1. Tài khoản đăng ký trực tuyến và mã số sử dụng cơ sở dữ liệu
Trước đây, theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định số 102/2017/NĐ-CP), mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm là ký hiệu dãy số và tài khoản đăng ký trực tuyến (gồm tên đăng nhập và mật khẩu) cấp cho cá nhân, pháp nhân để đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm. Trên cơ sở quy định này, tài khoản đăng ký trực tuyến và mã số sử dụng cơ sở dữ liệu được Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cấp cho người yêu cầu chung trong một tài khoản. Theo đó, với tài khoản được cấp này, khách hàng vừa sử dụng để thực hiện chức năng đăng ký, yêu cầu cung cấp thông tin, vừa sử dụng để thực hiện chức năng tra cứu, tìm kiếm thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản trong cơ sở dữ liệu của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Trên cơ sở quy định này, phần mềm được thiết kế cho phép tất cả người dùng đã đăng nhập hoặc chưa đăng nhập đều có thể tự tra cứu, tìm kiếm thông tin miễn phí trong cơ sở dữ liệu.
Hiện nay, khoản 1 Điều 23 và điểm b khoản 2 Điều 50 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP đã quy định tách bạch về chức năng, cơ chế quản lý, sử dụng đối với tài khoản đăng ký trực tuyến và mã số sử dụng cơ sở dữ liệu trong đăng ký và cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung), cụ thể như sau:
Thứ nhất, về tài khoản đăng ký trực tuyến.
Theo quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, tài khoản đăng ký trực tuyến được quy định như sau: Tài khoản đăng ký trực tuyến được cơ quan có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân để thực hiện đăng ký trực tuyến; mỗi tài khoản chỉ cấp cho một tổ chức, cá nhân (khoản 1 Điều 23). Tài khoản đăng ký trực tuyến được cấp theo 02 loại: Tài khoản sử dụng thường xuyên, khách hàng có thể thanh toán phí đăng ký, phí cung cấp thông tin trả trước hoặc trả sau (thanh toán theo thông báo phí hàng tháng) và tài khoản sử dụng một lần, khi khách hàng truy cập hệ thống để đăng ký thì phải thanh toán phí trước khi thực hiện đăng ký. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp có thẩm quyền cấp tài khoản đăng ký trực tuyến đối với trường hợp đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung. Việc cấp tài khoản đăng ký trực tuyến không phải nộp phí cấp tài khoản.
Thứ hai, về mã số sử dụng cơ sở dữ liệu.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 9, điểm b khoản 2 Điều 50 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, mã số sử dụng cơ sở dữ liệu được quy định như sau: Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp có thẩm quyền cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu (về biện pháp bảo đảm bằng động sản, cây hàng năm, công trình tạm) cho tổ chức, cá nhân. Theo đó, tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu qua giao diện đăng ký trực tuyến hoặc gửi yêu cầu bằng văn bản đến cơ quan này (điểm b khoản 2 Điều 50). Mã số sử dụng cơ sở dữ liệu có thể là mã số sử dụng thường xuyên hoặc mã số sử dụng một lần trong tra cứu thông tin (điểm b khoản 2 Điều 50). Tổ chức, cá nhân được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 50 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP có quyền sử dụng mã số sử dụng cơ sở dữ liệu được cấp để tự tra cứu thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản (không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung) trong cơ sở dữ liệu; có nghĩa vụ nộp phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
Như vậy, trên cơ sở các quy định nêu trên của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP cho thấy, để việc cấp và sử dụng tài khoản đăng ký trực tuyến, mã số sử dụng cơ sở dữ liệu phù hợp với quy định thì cần nghiên cứu một số yêu cầu kỹ thuật sau đây để sửa phần mềm đăng ký trực tuyến:
Một là, đối với tài khoản đăng ký trực tuyến, nghiên cứu thay đổi chức năng của phần mềm tạo tài khoản để có thể tạo hai loại tài khoản: (i) Tài khoản sử dụng thường xuyên (như tài khoản hiện tại, sử dụng loại tài khoản này có thể trả phí đăng ký trước hoặc trả phí sau); (ii) Tài khoản sử dụng một lần (không có chức năng tra cứu thông tin, sử dụng loại tài khoản này phải trả phí đăng ký trước). Việc tạo tài khoản đăng ký trực tuyến đáp ứng các yêu cầu sau: Chỉ thực hiện được chức năng đăng ký, yêu cầu cung cấp thông tin có tính phí; không có chức năng tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu; không thu phí duy trì tài khoản đăng ký trực tuyến hàng năm.
