức là, một công ty phải có trụ sở tại địa điểm mà đã được đăng ký trong giấy đăng ký kinh doanh, dù cho hoạt động kinh doanh diễn ra ở quốc gia khác. Điều quan trọng cần lưu ý là, địa chỉ văn phòng đã đăng ký trong giấy đăng ký kinh doanh phải được đặt ở cùng quốc gia với trụ sở chính (ở một số quốc gia, địa chỉ cũng phải trùng khớp). Song EU không có yêu cầu đối với hình thức của trụ sở công ty, vì thế, việc công ty có văn phòng hiện diện thực tế hoặc có một văn phòng ảo là hoàn toàn hợp pháp. Việc sử dụng một văn phòng ảo được coi là một giải pháp được nhiều công ty lựa chọn bởi chi phí thấp hơn và có khả năng thuê nhân viên từ khắp nơi trên thế giới. Hơn nữa, các địa chỉ ảo bắt đầu trở nên phổ biến trong đại dịch Covid-19 khi việc tập hợp nhân viên trong một văn phòng thực tế bị cấm hoặc hạn chế ở hầu hết các quốc gia. Địa chỉ văn phòng ảo cho phép công ty trả lời cuộc gọi, tổ chức cuộc họp, tuy nhiên, nó sẽ không phải là nơi thực sự hoạt động của doanh nghiệp.
- Điều kiện của người điều hành, quản lý: Tại Điều 13i Chỉ thị số 2019/1151/EU sửa đổi một số điều của Chỉ thị số 2017/1132/EU về quy định chung thành lập công ty[3], EU yêu cầu các nước thành viên phải bảo đảm có quy định về trường hợp người điều hành không được bổ nhiệm[4] và trao quyền cho các nước thành viên để làm rõ quy định này phù hợp với từng tình hình riêng của các nước. Trong đó, ở một số nước, việc bổ nhiệm giám đốc công ty do hội đồng thành viên và không có yêu cầu cụ thể ngoài độ tuổi và năng lực hành vi dân sự. Ví dụ như: Ở Cộng hòa Pháp, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể là giám đốc của một công ty miễn là không bị mất năng lực dân sự của mình ở Cộng hòa Pháp; Liên bang Đức quy định giám đốc điều hành phải là một cá nhân, không bắt buộc phải là công dân Liên bang Đức và không cần cư trú tại Đức (tuy nhiên, các giám đốc quản lý nước ngoài phải có khả năng vào Liên bang Đức bất kỳ lúc nào)[5]. Có thể thấy, phạm vi của quy định này được thực hiện trong quốc gia. Mặc dù, EU có quy định việc quyết định một giám đốc không đủ tiêu chuẩn tham gia điều hành công ty của nước này có thể cũng bị từ chối ở nước khác[6]. Tuy nhiên, quy định này phụ thuộc vào quốc gia tiếp nhận và nếu quy định của quốc gia đó vẫn cho phép những giám đốc không đủ điều kiện của quốc gia khác có thể tham gia điều hành các công ty thuộc phạm vi của nước mình thì vẫn được coi là hợp pháp. Rõ ràng, một giám đốc đã bị truất quyền theo luật của Hungary không thể quản lý một công ty ở Hungary nhưng vẫn có thể hoạt động như một giám đốc điều hành của Liên bang Đức hoặc bất kỳ quốc gia thành viên nào khác chấp nhận.
2.2. Quy định từ chối lợi ích thuế ở các quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu
Chỉ thị số 2015/121/EU[7] sửa đổi Chỉ thị số 2011/96/EU nhằm giúp các quốc gia thành viên ngăn chặn thành lập “công ty ma” với mục đích trốn thuế ở quốc gia mình. Chỉ thị này đã bổ sung một điều khoản chống lạm dụng nhằm ngăn chặn các “công ty ma” được thành lập với mục đích trốn thuế bằng cách cho phép các quốc gia thành viên từ chối các lợi ích về “miễn đánh thuế hai lần” của Chỉ thị đối với các thỏa thuận “nhân tạo” - tức là các thỏa thuận đã được thực hiện nhằm thu được lợi thế về thuế mà không phản ánh thực tế kinh tế[8], cụ thể: Các quốc gia thành viên sẽ không trao các lợi ích của Chỉ thị này cho một thỏa thuận hoặc một loạt các thỏa thuận, đã được thực hiện cho mục đích chính hoặc một trong những mục đích chính là thu được lợi thế về thuế làm mất đi đối tượng hoặc mục đích của Chỉ thị này.
