1. Nhận diện các vi phạm hành chính về buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Trong những năm qua, cùng với xu thế hội nhập kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ có diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới[1]. Nhiều nước trên thế giới đã có những giải pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh, phòng chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, việc đấu tranh, phòng chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được quy định bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Theo khoản 13 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[2] (Nghị định số 98/2020/NĐ-CP), hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa hoặc chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật[3].
Hiện nay, tình trạng buôn bán các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ như thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản… rất phổ biến[4]. Tác hại của buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ không chỉ gây tác hại tổn thất đến hiệu quả kinh tế nội địa và chính sách khuyến khích đầu tư, mà còn dẫn đến những hệ quả tiêu cực khôn lường đối với an toàn, trật tự và văn hóa, xã hội[5]. Theo thống kê của lực lượng quản lý thị trường, từ năm 2016 đến tháng 10/2022, chỉ tính riêng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 48.321 vụ vi phạm hành chính, chuyển cơ quan điều tra truy tố hình sự 782 vụ[6].
Vi phạm hành chính về buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là một loại vi phạm rất phổ biến, thể hiện qua các vi phạm cụ thể như chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào lưu thông trong thị trường.
Hiện tại, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ được quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Khoản 12 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt thông thường đối với người sản xuất, nhập khẩu hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thuộc một trong các trường hợp sau đây: Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản; hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
2. Bất cập trong các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Thứ nhất, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP chưa quy định rõ trường hợp nào áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo, trường hợp nào áp dụng hình thức phạt tiền đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị dưới 1.000.000 đồng.
Hiện nay, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP không có quy định tiêu chí cụ thể để căn cứ vào đó người có thẩm quyền lựa chọn hình thức xử phạt cảnh cáo hay phạt tiền. Theo quy định pháp luật, hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với các hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị dưới 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, loại hành vi này có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Vậy căn cứ vào tiêu chí nào để người có thẩm quyền lựa chọn hình thức xử phạt cảnh cáo hay phạt tiền? Quy định này vô hình trung đã không làm rõ hai hình thức xử phạt cảnh cáo và phạt tiền, trong khi hậu quả pháp lý của hai hình thức xử phạt này là rất khác nhau.
Thứ hai, mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm. Mặc dù Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đã nâng mức tiền phạt đối với đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP vẫn chưa thật sự phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm.
Nghiên cứu 11 khung tiền phạt tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì có thể nhận thấy là mức tiền phạt luôn ít hơn giá trị hàng hóa vi phạm. Điều này tạo ra cho người vi phạm một thái độ rất tiêu cực là ngay cả khi hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang diễn ra và bị phát hiện xử phạt với hình thức phạt cảnh cáo, không đủ sức trừng trị và răn đe đối tượng vi phạm. Chính lý do này làm cho các đối tượng vi phạm sẵn sàng vi phạm dù họ đều biết rằng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là phạm pháp và trái pháp luật.
Thứ ba, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ cho khá nhiều chủ thể khác nhau gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, Quản lý thị trường, Công an nhân dân, Hải quan... Việc mở rộng thẩm quyền xử phạt cho nhiều đối tượng khác nhau thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc đấu tranh, phòng chống đối với vi phạm phổ biến này. Tuy nhiên, khả năng thực hiện thẩm quyền xử phạt của một số chức danh trong thực tiễn bị hạn chế nhiều. Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị áp dụng hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm, biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Buộc tiêu hủy tang vật, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Nếu căn cứ vào mức tiền phạt thì một số chức danh như Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thể xử phạt đối với các vi phạm tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP khi các hành vi này có mức phạt dưới 5.000.000 đồng. Thế nhưng, do hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, trong khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không thể áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp nên kết quả là không thể xử phạt đối với hành vi này. Điều này làm cho việc xử phạt bị tồn đọng vì phải chuyển lên cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện. Bất cập này cũng thể hiện đối với một số chức danh khác thuộc lực lượng công an nhân dân (như Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng các phòng nghiệp vụ...), lực lượng hải quan (như Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng thuộc Chi cục Kiểm tra sau thông quan)...
Thứ tư, Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ liên quan đến hành vi buôn bán trái pháp luật khi bị phát hiện sẽ bị xử lý theo hai hướng: (i) Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; (ii) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Việc quyết định lựa chọn hình thức xử phạt bổ sung hay biện pháp khắc phục hậu quả đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể dựa vào giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa và mức độ gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường. Nếu hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị sử dụng nhất định và không gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường thì cơ quan chức năng có thể tịch thu để sung ngân sách nhà nước. Ngược lại, nếu hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ không có giá trị sử dụng, công dụng, có khả năng gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường thì sẽ bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là tiêu hủy để xử lý.