Ngoài ra, phần mềm cũng cần được nghiên cứu để xử lý đối với các tài khoản cũ đã được cấp (tài khoản đăng ký thường xuyên đồng thời là mã số sử dụng cơ sở dữ liệu, vừa có chức năng đăng ký vừa có chức năng tra cứu thông tin) theo hướng: Tiếp tục duy trì loại tài khoản này cho khách hàng đã được cấp trước đây, không bắt buộc phải cấp lại tài khoản, tuy nhiên, cần cho phép lựa chọn thêm yêu cầu cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu (để thực hiện chức năng tra cứu thông tin).
Hai là, đối với mã số sử dụng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu thay đổi chức năng của phần mềm tạo mã số sử dụng cơ sở dữ liệu để có thể tạo hai loại mã số: (i) Mã số sử dụng thường xuyên (giống tài khoản sử dụng thường xuyên, phải nộp thu phí duy trì mã số hàng năm theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí); (ii) Mã số sử dụng một lần (mã số được sinh ra khi nộp tiền vào tài khoản cho một lần truy cập hệ thống để tra cứu). Việc tạo mã số sử dụng cơ sở dữ liệu đáp ứng các yêu cầu là: Chỉ có chức năng tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu, không thực hiện được chức năng đăng ký và yêu cầu cung cấp thông tin có tính phí.
2. Chức năng đăng ký trên phần mềm đăng ký trực tuyến
So với Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP có một số quy định mới về đăng ký biện pháp bảo đảm, đặc biệt trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản (không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung) thuộc thẩm quyền của các Trung tâm Đăng ký. Do đó, để bảo đảm việc đăng ký tại các Trung tâm Đăng ký phù hợp với quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, cần nghiên cứu một số yêu cầu kỹ thuật sau đây để sửa phần mềm đăng ký trực tuyến:
2.1. Về chức năng đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm
Trước đây, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP không quy định đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong điều về trường hợp đăng ký. Tuy nhiên, các thông tư hướng dẫn Nghị định số 102/2017/NĐ-CP đều tiếp cận theo hướng đây là một loại việc đăng ký trong đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc trường hợp đăng ký của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, các thông tư này (Thông tư số 07/2019/TT-BTP ngày 25/11/2019 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Thông tư số 01/2019/TT-BTP ngày 17/01/2019 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển; Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20/6/2018 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp) đều quy định một trong các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm là đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm đối với biện pháp bảo đảm đã đăng ký. Trên cơ sở quy định này, đối với lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản tại các Trung tâm Đăng ký, phần mềm thiết kế chức năng đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm là một loại đăng ký biến động trong đăng ký biện pháp bảo đảm và là loại việc phát sinh sau khi biện pháp đã được đăng ký mà không có đăng ký thay đổi hay xóa đăng ký đối với loại việc này. Hiệu lực của đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm.
Theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP thì đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm là một trong các trường hợp đăng ký không phân biệt biện pháp bảo đảm đã đăng ký hay chưa. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về đăng ký thay đổi, xóa đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm. Theo đó, mẫu phiếu số 04d ban hành kèm theo Nghị định sử dụng cho loại đăng ký này yêu cầu kê khai thông tin về bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, hợp đồng bảo đảm, tài sản bảo đảm bị xử lý khi đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm.
