1. Vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội
Ở Việt Nam, Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhận thức rõ về vai trò quan trọng của phụ nữ trong phát triển và hội nhập quốc tế. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phụ nữ tham gia rất tích cực trong nhiều hoạt động. Trong thời kỳ hòa bình và xây dựng đất nước, phụ nữ giữ cương vị lãnh đạo ở mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật… Vai trò của phụ nữ hoàn toàn xứng đáng với tám chữ vàng mà Ðảng, Bác Hồ dành tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”[1]. Tiếp nối truyền thống đó, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực. Trên thực tế, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia các hoạt xã hội hơn cả nam giới và họ đã mạnh dạn ứng cử, xung phong làm những công việc mà từ trước đến nay chỉ dành cho nam giới. Trước yêu cầu ngày càng cao của thời kì mới, người phụ nữ đã, đang và sẽ thực hiện hài hòa việc nhà, việc nước để vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Thứ nhất, vai trò của phụ nữ trong gia đình
Trước hết, chúng ta phải thừa nhận vai trò hết sức quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình. Dù theo thời gian, những chuẩn mực về người phụ nữ có thay đổi thế nào thì họ vẫn là người “thắp lửa”, vẫn là người có tác động đặc biệt quan trọng đối với các thành viên trong gia đình. Bên cạnh vai trò làm mẹ, từ xưa đến nay người phụ nữ vẫn khẳng định vai trò và tỏa sáng nhất trong việc tề gia nội trợ. Không chỉ là người sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình, nâng giấc, chăm lo bữa ăn… cho các thành viên, người phụ nữ còn là hậu phương vững chắc, động viên, giúp đỡ chồng con vượt qua mọi khó khăn, áp lực trong cuộc sống, là bến đỗ bình an, là chỗ dựa tinh thần cho các thành viên sau những giờ học tập, làm việc vất vả. Không phải tự nhiên mà mọi người cho rằng, “đằng sau mỗi một người đàn ông thành đạt là người phụ nữ biết hy sinh”. Sự hy sinh của người phụ nữ cho gia đình trong xã hội nào cũng không gì có thể so sánh nổi. Để có một gia đình hạnh phúc với những đứa con chăm ngoan, học giỏi, người chồng thành đạt… là hình ảnh của người vợ tảo tần, đảm đang.
Hiện nay, những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại đã phần nào hỗ trợ người phụ nữ trong công việc nội trợ, giảm bớt sức lao động của người phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn là người làm chính công việc nhà, từ việc bếp núc tới việc dạy dỗ con cái, chăm lo đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình. Cộng với thời gian làm việc ngoài xã hội, quỹ thời gian dành cho việc hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, việc học tập nâng cao trình độ kiến thức của phụ nữ là rất hiếm hoi, thậm chí ở một số đối tượng phụ nữ như công nhân, buôn bán, quỹ thời gian này gần như không có. Để vượt qua những rào cản đó, đi tới thành công thì những người phụ nữ phải hết sức cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Trước yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, người phụ nữ đã và đang thực hiện hài hòa việc nhà, việc nước để vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa bảo toàn hạnh phúc gia đình. Vì cuộc sống hối hả, nền kinh tế bắt đầu ăn sâu vào mỗi cuộc sống gia đình, nếu như người phụ nữ không biết cách sắp xếp, sao nhãng dần những trách nhiệm vốn thuộc về mình như chăm sóc, nuôi dậy, giáo dục con cái, thì dần dần sẽ có khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Người phụ nữ hiện đại cần biết cách cân bằng trách nhiệm gia đình với việc tham gia các hoạt động kinh tế ngoài xã hội.