Trước khi Chỉ thị số 2015/121/EU được ban hành, EU không áp dụng quy tắc tối thiểu chống lạm dụng. Thay vào đó, Điều 1(2) của Chỉ thị số 2011/96/EU chỉ trao quyền cho các nước thành viên áp dụng các quy định về lạm dụng “công ty ma”, tuy nhiên, không có những quy định tối thiểu và yêu cầu các quốc gia thành viên phải áp dụng dựa trên quy định đó[9]. Do đó, việc “trao quyền” này không hiệu quả sau một thời gian thực thi vì hai lý do:
Thứ nhất, các điều khoản trong nước hoặc dựa trên hiệp ước liên quan có các mức độ pháp lý khác nhau và được thiết kế để phản ánh các đặc điểm cụ thể của hệ thống thuế của từng quốc gia thành viên;
Thứ hai, một số quốc gia thành viên không thực hiện bước lập pháp nào để áp dụng bất kỳ quy tắc chống lạm dụng nào vì Chỉ thị số 2011/96/EU chỉ trao quyền nhưng không có mức độ bắt buộc với những quy định tối thiểu.
Vì thế, cần đưa vào một quy tắc chống lạm dụng tối thiểu chung ở Chỉ thị số 2015/121/EU để ngăn ngừa việc lạm dụng “công ty ma” và đồng thời, bảo đảm tính nhất quán cao hơn trong việc áp dụng pháp luật chung cho các nước thành viên.
Như vậy, có thể thấy, các yêu cầu điều kiện tối thiểu mà EU đặt ra cho các nước thành viên để một công ty thành lập tại nước sở tại vì mục đích “giảm thuế” chứ không phải “trốn thuế” bao gồm: (i) Đánh giá các hoạt động có thật hay không của các công ty trong phạm vi lãnh thổ của các nước; (ii) Mục đích cho các hoạt động này có nhằm đến lý do thương mại, kinh tế hay không. Các quy định này được thực hiện tương đối đồng bộ tại các nước thành viên, được tổng kết theo tài liệu giải thích và áp dụng quy tắc chống lạm dụng chung của Chỉ thị số 2015/121/EU[10]. Cụ thể, tại Vương quốc Bỉ, quy định về từ chối miễn thuế đối với trường hợp lạm dụng thuế của các công ty cũng được tiến hành trong trường hợp Tòa án ở Vương quốc Bỉ chứng minh được việc phân chia cổ tức là hành vi giả tạo vì nó thiếu các lý do kinh doanh hợp lệ phản ánh kinh tế thực tế; có mục đích chính hoặc một trong những mục đích chính để có được khoản khấu trừ cổ tức nhận được trên thu nhập này, miễn trừ thuế hoặc để có được một lợi ích khác ở một quốc gia thành viên khác của EU. Tương tự, tại Đan Mạch, một quy định từ chối miễn trừ thuế đã được thực hiện theo mục 3 Đạo luật Đánh giá thuế của Đan Mạch (GAAR). Theo đó, pháp luật Đan Mạch định nghĩa rõ những hành động của công ty do không tham gia kinh doanh cho những lý do thương mại được thực hiện với mục đích chính là thu được hoặc một trong những mục đích chính là thu được lợi ích về thuế đi ngược lại mục đích của luật thuế Đan Mạch. Tại Ý, việc lạm dụng luật có thể phát sinh khi có tất cả các điều kiện sau: (i) Một hoặc nhiều thỏa thuận/giao dịch thiếu “bản chất kinh tế”; (ii) Các thỏa thuận/giao dịch này, ngay cả khi chính thức tuân thủ các quy tắc thuế liên quan, thực sự dẫn đến “lợi ích thuế không đáng có”; (iii) Lợi ích thuế vượt quá bình thường. Các thỏa thuận/giao dịch được coi là thiếu bản chất kinh tế khi chúng không tạo ra hiệu quả đáng kể ngoài các lợi thế về thuế; lợi thế về thuế được coi là quá mức bình thường khi không phù hợp với đối tượng và mục đích của các quy định về thuế hoặc các nguyên tắc của hệ thống thuế. Ý công nhận quyền tự do của người đóng thuế trong việc lựa chọn giữa các chế độ thuế khác nhau và giữa các thỏa thuận/giao dịch khác nhau chịu gánh nặng thuế khác nhau, miễn là những lợi thế về thuế này không vượt quá mức cho phép.
