ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một Chatbot do Công ty OpenAI của Mỹ phát triển dựa trên mô hình Transformer của Google. Đây là một trí tuệ nhân tạo (AI) giúp bạn tạo các cuộc trò chuyện tự động và trả lời các câu hỏi về nhiều chủ đề và lĩnh vực khác nhau. ChatGPT cho phép người sử dụng có thể trò chuyện như con người, có khả năng tương tác ở dạng các cuộc hội thoại, đàm thoại tương tự như cách hai cá nhân nói chuyện với nhau. ChatGPT được coi là một trong những mô hình ngôn ngữ tiên tiến nhất hiện nay với khả năng tự động học và làm việc với các loại dữ liệu lớn. Nó được trang bị các tính năng nổi bật như tự động hóa hội thoại, trả lời câu hỏi, tạo câu trả lời tự động và cải thiện khả năng tự học của mô hình[1]. Đồng thời, hiện nay, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân ngày càng được tăng cường. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đồng thời, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong các nội dung quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó xác định đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đặc biệt là Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021” ban hành kèm theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ[2]. Như vậy, việc nâng cao nhận thức đúng, đầy đủ, kịp thời ý nghĩa và vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt với sự xuất hiện của ứng dụng mới có tên gọi ChatGPT (từ tháng 11/2022) có ý nghĩa quan trọng.
1. Nhận diện phần mềm ChatGPT
ChatGPT được xây dựng dựa trên GPT-3.5 - một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của Công ty OpenAI, đồng thời được tinh chỉnh bằng cả hai kỹ thuật học tăng cường lẫn học có giám sát[3]. ChatGPT được ra mắt dưới dạng nguyên mẫu vào tháng 11/2022 với mục đích phi lợi nhuận, chỉ nhằm phục vụ lợi ích của nhân loại. Sau khi ra mắt, phần mềm này nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ việc nó có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau. ChatGPT tổng hợp nguồn thông tin từ nhiều sách báo thông qua việc chúng ta đăng tải, chia sẻ các thông tin lên mạng internet và tìm kiếm thông tin trên các trình duyệt. Từ đó, nó tạo ra văn phong riêng, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, có chiều sâu phù hợp nhất với câu hỏi của người dùng. Phần mềm này có thể làm được rất nhiều thứ, từ giải toán cho tới viết báo, làm luận cho tới xây dựng giáo án, lập trình máy tính và thậm chí là cả phân tích, giải thích các quy định của pháp luật.
Có thể thấy, phần mềm ChatGPT là một công cụ chatbot AI dựa trên các đối thoại nguyên mẫu để hiểu ngôn ngữ tự nhiên và phản hồi bằng ngôn ngữ tự nhiên (giống như hai con người đang nói chuyện trực tiếp) với phạm vi trao đổi không giới hạn. Con người sử dụng ChatGPT như là một bộ máy tìm kiếm dữ liệu.