Người phụ nữ hôm nay có tri thức nhiều hơn, được độc lập về kinh tế nhiều hơn và đồng thời cũng biết cách tạo ảnh hưởng của bản thân đối với các thành viên trong gia đình rõ nét hơn. Hơn hết, người phụ nữ hiện đại cần biết tổ chức cuộc sống gia đình và biết gắn kết sợi dây tình cảm của các thành viên gia đình; là người biết lấy các giá trị bền vững của gia đình làm nền tảng để tiếp nhận những giá trị mới làm cho gia đình phát triển hơn và hạnh phúc hơn. Cũng chính nhờ phát huy tính năng động, sáng tạo mà người phụ nữ có thể làm tốt hơn những thiên chức của mình như nuôi dưỡng, giáo dục con cái, bảo tồn và trao truyền văn hóa cho thế hệ sau.
Bước sang xã hội hiện đại, chuẩn mực về người phụ nữ thời hiện đại có những thay đổi, chính sự thay đối ấy đã kéo theo sự ảnh hưởng của họ đối với gia đình. Người phụ nữ Việt Nam bắt đầu khẳng định mình, bắt đầu tiếp xúc với tri thức và đòi hỏi những quyền lợi ngang bằng với phái nam.
Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới đã khẳng định: “Phụ nữ có vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình, cần tạo điều kiện để phụ nữ kết hợp hài hoà giữa nghĩa vụ công dân và chức năng người mẹ trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Người phụ nữ hiện đại không chỉ đảm đang việc nhà mà còn cống hiến hết mình cho xã hội. Vì nhận thức của xã hội thay đổi vai trò của người phụ nữ trong giáo dục con cũng có những thay đổi lớn. Người mẹ cũng là người gần gũi con nhất, chăm sóc và hiểu con nhất, cũng là người có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành nhân cách của con từ khi còn bé. Vai trò người mẹ, người vợ ngày càng trở nên quan trọng, vì không chỉ là người chăm lo cho chồng con, mà người phụ nữ hiện đại đã trở thành người đóng góp thành công trong sự nghiệp của chồng trong công việc, là người bạn lớn luôn ở bên con để hướng dẫn, động viên kịp thời.
Thứ hai, vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển của xã hội
Bên cạnh vai trò hết sức quan trọng trong gia đình, người phụ nữ Việt Nam còn khẳng định vai trò của mình đối với sự phát triển của xã hội. Trong lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có đã có đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lịch sử lại ghi nhận rất nhiều tấm gương phụ nữ, các chị, các mẹ không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, lao động, hy sinh, cống hiến không chỉ cuộc đời mình mà cả con em cho độc lập tự do của Tổ quốc. Phụ nữ không chỉ chiến đấu anh hùng mà đã lao động cần cù, gian khó để vượt lên cảnh đói nghèo và lạc hậu, góp phần xây dựng đất nước ngày càng to đẹp và đàng hoàng hơn. Đảng, Bác Hồ phong tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ kháng chiến và “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” trong thời kỳ đổi mới đất nước. Đó không chỉ là sự khích lệ, động viên mà còn là sự thừa nhận vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam.
Phát huy truyền thống đó, trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Điều này được khẳng định rõ nét trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ở Việt Nam hiện nay, quyền cơ bản của phụ nữ được ghi nhận trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật (như: Bộ luật Dân sự, Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình...). Có thể nói, quyền của phụ nữ Việt Nam trong các bản Hiến pháp và các văn bản pháp luật đều thể hiện rõ hai yếu tố căn bản đó là “bình đẳng và ưu tiên”.
Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã có nhiều tấm gương phụ nữ Việt Nam đã thể hiện năng lực quản lý, bản lĩnh vượt khó trở thành người quản lý giỏi, chủ doanh nghiệp thành đạt, được Nhà nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý, được xã hội tôn vinh. Người phụ nữ trong xã hội ngày nay không chỉ “giỏi việc nước” mà còn “đảm việc nhà”. Trách nhiệm tăng lên gấp đôi thì chắc chắn niềm hạnh phúc sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Họ đã khẳng định vai trò của mình là người phụ nữ hiện đại, có tri thức, năng động và thành đạt.
