
![]() |
Toàn cảnh buổi Lễ. |
Nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thi hành án dân sự
Ngày 25/6/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1898/QĐ-BTP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Thi hành án dân sự nhằm tổ chức lại toàn diện hệ thống Thi hành án dân sự. Với mô hình mới, tại Trung ương, Cục Quản lý Thi hành án dân sự gồm 07 đơn vị chuyên môn, tổ chức theo hướng tinh gọn, chuyên sâu và hiện đại; tại địa phương, hệ thống Thi hành án dân sự được tổ chức một cấp với 34 cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố, gồm 355 phòng Thi hành án dân sự khu vực. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình mới đã tinh gọn một cấp trung gian là cấp huyện và cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh sẽ đảm nhiệm vai trò chỉ đạo trực tiếp, toàn diện cả về tổ chức nhân sự và nghiệp vụ trên địa bàn, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là đối với hoạt động của chấp hành viên. Đồng thời, mô hình mới đã phân tách rõ ràng chức năng quản lý hành chính và chuyên môn, cụ thể: Lãnh đạo Phòng Thi hành án dân sự khu vực không còn thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản và ban hành quyết định thi hành án, nhờ đó có điều kiện tập trung chỉ đạo nghiệp vụ, giảm thiểu các sai sót do hạn chế trong năng lực quản lý trước đây. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy theo hướng mới cũng giúp rút ngắn quy trình nghiệp vụ, loại bỏ được cơ chế ủy thác giữa các khu vực trong cùng một tỉnh, tăng cường tính chuyên môn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và hiệu quả thi hành án; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thi hành án dân sự.
![]() |
Đồng chí Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi Lễ. |
Tại buổi Lễ, đồng chí Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp đã công bố các quyết định bổ nhiệm Lãnh đạo Cục Quản lý Thi hành án dân sự. Theo đó, đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý Thi hành án dân sự; đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thi hành án dân sự; đồng chí Nguyễn Thị Hoàng Giang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thi hành án dân sự. Ngoài ra, các quyết định bổ nhiệm chức danh Trưởng, Phó các ban thuộc Cục Quản lý Thi hành án dân sự, Trưởng Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố; các quyết định nghỉ hưu đối với nguyên Cục trưởng, quyền Cục trưởng và các cán bộ chủ chốt khác cũng được công bố tại buổi Lễ.
Phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất cao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ
Thay mặt Ban thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Mai Lương Khôi gửi lời chúc mừng hệ thống Thi hành án dân sự và các đồng chí lãnh đạo trong hệ thống Thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết, mô hình cơ quan Thi hành án dân sự một cấp là một đột phá trong tư duy tổ chức bộ máy nhằm trao quyền thực chất, tăng tính chủ động và linh hoạt cho các cơ quan Thi hành án cấp tỉnh, thành phố. Điểm nổi bật của mô hình này là đưa hệ thống Thi hành án dân sự gần dân, sát dân và phục vụ Nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, việc sắp xếp lại bộ máy Thi hành án dân sự sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong giai đoạn đầu triển khai. Do vậy, để biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi thành kết quả cụ thể, Thứ trưởng đề nghị các lãnh đạo Cục Quản lý Thi hành án dân sự, các ban chuyên môn thuộc Cục, các trưởng cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Thường vụ Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ Tư pháp xác định rõ việc tổ chức lại hệ thống Thi hành án dân sự là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có tính chất bắt buộc và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc toàn bộ nội dung của Đề án, từ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng thể đến các nhóm giải pháp cụ thể đã được phê duyệt.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu tại buổi Lễ. |
Hai là, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và tổ chức điều hành trong toàn hệ thống Thi hành án dân sự, đặc biệt trong bối cảnh triển khai mô hình tổ chức một cấp. Các cơ quan, đơn vị phải xác định rõ mô hình mới không chỉ thay đổi về mặt tổ chức mà đồng thời đặt ra những yêu cầu cao về phương thức điều hành, kỹ năng quản trị và năng lực ứng biến trong xử lý tình huống thực tiễn.
Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thi hành án dân sự. Trước mắt cần triển khai vận hành ngay các phần mềm hỗ trợ nghiệp vụ thi hành án dân sự đã xây dựng, đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai các ứng dụng, chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động thi hành án dân sự bảo đảm quản lý sâu sát, kiểm soát chặt chẽ công việc của đơn vị và của cả hệ thống.
Bốn là, đối với Cục Quản lý Thi hành án dân sự, cần tập trung nắm bắt toàn diện các nội dung, tiến độ công việc, đặc biệt là các nhóm công việc trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự, đẩy mạnh tiến độ công việc trong các tháng cuối năm, tổ chức triển khai, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo.
Năm là, đối với 34 cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố hiện đang vận hành theo mô hình mới từ ngày 01/7/2025 cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất cao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về chuyên môn, điều kiện làm việc và tâm lý tổ chức đối với các trưởng hoặc quyền trưởng các cơ quan Thi hành án dân sự mới được bổ nhiệm.
Cải cách thủ tục hành chính trong các hoạt động thi hành án dân sự, bảo đảm gần dân, sát dân và kịp thời phục vụ, giải quyết các yêu cầu của người dân
![]() |
Đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Cục trưởng Cục Quản lý Thi hành án dân sự phát biểu tại buổi Lễ. |
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Cục trưởng Cục Quản lý Thi hành án dân sự cho biết, việc tổ chức lại hệ thống Thi hành án dân sự không chỉ là sắp xếp, tinh gọn bộ máy bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược về tư duy quản lý, chỉ đạo, điều hành cho sự phát triển dài hạn; tạo động lực và nguồn lực mới, tận dụng sức mạnh cộng hưởng để xây dựng hệ thống Thi hành án dân sự “liêm chính, chuyên nghiệp, kỷ cương, hiệu quả”. Trên tinh thần đó, tập thể Lãnh đạo Cục Quản lý Thi hành án dân sự sẽ đoàn kết, đồng thuận, bản lĩnh, quyết liệt tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ công việc trong những tháng cao điểm cuối năm để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; tăng cường mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong các hoạt động thi hành án dân sự, bảo đảm gần dân, sát dân và kịp thời phục vụ, giải quyết các yêu cầu của người dân.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cùng các đại biểu đã thực hiện nghi thức nhấn nút khai trương Hệ thống Biên lai điện tử thi hành án dân sự. |
Tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cùng các đại biểu đã thực hiện nghi thức nhấn nút khai trương Hệ thống Biên lai điện tử thi hành án dân sự - giải pháp công nghệ do Bộ Tư pháp chỉ đạo phát triển, phối hợp với Tập đoàn FPT thực hiện.
Hệ thống Biên lai điện tử được triển khai dựa trên định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung cập nhật chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Để khoảng cách địa lý không còn là rào cản cho doanh nghiệp và người dân, ở bất cứ địa điểm, thời gian nào, người dân đều có thể nộp tiền thi hành án và nhận lại chứng từ của cơ quan thu, Hệ thống Biên lai điện tử là giải pháp đột phá thay cho hình thức thu nộp trực tiếp bằng tiền mặt và phát hành Biên lai giấy, bảo đảm không gây phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quan hệ với các cơ quan Thi hành án dân sự. Thông qua Hệ thống Biên lai điện tử, người dân và doanh nghiệp có thể nộp tiền thi hành án mọi lúc, mọi nơi; nhận chứng từ điện tử thay cho biên lai giấy; giảm thời gian, chi phí và tăng tính minh bạch, chính xác.