Một số nước khác đã đưa ra các quy định cụ thể hơn bằng việc liệt kê các dấu hiệu nhận biết “hoạt động giả tạo” để làm căn cứ, ví dụ như ở Cộng hòa Lithuania. Cơ quan thuế nước này đã đưa ra một bình luận chính thức từ chối miễn thuế trong trường hợp pháp nhân được coi là có hoạt động “giả tạo”. Cụ thể, các dấu hiệu nhận biết đó là: (i) Người quản lý không đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ đó, cụ thể là các quyết định quan trọng nhất của pháp nhân đó không được thực hiện bởi những người quản lý hoặc các cơ quan quản lý của đơn vị đó. Các cuộc họp của các thành viên ban quản trị diễn ra bên ngoài quốc gia thành lập (đăng ký). (ii) Thiếu nhân viên hoặc không có nhân viên để thực hiện các hoạt động như đã khai báo với cơ quan đăng ký. Ngoài ra, kinh nghiệm, năng lực và thời gian dành cho việc thực hiện các công việc của nhân viên không tuân theo bản chất của các hoạt động của tổ chức và/hoặc các yêu cầu tối thiểu. (iii) Không có sự tồn tại thực tế của tổ chức tại quốc gia thành lập (không có cơ sở, thiết bị...) cho việc thực hiện hoạt động. (iv) Thu nhập của pháp nhân chỉ là thu nhập thụ động. (v) Pháp nhân không có tài khoản ngân hàng trong khu vực pháp lý mà nó được đăng ký. (vi) Pháp nhân có thời gian tồn tại ngắn hoặc chỉ được thành lập ngay trước khi trả cổ tức.
Quy định của các nước đa phần điều chỉnh gián tiếp “công ty ma” thông qua mục đích thành lập các công ty này. Tuy nhiên, duy nhất Cộng hòa Latvia đã quy định trực tiếp về cấm giao dịch xoay quanh “công ty ma”. Có thể nói, đây là nước đầu tiên ở EU đưa ra lệnh cấm đối với “công ty ma”, cụ thể, các ngân hàng, tổ chức trung gian và công ty quản lý đầu tư bị cấm thiết lập và duy trì các mối quan hệ kinh doanh hoặc thực hiện các giao dịch với các công ty ma[11]. Theo đó, Chương I Luật Phòng chống rửa tiền thu được từ hoạt động tội phạm (rửa tiền) và tài trợ cho khủng bố định nghĩa, “công ty ma” là pháp nhân được đặc trưng bởi một hoặc một số dấu hiệu như: (i) Pháp nhân không liên quan đến hoạt động kinh tế thực tế hoặc hoạt động của pháp nhân tạo ra giá trị kinh tế nhỏ hoặc hoàn toàn không có giá trị kinh tế; (ii) Luật pháp và quy định của quốc gia nơi pháp nhân đăng ký không quy định nghĩa vụ lập và nộp báo cáo tài chính cho các hoạt động của mình cho các tổ chức giám sát của nhà nước có liên quan, bao gồm cả báo cáo tài chính hàng năm; (iii) Pháp nhân không có địa điểm (cơ sở) để thực hiện hoạt động kinh tế tại quốc gia mà pháp nhân có liên quan đã đăng ký.
2.3. Quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của công ty
Quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của công ty yêu cầu tiết lộ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi và được quy định trong Chỉ thị Chống rửa tiền lần thứ 5 của EU (có hiệu lực tháng 01/2020), yêu cầu các quốc gia thành viên EU bảo đảm rằng, các sổ đăng ký quốc gia về thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi[12] của pháp nhân (ngoại trừ quỹ tín thác)[13] được thiết lập theo Chỉ thị Chống rửa tiền lần thứ 4 của EU[14] có thể truy cập công khai. Các pháp nhân bắt buộc phải cung cấp thông tin “đầy đủ, chính xác và cập nhật” về thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi để bảo đảm tính chính xác của sổ đăng ký này[15].