2. Cơ hội và thách thức đối với phụ nữ trong xu thế hội nhập
Thời kỳ mới đặt ra những cơ hội và thách thức to lớn với phụ nữ Việt Nam. Ngày nay, trong thế giới của cách mạng khoa học, công nghệ và tiến bộ kỹ thuật đang mở ra gắn liền với tri thức và khả năng tư duy của con người. Con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển xã hội. Sự phát triển của xã hội hiện đại được biểu hiện qua quá trình thu hẹp dần các hoạt động tự phát sang các hoạt động tự giác của con người trong thực tiễn theo quy luật. Với tư cách là chủ thể của sự vận động và phát triển, con người ngày càng tiếp cận được một cách đúng đắn hơn các quy luật của thực tại khách quan.
Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã giúp cho phụ nữ Việt Nam được tự do lựa chọn nghề nghiệp, được sử dụng thành quả của khoa học kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là tin học, được nâng cao kiến thức, có kinh tế độc lập và được nâng cao địa vị trong gia đình và xã hội, được pháp luật bảo vệ, trong đó trực tiếp phải kể đến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Hiện nay, Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế xem là một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư với ưu điểm là nguồn lao động giá rẻ với đa số lao động trong độ tuổi dưới 40, trong đó phần lớn là lao động nữ. Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải không ngừng nâng cao chất lượng người lao động. Để đáp ứng yêu cầu này, bản thân người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng phải không ngừng nâng cao kỹ năng cơ bản và kỹ năng số thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Đây chính là chìa khoá để lao động Việt Nam nắm bắt được cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Khi nền kinh tế của chúng ta càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn. Nó phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường và khiến nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình. Nó có thể giảm nhẹ gánh nặng việc nhà cho phụ nữ, tạo cho họ nhiều thời gian nhàn rỗi hơn để tham gia vào các hoạt động khác. Đồng thời nó còn tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ trên thị trường lao động… Chính nhờ Đảng có sự lựa chọn đường lối đúng đắn cho sự phát triển của đất nước mà vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam không ngừng được nâng cao.
Tuy nhiên, để nâng cao vai trò của mình trong xã hội, phụ nữ còn gặp nhiều thách thức, cụ thể như:
Một là, sự cách biệt về vấn đề cống hiến và hưởng thụ giữa nam và nữ. Phần lớn phụ nữ của nhiều nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam), cường độ lao động, thời gian, hình thức lao động có sự chênh lệch lớn so với nam giới. Các cuộc điều tra xã hội học đã đưa ra những chỉ báo đáng chú ý rằng, phụ nữ đã lao động rất vất vả trên cả phương diện xã hội và gia đình. Ngoài xã hội, phụ nữ phải lao động giống như nam giới, còn trong gia đình, người phụ nữ phải đảm nhiệm nhiều chức năng như làm vợ, làm mẹ, chăm lo cho gia đình và nuôi dạy con cái... Những công việc này đã vắt kiệt sức lực và thời gian của phụ nữ khiến họ còn rất ít hoặc không có thời gian để nghỉ ngơi, cơ hội để học tập và hưởng thụ. Điều này làm cho sự cách biệt trình độ học vấn giữa nam và nữ ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn đối với phụ nữ; quyền an toàn của phụ nữ và trẻ em đang trở thành vấn đề đáng báo động khi các nguy cơ và hành vi bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái đã xâm hại thân thể, nhân phẩm, quyền lợi, tính mạng của phụ nữ và trẻ em gái nhưng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời và hiệu quả.
Hai là, nhiều nơi ở miền núi, nông thôn vẫn còn tình trạnh tảo hôn. Trẻ em gái ở một số cộng đồng người dân tộc thiểu số vẫn phải chịu cảnh “bắt vợ” theo hủ tục. Nhiều phụ nữ chỉ vì một sự “vi phạm” đối với những gì được coi là quy chuẩn trong gia đình và cộng đồng đã bị bắt nhốt, bị đánh đập, hành hạ, bị bêu xấu, sỉ nhục trước hàng xóm, cộng đồng, trong khi những quy chuẩn đó không thực sự phù hợp với chính sách, pháp luật. Tình hình trên đã gây rất nhiều khó khăn cho phụ nữ và cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em; khó cho việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, cho mục tiêu chung là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng nặng nhiều khung hình phạt với những hành vi phạm tội đối với phụ nữ và trẻ em.
