Khoản 2 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: “Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 49 của Luật này”. Có thể thấy, bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là hình thức mua bán đặc biệt, công khai đối với tài sản thi hành án, theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, người mua trả giá dựa trên giá khởi điểm do cơ quan thi hành án xác định, người nào trả giá cao nhất sẽ được quyền mua tài sản đấu giá[1]. Trong hoạt động thi hành án dân sự, việc bán đấu giá tài sản được thực hiện trong hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất là việc chấp hành viên thực hiện ký hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp hoặc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp[2]; trường hợp thứ hai là chấp hành viên tự mình thực hiện việc bán đấu giá tài sản nhằm mục đích thu tiền để tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền khác. Việc bán đấu giá tài sản của chấp hành viên cũng như việc ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản thi hành án được thực hiện theo các quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016; các điều 101, 102, 103, 104 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014, năm 2022 (Luật Thi hành án dân sự); Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP); Điều 5 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự (Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC).
Mặc dù, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định tương đối cụ thể về việc bán đấu giá tài sản thi hành án, tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định liên quan đến bán đấu giá tài sản thi hành án vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Cụ thể:
Một là, về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án:
Điều 56 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định việc lựa chọn tổ chức đấu giá phải được công khai trên Trang thông tin điện tử của mình và Trang thông tin điện tử chuyên ngành về bán đấu giá tài sản. Điều 101 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá”. Hướng dẫn cụ thể về nội dung này, Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (Thông tư số 02/2022/TT-BTP) và Quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản để thi hành án kèm theo Quyết định số 1079/QĐ-TCTHADS ngày 25/12/2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã quy định cụ thể về thời gian tiến hành thông báo và lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thi hành án. Theo đó, sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên Trang thông tin điện tử của mình và Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản với đầy đủ tiêu chí quy định tại Điều 3 và Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTP. Người có tài sản đấu giá thông báo công khai việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trong thời hạn ít nhất là 03 ngày làm việc trước ngày quyết định lựa chọn, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Luật Thi hành án dân sự quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ khi định giá tài sản phải ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản. Thực tiễn cho thấy, thời hạn như trên là quá ngắn, không đủ thời gian để chấp hành viên thực hiện thông báo và cho các đương sự thỏa thuận[3]. Trên thực tế, trong 10 ngày làm việc kể từ ngày định giá, chấp hành viên phải tiến hành “cùng lúc” ba công việc: Cho đương sự thỏa thuận lựa chọn tổ chức đấu giá; thông báo công khai về việc bán đấu giá; lựa chọn tổ chức bán đấu giá. Đây là một khoảng thời gian quá ngắn, rất khó khăn trong quá trình thực hiện, hơn nữa, việc quy định như trên dẫn đến bị chồng lấn về thời hạn, vì ngày định giá đã được dùng để xác định mốc thời gian cho đương sự thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá (trong thời hạn 05 ngày làm việc)[4], nay lại dùng để xác định việc ký hợp đồng đấu giá của chấp hành viên là chưa phù hợp. Mặt khác, trong trường hợp có nhiều tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thì chấp hành viên phải thực hiện chấm điểm tổ chức đấu giá theo các tiêu chí đã được quy định để lựa chọn tổ chức đấu giá[5]. Do đó, tác giả đề nghị sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự theo hướng tăng thời hạn từ 10 ngày lên 15 ngày hoặc sửa đổi cách tính thời hạn, cụ thể như: “Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định giá”.
Hai là, về việc giám sát hoạt động của tổ chức bán đấu giá và giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Sau khi chấp hành viên ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản thi hành án với tổ chức bán đấu giá thì tổ chức bán đấu giá sẽ độc lập thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật như thông báo, niêm yết, bán hồ sơ… và cơ quan thi hành án dân sự chỉ giám sát việc thực hiện trên hồ sơ tài liệu do tổ chức bán đấu giá cung cấp. Do đó, trường hợp tổ chức bán đấu giá có hành vi tiêu cực khi bán đấu giá tài sản như hạn chế người mua hồ sơ tham gia đấu giá, không thông báo công khai rõ ràng, thông đồng với người tham gia mua tài sản… nhằm cố tình bán đấu giá không thành[6] để giảm giá tài sản thi hành án thì cơ quan thi hành án rất khó phát hiện và xử lý được. Do đó, cần tăng cường hơn nữa tính chủ động của chấp hành viên trong việc giám sát hoạt động của tổ chức bán đấu giá và quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về trách nhiệm cũng như chế tài xử lý đối với đơn vị đấu giá trong phối hợp với cơ quan thi hành án trong tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án.
