
Luật Việc làm năm 2025 quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đăng ký lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển kỹ năng nghề, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý nhà nước về việc làm và được áp dụng đối với tất cả người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc (bao gồm cả người lao động có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, người thất nghiệp).
Kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới
Luật Việc làm năm 2025 kế thừa các quy định đã được thực hiện có hiệu quả từ Luật Việc làm năm 2013, sửa đổi các quy định không còn phù hợp, đồng thời bổ sung các quy định nhằm thể chế hóa các nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, góp phần thúc đấy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Một là, thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Luật Việc làm năm 2025 được thiết kế theo hướng quy định rõ ràng, thực chất, ngắn gọn, chỉ quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, bám sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực thực thi. Không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ quy định theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết do tính chất đa dạng, phức tạp, biến đổi liên tục của việc làm; tạo thuận lợi cho việc phân cấp, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hướng tới thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Hai là, thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Luật đã bổ sung quy định về đăng ký lao động, làm cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, có sự kết nối, cập nhật, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác; sửa đổi các quy định nhằm hướng tới xây dựng, quản trị và vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động tập trung, thống nhất, đa tầng, đa lĩnh vực, được cập nhật kịp thời, chính xác, đầy đủ. Đồng thời, bổ sung quy định về phát triển sàn giao dịch việc làm quốc gia; chính sách khuyến khích phát triển kỹ năng nghề, tạo việc làm trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh,... nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời góp phần quản lý nguồn nhân lực quốc gia và điều tiết, kết nối cung - cầu lao động trong và ngoài nước.
Ba là, thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Luật Việc làm năm 2025 đã sửa đổi, bổ sung các quy định về cho vay giải quyết việc làm (bao gồm hỗ trợ tạo, duy trì, mở rộng việc làm trong nước và hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) theo hướng mở rộng đối tượng, đa dạng hóa cơ chế huy động nguồn lực nhằm tạo cơ hội cho người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh - nhất là người lao động và cơ sở nhỏ và vừa tại khu vực nông thôn, các đối tượng yếu thế, đặc thù - được vay vốn để duy trì, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, thi đua làm giàu, góp phần xây dựng đất nước. Luật cũng sửa đổi quy định nhằm tạo thuận lợi cho khu vực tư (doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm) được thành lập và hoạt động, đồng thời bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh, tăng cường sự phối hợp công – tư trong hoạt động dịch vụ việc làm.
Bốn là, thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong ba đột phá chiến lược trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Luật đã sửa đổi các quy định liên quan đến khung trình độ, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia,… đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và cập nhật với tiêu chuẩn, trình độ kỹ năng nghề của khu vực, thế giới; cụ thể hóa các nội dung về phát triển kỹ năng nghề và bổ sung quy định về các đối tượng yếu thế, đặc thù được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, Luật đã sửa đổi quy định nhằm tạo điều kiện cho tất cả người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề, chi trả các chi phí, góp phần thúc đẩy đưa lao động có tay nghề đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao, an toàn.
Cải cách mạnh mẽ chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Luật Việc làm năm 2025 giao Chính phủ quy định về điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ việc làm công nhằm tiếp tục phát triển hệ thống thiết chế dịch vụ việc làm trong khu vực công, bảo đảm cung cấp dịch vụ việc làm miễn phí (tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động) cho người lao động; quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; quy định về các trình tự, thủ tục thực hiện chính sách; giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc ủy thác nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Luật Việc làm năm 2025 là cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp trở thành công cụ quản trị thị trường lao động theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (trong đó có cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp). Theo đó, Luật Việc làm năm 2025 đã tập trung sửa đổi các nội dung lớn, trọng tâm như: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng cường diện bao phủ chính sách và phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024; linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (tối đa bằng 1% tiền lương tháng); đơn giản hóa điều kiện, giảm thủ tục hành chính cho người lao động và người sử dụng lao động trong tiếp cận và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động).
Cùng với nhiều đạo luật khác vừa được Quốc hội thông qua, Luật Việc làm năm 2025 góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ hướng tới kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh và thịnh vượng. Luật Việc làm năm 2025 sẽ trở thành công cụ hiệu quả để quản trị thị trường lao động, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước trong kỷ nguyên mới./.