Về đối tượng áp dụng là chủ sở hữu hưởng lợi: Theo Điều 3(6) Chỉ thị Chống rửa tiền lần thứ 4 của EU, chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân sở hữu cuối cùng, trực tiếp hoặc gián tiếp, hơn 25% vốn cổ phần của một pháp nhân hoặc thực hiện quyền kiểm soát đáng kể đối với pháp nhân đó. Người đó có ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định trong công ty đó[16]. Theo đó, việc kiểm soát một công ty có thể xác định qua hai hình thức: (i) Sở hữu trực tiếp, khi một người sở hữu 25% và một cổ phần trong công ty hoặc hơn 25% tài sản của công ty; (ii) Sở hữu gián tiếp, khi 25% + 1 cổ phần hoặc hơn 25% tài sản thuộc sở hữu của một pháp nhân do một cá nhân kiểm soát.
Cách thức thực hiện là tạo sổ đăng ký chung của các chủ sở hữu hưởng lợi. Sổ đăng ký quyền sở hữu hưởng lợi cho các công ty có liên quan ở EU phải bao gồm các thông tin như tên, quốc tịch, quốc gia cư trú, tháng và năm sinh, bản chất của kiểm soát, quy mô quan tâm.
Trong khi nhiều quốc gia và tiểu bang đã có sổ đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi, nhiều sổ đăng ký không được chia sẻ giữa các khu vực pháp lý và khác nhau về chất lượng và phạm vi thông tin được thu thập. Ví dụ, ở Bahamas, trong khi tên của các giám đốc được yêu cầu phải được tiết lộ trong sổ đăng ký quốc gia khi thành lập công ty, thì phần lớn thông tin được nhập trong sổ đăng ký là không đầy đủ. Ngoài ra, để có được thông tin của công ty Bahamian phải trả một khoản phí để tra cứu sổ đăng ký. Cuối cùng, các nhà điều tra nước ngoài được cấp phép tìm kiếm sổ đăng ký bị cản trở bởi sự phức tạp là “không thể tìm kiếm tên của các giám đốc một cách riêng lẻ hoặc không có kiến thức sẵn có về tên của công ty Bahamian”. Một vấn đề khác liên quan đến sổ đăng ký hiện tại là mặc dù các khu vực pháp lý có thể yêu cầu thông tin chủ sở hữu hưởng lợi từ các tiểu bang hoặc quốc gia, khu vực pháp lý khác có thể không tuân thủ các yêu cầu một cách kịp thời hoặc đầy đủ. Để khắc phục vấn đề này, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã tạo ra một hiệp ước mẫu để bắt buộc trao đổi thông tin tự động giữa các cơ quan tài phán nước ngoài mà nhiều quốc gia đã lên tiếng ủng hộ tại Hội nghị thượng đỉnh G8 gần đây. Nếu được thực thi, hiệp ước sẽ cho phép cơ quan thực thi pháp luật nhanh chóng và dễ dàng có được thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi từ các cơ quan tài phán nước ngoài. Tuy nhiên, trong khi các quốc gia thường lên tiếng ủng hộ các biện pháp, thì việc triển khai rộng rãi thường khó đạt được.
Như vậy, mặc dù, AMLD đặt ra khuôn khổ cần thiết để thiết lập quyền sở hữu hưởng lợi minh bạch trên các khu vực tài phán của EU nhưng vẫn còn những khoảng trống trong việc thực hiện các tiêu chuẩn này trong luật pháp quốc gia cũng như những yếu kém trong giám sát ở cấp EU. Việc thực hiện các quy định này chỉ thực hiện trong khuôn khổ một số quốc gia. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), ba khu vực tài phán Ý, Hungary, Lithuania vẫn chưa thiết lập bất kỳ hình thức đăng ký thông tin về chủ sở hữu có quyền kiểm soát đáng kể nào; 06 nước khác (Cộng hòa Síp, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Hy Lạp, Romania và Tây Ban Nha) đã không công khai sổ đăng ký của những chủ sở hữu có quyền kiểm soát đáng kể, theo yêu cầu trong AMLD. Một số quốc gia EU như Cộng hòa Pháp, Liên bang Đức đã giới thiệu đăng ký thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi trong khi những quốc gia khác vẫn đang trong quá trình thiết lập chúng.
