
1. Thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua
a) Kết quả đạt được
Triển khai Kết luận số 80/KL-TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, cùng với việc thực thi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã có những đổi mới và đạt được kết quả như sau:
- Nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác PBGDPL được nâng lên, trong đó xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị.
- Công tác hoàn thiện chính sách, thể chế về PBGDPL được quan tâm thực hiện. Thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có nội dung lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL, tiêu biểu như: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Theo đó, Đảng đã chỉ đạo: “Tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật”; “Tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Đa dạng hóa phương thức truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là thông qua ứng dụng công nghệ số; ưu tiên những nội dung quan trọng được phát trên khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả trên hệ thống phát thanh, truyền hình quốc gia”.
Kể từ khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 ban hành đến nay đã có 24 văn bản quy phạm pháp luật và hơn 7.600 văn bản khác được các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương, địa phương ban hành để hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai công tác PBGDPL, góp phần đảm bảo việc được thông tin, tiếp cận pháp luật của cán bộ, Nhân dân.
- Công tác truyền thông dự thảo chính sách về cơ bản đã được cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Chính sách, thể chế về công tác truyền thông dự thảo chính sách đã từng nước được hoàn thiện. Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo trong thực hiện truyền thông chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (tại khoản 4 Điều 68); trình Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó hướng dẫn cụ thể về thời điểm và nội dung thực hiện truyền thông chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (Điều 3). Các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL đã tổ chức truyền thông dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả[1]. Công tác truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội nhận được sự phối hợp, tham gia của các cơ quan thông tin, báo chí trên cả nước[2]. Một số cơ quan thông tin, báo chí đã xây dựng chuyên mục về truyền thông dự thảo chính sách. Có thể khẳng định, việc triển khai Đề án 407 (Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027) có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL đã góp phần nâng cao chất lượng thể chế, bảo đảm tính minh bạch, khả thi của VBQPPL; tạo đồng thuận trong việc tổ chức thi hành pháp luật sau khi được văn bản được ban hành, đồng thời góp phần PBGDPL từ sớm, từ xa cho người dân.
- Công tác PBGDPL đã có nhiều đổi mới theo hướng lấy người dân làm trung tâm, chú trọng hướng về cơ sở, ưu tiên nguồn lực thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng yếu thế, người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tiếp tục đổi mới hình thức PBGDPL, trong đó chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL bằng nhiều hình thức phong phú, góp phần đưa pháp luật đến với người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm chi phí và có sức lan tỏa rộng rãi, điển hình như: Xây dựng, vận hành Cổng Pháp luật quốc gia để cung cấp thông tin pháp luật, trả lời vướng mắc pháp luật cho người dân, doanh nghiệp và tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật; Thành lập các fanpage, zalo để cung cấp thông tin pháp luật[3]; tích cực thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua Cổng PBGDPL quốc gia[4]; Cổng/Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương[5]... Việc đăng tải các văn bản pháp luật, nhất là những văn bản pháp luật mới ban hành, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lên Cổng/Trang thông tin điện tử ngày càng được chú trọng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tra cứu, tìm hiểu các thông tin pháp luật. Một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu xây dựng và đưa vào thử nghiệm sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để PBGDPL, phục vụ giải đáp vướng mắc pháp luật cho người dân, doanh nghiệp[6].
Để triển khai kịp thời, đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới công tác PBGDPL, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, ngày 15/4/2025, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 766/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030”. Đề án xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có một số nhiệm vụ và giải pháp mới, quan trọng như: Xây dựng, cập nhật kho dữ liệu số PBGDPL dùng chung, xây dựng, triển khai các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác PBGDPL và quản lý công tác PBGDPL; kế thừa và xây dựng, triển khai các ứng dụng, trí tuệ nhân tạo (AI) trong PBGDPL cho người dân, doanh nghiệp…
- Nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện công tác PBGDPL đã được các cấp chính quyền quan tâm bố trí, về cơ bản năm sau cao hơn so với trước. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL từng bước được cải thiện, nâng cao, bảo đảm ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao trong quản lý cũng như các hoạt động PBGDPL. Năm 2024, cả nước có 2.522 báo cáo viên pháp luật trung ương (tăng 635 so với năm 2023), 8.698 báo cáo viên cấp tỉnh (tăng 652 so với năm 2023) và 157.540 tuyên truyền viên pháp luật (tăng 3.502 so với năm 2023). Công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ này cũng được chú trọng thực hiện theo định kỳ hàng năm.
