Công ước Liên Hợp quốc về thỏa thuận quốc tế thông qua hòa giải ra đời là kết quả của những cuộc bàn thảo, tranh luận, cân nhắc từ ngữ một cách kỹ càng. Công ước này ghi nhận cơ chế thi hành và viện dẫn thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hòa giải, là sự học hỏi, đúc rút từ Công ước New York 1958 với hy vọng sẽ đạt được kỳ tích như đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Bài viết sẽ giới thiệu những nội dung cơ bản của Công ước Liên Hợp quốc về thỏa thuận quốc tế thông qua hòa giải như phạm vi áp dụng, các trường hợp loại trừ, nguyên tắc cơ bản, điều kiện để được trợ giúp, căn cứ từ chối trợ giúp…
Hòa giải là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế hiệu quả. Ưu điểm của hòa giải bao gồm: Quy trình, thủ tục đơn giản có thể được thỏa thuận bởi các bên tranh chấp, tiết kiệm thời gian, chi phí, khả năng bảo mật cao, khả năng đưa ra các giải pháp dựa trên lợi ích cho tất cả các bên trong tranh chấp trên cơ sở sự đồng thuận và duy trì quan hệ kinh doanh sau tranh chấp của các bên. Tuy nhiên, thỏa thuận hòa giải cần một cơ chế công nhận và thi hành, đặc biệt là đối với những thỏa thuận hòa giải xuyên biên giới.
Trước đề nghị của Hoa Kỳ, nhận thấy nhu cầu thực tiễn đòi hỏi hoàn thiện phương thức hòa giải quốc tế trong giải quyết tranh chấp thương mại, Ủy ban Liên Hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) đã quyết định nghiên cứu và xây dựng một công cụ để công nhận và thi hành thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải.
Sau 04 năm xây dựng, ngày 07/8/2019, lễ ký Công ước Liên Hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải được tổ chức tại Singapore (gọi tắt là Công ước Singapore) và có hiệu lực vào ngày 12/9/2020[1]. Với số lượng lớn các quốc gia ký kết và các quốc gia tham gia bày tỏ sự ủng hộ Công ước Singapore tại thời điểm lễ ký cho thấy, hiếm có văn kiện quốc tế nào nhận được sự quan tâm lớn từ các quốc gia và cộng đồng quốc tế như Công ước Singapore nói riêng và phương thức hòa giải thương mại quốc tế nói chung, đồng thời, cho thấy xu hướng của quốc tế sẽ lựa chọn phương thức này để giải quyết các tranh chấp.
Công ước Singapore gồm 16 điều, quy định phạm vi áp dụng, nguyên tắc chung và định nghĩa, các điều kiện để thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải được viện dẫn hoặc thi hành, các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu từ chối trợ giúp cơ chế để gia nhập, bảo lưu và bãi ước. Những nội dung cơ bản của Công ước Singapore gồm:
1. Mục tiêu của Công ước Singapore
Mục tiêu chính của Công ước Singapore là thúc đẩy hòa giải như một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế phát triển hài hòa, “qua đó góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, chủ yếu là Mục tiêu phát triển bền vững số 16”[2] để “thúc đẩy các cộng đồng hòa bình và toàn diện cho phát triển bền vững, cung cấp tiếp cận công lý cho mọi người và xây dựng các thể chế toàn diện, hiệu quả và có trách nhiệm giải trình ở mọi cấp độ”[3].
2. Phạm vi áp dụng
Điều 1.1 Công ước Singapore quy định thỏa thuận hòa giải thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước Singapore phải thỏa mãn 04 điều kiện như sau:
Thứ nhất, thỏa thuận giải quyết tranh chấp phải là kết quả của hòa giải
Hòa giải (mediation)[4] có thể được tiến hành trên cơ sở các căn cứ khác nhau: Thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải của các bên, quy định của pháp luật hoặc được khuyến nghị bởi Tòa án, trọng tài[5]. Tuy nhiên, Công ước Singapore chỉ điều chỉnh thỏa thuận hòa giải thông qua hòa giải viên. Khác với các phương thức giải quyết tranh chấp tại Tòa án hay trọng tài, theo Điều 2.3 Công ước Singapore, hòa giải viên là bên thứ ba không được áp đặt ý chí của mình đối với kết quả hòa giải. Kết quả của hòa giải do các bên tranh chấp thỏa hiệp, vai trò của hòa giải viên chỉ là hỗ trợ các bên tìm ra giải pháp mà các bên có thể chấp nhận, không có quyền áp đặt ý chí của mình đưa ra quyết định kết quả cho các bên, điều này mang đến cho các bên sự kiểm soát đối với cách thức giải quyết tranh chấp của mình. Nếu các bên đạt được một thỏa thuận hòa giải, thỏa thuận này khác so với thỏa thuận hợp đồng thông thường do đạt được với sự hỗ trợ của một bên thứ ba và nhằm để giải quyết tranh chấp.
