Trong các quyền chính đáng của con người thì quyền kết hôn đối với người đồng tính là quyền có tính đặc thù nhất và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tình cảm của người đồng tính. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, quyền kết hôn của người đồng tính chưa được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, người đồng tính gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do vấp phải rào cản định kiến xã hội. Việc xã hội và pháp luật không thừa nhận quyền kết hôn của người đồng tính đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện quyền con người của người đồng tính.
1. Bối cảnh chung
LGBT là tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (lesbian), đồng tính luyến ái nam (gay), song tính luyến ái (bisexual) và chuyển giới (transgender). LGBT thể hiện sự đa dạng của các nền văn hóa nhân loại dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. Xu hướng tính dục của con người được chia thành ba loại chủ yếu là dị tính luyến ái, đồng tính luyến ái và song tính luyến ái, còn theo bản dạng giới thì phân thành người chuyển giới và người không chuyển giới[1]. LGBT được coi là cộng đồng những người thuộc các xu hướng tính dục và bản dạng giới thiểu số trong xã hội[2].
Cùng với sự phát triển của khoa học cũng như các cuộc đấu tranh không ngừng của cộng đồng LGBT trên thế giới nhằm bảo vệ quyền chính đáng của mình, vào năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đã chính thức đưa đồng tính luyến ái (sau đây gọi tắt là đồng tính) ra khỏi danh sách các bệnh rối loạn tâm thần, từ đó, nhiều quốc gia khác đã đưa ra các quy định cấm kỳ thị, phân biệt đối xử người đồng tính trong công việc, cư trú và dịch vụ. Tiếp đó, ngày 17/5/1990, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức loại đồng tính ra khỏi danh sách các căn bệnh[3]. Xu hướng tính dục là vấn đề tự nhiên của con người, không phải là đua đòi, chơi bời, hư hỏng hoặc trào lưu, phong trào có khả năng lây lan như một số người quan niệm. Những người thuộc cộng đồng LGBT là những người nam giới hoặc nữ giới giống như những người dị tính khác trong xã hội và chỉ có điểm khác biệt duy nhất là xu hướng tình dục. Mặc dù WHO đã đưa đồng tính ra khỏi danh sách các căn bệnh, tuy nhiên, từ đó cho đến nay, cộng đồng LGBT vẫn bị kì thị, bị phân biệt đối xử và phải chịu nhiều bất công, thiệt thòi ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong các quyền chính đáng của con người thì quyền kết hôn đối với người đồng tính là quyền có tính đặc thù nhất và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tình cảm của người đồng tính. ở nhiều quốc gia trên thế giới, quyền kết hôn của người đồng tính chưa được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, người đồng tính gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do vấp phải rào cản định kiến xã hội. Việc xã hội và pháp luật không thừa nhận quyền kết hôn của người đồng tính đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện quyền con người của người đồng tính.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã công nhận về pháp lý như “kết hợp dân sự” hoặc “chung sống có đăng ký” của cặp đôi đồng giới. Hình thức này về bản chất là chung sống như vợ chồng có đăng ký chính thức cho các cặp đôi cùng giới - một hình thức tương tự hôn nhân đồng giới. Các quốc gia công nhận hình thức này như: Andorra, áo, Chi Lê, Monaco, Hy Lạp, Italia, Cộng hòa Séc, Ecuador, Hungary, Mexico, Isle of Man, Jersey, Liechtenstein, New Zealand, Estonia, Slovenia, Thụy Sỹ, Croatia, đảo Síp, San Marino, Cayman Islands, Aruba, Tlaxcala… Về bản chất, “kết hợp dân sự”, “chung sống có đăng ký” của cặp đôi đồng giới tương tự như hôn nhân đồng giới về các quyền và nghĩa vụ pháp lý.
2. Pháp luật Việt Nam nên công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính (hôn nhân đồng giới)
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Việt Nam hiện đang có khoảng 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới ở độ tuổi 15 – 59[4]. Nhu cầu muốn kết hôn của người đồng tính chiếm tỉ lệ khá cao. Theo kết quả khảo sát thực hiện tại Việt Nam năm 2012 đối với cả người đồng tính nam và nữ, có tới 71% người được hỏi mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn, 25% muốn được sống chung có đăng ký và chỉ có 4% muốn được sống chung không đăng ký[5].