Bên cạnh đó, về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản hiện nay vẫn chưa có quy định pháp luật rõ ràng, dẫn đến tình trạng khi đương sự nộp đơn khiếu nại về việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, việc tách bạch trách nhiệm giải quyết khiếu nại của cơ quan thi hành án và tổ chức đấu giá còn nhiều lúng túng. Trong thực tiễn, có những việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức đấu giá nhưng tổ chức đấu giá lại yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự giải quyết và ngược lại… dẫn đến khó khăn trong tổ chức thi hành án.
Ba là, về thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án:
Thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án hiện nay được thực hiện theo trình tự, thủ tục chung về bán đấu giá tài sản thi hành án. Tuy nhiên, với những tính chất riêng của tài sản thi hành án, cần có những quy định rõ hơn về hướng xử lý đối với trường hợp phát sinh trong thực tiễn, cụ thể như:
- Trường hợp chỉ có một người đăng ký mua hoặc chỉ có một người tham gia trả giá: Luật Đấu giá tài sản năm 2016 chưa quy định trường hợp chỉ có một người đăng ký mua hoặc chỉ có một người tham gia trả giá trong lần bán đấu giá đầu tiên thì có được coi là bán đấu giá không thành hay không. Tuy nhiên, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có Công văn số 1447/TCTHADS-NV2 ngày 10/5/2023 về việc hướng dẫn áp dụng khoản 1 Điều 49 Luật Đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì việc đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá chỉ được tiến hành sau khi đã tổ chức cuộc đấu giá lần đầu nhưng không thành. Điều 52 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định các trường hợp đấu giá không thành, trong đó có trường hợp chưa tổ chức cuộc đấu giá (đã hết thời hạn đăng ký mà không có người đăng ký tham gia đấu giá) và trường hợp đã tổ chức cuộc đấu giá (tại cuộc đấu giá không có người trả giá). Tuy nhiên, xét về hiệu lực của văn bản, vẫn cần phải tiếp tục luật hóa quy định này trong quá trình hoàn thiện thể chế.
- Trường hợp người trúng đấu giá không nhận tài sản: Luật Thi hành án dân sự không có quy định giải thích thế nào là người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá trong thi hành án dân sự. Theo quy định tại Điều 5 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì “người trúng đấu giá” là cá nhân, tổ chức trả giá cao nhất so với giá khởi điểm hoặc bằng giá khởi điểm trong trường hợp không có người trả giá cao hơn giá khởi điểm khi đấu giá theo phương thức trả giá lên; cá nhân, tổ chức chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá đã giảm trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống. “Người mua được tài sản đấu giá” là người trúng đấu giá và ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản.
Theo đó, có thể hiểu, người trúng đấu giá tài sản thi hành án là cá nhân, tổ chức đã trả giá cao nhất theo phương thức trả giá lên[7]. Người mua được tài sản đấu giá thi hành án là người đã trúng đấu giá tài sản thi hành án và ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản. Người trúng đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá có thể là tổ chức, cá nhân và chỉ xuất hiện khi tài sản thi hành án được đưa vào bán đấu giá.
Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định về bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án, tuy nhiên, pháp luật thi hành án dân sự chưa quy định trường hợp giao tài sản bán đấu giá thành cho người mua trúng đấu giá mà họ không nhận tài sản thì trong thời gian chờ xử lý tiếp theo, tài sản đó được giao cho ai quản lý. Do đó, tác giả đề nghị bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về việc giao bảo quản thi hành án đối với trường hợp này.