Ba là, thách thức về vấn đề việc làm. Trên thực tế, phụ nữ khó tìm việc làm hơn nam giới, vì những lý do hạn chế về trình độ và sức khỏe. Bên cạnh đó, tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức nữ theo quy định hiện hành sớm hơn so với nam giới đã làm mất đi nhiều cơ hội đối với phụ nữ.
Bốn là, tính gia trưởng còn nặng nề trong xã hội thể hiện qua định kiến giới và cách ứng xử phân biệt. Khác với định kiến xã hội, định kiến giới là nhận định của mọi người về những gì mà phụ nữ và nam giới có khả năng và các loại hoạt động mà họ có thể làm, địa vị xã hội mà họ đang có với tư cách họ là nam hay nữ. Có nhiều biểu hiện khác nhau của định kiến giới, song phổ biến hơn cả là những quan niệm về đặc điểm, tính cách, khả năng của phụ nữ và nam giới. Ví dụ, nam giới thì mạnh mẽ, độc lập, quyết đoán, phụ nữ thì rụt rè, tình cảm, bị động. Nam giới thì giỏi về kỹ thuật hay sáng tạo, phụ nữ thì thiên về các hoạt động thừa hành và công việc tỉ mỉ[2].
Hiện nay, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục trong vấn đề bình đẳng giới, nhất là về mặt tư tưởng, quan điểm của con người trong xã hội, kể cả nam giới và nữ giới. Không chỉ có nam giới chưa nhận thức hoặc chưa thực sự chấp nhận vai trò, vị trí của phụ nữ, mà ngay chính bản thân nhiều phụ nữ cũng hiểu biết “mơ hồ” về vai trò của mình, dẫn đến chưa có cách giải quyết đúng đắn các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống có liên quan đến vai trò, vị trí về giới. Những phụ nữ đã và đang tham gia các công tác xây dựng xã hội và quản lý các doanh nghiệp đa số là những người sống và lớn lên ở những vùng có nền kinh tế - xã hội phát triển nên đã dần xóa bỏ khoảng cách và sự phân biệt giữa phụ nữ và nam giới, điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện tài năng và đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của xã hội. Còn phụ nữ ở nông thôn chỉ tập trung lao động và vun vén cho cuộc sống của mình. Ngoài ra, ở nhiều vùng còn tồn tại những quan điểm cổ hủ về bất bình đẳng giới “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, điều này hạn chế sự phát triển của phụ nữ, họ không tự tin để gánh vác công việc của xã hội hay phát triển kinh tế. Chính bản thân họ cũng như gia đình luôn quan niệm phụ nữ chỉ cần đảm bảo cuộc sống cho gia đình chứ không cần quan tâm nhiều tới công việc xã hội, một số bà mẹ còn khuyên con cái mình không nên học cao quá sau này khó xây dựng gia đình, họ chưa nắm và hiểu rõ được vai trò của người phụ nữ trong thời đại mới.
Trong xã hội hiện nay, vẫn còn nhiều hạn chế về sự bất bình đẳng giới, nhiều nhất là vấn đề bạo lực gia đình vẫn đang diễn ra trong nhiều gia đình Việt. Vẫn còn trình trạng người chồng trong gia đình còn cấm cản người vợ tham gia các hoạt động xã hội hay phát triển kinh tế, họ còn quan niệm người phụ nữ chỉ cần chăm lo công việc nội trợ trong gia đình.
3. Một số giải pháp nâng cao vai trò của phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở về vai trò và vị trí của người phụ nữ. Trong Di chúc của mình, Người viết: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”. Theo đó, trước yêu cầu của sự phát triển, để phát huy có hiệu quả vai trò quan trọng của phụ nữ, cần có sự vào cuộc của cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, cá nhân và đặc biệt là sự cố gắng không ngừng của bản thân người phụ nữ.