2. Lợi ích và những nguy cơ tiềm ẩn của ChatGPT
Mặc dù, ChatGPT chưa được sử dụng chính thức tại Việt Nam nhưng qua các thông tin, tính năng của nó cho thấy thực sự sẽ mang lại lợi ích căn bản cho cả người sử dụng, có thể trở thành “trợ thủ” đắc lực nếu được tận dụng đúng cách, đúng mục đích. Bởi vì, với lợi ích và tính năng đặc biệt, tốc độ trả lời câu hỏi nhanh, ChatGPT có thể giúp tiết kiệm thời gian và cải thiện hiệu suất công việc. Đồng thời, ChatGPT còn có khả năng ghi nhớ nội dung cuộc trò chuyện trước đó, từ đó cung cấp những đề xuất và hỗ trợ được cá nhân hóa. Bên cạnh việc thực hiện các cuộc trò chuyện với con người dưới dạng hỏi - đáp thông thường, ChatGPT còn có khả năng làm luận văn, viết thơ, biên tập một bài báo hoặc thậm chí là lập trình cho máy tính… Chẳng hạn, trong lĩnh vực giáo dục, ChatGPT không chỉ là công cụ giúp giáo viên tìm kiếm các nguồn tư liệu đa dạng, phong phú phục vụ cho bài học mà còn có thể giúp giáo viên phân tích, so sánh, tổng hợp kiến thức một cách dễ dàng, nhanh chóng. Đây thực sự là công cụ góp phần tăng hiệu quả làm việc, giảm bớt thời gian lao động cho giáo viên. Đối với người học, ChatGPT cũng là công cụ hỗ trợ học sinh tìm kiếm thông tin, hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ học tập một cách hữu hiệu. ChatGPT có thể hỗ trợ người học đưa ra các câu trả lời nhanh chóng với độ chính xác cao. Điều này giúp giảm tải khối lượng kiến thức cần phải ghi nhớ hay thuộc lòng, thay vào đó người học có thể tập trung vào các mục tiêu giáo dục ở cấp nhận thức cao hơn là tổng hợp, phân tích, đánh giá và sáng tạo[4]. Trong lĩnh vực nghiên cứu, phổ biến pháp luật, ChatGPT sẽ là một trợ thủ đắc lực cho các chuyên gia pháp luật trong việc xây dựng văn bản và kết cấu nội dung ý tưởng khi nghiên cứu triển khai công việc. Thời gian, chi phí nghiên cứu, phân tích pháp lý đều được rút ngắn lại. ChatGPT cũng có khả năng phân tích dữ liệu pháp lý có sẵn, từ đó, hỗ trợ chuyên gia đưa ra được những quyết định phù hợp và hiệu quả hơn (mang tính kham khảo), thậm chí, khi được hỏi một câu hỏi pháp lý, ChatGPT sẽ ngay lập tức tìm kiếm các quy phạm pháp luật điều chỉnh, từ luật cho tới nghị quyết, thông tư cho tới các bản án, án lệ… để áp dụng trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, cũng không nên tuyệt đối hóa công nghệ này, bởi lẽ, hiện tại ChatGPT vẫn chưa thể vượt qua năng lực tư duy, xử lý thông tin của con người[5]. Hiện nay, nhiều người đang “thần thánh hóa” khả năng của Chatbot AI, bên cạnh những ưu điểm, siêu AI này cũng có một số lỗ hổng như: Do hạn chế về ngôn ngữ, đôi khi Chatbot AI không đưa ra câu trả lời tự nhiên, dễ hiểu. Bởi vì, ChatGPT hoạt động dựa trên dữ liệu có sẵn. Do đó, trong một số tình huống phức tạp hoặc chủ đề mới, siêu AI này có thể không trả lời được hoặc đưa ra thông tin sai lệch; việc sử dụng ChatGPT có nguy cơ bị “đánh cắp” những thông tin nhạy cảm... Ví dụ, Trung Quốc cấm công cụ ChatGPT. Cơ quan quản lý của Trung Quốc đã yêu cầu các công ty công nghệ lớn của nước này không cung cấp dịch vụ ChatGPT cho người dân. Theo đó, các tập đoàn lớn tại Trung Quốc (như Tencent, Alibaba…) nhận được yêu cầu về việc ngừng cung cấp dịch vụ ChatGPT cả trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nền tảng của bên thứ ba. Ngoài cấm ChatGPT, Trung Quốc cũng đưa ra thông báo về việc các công ty trong nước muốn ra mắt Chatbot hoặc dịch vụ AI có liên quan phải báo cáo và xin phép cơ quan quản lý. Không tổ chức hoặc cá nhân nào tại quốc gia này được tự ý khởi chạy các dịch vụ kiểu siêu AI như ChatGPT[6].