Thứ hai, thỏa thuận giải quyết tranh chấp phải bằng văn bản
Công ước Singapore đã có cách thức quy định bao quát các dạng thức “bằng văn bản” của thỏa thuận hòa giải, cho phép tùy chỉnh theo sự phát triển của công nghệ hiện tại và tương lai. Hiện nay, những biến động môi trường do dịch bệnh dẫn đến sự gia tăng của các phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến (Online Dispute Resolution, ODR) trong đó có hòa giải trực tuyến (e-mediation). Như vậy, với khái niệm “bằng văn bản” rộng như Điều 2.2, Công ước Singapore đã tạo điều kiện cho sự phát triển mới nhất trong lĩnh vực này, mở ra cơ hội để hòa giải trở thành một lựa chọn phù hợp với các bên trong hoạt động thương mại cho dù có cần phải dựa vào công nghệ hay không.
Thứ ba, tranh chấp phải là tranh chấp thương mại
Công ước Singapore chỉ giới hạn trong phạm vi các thỏa thuận hòa giải đối với những tranh chấp thương mại. Công ước Singapore không có định nghĩa về “thương mại” sử dụng phương pháp loại trừ để quy định về “tranh chấp thương mại”. Điều 1.2 liệt kê các tranh chấp mà Công ước Singapore không áp dụng bao gồm: (a) …phát sinh từ các giao dịch mà một trong các bên tham gia (người tiêu dùng) có mục đích cá nhân, gia đình hoặc hộ gia đình; (b) Liên quan đến pháp luật gia đình, thừa kế hoặc lao động.
Tuy nhiên, khái niệm “thương mại” được định nghĩa trong Luật Mẫu UNCITRAL về hòa giải thương mại năm 2018 (được giải thích theo nghĩa rộng để bao gồm các vấn đề phát sinh từ tất cả các quan hệ có bản chất thương mại, cho dù có bản chất hợp đồng hay không)[6]. Định nghĩa tương tự cũng xuất hiện trong Luật Mẫu UNCITRAL về trọng tài thương mại quốc tế[7], tạo ra sự thống nhất giữa các khái niệm trong các văn kiện của UNCITRAL hài hòa các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Rõ ràng, các tranh chấp liên quan đến người tiêu dùng, pháp luật gia đình, thừa kế hoặc lao động về bản chất không phải là tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, Điều 1.2 về loại trừ các loại tranh chấp không thuộc phạm vi “thương mại” vẫn được thêm vào để bảo đảm sự rõ ràng và phù hợp với các văn kiện khác của UNCITRAL[8].
Thứ tư, thỏa thuận giải quyết tranh chấp phải có tính quốc tế
Tính quốc tế được định nghĩa tại Điều 1.1 Công ước Singapore thông qua địa điểm kinh doanh của các bên trong tranh chấp và quy định đối với trường hợp một bên có nhiều hơn một địa điểm kinh doanh hoặc không có địa điểm kinh doanh (Điều 2.1 Công ước Singapore).
Yêu cầu về tính quốc tế có thể được thỏa mãn thông qua ba lựa chọn khác nhau: “Ít nhất hai bên tham gia thỏa thuận giải quyết tranh chấp có địa điểm kinh doanh tại các quốc gia khác nhau”[9]; quốc gia mà các bên tham gia thỏa thuận giải quyết tranh chấp có địa điểm kinh doanh khác với quốc gia mà phần đáng kể các nghĩa vụ theo thỏa thuận giải quyết tranh chấp được thực hiện[10]; quốc gia mà nội dung của thỏa thuận giải quyết tranh chấp có mối quan hệ gắn bó nhất[11].