Nguồn lực tài chính cũng như các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ những người làm công tác PBGDPL từng bước được bảo đảm, so với giai đoạn trước khi có Luật đã có nhiều bước chuyển biến rõ nét. Việc huy động các nguồn lực tham gia công tác PBGDPL đã được chú trọng với nhiều phương thức và mô hình phong phú, linh hoạt. Năm 2024, tổng số kinh phí cho công tác PBGDPL là 1.054,239 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2023), trong đó kinh phí thường xuyên đạt 521,102 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2023), kinh phí cấp cho các chương trình, đề án về PBGDPL đạt 423,811 tỷ (tăng 10% so với năm 2023); đặc biệt kinh phí từ nguồn huy động xã hội hóa đạt 109,326 tỷ (tăng 31% so với năm 2023).
- Năm 2024, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, toàn quốc đã tổ chức 481.581 cuộc PBGDPL trực tiếp (tăng 32% so với năm 2023) cho 55.877.435 lượt người tham dự (tăng 73% so với năm 2023); tổ chức 8.596 cuộc thi tìm hiểu pháp luật (giảm 6% so với năm 2023) với 14.161.424 lượt người dự thi (tăng 23% so với năm 2023); phát hành 39.488.690 tài liệu PBGDPL (tăng 7% so với năm 2023) và đăng tải 1.442.228 loại tài liệu PBGDPL lên mạng internet (tăng 101% so với năm 2023)[7].
- Có thể khẳng định, với những kết quả đạt được, công tác PBGDPL đã bảo đảm việc được thông tin pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, từ đó bảo đảm tiếp cận công lý, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhiều người dân đã sử dụng pháp luật hoặc qua các luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Đồng thời, công tác PBGDPL đã góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
b) Tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác truyền thông chính sách, PBGDPL còn có những tồn tại hạn chế sau đây:
- Công tác PBGDPL chưa được sự quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức; chưa xác định công tác này “là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt”, thậm chí còn bị cho là nhiệm vụ của chính quyền các cấp hoặc của riêng ngành Tư pháp.
- Ở một số địa phương, công tác PBGDPL còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Công tác hướng dẫn phổ biến những lĩnh vực pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận có lúc chưa kịp thời.
- Các hoạt động PBGDPL vẫn chủ yếu dựa trên các hình thức truyền thống, dù bước đầu được quan tâm nhưng việc ứng dụng các phương thức truyền thông, PBGDPL hiện đại như mạng xã hội, ứng dụng số, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chưa thực sự phổ biến.
- Chất lượng nguồn nhân lực thực hiện PBGDPL còn chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt là đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Công tác quản lý, điều phối, sử dụng, phát huy vai trò của đội ngũ này tham gia công tác PBGDPL tại cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa hiệu quả.
- Ý thức tìm hiểu pháp luật của một số bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn - nơi điều kiện tiếp cận thông tin còn nhiều trở ngại.
2. Định hướng, giải pháp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm tiếp cận công lý của người dân
a) Bối cảnh, yêu cầu đổi mới
Trong công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, thời gian tới phải đẩy mạnh việc tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, lối sống thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Hiện nay, hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ, đa chiều đối với tất cả các quốc gia, dân tộc; tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của nước ta. Nhu cầu tham gia của người dân vào hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật ngày càng gia tăng. Đất nước đã hoàn thành bước đầu cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp, sáp nhập và đưa mô hình chính quyền địa phương hai cấp vào hoạt động từ ngày 01/7/2025.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Các nghị quyết này cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác PBGDPL, xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, đa dạng hóa phương thức truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là thông qua ứng dụng công nghệ số.
b) Định hướng, giải pháp đổi mới công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật
- Tổng kết 05 năm thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư nhằm đánh giá toàn diện kết quả và những khó khăn, hạn chế; từ đó tham mưu, đề xuất các giải pháp tiếp tục triển khai công tác PBGDPL phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách trong công tác PBGDPL, trọng tâm sửa đổi, bổ sung Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 để đáp ứng yêu cầu, bối cảnh mới của công tác PBGDPL và giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án văn hóa tuân thủ pháp luật trong xã hội để tạo cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL, trọng tâm là chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; kiểm tra, sơ kết, tổng kết, xây dựng, nhân rộng các cách thức, mô hình PBGDPL có hiệu quả; biểu dương, tôn vinh các gương sáng trong xây dựng, thi hành pháp luật. Phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị thông qua hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng trong chỉ đạo PBGDPL, bảo đảm tiếp cận công lý về lĩnh vực được giao quản lý nhà nước.
- Đổi mới công tác lập kế hoạch theo hướng trước khi xây dựng kế hoạch cần khảo sát hoặc nắm bắt nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân, từ đó xác định nội dung PBGDPL, các hình thức PBGDPL theo hướng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các vấn đề nổi cộm. Tăng cường các hoạt động đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật. Ưu tiên thực hiện tốt công tác PBGDPL cho nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế; phát triển mạng lưới các thiết chế hỗ trợ pháp lý cho người dân tại cơ sở, khu vực biên giới. Phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí.