3. Một số gợi mở cho Việt Nam
“Công ty ma” là một hiện tượng được bắt nguồn từ các nước EU và đang du nhập vào Việt Nam hiện nay. Trước tình hình này, yêu cầu nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật là việc hết sức cần thiết. Muốn vậy, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu làm rõ một số vấn đề sau đây:
Một là, cần nghiên cứu, thiết lập những quy định về báo cáo tài chính đối với công ty vừa và nhỏ. Hiện nay, trường hợp doanh nghiệp không phải nộp báo cáo tài chính căn cứ theo Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định là doanh nghiệp có từ dưới 10 lao động và mức vốn hoặc doanh thu dưới 03 tỷ đồng, đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp - xây dựng; doanh nghiệp có dưới 10 lao động, mức lợi nhuận dưới 10 tỷ hoặc tổng vốn dưới 03 tỷ, với doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ. Doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ không bắt buộc lập báo cáo tài chính gửi cơ quan thuế và sẽ nộp thuế thông qua doanh thu bán hàng hoặc thu nhập tính thuế. Điều này đã tạo điều kiện cho các “công ty ma” bởi mô hình hoạt động của công ty ma là loại hình vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ do không nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ để lách thuế hoặc rửa tiền, thực hiện các hoạt động phi pháp khác. Vì thế, quy định này tưởng chừng tạo điều kiện cho các công ty vừa và nhỏ được kinh doanh phát triển thì còn “hợp pháp hóa” cho ngay cả các “công ty ma”.
Hai là, cần thiết lập hệ thống lưu trữ dữ liệu online về thông tin đăng ký của doanh nghiệp cơ bản đặc biệt thông tin cụ thể về người đăng ký thành lập doanh nghiệp. Cơ quan thuế và các cơ quan đăng ký doanh nghiệp cần xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn về các trường hợp yêu cầu lý lịch tư pháp của người đăng ký thành lập doanh nghiệp và lưu trữ trong sổ đăng ký doanh nghiệp online. Điều này xuất phát từ thực trạng là, mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã ghi nhận nghĩa vụ của người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh khi có yêu cầu. Song đến thời điểm hiện tại, chưa có quy định nào mang tính hướng dẫn chi tiết, công khai về những trường hợp yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp như trên. Vì thế, đây là giải pháp có tính khả thi cao, bởi, thông qua cơ sở dữ liệu online, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể thông báo tới các chủ thể cũng như cơ quan quản lý địa phương về những thông tin bất thường của doanh nghiệp. Từ đó, các cơ quan cấp cơ sở tại địa phương có thể kiểm tra và thông báo lại đối với cơ quan đăng ký kinh doanh để đưa ra những giải pháp kịp thời. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Đan Mạch với hoạt động của cơ quan đăng ký doanh nghiệp trực tuyến chính thức được gọi là Cơ quan đăng ký kinh doanh (CVR). CVR lưu trữ thông tin miễn phí về các pháp nhân đã đăng ký theo cả luật công ty và luật thuế trong sổ đăng ký kinh doanh. Các thông tin cơ bản về pháp nhân như thông tin về người quản lý doanh nghiệp được lưu trữ đối chiếu trong quá trình hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý. Trong những trường hợp nghi ngờ, cơ quan có thể yêu cầu tài liệu đăng ký. Nếu công ty không thể cung cấp điều này hoặc các đăng ký không chính xác, không được sửa chữa, thì công ty đó có thể thực thi buộc phải giải thể.
Ba là, cần thiết lập quy trình đăng ký kinh doanh có thể giám sát được việc hoạt động của công ty sau khi đăng ký kinh doanh. Ví dụ, có thể giám sát hoạt động doanh nghiệp thông qua địa chỉ doanh nghiệp được ghi trong giấy đăng ký kinh doanh. Mặc dù, theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, địa chỉ về trụ sở kinh doanh là một trong bốn điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Song chưa có văn bản nào quy định về địa điểm được phép bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký. Bên cạnh đó, không có cơ quan nào kiểm tra trụ sở làm việc của doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh. Chính vì thế, cơ quan đăng ký doanh nghiệp cần phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an trong việc thiết lập quản lý thông qua hệ thống dữ liệu dân cư nhằm giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Thông qua các dữ liệu này, các chủ sở hữu các địa chỉ kinh doanh này ở địa phương sẽ nắm bắt và thông báo xem liệu các dữ liệu địa chỉ công ty có đúng với đăng ký kinh doanh hay không. Từ đó, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ kịp thời xử lý đối với các doanh nghiệp có “địa chỉ ma” này.