3.1. Về phía các cơ quan nhà nước
Thứ nhất, Nhà nước cần tiếp tục cải cách thể chế để tạo lập quyền và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới. Đồng thời, trên cơ sở những chính sách hiện có, cần nghiên cứu để ban hành chính sách đặc thù với phụ nữ và trẻ em gái để đạt tới bình đẳng giới thực chất chứ không phải hình thức. Theo đó, cần thay đổi phân công lao động theo giới để nam giới quan tâm làm việc nhà nhiều hơn, qua đó tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia công việc xã hội nhiều hơn, tạo cơ hội và khuyến khích phụ nữ học tập, đảm bảo phát triển bình đẳng cho cả nam và nữ. Đây chính là thực hiện bình đẳng giới thực chất, nghĩa là căn cứ vào khả năng giới tính của từng giới để sử dụng và tạo điều kiện cho họ cống hiến và hưởng thụ trên thành quả lao động của chính mình.
Thứ hai, Nhà nước cần xem xét, ban hành các văn bản hướng dẫn về bình đẳng giới bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện. Khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này, cần phân tích kỹ và đa chiều về các phương án, chính sách trong mối tương quan với những tác động, ảnh hưởng từ sự khác biệt về giới tính và những bất lợi về giới trên thực tế của phụ nữ trước khi quyết định ban hành để giảm nguy cơ tạo khoảng cách giới. Cùng với đó là tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và chính sách đã và đang gây bất lợi đối với phụ nữ trong các lĩnh vực; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật, tăng các chính sách bù đắp dành riêng cho phụ nữ theo từng nhóm. Cụ thể, đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức cần có các chính sách, quy định pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại, quy hoạch, bổ nhiệm, các vấn đề an sinh xã hội hỗ trợ hài hòa công việc xã hội, gia đình và tuổi lao động.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả việc tổ chức thi hành pháp luật nhằm bảo đảm các quy định của pháp luật về bình đẳng giới được thực thi có hiệu quả trong thực tiễn; quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.
Thứ tư, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật vấn đề về giới, bình đẳng giới đến mọi đối tượng trong xã hội.
Thứ năm, mở rộng các quan hệ hợp tác giao lưu quốc tế phù hợp với xu hướng thời đại. Qua đó vừa chia sẻ, trao đổi được kinh nghiệm của các quốc gia khác trong việc giải quyết các vấn đề về giới, đồng thời mở ra nhiều cơ hội học tập, làm việc cho phụ nữ; tạo điều kiện trao đổi cởi mở các ý tưởng với phụ nữ, nâng cao tính minh bạch trong hoạch định chính sách.
3.2. Về phía gia đình và xã hội
Để phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ đối với sự phát triển của xã hội, bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của chính bản thân, chị em phụ nữ rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và xã hội. Vì vậy, một mặt, mỗi người phụ nữ cần tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực công tác để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. Mặt khác, các thành viên trong gia đình và xã hội cần tạo điều kiện để phụ nữ có thời gian học tập, tham gia các hoạt động xã hội, có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe để vừa thực hiện tốt vai trò của mình trong gia đình vừa đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội; từng bước nâng cao vị thế của bản thân cũng như xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
Các cấp Hội liên hiệp Phụ nữ cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao ý thức tự học, tự trang bị kiến thức mọi mặt; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Cần tăng cường mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức xã hội trong nước và nước ngoài để huy động nguồn lực, xây dựng, nhân rộng mô hình làm kinh tế giỏi; đẩy mạnh công tác dạy nghề, đặc biệt chú ý tới đối tượng phụ nữ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số... nhằm thu hẹp dần khoảng cách về cơ hội. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để phục vụ công tác chỉ đạo, tham mưu, đề xuất chính sách, giám sát, phản biện xã hội. Các hoạt động của hội phụ nữ phải hướng vào phát huy nội lực của phụ nữ; xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, tự tin, có ý thức công dân và ý thức tuân thủ pháp luật. Hội liên hiệp Phụ nữ cần xây dựng tổ chức hội vững mạnh, làm tốt công tác cầu nối giữa hội viên, phụ nữ với Đảng, Nhà nước.