- Đẩy mạnh việc truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tạo đồng thuận xã hội, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, đồng thời tạo điều kiện để người dân tiếp cận pháp luật "từ sớm, từ xa", ngay trong quá trình soạnt hảo; thiết lập kênh/chuyên mục chuyên đề về truyền thông chính sách phát vào khung giờ thu hút khán, thính giả theo dõi, nhất là trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
- Thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện và vận hành có hiệu quả Cổng Pháp luật quốc gia, Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, thiết lập các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; tăng cường sử dụng các nền tảng mạng xã hội và công cụ số hóa trong công tác truyền thông pháp luật như Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, cùng với các ứng dụng pháp luật chuyên biệt có thể trở thành kênh hiệu quả để chuyển tải thông tin pháp luật một cách sinh động, súc tích, dễ hiểu; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giải đáp pháp luật sẽ giúp người dân tiếp cận nội dung pháp luật một cách tự nhiên, chủ động và linh hoạt hơn.
- Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về PBGDPL, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt cho đối tượng đặc thù, yếu thế; phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề luật như luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý. Có chính sách ưu tiên sử dụng đội ngũ người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia PBGDPL
- Ưu tiên bố trí kinh phí cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách và thực hiện các nhiệm vụ PBGDPL cho đối tượng đặc thù, yếu thế, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các vấn đề pháp luật cấp bách cần được phổ biến, quán triệt ngay theo nhu cầu của người dân hoặc yêu cầu từ quản lý nhà nước. Đa dạng hóa nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL; có cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia.
- Định kỳ sơ kết, tổng kết; thực hiện đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo hướng lượng hóa kết quả đầu ra, ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác PBGDPL.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, bảo đảm tiếp cận công lý của người dân, tôi có một số đề xuất, kiến nghị sau đây:
a) Đối với Quốc hội
Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI để đáp ứng yêu cầu, bối cảnh mới của công tác PBGDPL và giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã đề xuất với Chính phủ đưa nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật vào Chương trình lập pháp giai đoạn 2026-2031.
b) Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương
Quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và văn bản quy định chi tiết; xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách; phối hợp với các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách; có hình thức tiếp nhận, xử lý và công khai thông tin tiếp thu, giải trình góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật./.
ThS. Phan Hồng Nguyên
Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Tăng cường tiếp cận công lý” Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation, Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam tổ chức ngày 10/07/2025 tại Thành phố Hà Nội.
Xây dựng, đăng tải tài liệu truyền thông để cung cấp thông tin dự thảo chính sách cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; Tổ chức các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách; Tổ chức tọa đàm truyền hình, phóng sự trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang Thông tin điện tử và mạng xã hội; Tổ chức truyền thông dự thảo chính sách thông qua các hình thức khác như: Tổ chức các hội nghị góp ý, phản biện chính sách, Thông qua các thiết chế ở cơ sở, các loại hình văn hóa cơ sở, Thông qua Đài Phát thanh các quận, huyện, hệ thống loa truyền thanh cơ sở,…
Một số cơ quan thông tấn, báo chỉ đã tích cực tham gia thực hiện truyền thông dự thảo chính sách nổi bật như: Cổng TTĐT Chính phủ; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Báo Pháp luật Việt Nam;…
Một số địa phương đã thành lập fanpage như: Lào Cai, Bắc Kạn, Đồng Nai, Tuyên Quang, Quảng Trị, Bạc Liêu, Nghệ An…; Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp hiện nay đang vận hành fanpage Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật có tích xanh trên mạng xã hội Facebook với hơn 5.000 người theo dõi. Một số bộ, ngành thực hiện Phổ biến, giáo dục pháp luật trên Zalo như: Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp...
Tại địa chỉ: pbgdpl.gov.vn.
Theo thống kê tính đến ngày 28/02/2025, có 07 bộ, ngành và 46 địa phương đã vận hành Cổng/Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật; 17 địa phương còn lại đang vận hành chuyên mục PBGDPL thuộc Cổng/Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, trong đó: 2 bộ, ngành đã vận hành Cổng Thông tin điện tử về PBGDPL (Bộ Xây dựng, Ủy ban Dân tộc (nay là Bộ Dân tộc và tôn giáo)) và 05 bộ đã vận hành Trang Thông tin điện tử về phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ)); 06 địa phương đã vận hành Cổng Thông tin điện tử về phổ biến, giáo dục pháp luật (Bắc Kạn, Hậu Giang, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên và Vĩnh Long); 40 địa phương đã vận hành Trang Thông tin điện tử về phổ biến, giáo dục pháp luật (An Giang, Bắc Giang, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nam, Thành phố Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Kiên Giang, Nam Định, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thái Bình).
Cục Thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Công ty LuatVietnam; Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp…
Báo cáo số 168 /BC-BTP ngày 10/4/2025 của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương về tình hình hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025