Tóm tắt: Bài viết phân tích các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, từ đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Abstract: The article analyzes the provisions of the 2015 Criminal Code (amended and supplemented in 2017) on criminal liability for commercial legal entities, from which, proposes some solutions to improve the law on this issue.
1. Tính cấp thiết của việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại
Công ước của Liên Hợp quốc về Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đã có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 08/6/2012. Theo đó Công ước này yêu cầu tất cả quốc gia thành viên áp dụng những biện pháp cần thiết để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân trong việc tham gia vào các nhóm tội phạm nghiêm trọng, bao gồm hành vi tham gia vào nhóm tội phạm có tổ chức, rửa tiền, cản trở công lý. Vì vậy, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là cần thiết.
Trước đây, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân người phạm tội. Để phù hợp với xu hướng chung của pháp luật quốc tế cũng như tình hình thực tế tại Việt Nam và các công ước mà Việt Nam đã tham gia ký kết, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015) đã quy định bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là hậu quả pháp lý bất lợi mà pháp nhân thương mại phải gánh chịu trước Nhà nước, do pháp nhân đó thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà những hành vi này được quy định là tội phạm trong pháp luật hình sự.
2. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại
Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015, “1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. 2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. 3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Như vậy, có thể hiểu, các pháp nhân thương mại có thể tồn tại dưới hình thức khác nhau như doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hợp tác xã… nhưng cùng chung mục đích là kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, khác với cá nhân, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự ở một số nhóm tội quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thứ nhất, về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại: Theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 tội và được chia làm các nhóm: (i) Nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; (ii) Nhóm các tội phạm về môi trường; (iii) Nhóm tội phạm xâm phạm trật tự công cộng.
Thứ hai, về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại: Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự do đã thực hiện một tội phạm cụ thể được quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ, đồng thời các điều kiện sau đây:
(i) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại: Là hành vi của một người hoặc một số người đang thuộc biên chế của pháp nhân thương mại. Trong trường hợp họ không phải trong tổ chức kinh tế được công nhận là pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội của họ không phải là hành vi của pháp nhân thương mại.
(ii) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại: Khi một người hoặc một số người thực hiện hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại giao hoặc ủy quyền đều vì lợi ích của pháp nhân thương mại chứ không vì lợi ích cá nhân của họ.
(iii) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại: Sự chỉ đạo, điều hành thông qua việc chỉ đạo của những người đứng đầu hoặc của một tập thể pháp nhân thương mại. Sự chỉ đạo, điều hành được hiểu như trường hợp phạm tội có tổ chức mà người tổ chức là người chỉ đạo, điều hành mọi hành vi của tất cả các đồng phạm khác. Ngoài sự chỉ đạo, điều hành của những người nhân danh pháp nhân thương mại, còn có trường hợp tuy không có sự chỉ đạo, điều hành nhưng lại có sự chấp thuận, đồng ý của những người đứng đầu pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội cũng là hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại.
(iv) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015, tuỳ thuộc vào tội phạm mà pháp nhân thương mại thực hiện. Theo đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Điều này có nghĩa, trong mọi trường hợp, người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội luôn phải chịu trách nhiệm hình sự về cùng tội danh với pháp nhân, trừ trường hợp thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Quy định này nhằm chống lại việc cá nhân phạm tội, lợi dụng vỏ bọc pháp nhân để thoát tội.
Thứ ba, về căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại: Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại.
- Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 84 Bộ luật Hình sự năm 2015) gồm: (i) Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; (ii) Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; (iii) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; (iv) Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; (v) Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội.
Đặc biệt, khi Tòa án quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
- Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 85 Bộ luật Hình sự năm 2015) gồm: (i) Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội; (ii) Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng; (iii) Phạm tội 02 lần trở lên; (iv) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; (v) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội; (vi) Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.
Pháp nhân thương mại được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Thứ tư, hình phạt đối với pháp nhân thương mại khi pháp nhân thương mại phạm tội:
(i) Hình phạt chính:
- Phạt tiền: Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng;
- Đình chỉ hoạt động có thời hạn: Đình chỉ hoạt động của pháp nhân trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế. Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm;
- Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn: Chấm dứt hoạt động của thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả đó. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ mọi hoạt động.
(ii) Hình phạt bổ sung:
- Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định: Được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội. Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động. Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
- Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội. Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm: Cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư; cấm phát hành, chào bán chứng khoán; cấm huy động vốn khách hàng; cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
- Phạt tiền: Áp dụng trong trường hợp không được áp dụng là hình phạt chính.
Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung. Các hình phạt nhìn chung chủ yếu tác động vào lợi ích kinh tế, tài chính của pháp nhân thương mại.
Thứ năm, các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 82 Bộ luật Hình sự năm 2015): Tòa án có thể quyết định áp dụng các biện tư pháp sau đây đối với pháp nhân thương mại phạm tội: (i) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; (ii) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; (iii) Buộc công khai xin lỗi; (iv) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; (v) Buộc thực hiện một hoặc một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
Thứ sáu, xóa án tích: Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới.
3. Một số kiến nghị
Trong thực tiễn, đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có pháp nhân thương mại nào phải chịu trách nhiệm pháp lý hình sự. Tuy nhiên, nghiên cứu nội dung của trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, tác giả nhận thấy, còn một số vấn đề cần làm rõ trong Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trên thực tế. Vì vậy, tác giả có kiến nghị hoàn thiện vấn đề này như sau:
Một là, lỗi của pháp nhân thương mại trong thực hiện tội phạm: Tại Điều 10, Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ đề cập đến yếu tố lỗi của người phạm tội mà không đề cập đến lỗi của pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội. Theo tác giả, có lẽ đây là một thiếu sót trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015. Để khắc phục hạn chế trên và để đồng bộ với các điều luật khác, thì Điều 10, Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015 cần bổ sung cụm từ “hoặc pháp nhân thương mại phạm tội” vào sau cụm từ “người phạm tội”.
Hai là, trong số các tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự có Tội tài trợ khủng bố (Điều 300), Tội rửa tiền (Điều 324). Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về việc chuẩn bị phạm các tội này. Như vậy, đối với pháp nhân thương mại khi chuẩn bị phạm các tội này có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Đây cũng là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ.
Ba là, về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, tại điểm d khoản 1 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có quy định theo hướng viện dẫn. Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp, theo tác giả, cần nghiên cứu bổ sung cụm từ “pháp nhân thương mại” vào sau cụm từ “… mà khi hết thời hạn đó thì người…” ở khoản 1 Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015 và bổ sung cụm từ “pháp nhân thương mại” vào sau từ “người” ở khoản 3 Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau: “Điều … Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: 1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:… 3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới…”.
Bốn là, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là một vấn đề mới được đặt ra, đến nay, Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn về chế định này. Do vậy, việc xác định các tội danh mà pháp nhân thương mại thực hiện cần thận trọng, có các bước đi phù hợp, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm và phổ biến của những vi phạm xảy ra trong thực tiễn để quy định trong Bộ luật Hình sự nhằm xử lý hành vi phạm tội. Việc pháp nhân thương mại phạm tội không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Vì thế, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự cần làm rõ các tình tiết, hành vi phạm tội của cá nhân hoặc pháp nhân thương mại (nếu có), trường hợp pháp nhân thương mại ra quyết định hoặc chỉ đạo cá nhân thực hiện hành vi phạm tội thì cần xử lý hình sự cả cá nhân và pháp nhân thương mại về tội mà họ đã thực hiện. Như vậy, việc xử lý tội phạm mới triệt để, toàn diện, tránh bỏ lọt tội phạm là cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội.
Năm là, cần làm rõ việc có hay không có hành vi phạm tội vượt quá của một người hay một nhóm người nhân danh pháp nhân thương mại phạm tội. Nếu có thì phải phân định rõ hành vi phạm tội vượt quá để xác định đúng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và trách nhiệm hình sự của cá nhân. Ngoài việc xác định hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại thì còn phải làm rõ có hay không có hành vi của một người hay một nhóm người lợi dụng danh nghĩa pháp nhân thương mại để phạm tội vì lợi ích riêng của họ. Tuy nhiên, nếu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội họ lại lợi dụng pháp nhân thương mại để thực hiện thêm hành vi vì lợi ích cá nhân thì chỉ hành vi nào vì lợi ích của pháp nhân thương mại mới buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm, còn hành vi nào vượt ra ngoài lợi ích của pháp nhân thương mại mà vì lợi ích cá nhân họ thì họ phải chịu trách nhiệm.
Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội xuất phát từ tình hình thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và yêu cầu nội luật hóa (hình sự hóa) một số quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm bảo đảm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của pháp nhân thương mại trong và ngoài nước bình đẳng trước pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế lành mạnh, bền vững.
TS. Lê Minh Thái
Trường Đại học Văn Lang
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 378), tháng 4/2023)