Bốn là, về xử lý tài sản bán đấu giá không thành:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự, trường hợp người được thi hành án không đồng ý nhận tài sản để thi hành án thì chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Nếu giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án vẫn không nhận để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được giao lại cho người phải thi hành án quản lý, sử dụng. Thực tiễn cho thấy, mức giảm giá “bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế” vẫn tạo nên thời gian thực hiện quá dài và không hiệu quả, nhất là đối với những tài sản có giá trị lớn. Trên thực tế có những vụ việc cơ quan thi hành án dân sự đã bán đấu giá, hạ giá hàng chục lần mà vẫn không có người đăng ký mua, người được thi hành án cũng không nhận tài sản để trừ vào tiền được thi hành án… Do đó, đa số quan điểm cho rằng, việc bán đấu giá tài sản thi hành án cần khống chế về số lần bán đấu giá, hạ giá tài sản hoặc xác định một mốc giá trị tương ứng với nghĩa vụ phải thi hành án sao cho phù hợp để có thể nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc.
Mặt khác, về thời điểm người được thi hành án có quyền nhận tài sản cũng nên có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Theo quy định tại Điều 104 Luật Thi hành án dân sự, từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được thi hành án có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án. Thực tiễn cho thấy, quy định như trên vẫn làm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án (vì tối thiểu là phải sau ba lần bán đấu giá mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì mới đáp ứng đủ điều kiện này)[8]. Do đó, nên quy định ngay từ khi có kết quả thẩm định giá, nếu người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án thì cần công nhận quyền nhận tài sản của họ, như vậy sẽ rút ngắn được thời gian tổ chức thi hành án[9].
Về thủ tục tác nghiệp khi giao lại tài sản cho người phải thi hành án trong trường hợp giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án vẫn không nhận để trừ vào số tiền được thi hành án[10], hiện nay, pháp luật vẫn chưa có quy định việc giao lại này được thực hiện bằng quyết định hay bằng biên bản. Đồng thời, có thu hồi quyết định kê biên, xử lý tài sản này hay không và nếu người phải thi hành án không còn tài sản khác để thi hành án thì có phân loại hồ sơ là chưa có điều kiện thi hành án hay không? Có ý kiến cho rằng, nên áp dụng tương tự khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC để ra quyết định thu hồi quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự[11] (trường hợp kê biên, xử lý tài sản cầm cố, thế chấp để thi hành án). Đồng thời, áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, ngăn chặn chuyển dịch đối với tài sản này. Nếu người phải thi hành án không có tài sản nào khác để thi hành án thì nên phân loại hồ sơ vào diện chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự[12], do còn có những quan điểm khác nhau nên cần có quy định hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.
Trong bối cảnh việc thi hành án ngày càng phát sinh nhiều và tăng cao về giá trị như hiện nay, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá tài sản thi hành án là rất quan trọng và cần thiết, góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án.
ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa
Khoa Đào tạo các chức danh thi hành án dân sự, Học viện Tư pháp
[1]. Xem thêm: Bùi Thị Thu Hiền, Bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự theo pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sỹ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.
[2]. Điều 101 Luật Thi hành án dân sự.
[3]. Theo Báo cáo số 234/BC-TKDLCN ngày 12/10/2020 cua Trung tâm Thống kê, quản lý dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục Thi hành án dân sự về kết quả thi hành án dân sự 12 tháng năm 2020; năm 2020, tổng số việc phải thi hành là 885.833 việc, tương ứng với số tiền trên 293.869 tỷ đồng.
[4]. Điều 98 Luật Thi hành án dân sự.
[5]. Điều 7, Điều 8 Quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản để thi hành án.
[6]. Khoản 1 Điều 52 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: “Các trường hợp đấu giá không thành bao gồm: a) Đã hết thời hạn đăng ký mà không có người đăng ký tham gia đấu giá”.
[7]. Điều 58 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
[8]. Khoản 1 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự.
[9]. Xem thêm: Hoàng Thị Thanh Hoa, Hồ Quân Chính, Nguyễn Văn Nghĩa, Bình luận Luật Thi hành án Dân sự, Nxb. Tư pháp, 2019, tr. 498.
[10]. khoản 3 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự.
[11]. Khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định: Trường hợp kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự mà giá của tài sản sau khi giảm giá không lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án thì người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án có trách nhiệm ra ngay quyết định thu hồi quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự. Đồng thời, có văn bản yêu cầu người nhận cầm cố, nhận thế chấp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC.
[12]. Xem thêm: Hoàng Thị Thanh Hoa, Hồ Quân Chính, Nguyễn Văn Nghĩa, Bình luận Luật Thi hành án dân sự, Nxb. Tư pháp, 2019, tr. 498.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 390), tháng 10/2023)