Ngoài ra, doanh nghiệp và các tổ chức khác cần thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, chương trình tuyên truyền về vai trò và trách nhiệm của người phụ nữ trong thời đại mới, giúp mọi người hiểu rõ được tầm quan trọng và nâng cao sự tự tin để phụ nữ cống hiến cho xã hội; tổ chức các giải thưởng, khen thưởng hằng năm cho những phụ nữ ưu tú trong thực hiện công tác xã hội, phát triển kinh tế… Việc tuyên dương sẽ góp phần to lớn cổ vũ tinh thần, sự tự tin của người phụ nữ trong toàn thể xã hội, giúp phụ nữ dám nghĩ, dám làm và thấy được vai trò của mình đủ sức gánh vác và thực hiện tốt những công việc như nam giới.
Doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ được tiếp cận các thành tựu khoa học cũng như sự thay đổi trong thời kỳ mới; thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và giúp đỡ phụ nữ học tập, công tác và tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa.
3.3. Về phía cá nhân người phụ nữ
Để tiếp tục phát huy, nâng cao và khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội, bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của gia đình và xã hội, bản thân mỗi người phụ nữ cần:
Thứ nhất, luôn tin tưởng và chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng về mọi mặt, đặc biệt là hiểu biết sâu hơn và làm chủ khoa học công nghệ để có thể nắm bắt và biết vận dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống. Người phụ nữ trong thời đại mới - thời đại kinh tế tri thức càng phải biết vượt lên chính mình để có cơ hội học tập, nâng cao kiến thức, năng lực bản thân để cùng với nhân dân cả nước đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Thứ ba, phụ nữ cần vượt qua định kiến về giới, tích cực, chủ động, dám nghĩ, dám làm, có ý thức trách nhiệm và biết khắc phục khó khăn, biết chớp thời cơ để thực hiện tốt công việc được giao một cách tốt nhất. Người phụ nữ năng động phải biết khắc phục lối sống thụ động, trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm, tự ti, mặc cảm, phải thể hiện là người nhanh nhẹn, tháo vát, luôn đặt ra cho mình mục tiêu phấn đấu vươn lên. Bên cạnh việc tích luỹ thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình, chị em cũng cần biết làm chủ bản thân trước những áp lực và thách thức của cuộc sống, của nền kinh tế thời hội nhập, tranh thủ mọi cơ hội và tạo lập được các mối quan hệ xã hội.
Thứ tư, phụ nữ cần có ý thức rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe, tổ chức cuộc sống khoa học để tránh những áp lực, căng thẳng trong công việc, trong gia đình. Ngoài ra, cần cập nhật thông tin, làm giàu thêm kiến thức về văn hoá, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, không nên quên rằng, trong mọi thời đại, sức khỏe và vẻ đẹp luôn là những thành tố quan trọng làm nên giá trị của mỗi con người. Những yếu tố đó sẽ tạo nên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam năng động, tự tin trong thời kỳ hội nhập, đồng thời vẫn giữ được bản sắc, nét đẹp truyền thống.
Mỗi thời kỳ có những cơ hội và yêu cầu mang tính lịch sử riêng, để có thể khẳng định và phát huy vai trò của mình, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ phía khách quan, bản thân người phụ nữ hiện đại cần nỗ lực nhiều mặt để trở thành người phụ nữ có tri thức, văn hoá; có ý thức cầu tiến, độc lập; sống có mục đích; có khả năng giao kết thân thiện; có kỹ năng sống, tự tin, sáng tạo, biết hoạch định kế hoạch, biết đối mặt với áp lực, biết chăm sóc bản thân… để có cơ hội cống hiến ngày càng nhiều cho xã hội, tạo vị thế cho bản thân.
Ảnh: Internet