Điều 1.1 Công ước Singapore thể hiện sự kế thừa cách tiếp cận tại Điều 1.4 Luật Mẫu UNCITRAL về hòa giải thương mại quốc tế năm 2002 và Luật Mẫu UNCITRAL về trọng tài khi đề cập đến tính quốc tế của hòa giải thương mại thay vì cách tiếp cận của Công ước New York - là hình mẫu của Công ước này. Như vậy, thỏa thuận giải quyết tranh chấp đạt được qua hòa giải có tính quốc tế mà không phải tính nước ngoài và không gắn với một địa điểm pháp định cụ thể như phán quyết trọng tài trong Công ước New York.
Tính quốc tế được đánh giá vào thời điểm ký kết thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải. Điều này cho phép một vụ việc hòa giải không được coi là có tính quốc tế ngay từ đầu nhưng lại có tính quốc tế vào thời điểm các bên ký kết thỏa thuận hòa giải, do có sự thay đổi địa điểm kinh doanh.
Về thuật ngữ “trợ giúp” trong Công ước Singapore: Sau khi thảo luận kỹ lưỡng, UNCITRAL đã nhất trí, mặc dù không có quy định cụ thể về phạm vi (các hành động) của trợ giúp (relief)[12], nhưng được hiểu là bao gồm việc thi hành và viện dẫn thỏa thuận hòa giải tại cơ quan có thẩm quyền của quốc gia được yêu cầu trợ giúp. Cụ thể hơn, Điều 4 Công ước Singapore chính là nội dung của trợ giúp quy định về điều kiện của Công ước Singgapore áp dụng với việc thi hành và viện dẫn thỏa thuận giải quyết tranh chấp quy định tại Điều 3. So sánh với Công ước New York quy định rõ về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, có quan điểm cho rằng, thỏa thuận hòa giải thương mại hoàn toàn là sự thỏa hiệp nhất trí của các bên trong tranh chấp, nếu thỏa thuận đó không trái với pháp luật của nước thành viên được yêu cầu và thỏa mãn các điều kiện của Công ước Singapore thì không cần nhắc lại việc công nhận như đối với bản án của Tòa án hoặc phán quyết của trọng tài thương mại, vì vậy, phạm vi trợ giúp như Công ước Singapore quy định bao gồm thi hành và viện dẫn là mục đích cuối cùng của các bên khi áp dụng Công ước Singapore. Mặt khác, trợ giúp ở đây còn thể hiện sự hỗ trợ giữa các quốc gia để thỏa thuận hòa giải quốc tế phát huy được giá trị và đạt được mục đích của các bên khi đi đến thỏa hiệp.
3. Các trường hợp loại trừ
Để làm rõ hơn phạm vi áp dụng, Công ước Singapore quy định không áp dụng đối với một số trường hợp như đã phân tích Điều 1.2 nêu trên. Bên cạnh đó, Điều 1.3 còn loại trừ các thỏa thuận giải quyết tranh chấp: (i) Đã được Tòa án công nhận hoặc đạt được trong quá trình tố tụng tại Tòa án; (ii) Đang được thi hành như phán quyết của Tòa án tại quốc gia có Tòa án đó; (iii) Được ghi nhận và có thể được thi hành như một phán quyết trọng tài.
Việc loại trừ này nhằm tránh chồng chéo với các văn kiện khác điều chỉnh thẩm quyền và việc thi hành các phán quyết của Tòa án hoặc trọng tài như Công ước New York và các Công ước La Hay quy định.
4. Nguyên tắc cơ bản
Công ước Singapore quy định 02 nguyên tắc cơ bản bao gồm: Các thành viên Công ước phải thi hành thỏa thuận hòa giải và cho phép viện dẫn thỏa thuận hòa giải để chứng minh tranh chấp đã được giải quyết. Hai nguyên tắc thể hiện nghĩa vụ trợ giúp của quốc gia thành viên khi có yêu cầu sử dụng thỏa thuận hòa giải làm căn cứ để thi hành hoặc để chứng minh tranh chấp đã được giải quyết.
Thứ nhất, Điều 3.1 Công ước Singapore đưa ra nguyên tắc ràng buộc nghĩa vụ của các quốc gia thành viên khi nhận được yêu cầu trợ giúp phù hợp với các điều kiện của Công ước này thì phải cho thi hành thỏa thuận hòa giải. Bằng việc gia nhập Công ước này, hiệu lực thi hành của thỏa thuận giải quyết tranh chấp được bảo đảm bởi hệ thống cơ quan nhà nước chứ không đơn thuần là một hợp đồng. Quy định này giúp củng cố sức mạnh cho phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, phù hợp với mục đích của Công ước[13].