Tác giả cho rằng, người đồng tính (cũng như các thành viên khác thuộc cộng đồng LGBT) đều là những người yếu thế trong xã hội tương tự như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật… Do vậy, họ cần được pháp luật bảo vệ và ghi nhận các quyền chính đáng của con người trong đó có quyền kết hôn - đang là xu thế tiến bộ mang tính toàn cầu hiện nay. Quyền kết hôn của người đồng tính, dù không phải là quyền duy nhất, nhưng lại mang tính đặc thù nhất và được quan tâm nhất vì bản chất của mối quan hệ đồng tính là việc hai người cùng giới yêu thương nhau, nên từ đó phát sinh nhu cầu chung sống, mong muốn cùng nhau gánh vác công việc gia đình và xã hội; mong muốn được pháp luật thừa nhận và bảo vệ việc chung sống đó. Vì lẽ đó, tác giả ủng hộ quan điểm cần công nhận hôn nhân đồng giới bởi các lý do sau:
Về góc độ xã hội, việc công nhận hôn nhân đồng giới không gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội
Thứ nhất, việc công nhận hôn nhân đồng giới không ảnh hưởng đến suy giảm tỷ lệ dân số của quốc gia bởi số lượng người đồng tính và tỷ lệ kết hôn của họ chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với tổng dân số và số lượng kết hôn khác giới. Ví dụ: Điều tra quốc gia năm 2011 ở Hà Lan đã chỉ ra có 2,8% là người đồng tính nam, 1,4% nữ là đồng tính nữ và khoảng một phần ba trong số này đăng ký sống chung hoặc kết hôn[6]. Như vậy, số lượng người đồng tính và tỷ lệ kết hôn của họ chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng dân số và số lượng kết hôn khác giới. Mặt khác, những cặp kết hôn đồng tính vẫn có thể có con bằng nhiều biện pháp khác nhau như biện pháp hỗ trợ sinh sản, quan hệ tình dục khác giới.
Thứ hai, các cặp đồng tính vẫn có thể đảm đương được chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc con cái tốt như các cặp vợ chồng dị tính, đứa trẻ lớn lên cùng cặp bố mẹ đồng giới không bị ảnh hưởng về tính cách. Thực tế cho thấy, nhiều cặp vợ chồng đồng tính rất có trách nhiệm và có kiến thức trong việc nuôi dưỡng con cái. Hội nhi khoa Hoa Kỳ (The American Academy of Pediatrics) đã kết luận, không có bằng chứng chỉ ra bất kỳ nguy cơ nào cho sự phát triển của trẻ khi trẻ được nuôi dưỡng trong các gia đình có bố mẹ đồng tính[7]. Trường hợp Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin là minh chứng điển hình cho đánh giá đúng đắn của kết luận trên. Bà Sanna Marin đã trở thành vị nữ thủ tướng trẻ nhất thế giới khi mới 34 tuổi, người được nuôi dạy bởi người mẹ đồng tính và người bạn đời cũng là người đồng tính nữ[8].
Thứ ba, thực tế đã chứng minh việc kết hôn giữa những người cùng giới tính không ảnh hưởng xấu đến hôn nhân truyền thống, hay phá vỡ phong tục, văn hóa truyền thống. Ví dụ: Tại các nước châu Âu cho phép kết hôn đồng giới, số trường hợp đăng ký kết hôn đồng giới chiếm khoảng 2 - 3% và ổn định trong tổng số các trường hợp đăng ký kết hôn gần 10 năm qua. Tỷ lệ ly hôn của các cặp dị tính ở các nước này từ khi cho phép hôn nhân đồng giới hầu như không thay đổi[9]. Mặt khác, trong cuộc sống hôn nhân của hai người đồng giới, quan hệ vợ chồng khá bình đẳng, trong khi điều này không phải luôn hiện hữu trong các cặp vợ chồng dị tính, nhất là ở khu vực châu á, khi mà “chủ nghĩa gia trưởng” vẫn còn ảnh hưởng nặng nề; điều này thực chất cũng có tác động tích cực nhất định đối với xã hội.
Ngoài ra, việc công nhận hôn nhân đồng giới có thể mang lại hiệu ứng tích cực cho xã hội, cụ thể như:
- Đối với những người đồng tính: Việc pháp luật cho phép người đồng tính có quyền kết hôn sẽ mang lại cho thành viên thuộc cộng đồng LGBT có cảm giác an toàn, bình đẳng và tự tin về mọi khía cạnh của cuộc sống, các cá nhân không còn mặc cảm về bản thân, từ đó cảm nhận về mối quan hệ hôn nhân đồng giới là hiện thực, không phải là tạm bợ, được pháp luật bảo vệ, từ đó họ sống có trách nhiệm hơn, nỗ lực đầu tư hơn cho cuộc sống chung và do đó làm tăng chất lượng mối quan hệ giữa hai cá thể trong xã hội, tăng chất lượng cuộc sống của họ. Ngược lại, nếu không công nhận quyền kết hôn của người đồng tính thì sẽ khiến các cặp đôi cùng giới gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là họ không thể đại diện cho nhau với tư cách là vợ chồng trong các quan hệ dân sự để thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý tương ứng trong khi đối với các cặp vợ chồng dị tính, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ này lại không gặp phải rào cản nào từ pháp luật. Ví dụ: Khi một bên bị tai nạn hoặc bệnh nặng cần phẫu thuật, thì bên kia không thể đại diện với danh nghĩa vợ hoặc chồng để ký vào bản cam kết đồng ý phẫu thuật… Mặt khác, việc pháp luật công nhận hôn nhân đồng giới sẽ đảm bảo về mặt pháp lý các cá nhân thực hiện trách nhiệm chia sẻ, đóng góp trong việc nuôi dưỡng con cái (nếu có).
