1. Thực hiện bình đẳng giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Trợ giúp pháp lý là một trong những công việc để thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, Nhà nước giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế khác hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, qua đó, góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống, cải thiện sinh kế.
Triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 với nhiều giải pháp đột phá, đến nay, về cơ bản, nguồn lực của các Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) đã dành nhiều cho việc thực hiện các vụ việc cụ thể, giải quyết vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Chất lượng dịch vụ TGPL đã có nhiều cải thiện. Nhiều vụ việc có người thực hiện TGPL tham gia tố tụng đạt hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, thậm chí, có những vụ việc được tuyên trắng án, qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Về kết quả thực hiện bình đẳng giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý:
Công tác thông tin, truyền thông: Để chính sách, pháp luật về bình đẳng giới được triển khai, đi vào cuộc sống và trở thành công cụ đắc lực trong việc tiến tới mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới một cách thực chất trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong kế hoạch công tác hàng năm, các tổ chức thực hiện TGPL bảo đảm bố trí thời lượng thích hợp cho các nội dung pháp luật về bình đẳng giới trong quá trình thông tin, truyền thông cho người dân về TGPL và các quy định của pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Nội dung truyền thông phong phú với hình thức và đối tượng đa dạng, thiết thực, bảo đảm thông tin được cả hai giới tiếp nhận. Ở địa phương, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, các Trung tâm TGPL đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng, các đoàn thể chính trị, xã hội đã lồng ghép vấn đề giới, bình đẳng giới vào các hoạt động nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Các Trung tâm TGPL có nhiều hình thức truyền thông theo chủ đề về bình đẳng giới phù hợp với từng địa phương như xây dựng tờ gấp pháp luật... về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục… (Sơn La, Cao Bằng, Bình Dương, Bến Tre, Kiên Giang, Hà Giang). Người thực hiện TGPL khi thực hiện TGPL trong các vụ việc bạo lực trên cơ sở giới đã kịp thời cung cấp địa chỉ, thông tin về sự hỗ trợ cần thiết từ các cơ quan liên quan, bao gồm cơ quan công an, chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể và các dịch vụ hỗ trợ khác như y tế, sức khỏe, kinh tế, tư vấn và các dịch vụ xã hội khác cho người được TGPL khi cần thiết.
Công tác phối hợp: Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Sở Tư pháp hằng năm chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn, xây dựng ký kết chương trình phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan để tập huấn về tư vấn pháp luật, về hòa giải vụ việc và triển khai các hoạt động bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động TGPL; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Đài phát thanh, truyền hình, báo chí thông tin về hoạt động TGPL, nội dung thông tin không chỉ chú trọng tới phụ nữ, mà còn đề cập đến các biện pháp khắc phục nguyên nhân sâu xa của sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng khác nhau của họ thông qua các hình thức TGPL để bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động TGPL, góp phần ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ bất bình đẳng giới trong xã hội (Hải Dương, Quảng Ninh, Sơn La, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Nai, Lạng Sơn, Quảng Nam, Tiền Giang, Bến Tre).
Tại các địa phương, Trung tâm TGPL đã phối hợp với Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, các câu lạc bộ pháp luật tại địa phương để có những đánh giá, rút kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp thực hiện TGPL cho phụ nữ.
2. Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp là phụ nữ và một số hạn chế, bất cập
Trung bình hàng năm, các tổ chức thực hiện TGPL thực hiện được trên dưới 100.000 vụ việc, 30 - 40% số vụ việc là những vụ việc tham gia tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính). Nhìn chung, số lượng vụ việc TGPL cho phụ nữ hàng năm chiếm khoảng gần 50% số vụ việc được các Trung tâm TGPL thực hiện (trong đó bao gồm cả nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán...), hầu hết các vụ việc đã giúp chị em là người được TGPL bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật quy định. Qua công tác quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về chất lượng vụ việc TGPL cho thấy, đến nay, chưa có vụ việc nào có khiếu nại, tố cáo hoặc phản ánh, kiến nghị về chất lượng vụ việc hoặc có yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đặc biệt, các vụ việc tham gia tố tụng đều được các Trung tâm phân công các trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là luật sư có nhiều kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý phụ nữ để thực hiện việc TGPL. Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp số 14/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 10/01/2013 về việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2013 - 2017; Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 05/01/2018 thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018 - 2022. Nhiều Trung tâm TGPL còn có chương trình phối hợp với Hội Phụ nữ của tỉnh để đẩy mạnh thực hiện TGPL cho phụ nữ trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về TGPL, về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nói chung, phụ nữ là nạn nhân của sự bất bình đẳng giới, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán… Tuy nhiên, hoạt động TGPL tại phiên tòa, vẫn còn gặp phải một số hạn chế về bình đẳng giới như sau:
- Nhận thức về chính sách bảo đảm bình đẳng giới trong TGPL của một bộ phận cán bộ và người được TGPL còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của bình đẳng giới trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân và thực hiện an sinh xã hội. Một số chính quyền địa phương chưa thực sự coi là một nhiệm vụ quản lý nhà nước cần phải thực hiện; chưa động viên được các đối tượng là nữ giới cung cấp các thông tin về việc bị bạo lực, bị xâm hại tình dục… để được TGPL.
