Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận sôi nổi là vấn đề tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi của Chương II. Có ý kiến đề nghị chỉnh sửa tên gọi của Chương II thành “Tổ chức chính quyền đô thị” để bảo đảm phù hợp với nội dung các quy định của Chương này. Ý kiến khác đề nghị đổi tên Chương II thành “Tổ chức chính quyền Thủ đô” hoặc “Tổ chức chính quyền các cấp Thủ đô”. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý tên gọi của Chương II của dự thảo Luật là “Tổ chức chính quyền đô thị” để thể hiện rõ các nội dung đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị sẽ được áp dụng tại Thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho rà soát, lược bỏ các quy định có sự trùng lặp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương như không quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội trong việc quy định tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, không quy định về tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các huyện của Hà Nội vì các nội dung này tiếp tục thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Riêng nội dung về phân cấp, ủy quyền, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, dự thảo Luật đã tập hợp, bổ sung, sắp xếp lại các quy định về nguyên tắc và các nội dung cụ thể về phân cấp, ủy quyền trong dự thảo Luật do Chính phủ trình để quy định thành một điều riêng trong dự thảo Luật (Điều 14) nhằm bảo đảm rõ ràng về chủ thể được phân cấp, ủy quyền, đối tượng được nhận phân cấp, ủy quyền, nội dung và trách nhiệm trong phân cấp, ủy quyền thay thế cho việc áp dụng các quy định về phân cấp, ủy quyền theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đến nay, vấn đề tổ chức chính quyền ở Thành phố Hà Nội được quy định tại Chương II Dự thảo Luật, gồm 09 điều, từ Điều 8 đến Điều 16. Theo đó, chính quyền địa phương ở Thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, xã, thị trấn ở Thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động theo chế độ thủ trưởng, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.
Mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội xác định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội; theo đó, không tổ chức Hội đồng nhân dân ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố Hà Nội.
Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố (Điều 9 và Điều 11), trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường tổ chức bộ máy cho Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố nhằm bảo đảm để chính quyền các cấp của Thành phố đảm đương được các nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm.
Đối với các nội dung phân quyền cho Thành phố Hà Nội liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thành phố Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại phiên thảo luận, đề cập về giao thẩm quyền quyết định tổ chức bộ máy, tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân thì ở quy định đã điều chỉnh nên đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng tán thành với việc này. Bởi vì Thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao. Ngoài việc đảo đảm nhiệm vụ của một địa phương cấp tỉnh thì Hà Nội còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính trị, đặc biệt yêu cầu cao hơn về đô thị, môi trường, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, đối ngoại với vai trò là Thủ đô của đất nước. Đồng thời với vị trí Thủ đô là đô thị đặc biệt có tốc độ phát triển nhanh, quy mô kinh tế lớn, hoạt động thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế, văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn. Do đó, quy định việc giao quyền chủ động cho thành phố trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết.
Theo đại biểu Trần Chí Cường, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã có sự tiếp thu, chỉnh lý tương đối phù hợp, đưa ra các nguyên tắc, điều kiện để thành lập, tổ chức lại các cơ quan theo yêu cầu quản lý của từng giai đoạn theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội; đồng thời có sự giới hạn về số lượng khi thành lập thêm tổ chức đối với cấp thành phố không vượt quá 15% (tương đương khoảng 3 cơ quan) và đối với cấp huyện thì không có vượt quá 10% (tương đương với 01 cơ quan) theo khung quy định của Chính phủ. Như vậy, vừa một mặt là đảm bảo cho thành phố chủ động sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Mặt khác cũng giới hạn trong không phát sinh việc thành lập quá nhiều cơ quan, đơn vị.
Về đẩy mạnh phân cấp về biên chế tại thành phố Hà Nội, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, tại khoản 4 Điều 9 của dự thảo Luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, theo tinh thần chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự quản của chính quyền Thủ đô, do đó đề nghị Quốc hội nên đẩy mạnh phân cấp, quản lý về biên chế, giao cho Hà Nội được quyền quyết định về biên chế cán bộ công chức, viên chức, đi liền với đó phải có cơ chế báo cáo, kiểm tra, kiểm soát của Trung ương trong quá trình thực hiện.
Về phân cấp, ủy quyền tại Điều 14 của dự thảo, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị dự thảo Luật cần tập trung vào những quy định liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền Thủ đô, qua đó giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền để chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Còn việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền Thủ đô là thuộc nội bộ điều hành của chính quyền Thủ đô, thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đại biểu cho rằng, Quốc hội không nên phân cấp gộp cho Thủ đô việc này.
Về mô hình tổ chức chính quyền tại Thành phố Hà Nội, đại biểu Lê Hoàng Hải - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tán thành với quy định về tổ chức chính quyền tại Thành phố Hà Nội như quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật. Mô hình này đã khác biệt các quy định tại khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội và đã có thực tiễn thi hành trên địa bàn. Theo đó, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố Hà Nội sẽ góp phần khiến tổ chức chính quyền cấp xã, phường tinh gọn và năng động hơn. Theo đại biểu, cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc xây dựng Luật Chính quyền đô thị riêng để tạo cơ sở áp dụng đồng bộ, ổn định, thống nhất các nội dung về chính quyền đô thị.
Cùng góp ý về tổ chức chính quyền ở Thành phố Hà Nội (Điều 8, Điều 9 và Điều 10), đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 8 theo hướng “Chính quyền địa phương ở Thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân với cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn rõ ràng, phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương”. Đại biểu cũng góp ý sửa đổi khoản 3 Điều 9 theo hướng: “Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội được thành lập không quá 05 Ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể, nhằm đảm bảo hiệu quả và tránh sự phân tán quyền lực”, đồng thời bổ sung khoản 5 Điều 10 theo hướng: “Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội có quyền đề xuất và thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư và phát triển bền vững, nhằm tăng cường sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô”.
Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, các ý kiến phát biểu cho thấy, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng chuẩn bị hồ sơ, tài liệu dự án Luật trình Quốc hội và cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật đã được chỉnh lý. Các đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số điều, khoản quy định cụ thể trong dự thảo luật, nhằm bảo đảm tính khả thi, nâng cao chất lượng, hiệu quả cao khi thi hành luật; vừa bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách, tạo động lực xây dựng và phát triển Thủ đô của cả nước xứng tầm trong giai đoạn mới, với tinh thần Hà Nội của cả nước, Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội; đồng thời lưu ý rà soát để bảo đảm tính đồng bộ với hai văn kiện rất quan trọng là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội theo Luật Quy hoạch và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Luật Xây dựng mà Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận, cho ý kiến ngay tại Kỳ họp này.
Minh Trí