Tuy nhiên, ngoài quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì hiện nay chưa có quy định nào hướng dẫn cụ thể khi nào hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường để người có thẩm quyền xử phạt lựa chọn tịch thu hay buộc tiêu hủy, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nên người có thẩm quyền không có cơ sở để xác định. Để có thể xác định khả năng và mức độ gây hại của hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là điều không đơn giản, bản thân người có thẩm quyền xử phạt không đủ trình độ, chuyên môn để có thể đánh giá mà cần phải có một quy trình cụ thể với sự tham gia của các cơ quan có chuyên môn về thẩm định mới có thể đưa ra kết luận cụ thể.
3. Đề xuất hoàn thiện pháp luật
Một là, điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đã đưa ra nguyên tắc xây dựng hình thức xử phạt để áp dụng với các hành vi vi phạm. Theo đó, hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, thì phải quy định hình thức xử phạt cảnh cáo. Như vậy, một khi hành vi vi phạm được nhà làm luật quy định áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo thì có nghĩa đây là vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản.
Đối chiếu với Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị dưới 1.000.000 đồng có tính chất đơn giản và không nghiêm trọng. Do đó, quy định việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với vi phạm này là hợp lý. Do đó, theo tác giả, khi tiến hành sửa đổi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, Chính phủ không nên tiếp tục quy định cũng chính hành vi này có thể bị áp dụng hình thức phạt tiền. Việc phạt tiền chỉ nên được áp dụng trong trường hợp chủ thể vi phạm có tình tiết tái phạm. Theo tác giả, Chính phủ có thể sửa đổi Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP theo hướng: “Phạt cảnh cáo đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị dưới 1.000.000 đồng. Trong trường hợp hành vi vi phạm đã bị xử phạt mà còn tái phạm thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng…”.
Hai là, sửa đổi mức tiền phạt theo hướng tạo ra sự tương xứng giữa mức phạt tiền với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hiện nay, Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP chia ra 11 khung tiền phạt với mức tiền phạt khác nhau và căn cứ vào giá trị hàng hóa vi phạm. Tuy nhiên, một điểm chung có thể nhận thấy là mức tiền phạt luôn ít hơn giá trị hàng hóa vi phạm. Do đó, tác giả kiến nghị cần tăng mức tiền phạt cho tương xứng với giá trị giá trị hàng hóa vi phạm nhằm bảo đảm tính răn đe.
Ba là, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Quốc hội cần sửa đổi thẩm quyền xử phạt theo hướng mở rộng thẩm quyền của các chức danh được quy định. Điều này sẽ tăng cường hiệu quả xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bốn là, về thủ tục xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các cơ quan chức năng cần phải sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá trị sử dụng thực tế hoặc mức độ gây thiệt hại của hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng được sử dụng để buôn bán làm cơ sở để người có thẩm quyền xử phạt căn cứ lựa chọn hình thức xử lý phù hợp. Nội dung của văn bản này cần quy định cụ thể chủ thể có quyền yêu cầu giám định, thời hạn giám định, cơ quan có thẩm quyền để giám định mức độ gây thiệt hại, giá trị pháp lý của kết quả giám định, chi phí giám định.
Lê Nguyễn Hoàng Long
Trường Đại học Trà Vinh
[1]. Phạm Vũ Ngọc Quang (2016), “Những vướng mắc về xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là sản phẩm thuốc lá ngoại nhập lậu”, Tạp chí Kiểm sát, (12), tr. 37.
[2]. Được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
[3]. Báo cáo số 04/BC-BCĐ389 ngày 02/3/2021 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về tổng kết Kế hoạch số 19/KH-BCĐ389 ngày 23/7/2019 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.
[4]. Báo cáo số 10/BC-BCĐ389 ngày 11/9/2020 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 1339/KH-BCĐ389 ngày 13/12/2017 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
[5]. Nguyễn Thúy Vân (2017), Tác hại của hàng hóa giả mạo và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Tạp chí Quản lý nhà nước, (11), tr. 44.
[6]. Báo cáo số 23/BC-BCĐ389 ngày 04/11/2022 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về tổng kết kết quả xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 388), tháng 9/2023)