Thứ hai, Điều 3.2 Công ước Singapore quy định về việc sử dụng thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải là chứng cứ chứng minh tranh chấp đã được giải quyết trước đó. Như phân tích ở trên, Công ước Singapore không sử dụng từ “công nhận” vì việc “công nhận” trao hiệu lực pháp lý cho một hành vi có tính chất công quyền của một quốc gia khác - như các quyết định của Tòa án - hơn là thỏa thuận tư giữa các bên[14]. Tương tự, “res judicata”[15] không thể được áp dụng đối với thỏa thuận giải quyết tranh chấp vì nguyên tắc này áp dụng với một quyết định của cơ quan có thẩm quyền, mà không phải là một thỏa thuận dàn xếp giữa các bên. Mặc dù tránh việc sử dụng từ “công nhận”, Điều 3.2 Công ước Singapore vẫn quy định rằng, một tranh chấp đã giải quyết thông qua hòa giải sẽ không bị xét xử lại nữa. Thủ tục thực hiện việc cho thi hành và viện dẫn thỏa thuận giải quyết tranh chấp đạt được thông qua hòa giải, Công ước Singapore quy định trao lại quyền cho quốc gia.
5. Điều kiện để được trợ giúp
Điều 4 Công ước Singapore quy định các yêu cầu để một bên có thể dựa vào thỏa thuận giải quyết tranh chấp để tìm kiếm sự trợ giúp. Bên yêu cầu phải cung cấp đủ 02 loại giấy tờ theo Điều 4.1 Công ước Singapore trong hồ sơ gửi đến cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên Công ước Singapore. Cả hai yêu cầu có thể được thỏa mãn bằng các cách thức khác nhau. Điều 4.1 (b) liệt kê các trường hợp minh họa cho nguồn gốc hòa giải của thỏa thuận giải quyết tranh chấp.
Danh sách các chứng cứ được chấp nhận phản ánh mức độ quan trọng của hòa giải viên và tổ chức hòa giải trong xác nhận rằng thỏa thuận đạt được từ quá trình hòa giải. Tuy nhiên, hòa giải có thể diễn ra theo các cách thức khác nhau tại các vùng lãnh thổ khác nhau và để bảo đảm chứng cứ có thể được chấp nhận trong các bối cảnh khác không được nêu trong danh sách, Công ước Singapore cho phép cơ quan có thẩm quyền của mỗi quốc gia chấp nhận bất kỳ chứng cứ nào được coi là hợp lệ trong trường hợp cụ thể.
Hình thức văn bản của chứng cứ, cũng như chữ ký của các bên, tuân theo định nghĩa có phạm vi rộng như phân tích trên. Theo Điều 4.2 Công ước Singaphore, trong trường hợp trao đổi thông tin điện tử thì các điều kiện nêu trên được thỏa mãn nếu có biện pháp đáng tin cậy được sử dụng để nhận dạng các bên hoặc hòa giải viên và để khẳng định ý định của người này với thông tin được chứa đựng trong trao đổi thông tin điện tử đó. Tính tin cậy được xác định khi xem xét toàn bộ các tình huống hoặc chứng minh được trên thực tế. Trong nhiều trường hợp, việc hòa giải trực tiếp không thể được thực hiện như dịch bệnh hoặc tốn kém chi phí, thời gian di chuyển… Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại sẽ thúc đẩy sự phát triển của hòa giải trực tuyến, Điều 4.2 Công ước Singapore quy định cách thức hợp lý để ghi nhận các thông tin điện tử trong quá trình ký kết thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải và nhờ đó, công nhận hòa giải có thể được thực hiện bằng phương thức điện tử.
Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên được yêu cầu trợ giúp có thể yêu cầu bổ sung tài liệu cần thiết để chứng minh đáp ứng các điều kiện của Công ước Singapore[16]. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng có thể yêu cầu một bản dịch thỏa thuận giải quyết tranh chấp sang ngôn ngữ chính thức của quốc gia mình[17].
6. Căn cứ từ chối trợ giúp
Điều 5 Công ước Singapore phân căn cứ từ chối thành 02 nhóm: (i) Theo đề nghị của bên phải thi hành (Điều 5.1); (ii) Tự cơ quan có thẩm quyền được yêu cầu xem xét (Điều 5.2).