- Công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá còn chưa được chú trọng, có lúc có nơi còn hình thức, chưa xác định được tầm quan trọng của công tác này và là cơ sở để đúc rút kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp, xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả hơn cho giai đoạn tiếp theo. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện còn chưa thường xuyên, chưa liên tục. Do vậy, công tác quản lý nhà nước về TGPL chưa đáp ứng yêu cầu.
- Nhiều địa phương do phong tục, tập quán, định kiến xã hội, đặc biệt là vấn đề kỳ thị và hòa nhập xã hội của những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ; những nhóm phụ nữ này không dám tiếp cận với TGPL như mặc cảm thân phận, chưa cố gắng vượt qua hoàn cảnh; các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thường gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, cán bộ TGPL lại không biết tiếng dân tộc nên phụ nữ người dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc tiếp cận với TGPL. Bản thân người phụ nữ chưa nhận thức được quyền bình đẳng của họ trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Phụ nữ trong gia đình còn lệ thuộc vào kinh tế, tư tưởng cam chịu không dám mạnh dạn tự bảo vệ mình hoặc nhờ chính quyền, đoàn thể bảo vệ mình. Bên cạnh đó, nhận thức của nam giới trong gia đình và ngoài xã hội còn bị ảnh hưởng nhiều của tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ; nhiều cán bộ nữ chưa thật sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, chưa tạo được niềm tin cho lãnh đạo trong việc cân nhắc giao phó trọng trách.
- Tại một số địa phương, việc củng cố, kiện toàn tổ chức thực hiện TGPL còn chưa bảo đảm cân bằng giới; số lượng trợ giúp viên pháp lý có kiến thức, kinh nghiệm về giới còn thiếu so với nhu cầu, thiếu nguồn cán bộ đủ kinh nghiệm về giới để tuyển dụng; đội ngũ cộng tác viên TGPL còn hạn chế về kỹ năng và kinh nghiệm thực hiện TGPL trong các vụ việc liên quan đến bình đẳng giới, ảnh hưởng đến chất lượng vụ việc TGPL nên việc thực hiện TGPL trong các vụ việc liên quan đến bình đẳng giới chưa có sức lan tỏa.
- Hoạt động triển khai lồng ghép giới tại các địa phương về cơ bản vẫn còn mới, mang tính thí điểm, còn phụ thuộc vào khả năng vận dụng và tính trách nhiệm của từng địa phương. Mặc dù đã xây dựng hướng dẫn lồng ghép giới, nhưng nhiều địa phương vẫn còn lúng túng, chưa chủ động tìm hiểu, nghiên cứu thực hiện cho hiệu quả tại địa phương mình. Nhiều Trung tâm TGPL vẫn chưa triển khai khảo sát nhu cầu TGPL của phụ nữ nên chưa có kế hoạch thực hiện cho phù hợp, sát với thực tế nhu cầu ở địa phương.
- Một số Trung tâm TGPL đến nay chưa bố trí được địa điểm tiếp riêng cho những nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục tiếp cận. Việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, nhất là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình và trẻ em bị bạo lực giới, phân biệt đối xử theo quy trình chung áp dụng cho tất cả các diện người được TGPL mà không có quy định riêng về quy trình thực hiện TGPL cho đối tượng này nên trên thực tế, các tổ chức và người thực hiện TGPL lưu ý các yếu tố đặc thù của nạn nhân như sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em và phụ nữ, sức khỏe, tâm lý, tuổi tác, nhạy cảm giới, hoàn cảnh gia đình… để có những cách thức, kỹ năng tiếp xúc, làm việc phù hợp, tinh tế và linh hoạt trong những trường hợp nạn nhân bị bạo lực gia đình, trẻ em bị bạo lực giới, phân biệt đối xử. Tuy nhiên, do tổ chức TGPL là tổ chức của Nhà nước, tâm lý người dân còn e dè khi tiếp cận nên việc áp dụng quy trình chung để TGPL cho những đối tượng nhạy cảm cao (nạn nhân bạo lực gia đình, trẻ em gái bị xâm hại tình dục...) sẽ gây tâm lý e ngại cho chính họ dẫn đến hiệu quả TGPL không cao.
3. Một số kiến nghị nhằm bảo đảm quyền bình đẳng giới trong hoạt động tố tụng
Một là, về công tác quản lý nhà nước
- Xây dựng mô hình thí điểm trong việc triển khai thực hiện bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ ở một số địa phương để tiến hành nhân rộng; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL, tập huấn chuyên sâu các chuyên đề về chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ người thực hiện TGPL.
- Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm về Luật Bình đẳng giới và vận động nguồn lực hỗ trợ thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa Ngành Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ từ Trung ương đến địa phương trong công tác bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động TGPL; thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Đài Phát thanh, truyền hình, cơ quan báo chí, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan đoàn thể như Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân thông tin về hoạt động TGPL và các cơ quan tiến hành tố tụng.
- Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền phụ nữ; đấu tranh phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình; thông tin và phổ biến một cách kịp thời những thủ đoạn của bọn tội phạm buôn người, nguy cơ trở thành nạn nhân của tội buôn bán người và hậu quả do hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình gây ra, từ đó, nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ tự bảo vệ mình; xây dựng nội dung tuyên truyền phong phú, hình thức và đối tượng đa dạng.
Hai là, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ người được trợ giúp pháp lý
- Tạo điều kiện cho người được TGPL tiếp cận và thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật mà không bị phân biệt đối xử về giới như: Phòng tiếp riêng; không tạo áp lực hoặc sử dụng điểm yếu về giới tính của người được TGPL để buộc họ phải quyết định ngay lập tức hướng giải quyết vụ việc; lựa chọn thời gian, phương thức TGPL phù hợp với đặc điểm giới tính, tâm lý, phong tục tập quán của địa phương để nam và nữ được tiếp cận bình đẳng với hoạt động TGPL, tham gia và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
- Nâng cao việc thực hiện các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ cho người được TGPL là người mẹ, trẻ em gái, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục: Bố trí địa điểm tiếp phù hợp để họ được tiếp riêng, tạo điều kiện để họ trình bày, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc; ưu tiên cử người thực hiện TGPL có kỹ năng về giới, có kiến thức pháp luật... theo yêu cầu của người được TGPL để thực hiện cho họ.
- Nghiên cứu đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật theo hướng có quy trình thực hiện TGPL riêng cho các nhóm đối tượng đặc thù hoặc quy trình rút gọn... để tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận nhiều hơn với hoạt động trợ giúp pháp lý.
Ba là, về các điều kiện bảo đảm
- Nghiên cứu, xem xét có chính sách, chế độ đãi ngộ cho lực lượng trợ giúp viên pháp lý và viên chức của Trung tâm TGPL để có thể thu hút lực lượng cán bộ, nhất là cán bộ nữ vào làm việc và yên tâm công tác; tăng cường cơ sở vật chất và bảo đảm nguồn lực thực hiện cho Trung tâm TGPL, các Chi nhánh đủ điều kiện hoạt động như trụ sở làm việc cho các Chi nhánh TGPL, trang thiết bị làm việc…; tạo nguồn kinh phí để thực hiện hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đặc biệt là nhiệm vụ quản lý nhà nước về bình đẳng giới cho đội ngũ thực hiện TGPL và cán bộ, công chức ở các cấp, ngành, địa phương có liên quan đến hoạt động TGPL.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ TGPL vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng và kinh nghiệm trong việc thực hiện TGPL cho người được TGPL trong các vụ việc liên quan đến bình đẳng giới, ngày càng đáp ứng yêu cầu TGPL của người dân; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ làm công tác TGPL về vấn đề bình đẳng giới, nhất là trợ giúp viên pháp lý để đội ngũ này có đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực tố tụng; bảo đảm sự tham gia bình đẳng của nam và nữ trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; ưu tiên cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia bồi dưỡng, tập huấn về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình, về phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục. Trong trường hợp nữ giới có điều kiện, tiêu chuẩn ngang bằng như nam giới mà tỉ lệ nữ đang thấp thì ưu tiên chọn nữ giới; khuyến khích và tạo điều kiện để phụ nữ là người dân tộc thiểu số, người có kiến thức, kỹ năng về giới, bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình, về phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục tham gia làm cộng tác viên.
Bốn là, nghiên cứu thành lập hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc liên quan đến bất bình đẳng giới (xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình...)
- Hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc liên quan đến liên quan đến bất bình đẳng giới có thể được thiết lập thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Xây dựng trang thông tin điện tử, mạng xã hội như facebook, twitter… để không chỉ nạn nhân, người quen, hàng xóm, bạn bè, báo chí... có thể chuyển tải thông tin phù hợp về các vụ việc hoặc các biện pháp, cách thức phòng, chống, xử lý khi có dấu hiệu của bạo lực gia đình, bạo lực giới hoặc phân biệt đối xử. Tuy vậy, cũng cần lưu ý bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
- Có thể thành lập các đội, nhóm, tổ phản ứng nhanh tại cơ sở với sự tham gia của cán bộ tư pháp xã, công an xã, phụ nữ, thanh niên, những nhà hoạt động xã hội... kết nối với người thực hiện trợ giúp pháp lý để có thể sớm phát hiện vụ việc bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, bạo lực trên cơ sở giới, những vụ việc liên quan đến trẻ em… và kịp thời cung cấp những dịch vụ thiết yếu bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; kịp thời cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho đối tượng yếu thế này.
Đại học Kiểm sát Hà Nội