Trần Thị Anh Thư
Sinh viên khóa 44 Đại học Luật Hà Nội
(Ảnh: Internet)
[1]. Kiendl Krišto, I., & Thirion, E. (2018). An overview of shell companies in the European Union. Study, European Parliamentary Research Service. link truy cập: https://www.europarl.europa.eu/cmsdata/155724/EPRS_ STUD_627129_Shell companies in the EU.pdf.
[2]. EU (2022), “Setting up a European Company”, link truy cập: Setting up a European Company (SE) - Your Europe (europa.eu).
[3]. Directive (EU) 2019/1151 of The European Parliament and of the Council Directive 20 June 2019 amending Directive (EU) 2017/1132 as regards the use of digital tools and processes in company law, link truy cập: EUR-Lex - 32019L1151 - EN - EUR-Lex (europa.eu).
[4]. Nguyên văn khoản 1 Điều 13i về Giám đốc không đủ tiêu chuẩn (Disqualified directors): “Member States shall ensure that they have rules on disqualification of directors. Those rules shall include providing for the possibility to take into account any disqualification that is in force, or information relevant for disqualification, in another Member State. For the purpose of this Article, directors shall at least include the persons referred to in point (i) of Article 14(d)”.
[5]. European Law Firm Summary (2017), Company Incorporation in Europe, link truy cập: www.european-law-firm.com%2Fguide%2Fincorporating-a-limited-company-in-europe2017. pdf%3Ffbclid%3DIwAR2P1246J8fZIcNB7Le5D37k8ktR0vVTW0KRQJ2889592HBUkhhFL7pcumA.
[6]. Khoản 2 Điều 13i: “2. Member States may require that persons applying to become directors declare whether they are aware of any circumstances which could lead to a disqualification in the Member State concerned. Member States may refuse the appointment of a person as a director of a company where that person is currently disqualified from acting as a director in another Member State”.
[7]. Council directive (EU) 2015/121 of 27 January 2015 amending Directive 2011/96/EU on the common system of taxation applicable in the case of parent companies and subsidiaries of different Member States; link truy cập: https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:32015L0121&from=FR.
[8]. Nguyên văn: “2. Member States shall not grant the benefits of this Directive to an arrangement or a series of arrangements which, having been put into place for the main purpose or one of the main purposes of obtaining a tax advantage that defeats the object or purpose of this Directive, are not genuine having regard to all relevant facts and circumstances”.
[9]. Directive 2011/96/EU, Article 1(2) “2. This Directive shall not preclude the application of domestic or agreement-based provisions required for the prevention of fraud or abuse”.
[10]. Loyens & Loeff N.V (2020), Interpretation and application of the general anti-abuse rule of the Parent-Subsidiary Directive, link truy cập: https://www.loyensloeff.com/globalassets/02.-publications-pdf/01.-internal/2020/interpretation-and-application-of-the-general-anti-abuse-rule-of-the-parent-subsidiary-directive.pdf.
[11]. European Parliamentary Research Service (2018), “An overview of shell companies in the European Union”, link truy cập: An overview of shell companies in the European Union|Think Tank|European Parliament (europa.eu).
[12]. Article 3 paragraph 6 (a) (i) of Directive (EU) 2015/849 on the prevention of the use of the financial system for the purposes of money laundering or terrorist financing defining beneficial owners as natural person(s) who ultimately own or control more than 25% plus one share or more than 25% of ownership.
[13]. Quyền truy cập vào sổ đăng ký thông tin về chủ sở hữu có quyền kiểm soát đáng kể đối với các quỹ tín thác sẽ yêu cầu chứng minh “lợi ích hợp pháp” như được định nghĩa trong luật quốc gia.
[14]. Chapter III of Directive (EU) 2015/849 on the prevention of the use of the financial system for the purposes of money laundering or terrorist financing.
[15]. Paragraph 25 of the Preamble of AML5.
[16]. Article 3(6) Anti-money Laundering (AMLD IV) - Directive (EU) 2015/849.