Nhóm thứ nhất bao gồm: Một bên không có năng lực ký kết thỏa thuận (Điều 5.1.(a)), thỏa thuận giải quyết tranh chấp bị vô hiệu, không khả thi hoặc không thể thực hiện được theo pháp luật ràng buộc các bên hoặc theo pháp luật mà cơ quan có thẩm quyền xem xét yêu cầu áp dụng (Điều 5.1 (b) (i)) hoặc thỏa thuận không ràng buộc trách nhiệm các bên, không phải là thỏa thuận cuối cùng theo các điều khoản của thỏa thuận đó (Điều 5.1.(b) (ii)) hoặc sau đó đã được sửa đổi (Điều 5.1.(b) (iii)). Các biện pháp trợ giúp cũng có thể bị từ chối nếu việc chấp thuận các biện pháp đó là trái với điều khoản của thỏa thuận giải quyết tranh chấp (Điều 5.1.(d)) hoặc nếu các nghĩa vụ trong thỏa thuận giải quyết tranh chấp đã được thực hiện, hoặc các nghĩa vụ này không rõ hoặc không thể hiểu được (Điều 5.1.(c) (i)). Tương tự với thủ tục hợp lệ (due process) và căn cứ về sự khách quan quy định trong Công ước New York, các biện pháp trợ giúp theo Công ước Singapore có thể bị từ chối nếu có sự vi phạm tiêu chuẩn của hòa giải viên hoặc hòa giải (Điều 5.1.(e)) hoặc nếu hòa giải viên vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn áp dụng cho hòa giải viên hoặc việc hòa giải hoặc hòa giải viên không cung cấp đầy đủ các thông tin, tình huống dẫn đến nghi ngờ về sự vô tư hoặc độc lập của hòa giải viên (Điều 5.1.(f)). Trong hai trường hợp cuối, sự vi phạm hoặc sự không đầy đủ của thông tin phải ở mức độ nghiêm trọng mà nếu không có chúng thì một bên sẽ không ký kết thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải.
Hòa giải là một quá trình hỗ trợ và tư vấn, cho phép một thủ tục mềm dẻo có thể thay đổi theo nhu cầu của các bên vào bất kỳ thời điểm nào, không có hướng dẫn hoặc tiêu chuẩn quốc tế chung nào áp dụng đối với hòa giải viên mà để lại vấn đề này cho pháp luật quốc gia hoặc vào các tổ chức nghề nghiệp chịu trách nhiệm xây dựng các tiêu chuẩn.
Vì là một hợp đồng, thỏa thuận giải quyết tranh chấp có thể được soạn thảo không tốt hoặc được sửa đổi bởi các bên, tất cả các tình huống đó đều có thể là căn cứ dẫn đến việc từ chối trợ giúp. Căn cứ duy nhất nhắc đến pháp luật áp dụng trong Công ước Singapore là pháp luật áp dụng theo thỏa thuận giải quyết tranh chấp có thể bị vô hiệu, không khả thi hoặc không thực hiện được. Việc xác định pháp luật áp dụng dựa trên sự lựa chọn của các bên, và tiếp đó là “pháp luật được cho là có thể áp dụng của cơ quan có thẩm quyền” của quốc gia thành viên Công ước Singapore nơi cần có biện pháp trợ giúp[18]. Ngoài ra, do bản chất hợp đồng của thỏa thuận cho phép nó có thể bị sửa đổi vào bất kỳ thời điểm nào sau đó và vì vậy, không bao giờ có thể trở thành “cuối cùng”.
Nhóm còn lại là hai căn cứ: Việc trợ giúp trái với trật tự công của quốc gia thành viên nơi cần có biện pháp trợ giúp (Điều 5.2.(a)) hoặc vấn đề tranh chấp không thể được giải quyết bằng hòa giải theo pháp luật của quốc gia đó (Điều 5.2.(b)). Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên Công ước Singapore nơi có biện pháp trợ giúp có thể xem xét từ chối trợ giúp.
7. Đơn hoặc yêu cầu song song
Điều 6 Công ước Singapore cho phép các cơ quan phải giải quyết một yêu cầu về biện pháp trợ giúp tạm dừng việc ra quyết định cho đến khi một yêu cầu song song đã tồn tại trước đó được một cơ quan có thẩm quyền khác quyết định. Quy định cho phép nhượng bộ giữa yêu cầu cung cấp biện pháp trợ giúp dựa trên một thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải và việc cho phép cơ quan có thẩm quyền quyết định liệu biện pháp trợ giúp đó có được cho phép khi thủ tục song song xảy ra hay không. Để giải quyết vấn đề này, cơ quan có thẩm quyền có thể cân nhắc các yếu tố khác nhau liên quan đến từng trường hợp cụ thể.