Do đó, để việc đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm phù hợp với quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, phần mềm đăng ký trực tuyến cần được nghiên cứu sửa đổi để đăng ký đối với hai trường hợp: (i) Đối với biện pháp bảo đảm đã đăng ký, cần chỉnh sửa, bổ sung chức năng thông báo xử lý tài sản bảo đảm đã có theo hướng cho phép lựa chọn đăng ký thông báo lần đầu, đăng ký thay đổi, xóa đăng ký; (ii) Đối với biện pháp bảo đảm chưa đăng ký, cần chỉnh sửa để bổ sung chức năng đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm độc lập với đăng ký biện pháp bảo đảm, bổ sung chức năng đăng ký thay đổi, xóa đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm.
2.2. Về người yêu cầu đăng ký
Trước đây, theo Nghị định số 102/2017/NĐ-CP (khoản 1 Điều 8), người yêu cầu đăng ký được quy định chung cho các trường hợp đăng ký gồm: Bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; bên bán tài sản, bên mua tài sản trong trường hợp chuyển nhượng, mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu; quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cho người khác vay tài sản nhưng không thực hiện việc đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc người đại diện hợp pháp của các chủ thể này. Trên cơ sở quy định này, phần mềm thiết kế các biểu mẫu điện tử tương tác (giao diện màn hình đăng ký) cũng chỉ bao gồm thông tin kê khai về các chủ thể này áp dụng chung cho các loại việc đăng ký (lần đầu, thay đổi, xóa).
Để thuận lợi trong việc xác định chủ thể trong từng trường hợp nộp hồ sơ đăng ký, đáp ứng yêu cầu của các chủ thể liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm phát sinh trong thực tiễn mà Nghị định số 102/2017/NĐ-CP chưa bao quát hết, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP được ban hành đã hoàn thiện hơn quy định về nội dung này theo hướng: Quy định rõ ràng, cụ thể hơn diện người yêu cầu đăng ký, tách bạch người yêu cầu đăng ký trong từng trường hợp đăng ký cụ thể như đăng ký biện pháp bảo đảm (đăng ký lần đầu), đăng ký thay đổi, xóa đăng ký, đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm…, đồng thời, mở rộng hơn diện chủ thể có quyền yêu cầu đăng ký thay đổi, yêu cầu xóa đăng ký để bảo đảm có đầy đủ cơ sở pháp lý giải quyết các trường hợp phát sinh trong thực tiễn như người nhận chuyển giao hợp pháp tài sản bảo đảm, cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định của luật mà không phải là cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên…
Do đó, trong trường hợp có yêu cầu đăng ký trực tuyến, để việc kê khai thông tin người yêu cầu đăng ký phù hợp với quy định nêu trên của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP trong từng trường hợp cụ thể, phần mềm đăng ký trực tuyến cần được nghiên cứu chỉnh sửa lại theo hướng: Bổ sung vào tất cả các biểu mẫu điện tử tương tác (giao diện màn hình đăng ký) của các loại yêu cầu đăng ký (gồm đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi, xóa đăng ký), thông báo xử lý tài sản bảo đảm về các chủ thể yêu cầu đăng ký gồm:
(i) Đối với đăng ký lần đầu: Bổ sung lựa chọn người yêu cầu đăng ký là bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, quản tài viên/doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi nhánh của pháp nhân, người đại diện, đăng ký thông qua tài khoản của người đại diện. Trường hợp lựa chọn người yêu cầu đăng ký là quản tài viên/doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoặc lựa chọn chi nhánh của pháp nhân, người đại diện thì hiển thị chức năng upload file pdf đính kèm để đính kèm tài liệu chứng minh. Trường hợp lựa chọn người yêu cầu đăng ký là “đăng ký thông qua tài khoản của người đại diện” thì hiển thị trường nhập thông tin mã số tài khoản của người được đại diện. Thông tin hồ sơ, kết quả đăng ký được cập nhật vào tài khoản của người được đại diện, còn phí đăng ký được cập nhật vào tài khoản của người đại diện;
(ii) Đối với đăng ký thay đổi hoặc xóa đăng ký: Ngoài việc bổ sung các lựa chọn người yêu cầu đăng ký như đăng ký lần đầu ở trên, bổ sung thêm 02 lựa chọn là bên bảo đảm mới/bên nhận bảo đảm mới/chủ thể khác và cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền. Trường hợp lựa chọn người yêu cầu đăng ký là “bên bảo đảm mới/bên nhận bảo đảm mới/chủ thể khác” thì hiển thị chức năng upload file pdf đính kèm để đính kèm tài liệu chứng minh.