- Với người thân của người đồng tính:
(i) Đối với cha mẹ của người đồng tính: Do định kiến nặng nề từ xã hội đối với người đồng tính, nên nhiều cặp cha mẹ khi biết con cái đồng tính đã sợ hãi, xấu hổ nên đánh đập, ngược đãi rất hà khắc với con hoặc ép buộc con kết hôn với người dị tính để mong con cái phải chối bỏ, che giấu giới tính thật của mình. Nhiều trường hợp do bị dồn ép, chửi bới, nhục mạ quá nhiều, hoặc bị đánh đập tàn nhẫn, người đồng tính đã phải bỏ nhà ra đi, sống lang thang, lao vào con đường phạm tội hoặc thậm chí tự tử. Vì vậy, nếu pháp luật công nhận hôn nhân đồng giới thì cha mẹ họ sẽ có được sự giải tỏa tâm lý khi biết con mình có cơ hội tiến tới hôn nhân hợp pháp và được ghi nhận bình đẳng về quyền kết hôn như những người dị tính khác trong xã hội; họ sẽ không còn tâm lý giấu giếm, xấu hổ, né tránh và không gây áp lực căng thẳng cho con cái. Từ đó, giúp cho quan hệ giữa cha mẹ và con cái được cải thiện hơn, gắn kết với nhau hơn.
(ii) Đối với con cái của những cặp đôi đồng tính: Các nghiên cứu về gia đình trong thời gian gần đây ở các nước và vùng lãnh thổ đã chỉ ra rằng, sự phát triển và hạnh phúc của con trẻ phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa con trẻ và người lớn, sự cởi mở, trao đổi giữa những người trong gia đình và con trẻ, sức khỏe tâm trí, kiến thức nuôi dạy con cái, sự hòa hợp và hợp tác của những người lớn trong gia đình mà không phụ thuộc vào cấu trúc gia đình có bố mẹ là khác giới hay bố mẹ là cùng giới[10]. Do vậy, việc đứa trẻ được nuôi dạy bởi cặp cha mẹ đồng tính sẽ không ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành, phát triển nhân cách con cái. Nếu đứa trẻ sống trong gia đình có bố mẹ đồng tính mà được pháp luật công nhận là hôn nhân hợp pháp, đứa trẻ sẽ tự tin hơn, sống không có mặc cảm đối với bạn bè.
(iii) Đối với các thành viên khác trong xã hội: Pháp luật công nhận quyền kết hôn của người đồng tính, họ sẽ tôn trọng người đồng tính hơn, đối xử bình đẳng hơn với người đồng tính; từ đó, xã hội sẽ giảm bớt hành vi kì thị, phân biệt đối xử đối với người đồng tính. Đồng thời, đối với người có tư tưởng bảo thủ, cực đoan, họ cũng sẽ dần dần thay đổi nhận thức, hạn chế dần sự miệt thị hoặc ngăn cản hôn nhân đồng giới. Tất cả những điều này đều góp phần bảo vệ quyền con người được tốt hơn.
Về góc độ luật pháp, các chuẩn mực quốc tế về quyền con người luôn nhấn mạnh tới việc cấm phân biệt đối xử đối với con người cũng như đảm bảo quyền bình đẳng đối với con người. Cụ thể:
Điều 1 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 (UDHR) đã khẳng định nguyên tắc cấm phân biệt đối xử: Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền…; Điều 2 UDHR quy định mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do... mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay bất cứ thân trạng nào khác. Trong Bình luận chung số 20, đoạn 32, ủy ban về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội của Liên Hợp Quốc đã khẳng định rằng sự đảm bảo không phân biệt đối xử trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 (ICESCR) đã bao gồm xu hướng tính dục.