8. Các quy định về liên quan đến công pháp quốc tế
Một là, quyền được hưởng lợi hơn
Điều 7 Công ước Singapore giải quyết mối quan hệ của Công ước Singapore với các pháp luật quốc tế và quốc gia có liên quan, thiết lập nguyên tắc quyền được hưởng lợi hơn. Theo đó, Công ước Singapore không thể được sử dụng để hạn chế một bên liên quan “sử dụng thỏa thuận giải quyết tranh chấp theo cách thức và trong phạm vi được phép theo quy định của pháp luật hoặc điều ước quốc tế của một quốc gia thành viên Công ước Singapore nơi thỏa thuận giải quyết tranh chấp đó được dựa vào[19]. Quy định này cho phép Công ước Singapore được thông qua mà không tước bỏ khả năng của các bên được hưởng quyền được ưu tiên hơn theo pháp luật trong nước của mỗi quốc gia.
Hai là, bảo lưu
Điều 8.1 cho phép các quốc gia thành viên Công ước Singapore bảo lưu một số quyền có thể bị ảnh hưởng bởi Công ước. Cụ thể, một bên của Công ước Singapore có thể tuyên bố Công ước không áp dụng cho các thỏa thuận giải quyết tranh chấp mà quốc gia đó là một bên, hoặc bất kỳ cơ quan Chính phủ hoặc bất kỳ người nào thay mặt cho một cơ quan Chính phủ của quốc gia đó là một bên[20]. Bảo lưu này có thể bảo đảm rằng, không có thỏa thuận giải quyết tranh chấp nào đạt được thông qua hòa giải có thể thi hành chống lại một chủ thể có chủ quyền nhà nước, ngay cả khi chủ thể đó tham gia vào quan hệ thương mại và trong hòa giải các tranh chấp thương mại. Kết hợp với bất kỳ bảo lưu hoặc tuyên bố nào mà một bên có thể có với các văn kiện khác điều chỉnh việc công nhận và thi hành các phán quyết của Tòa án hoặc trọng tài, cơ chế bảo đảm này có khả năng bảo vệ các chủ thể là Nhà nước khỏi quyền thi hành chống lại mình. Để bảo đảm bảo lưu không làm suy yếu niềm tin và việc công nhận đã được trao cho hòa giải, tuyên bố bảo lưu có thể nêu rõ phạm vi mà bảo lưu áp dụng - ví dụ, việc trao quyền hoặc quá trình chấp thuận nội bộ của cơ quan nhà nước như một điều kiện tiên quyết để áp dụng Công ước Singapore.
Một bảo lưu khác các bên có thể đưa ra là việc áp dụng Công ước Singapore chỉ trong phạm vi các bên tham gia thỏa thuận giải quyết tranh chấp đã đồng ý rõ ràng[21]. Công ước Singapore vẫn là một lựa chọn mở nhưng chỉ có thể sử dụng khi các bên trong thỏa thuận giải quyết tranh chấp đều đồng ý với việc áp dụng Công ước Singapore cho thỏa thuận giải quyết tranh chấp của họ.
Không có bảo lưu nào khác mà các quốc gia thành viên Công ước Singapore có thể đưa ra ngoài hai bảo lưu nêu trên[22]. Đáng chú ý là, Công ước Singapore không quy định bảo lưu có đi có lại như Công ước New York. Bảo lưu có thể đưa ra vào bất kỳ thời điểm nào với cùng thủ tục và thời gian có hiệu lực như quy định đối với việc gia nhập Công ước Singapore. Bảo lưu cũng có thể được rút mà không ảnh hưởng đến việc gia nhập Công ước Singapore nói chung[23].
Ba là, chủ thể là tổ chức hội nhập khu vực và chủ thể có chủ quyền
Với mong muốn mở rộng đối tượng tham gia, Công ước Singapore mở rộng phạm vi bao gồm cả các tổ chức hội nhập kinh tế khu vực (Điều 12). Điều này cho phép các tổ chức như Liên minh châu Âu tham gia Công ước (hiện nay Liên minh châu Âu chưa quyết định được liệu Công ước Singapore có nên được chính Liên minh hay từng thành viên thông qua). Nguyên tắc quyền ưu tiên hơn cũng áp dụng với pháp luật của các quốc gia là thành viên của tổ chức hội nhập kinh tế khu vực là một bên của Công ước Singapore[24].