2.3. Từ chối đăng ký và hủy đăng ký
Trước đây, việc hủy đăng ký được quy định tại Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, tuy nhiên, vấn đề này gần như chỉ mang tính chất thao tác kỹ thuật, áp dụng đối với cơ quan đăng ký trên hệ thống đăng ký trực tuyến khi có căn cứ từ chối đăng ký biện pháp bảo đảm. Theo đó, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP chưa quy định làm rõ các vấn đề pháp lý của hủy đăng ký như căn cứ hủy đăng ký, hậu quả của việc hủy đăng ký, thủ tục cơ quan đăng ký thực hiện việc hủy đăng ký. Đối với từ chối đăng ký, khi có căn cứ từ chối theo quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký từ chối bằng văn bản gửi cho người yêu cầu đăng ký. Trên cơ sở quy định của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP nêu trên, phần mềm được thiết kế theo hướng chức năng hủy đăng ký chỉ áp dụng cho cơ quan đăng ký đối với yêu cầu đăng ký trực tuyến khi có căn cứ từ chối, không có chức năng từ chối đăng ký trên hệ thống đăng ký trực tuyến.
Tuy nhiên, để thống nhất hơn với quy định của pháp luật dân sự về hiệu lực của giao dịch dân sự, hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm, quy định liên quan của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, pháp luật khác liên quan về thẩm quyền đăng ký, về thủ tục đăng ký và để minh bạch về căn cứ pháp lý, về hiệu lực của đăng ký, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định về hủy đăng ký (điểm e khoản 1 Điều 6 và Điều 21), theo đó, cơ quan đăng ký hủy đăng ký khi có các căn cứ: (i) Biện pháp bảo đảm đã được đăng ký mà cơ quan đăng ký nhận được bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật có quyết định về việc đăng ký phải bị hủy toàn bộ hoặc một phần; (ii) Biện pháp bảo đảm đã được đăng ký mà cơ quan đăng ký phát hiện thuộc trường hợp từ chối đăng ký quy định tại điểm a hoặc điểm h khoản 1 Điều 15 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP; (iii) Xử lý đăng ký trùng lặp. Đồng thời, khi có căn cứ từ chối đăng ký, cơ quan đăng ký thực hiện việc từ chối đăng ký đối với trường hợp đăng ký qua phương thức nộp bản giấy trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện, gửi qua thư điện tử và cả đối với trường hợp đăng ký trên hệ thống đăng ký trực tuyến.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu đăng ký trực tuyến phù hợp với quy định nêu trên, phần mềm đăng ký hiện nay cần được nghiên cứu chỉnh sửa theo hướng: Bổ sung chức năng “từ chối đăng ký” và bổ sung trường thông tin thể hiện căn cứ từ chối; sửa lại chức năng “hủy đăng ký” và bổ sung trường thông tin thể hiện căn cứ hủy để cơ quan đăng ký lựa chọn trong từng trường hợp cụ thể; bổ sung chức năng đính kèm file để chứng minh căn cứ hủy hoặc căn cứ từ chối.
2.4. Về chuyển tiếp đăng ký trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 và khoản 4 Điều 47 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký ban đầu không chấm dứt trong trường hợp biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đăng ký tập trung đã được đăng ký tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, sau đó tài sản này trở thành chứng khoán không đăng ký tập trung theo quy định của pháp luật về chứng khoán, tiếp tục được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho cùng bên hoặc các bên cùng nhận bảo đảm và được đăng ký tại Trung tâm Đăng ký.