Bên cạnh việc không cho phép phân biệt đối xử đối với con người, UDHR cũng đảm bảo quyền bình đẳng của các cá nhân trong xã hội. Điều 7 UDHR quy định mọi người đều có quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) tái khẳng định nguyên tắc bình đẳng nêu trên tại Điều 26, đồng thời nêu rõ: Về mặt này, pháp luật phải nghiêm cấm mọi sự phân biệt đối xử và đảm bảo cho mọi người sự bảo hộ bình đẳng và có hiệu quả chống lại những phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác. Như vậy, các quy định nói trên của chuẩn mực quốc tế đã không cho phép phân biệt đối xử đối với con người nói chung trong đó có các thành viên thuộc cộng đồng LGBT. Các cá nhân với xu hướng tình dục và bản dạng giới khác nhau đều bình đẳng và có tư cách là một con người trước pháp luật, có đầy đủ các quyền của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có quyền kết hôn.
Cùng với các chuẩn mực quốc tế bảo vệ về quyền con người, cộng đồng quốc tế đã có những hành động tích cực nhằm bảo vệ quyền chính đáng của các cá nhân thuộc cộng đồng LGBT. Kể từ ngày 26/6/2014, Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận hôn nhân đồng giới của các nhân viên thuộc tổ chức này trên toàn thế giới. Theo đó, Liên Hợp Quốc đã công nhận các mối quan hệ đồng giới bao gồm “hôn nhân đồng giới” hoặc “kết hợp dân sự” hoặc “chung sống có đăng ký” của các nhân viên thuộc tổ chức này trên toàn cầu. Trong giai đoạn này, cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng đưa ra tuyên bố: Quyền con người là sứ mệnh cốt lõi của Liên Hợp Quốc. Tôi rất tự hào khi đứng lên vì sự bình đẳng của tất cả nhân viên và tôi cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc hãy đoàn kết lại để loại trừ hội chứng kỳ thị đồng tính và những sự phân biệt đối xử mà chắc chắn nó không thể được chấp nhận tại nơi đây[11].
Ở nước ta hiện nay, tại khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”, không có quy định nào trực tiếp quy định về việc cấm đoán người đồng tính chung sống, kết hôn. Như vậy, pháp luật hiện hành ở nước ta không cấm nhưng cũng chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc về việc công nhận quyền kết hôn (hoặc chung sống có đăng ký) của người đồng tính. Điều này không chỉ mang lại những tác động xã hội tích cực mà còn phù hợp với chuẩn mực quốc tế, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đối với người đồng tính, bảo đảm tốt hơn vấn đề quyền con người trong xã hội.
Học viện Tòa án
[1]. Xem: Alwin Blask, sách “Gay, Lesbian and Bisexual in Society”, Green House Publishing, 1993, tr. 7.
[2]. Xem bài viết “Fact Sheet: Gay and Lesbian Issues – Discrimination” tại nguồn: http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/Gay_and_lesbian_issues_discrimination.
[3]. Nhân sự kiện này, cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) trên thế giới đã chọn ngày 17/5 làm Ngày quốc tế chống kì thị người đồng tính và chuyển giới - IDAHOT (International Day Against Homophobia & Transphobia).
[4]. Xem bài viết “Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người đồng tính” tại nguồn: https://vov.vn/doi-song/viet-nam-co-khoang-16-trieu-nguoi-dong-tinh-261382.vov.
[5]. Xem Trương Hồng Quang, Quyền kết hôn của người đồng tính, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 04, tháng 2/2014.
[6]. Xem Duncan, C, The tenth anniversary of Dutch same-sex marriage: How is marriage doing in the Netherlands? 2011, Institute for Marriage and Public Policy.
[7]. Xem Tasker, F., Same-sex parenting and child development: Review the contribution of parental gender,Journal of Marriage and Family, 2010. (72), p. 35-40; Fitzgerald, B., Children of lesbian and gay parents: A review of the literature, Marriage and Family Review, 1999. (29), p. 57-75.
[8]. Xem bài viết “Nữ thủ tướng trẻ nhất thế giới đi lên từ nghèo khó”, tại nguồn https://vnexpress.net/the-gioi/nu-thu-tuong-tre-nhat-the-gioi-di-len-tu-ngheo-kho-4024520.html.
[9]. Chamie, J. and B. Mirkin., “Same-Sex Marriage: A New Social Phenomenon”, Population and Development Review, 2011. 37(3), p. 529-551.
[10]. Xem Fitzgerald, Children of lesbian and gay parents: A review of the literature, Marriage and Family Review, 1999. (29), p. 57-75; hoặc xem Chan, R.W., B. Raboy, and C.J. Patterson, Psychosocial adjustment among children conceived via donor insemination by lesbian and heterosexual mothers, Child Development, 1998. (69), p. 443-457.
[11]. Xem bài “United Nations to recognize all same-sex marriages of staff” tại nguồn: https://www.reuters.com/article/us-un-gaymarriage/united-nations-to-recognize-all-same-sex-marriages-of-staff-idUSKBN0FC1VU20140707.