Công ước Singapore cũng công nhận rằng nó có thể được áp dụng khác nhau ở các khu vực lãnh thổ thuộc về các hệ thống pháp luật không thống nhất (Điều 13). Quy định này áp dụng với các quốc gia có chủ quyền như Trung Quốc (Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macao có hệ thống pháp luật hơi khác biệt), để Công ước Singapore có thể được nội luật hóa theo những cách khác nhau với các vùng lãnh thổ đó.
Bốn là, tham gia Công ước Singapore
Lễ ký Công ước tổ chức tại Singapore được mở cho tất cả các quốc gia ký vào ngày 07/8/2019. Điều 11 ghi nhận các phương thức khác nhau để tham gia Công ước Singapore tùy theo pháp luật của mỗi bên ký kết. Điều khoản này cũng quy định rằng, việc ký Công ước không đủ để một quốc gia bị ràng buộc bởi Công ước đó, Điều 11.2 quy định rằng: “Công ước phải được phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc chấp nhận bởi các bên ký kết”. Việc ký Công ước chỉ tạo ra nghĩa vụ tránh việc thực hiện các biện pháp trái với mục đích của Công ước[25].
Trong khi việc ký Công ước Singapore cho phép các bên ký kết phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận, chấp nhận Công ước, Điều 11.3 quy định rằng, Công ước được mở để gia nhập bởi tất cả các quốc gia không phải là một bên ký kết từ ngày Công ước được mở để ký. Theo đó, một quốc gia hoặc tổ chức hội nhập kinh tế khu vực có thể trở thành một bên của Công ước Singapore bằng một trong hai phương thức: (i) Ký Công ước Singapore tại trụ sở Liên Hợp quốc tại New York[26], sau đó, tiến hành các thủ tục phê chuẩn/phê duyệt/chấp thuận và nộp văn kiện phê chuẩn/phê duyệt/chấp thuận cho Tổng Thư ký Liên Hợp quốc - là cơ quan lưu chiểu Công ước[27]; (ii) Nộp văn kiện gia nhập Công ước Singapore cho Tổng Thư ký Liên Hợp quốc[28].
Năm là, hiệu lực
Công ước Singapore có hiệu lực ngày 12/9/2020 theo Điều 14.1, sau khi có 03 quốc gia là Singapore, Fiji và Qatar phê chuẩn. Với các thành viên mới, Công ước Singapore sẽ có hiệu lực với thành viên đó 06 tháng sau khi nộp văn kiện gia nhập.
Bãi ước có thể được thực hiện thông qua “thông báo chính thức bằng văn bản gửi đến cơ quan lưu chiểu”[29] có hiệu lực 12 tháng sau khi cơ quan lưu chiểu nhận được thông báo - trừ khi thông báo xác định một thời hạn dài hơn[30].
Tuân theo bất kỳ thỏa thuận nào theo quy định tại Điều 8.1.(b), Công ước chỉ áp dụng với các thỏa thuận giải quyết tranh chấp được ký kết vào sau ngày Công ước có hiệu lực với các Bên ký kết Công ước liên quan[31].
Về danh nghĩa ký, tham gia Công ước, Công ước không quy định danh nghĩa ký, tham gia Công ước là cấp Nhà nước hay Chính phủ. Do đó, có thể hiểu rằng, danh nghĩa ký kết Công ước hoàn toàn do các quốc gia quyết định.
Sáu là, sửa đổi Công ước
Theo Điều 15.1, bất kỳ thành viên nào của Công ước Singapore cũng có thể đề xuất sửa đổi Công ước này bằng cách đệ trình lên Tổng Thư ký Liên Hợp quốc. Nếu được sự ủng hộ của ít nhất một phần ba các thành viên Công ước Singapore, đề xuất sửa đổi sẽ được xem xét tại một hội nghị, nơi sửa đổi có thể được thông qua với đa số 2/3 những đại diện tham gia có quyền bỏ phiếu[32].