Để bảo lưu thời điểm đăng ký theo quy định nêu trên của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, trước ngày 01/01/2024, người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ đăng ký bằng bản giấy theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP tại Trung tâm Đăng ký. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2024, việc đăng ký trong trường hợp nêu trên được thực hiện qua hệ thống đăng ký trực tuyến. Theo đó, để đáp ứng được yêu cầu ghi nhận, bảo lưu thời điểm đăng ký theo quy định trên, phần mềm đăng ký trực tuyến cần phải sửa để bổ sung trường kê khai thời điểm đăng ký theo thời điểm đăng ký thể hiện trên văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung.
2.5. Về đăng ký thay đổi, xóa đăng ký
Đối với yêu cầu đăng ký thay đổi, trước đây, theo quy định của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, khi có căn cứ đăng ký thay đổi là rút bớt tài sản bảo đảm, Trung tâm Đăng ký ghi nội dung đăng ký là “rút bớt tài sản bảo đảm” vào cơ sở dữ liệu và mô tả thông tin tài sản bị rút bớt. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP cho thấy, nhiều ý kiến từ phía cơ quan đăng ký cho rằng, bản chất của rút bớt tài sản bảo đảm là tài sản đó không còn được dùng làm tài sản bảo đảm. Do đó, để việc ghi nội dung đăng ký phản ánh đúng bản chất nêu trên, khoản 3 Điều 47 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP đã quy định: “Trường hợp đăng ký thay đổi do rút bớt tài sản bảo đảm thì Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản cập nhật nội dung xóa đăng ký đối với tài sản được rút bớt vào Cơ sở dữ liệu”.
Như vậy, để các Trung tâm Đăng ký thực hiện việc cập nhật nội dung đăng ký đúng quy định nêu trên, phần mềm đăng ký cần bổ sung thêm trường “Căn cứ thay đổi” (rút bớt, bổ sung hoặc thay thế) để xác định phương tiện nào xóa thế chấp (rút bớt), phương tiện nào thế chấp (bổ sung hoặc thay thế).
Đối với xóa đăng ký, khoản 1 Điều 20 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP quy định cụ thể các trường hợp xóa đăng ký. Các trường hợp xóa này cũng được thể hiện trên mẫu phiếu yêu cầu đăng ký tại các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 99/2022/NĐ-CP. Do đó, để việc kê khai thông tin về xóa đăng ký phù hợp với quy định nêu trên, tương ứng với phương thức đăng ký qua phương thức nộp bản giấy, phần mềm cũng cần được sửa theo hướng bổ sung thông tin về căn cứ xóa đăng ký trên biểu mẫu điện tử tương tác. Theo đó, khi thực hiện xóa đăng ký trên hệ thống đăng ký trực tuyến, người yêu cầu đăng ký lựa chọn một trong các căn cứ xóa phù hợp theo hướng dẫn trên biểu mẫu điện tử tương tác.
2.6. Về mô tả tài sản bảo đảm
Liên quan đến việc mô tả tài sản bảo đảm là động sản thuộc thẩm quyền đăng ký của Trung tâm Đăng ký, phần đăng ký hiện tại được thiết kế gồm có hai trường mô tả: (i) Nếu tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới có số khung thì người yêu cầu đăng ký mô tả thông tin số khung của phương tiện vào trường số khung; (ii) Đối với tài sản bảo đảm còn lại thì người yêu cầu đăng ký mô tả thông tin về tài sản vào trường mô tả chung.
