Toàn cảnh buổi làm việc.
Tham dự cuộc họp có đại diện của các cơ quan: Văn phòng Chính phủ; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Tại cuộc họp, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án nhân dân, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân gồm 03 điều với một số nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, về mô hình tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân, dự thảo Luật đề xuất bãi bỏ mô hình Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án sơ thẩm chuyên biệt. Thay vào đó, hệ thống Tòa án sẽ được tổ chức theo ba cấp gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tòa án nhân dân khu vực. Đây là bước cải cách có tính chiến lược, góp phần tinh giản đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp, đồng thời phù hợp với định hướng tổ chức chính quyền theo đơn vị hành chính mới.
Thứ hai, trên cơ sở mô hình tổ chức Tòa án theo ba cấp, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cấp Tòa án.
Đối với Tòa án nhân dân tối cao, dự thảo Luật giữ nguyên các chức năng quan trọng như giám đốc việc xét xử của toàn hệ thống Tòa án; tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao sẽ trực tiếp thực hiện việc giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và thực hiện nhiệm vụ phúc thẩm đối với các vụ án hình sự mà bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.
Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao được thiết kế gồm: Hội đồng Thẩm phán, 03 Tòa Phúc thẩm đặt tại Thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; 04 Vụ Giám đốc kiểm tra; các cục, vụ chuyên môn, Học viện Tòa án và các cơ quan báo chí.
Đặc biệt, dự thảo đề xuất tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ mức hiện hành từ 13 người đến 17 người lên thành 23 người đến 27 người nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc ngày càng tăng, đặc biệt, trong bối cảnh các vụ việc giám đốc thẩm, tái thẩm từ Tòa án cấp cao được chuyển giao về.
Đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiệm vụ và quyền hạn được mở rộng bao gồm: thực hiện giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khu vực; phúc thẩm các bản án sơ thẩm của Tòa án khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; đồng thời, thực hiện sơ thẩm đối với các vụ án hình sự nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 20 năm tù, tù chung thân đến tử hình và các vụ án phức tạp khác. Cơ cấu tổ chức gồm: Ủy ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách và bộ máy giúp việc.
Đối với Tòa án nhân dân khu vực, dự thảo Luật quy định việc cơ cấu lại các Tòa án nhân dân cấp huyện hiện hành thành các Tòa án khu vực nhằm phù hợp với định hướng tổ chức đơn vị hành chính mới. Các Tòa án này sẽ được đặt tên theo địa danh hành chính nơi đặt trụ sở, kèm số thứ tự để thuận tiện cho người dân nhận biết. Tòa án nhân dân khu vực có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự với khung hình phạt tối đa đến 20 năm tù; xét xử sơ thẩm tất cả các vụ án hành chính, dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án. Đặc biệt, thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ việc phá sản, sở hữu trí tuệ sẽ được giao cho một số Tòa án nhân dân khu vực lớn tại các trung tâm kinh tế, tài chính lớn trên cả nước. Về tổ chức, Tòa án khu vực bao gồm các Tòa chuyên trách và bộ máy giúp việc.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tại buổi làm việc.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luật và có ý kiến góp ý trực tiếp đối với một số nội dung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân như: (i) tại khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 60 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc không nên quy định cứng về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực mà nên giữ nguyên theo luật hiện hành; (ii) về quy định chuyển tiếp, cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải rà soát kỹ lưỡng để tránh trùng lặp và xung đột với các quy định tố tụng hiện hành đang được thiết kế để giải quyết việc chuyển giao vụ việc giữa các cấp Tòa án, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc nên đưa các điều khoản chuyển tiếp vào các luật chuyên ngành tương ứng thay vì tập trung tất cả vào Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; (iii) về thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bảo đảm sự phù hợp với các luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); (iv) cân nhắc loại bỏ nội dung liên quan đến Luật Giá ra khỏi dự thảo Luật vì đây chỉ là viện dẫn và không trực tiếp điều chỉnh vấn đề tổ chức Tòa án nhân dân, đồng thời, cần rà soát tổng thể và thống nhất, tránh tình trạng mỗi luật về tổ chức lại cố gắng sửa đổi các nội dung liên quan đến mình trong bối cảnh nhiều luật khác cũng đang được sửa đổi để phù hợp với chính quyền địa phương hai cấp. Đối với các luật khác có liên quan, đề xuất sử dụng nghị quyết của Quốc hội để quy định các điều khoản chuyển tiếp, tạo điều kiện vận hành sớm, sau đó sẽ tiến hành sửa đổi từng luật một cách kỹ lưỡng; (v) về nguyên tắc chuyển giao tài sản và tài chính của các Tòa án, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nên có quy định mang tính nguyên tắc, viện dẫn Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; (vi) về việc đặt các Tòa án chuyên trách ở cấp Tòa án khu vực, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc đặt Tòa án chuyên trách tại cấp xã là không hợp lý vì Tòa án chuyên trách đòi hỏi có yêu cầu trình độ chuyên môn cao và xử lý các vụ việc phức tạp, vì vậy, chỉ nên đặt Tòa án chuyên trách tại cấp tỉnh; (vii) về vấn đề phân bổ số lượng thẩm phán, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thuyết trình cụ thể, chi tiết về căn cứ sửa đổi để bảo đảm sự phù hợp và không làm thay đổi tổng số lượng.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm tính thống nhất giữa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cũng đang được sửa đổi và các luật tố tụng khác. Đồng chí Lê Thị Vân Anh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các điều khoản trong các luật khác bị ảnh hưởng bởi việc tổ chức lại Tòa án để có phương án sửa đổi tổng thể, thống nhất, tránh việc sửa đổi rời rạc.
Về phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật, đồng chí Lê Thị Vân Anh cho biết, việc mở rộng phạm vi sửa đổi để sửa đổi các luật khác không thuộc chức năng trực tiếp của Tòa án có thể dẫn đến sự thiếu toàn diện và không thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các luật do cơ quan khác chủ trì, vì vậy cơ quan chỉ trì soạn thảo nên lập một phụ lục liệt kê các điều khoản trong các luật khác bị ảnh hưởng và có phương án xử lý thống nhất sau. Bên cạnh đó, các quy định về chuyển tiếp nên mang tính nguyên tắc chung thay vì quy định quá cụ thể có thể không bao quát hết các tình huống hoặc không thống nhất với các luật tố tụng đang được sửa đổi.
Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, đồng chí Lê Thị Vân Anh cho rằng thành phần của hội đồng này cần cân nhắc có thể nên giữ nguyên như quy định hiện hành với sự tham gia của Chánh án các Tòa án cấp cao.
Về Tòa án chuyên trách, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định rõ ràng hơn việc thành lập các Tòa án chuyên trách tại Tòa án nhân dân khu vực, có thể quy định cứng một số Tòa cơ bản và các Tòa khác thành lập theo nhu cầu thực tế và quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, đồng chí Lê Thị Vân Anh cũng đề nghị Tờ trình dự án Luật cần được soạn thảo đầy đủ, tuân thủ các quy định mới về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cần phải nêu rõ nội dung sửa đổi, bổ sung, lược bỏ./.
Hoàng Trung