Công ước Singapore là kết quả của những cuộc bàn thảo, tranh luận, cân nhắc từ ngữ một cách kỹ càng. Công ước Singapore ghi nhận cơ chế thi hành và viện dẫn thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hòa giải, là sự học hỏi, đúc rút từ Công ước New York 1958 với hy vọng sẽ đạt được “kỳ tích” như đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Có thể nói rằng, Công ước Singapore như một sự hoàn thiện cho hòa giải thương mại quốc tế, là tiền đề để phát triển phương thức giải quyết tranh chấp này.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. Tại thời điểm tổ chức lễ ký, có 46 quốc gia đã ký Công ước Singapore (gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới); 24 quốc gia khác tham gia lễ ký cũng bày tỏ sự ủng hộ Công ước Singapore. Tính đến ngày 07/9/2021, trong tổng số 54 quốc gia đã ký kết Công ước Singapore có 07 quốc gia đã phê chuẩn hoặc phê duyệt Công ước Singapore.
[2]. Công ước Singapore UNCITRAL, United Nations Convention on International Settlement Agreements Resulting from Mediation (New York, 2018) (the “Singapore Convention on Mediation”) Purpose, Available at https://uncitral.un.org/en/texts/mediation/conventions/international_settlement_agreements (truy cập ngày 20/5/2021).
[3]. Xem: https://sdgs.un.org/goals/goal16.
[4]. Hòa giải là thuật ngữ được sử dụng thay cho “conciliation” trong các văn bản của UNCITRAL trước đây. Theo giải thích tại ghi chú của UNCITRAL do Ban Thư ký lập vào Phiên thứ 68 của Nhóm công tác II5 (A/CN.9/WG.II/WP.205 (các đoạn 4 - 6) và Luật Mẫu UNCITRAL về hòa giải năm 2018, chú thích 2: Về việc không sử dụng thuật ngữ “conciliation” (thường được dịch là hòa giải) mà sử dụng thuật ngữ “mediation” (hay được dịch là trung gian), bởi vì hiện nay, trong tiếng Anh, các thuật ngữ này được sử dụng thay thế cho nhau. Thuật ngữ “mediation” được sử dụng rộng rãi trên thực tiễn được lựa chọn để nâng cao khả năng áp dụng Công ước Singapore cũng như Luật Mẫu UNCITRAL về hòa giải năm 2018 mà không phải thay đổi về nội hàm của khái niệm này.
[5]. UNCITRAL - A/CN.9/896 - đoạn 42 https://undocs.org/A/CN.9/896 .
[6]. Luật Mẫu UNCITRAL về hòa giải thương mại năm 2018 - Chú thích 1.
[7]. Luật Mẫu UNCITRAL về hòa giải thương mại năm 2018 - Chú thích 1.
[8]. A/CN.9/896 - các đoạn 55 - 60.
[9]. Điều 1.1.(a) Công ước Singapore.
[10]. Điều 1.1.(b). (i) Công ước Singapore.
[11]. Điều 1.1. (b). (ii) Công ước Singapore.
[12]. A/73/17 Báo cáo phiên họp thứ 51 của UNCITRAL (đoạn 24).
[13]. Đoạn 5 Phần Mở đầu Công ước Singapore.
[14]. UNCITRAL - A/CN.9/896 Report of Working Group II (Dispute Settlement) - đoạn 78.
[15]. “Một vụ việc đã được quyết định - một vấn đề đã được giải quyết cuối cùng bằng một quyết định tư pháp”, “Bryan A. Garner (ed), Black’s Law dictionary, Thomson Reuters, tái bản lần 10, 2014 - tr. 1504.
[16]. Điều 4.4 Công ước Singapore.
[17]. Điều 4.3 Công ước Singapore.
[18]. Điều 5.1.(b) (i) Công ước Singapore.
[19]. Điều 7 Công ước Singapore.
[20]. Điều 8.1.(a) Công ước Singapore.
[21]. Điều 8.1.(b) Công ước Singapore.
[22]. Điều 8.2 Công ước Singapore.
[23]. Điều 8.5 Công ước Singapore.
[24]. Điều 12.4 Công ước Singapore.
[25]. Điều 10, Điều 18 Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế (1969).
[26]. Điều 11.1 Công ước Singapore.
[27]. Điều 11.4 và Điều 10 Công ước Singapore.
[28]. Điều 11.3, Điều 11.4 Công ước Singapore.
[29]. Điều 16.1 Công ước Singapore.
[30]. Điều 16.2 Công ước Singapore.
[31]. Điều 9 Công ước Singapore.
[32]. Điều 15.2 Công ước Singapore.