Tuy nhiên, hiện nay, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về mô tả tài sản bảo đảm vừa theo nguyên tắc chung, vừa có tính đặc thù đối với từng loại cụ thể, bao gồm: Tài sản là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; tài sản là tàu cá, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt hoặc phương tiện chuyên dùng; tài sản là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, kho hàng; tài sản là quyền tài sản; là công trình tạm, cây hàng năm… Mỗi loại tài sản có quy định mô tả riêng với những tiêu chí cụ thể. Do đó, để việc mô tả tài sản trên hệ thống đăng ký trực tuyến phù hợp với quy định nêu trên, phần mềm đăng ký cần được hoàn thiện theo hướng sửa lại các trường thông tin mô tả tài sản, theo đó cần bổ sung danh mục các loại tài sản bảo đảm, tích lựa chọn vào loại tài sản nào thì hiển thị các trường mô tả theo loại tài sản đó, ví dụ:
- Đối với tài sản là “phương tiện giao thông cơ giới có số khung (ô tô, mô tô, xe gắn máy...)”, phần mềm cần nghiên cứu hoàn thiện theo hướng khi lựa chọn loại tài sản này thì hiển thị mô tả theo bảng danh sách từng phương tiện, gồm các trường thông tin sau để mô tả: (i) Tên phương tiện, nhãn hiệu, màu sơn; (ii) Số khung; (iii) Số máy (không bắt buộc); (iv) Biển số (bắt buộc nếu tích chọn “yêu cầu thông báo”, không bắt buộc nếu không tích chọn); (v) Yêu cầu thông báo thế chấp; (vi) Tên và địa chỉ cơ quan tiếp nhận thông báo.
- Đối với tài sản là hàng hóa luân chuyển hoặc kho hàng, nếu là hàng hóa luân chuyển thì phải có trường thông tin “giá trị hàng hóa/tên, loại hàng hóa”. Nếu là kho hàng thì phải có trường thông tin: Giá trị hàng hóa/tên, loại hàng hóa; địa chỉ kho hàng; số hiệu kho hàng (nếu có).
- Đối với tài sản là quyền tài sản hoặc một phần quyền tài sản, phần mềm phải có trường thông tin: Tên quyền, căn cứ phát sinh quyền.
3. Kết nối, chia sẻ dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Trước đây, trong Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, việc các Trung tâm Đăng ký gửi thông báo thế chấp phương tiện giao thông, phương tiện chuyên dùng đến các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản được gọi là hoạt động trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Việc trao đổi thông tin được thực hiện thông qua phương thức gửi thông báo bằng bản giấy qua đường bưu điện. Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản, cơ chế trao đổi thông tin gặp nhiều khó khăn, do cơ sở vật chất để lưu trữ hồ sơ giấy chật chội, hồ sơ quản lý xe được quản lý bằng bản giấy theo từng xe nên không đủ chỗ lưu hồ sơ, thông tin tình trạng pháp lý của phương tiện giao thông cơ giới có lúc chưa cập nhật kịp thời do khoảng trễ thời gian gửi thông báo qua đường bưu điện. Do đó, để khắc phục bất cập trong thực tiễn trao đổi thông tin và bảo đảm phù hợp với bối cảnh và chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP quy định trường hợp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thông qua trục liên thông văn bản quốc gia theo quy định của pháp luật về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu (khoản 4 Điều 53).
Như vậy, để thực hiện được việc kết nối, chia sẻ dữ liệu số theo quy định nêu trên, cần nghiên cứu, khảo sát phần mềm đăng ký, quản lý xe của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an xác định các thông tin liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cần chia sẻ, từ đó, sửa phần mềm đăng ký trực tuyến đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản để kết nối dữ liệu hai hệ thống qua trục liên thông văn bản quốc gia. Theo đó, có thể nghiên cứu xây dựng giao diện lập trình ứng dụng (API) để chia sẻ dữ liệu số khung của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký với Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an.
4. Một số yêu cầu khác
Ngoài một số yêu cầu về kỹ thuật cần hoàn thiện đối với phần mềm nhằm bảo đảm việc đăng ký phù hợp với các quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP nêu trên, trước xu thế chung, bối cảnh chung của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhằm tăng cường tiện ích hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản, cần tiếp tục nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực này như xây dựng ứng dụng đăng ký đa phương tiện (app) trên thiết bị di động, mở rộng thêm các phương thức thanh toán như thanh toán qua các ứng dụng ví điện tử; kết nối cơ sở dữ liệu về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản với hệ thống đăng ký tài sản, giao dịch khác có liên quan, với hệ thống cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử, Thi hành án điện tử và các cơ quan có thẩm quyền khác về tiến hành tố tụng, quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính liên quan.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng
Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 387), tháng 8/2023)