3. Nhận thức đúng để khai thác giá trị tích cực của ChatGPT trong việc hỗ trợ con người thực hiện công tác phổ biến pháp luật
Công tác phổ biến pháp luật là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược để pháp luật đi vào cuộc sống, gần gũi nhân dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hiệu quả của công tác phổ biến pháp luật bị chi phối bởi chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến pháp luật, được cấu thành trên cơ sở một số yếu tố cơ bản như thái độ, kiến thức và kỹ năng. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, mặc dù chúng ta có thái độ tích cực, kiến thức khá phong phú, nhưng không có kỹ năng tốt, thì việc giải quyết các tình huống, vấn đề thực tế vẫn kém hiệu quả. Chính yếu tố này khiến cho dịch vụ ChatGPT không thể làm thay con người trong công tác phổ biến pháp luật, bởi lẽ, một cán bộ làm công tác phổ biến pháp luật tốt họ phải rèn luyện, tích lũy kỹ năng (tức là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tế). Một số kỹ năng quan trọng trong công tác phổ biến pháp luật là: Kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng hỏi, kỹ năng soạn thảo văn bản…
Để đạt được mục tiêu phổ biến pháp luật, cán bộ làm công tác phổ biến pháp luật phải biết xác định chính xác trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến cần trang bị kỹ năng, xác định đối tượng và lựa chọn hình thức hay cách thức tuyên truyền, phổ biến; phải tìm hiểu về đối tượng cần được phổ biến như số lượng, giới tính, độ tuổi, trình độ, nghề nghiệp, thành phần dân tộc, tôn giáo, những vấn đề về tâm lý, tâm tư của họ… sẽ giúp cho cán bộ làm công tác phổ biến pháp luật lựa chọn được cách thức chuyển tải nội dung phổ biến, thời điểm thời lượng, địa điểm, kỹ thuật hỗ trợ thích hợp để việc vận động đạt được mục đích đề ra. Bởi vì, nếu chỉ có một cách thức mà áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng thì khả năng dẫn đến rủi ro tương đối cao.
Như vậy, dịch vụ ChatGPT sẽ hỗ trợ người làm công tác phổ biến pháp luật như thế nào? Đó là câu hỏi cần được nhận thức đúng. Dịch vụ ChatGPT không thể thay thế con người trong công tác phổ biến pháp luật. Khi trí tuệ nhân tạo phát triển, công nghệ ngày càng hiện đại buộc cán bộ làm công tác phổ biến pháp luật phải nâng tầm phương pháp khai khác tri thức, tận dụng thêm ChatGPT hỗ trợ công việc, bởi lẽ, ChatGPT không thể bảo đảm tính chính xác, rõ ràng trong thông điệp phổ biến “cái tâm, cái tầm”, “cái lý, cái tình” trong nội dung phổ biến pháp luật như con người. Để đáp ứng được yêu cầu đó, chỉ có con người/cán bộ làm công tác phổ biến pháp luật qua trải nghiệm cuộc sống họ mới biết cần sử dụng từ ngữ gì để gần gũi với cuộc sống của người dân, đi thẳng vào chủ đề, kết cấu câu đơn giản, diễn đạt theo trật tự lôgic, thậm chí còn cần đưa ra những ví dụ, những số liệu cụ thể minh họa cho mỗi ý, mỗi luận điểm, sử dụng hình ảnh, hình tượng quen thuộc với người dân giải thích tại sao họ cần phải làm như vậy. Những điều được rút ra từ thực tế của bản thân cán bộ làm công tác phổ biến pháp luật mà dịch vụ ChatGPT không bao giờ đạt tới đó là giá trị thuyết phục người được phổ biến. Việc biết cách vận dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ AI, dịch vụ ChatGPT là rất cần thiết đối với cán bộ làm công tác phổ biến pháp luật trong bối cảnh hiện nay.
Trước những ý kiến khác nhau về tác động của ChatGPT đến công tác phổ biến pháp luật, trong thời gian tới, thay vì lo lắng những tác động tiêu cực của công nghệ thì cần đưa ra giải pháp để thích nghi. Theo đó, cần thống nhất nhận thức về chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật[7], nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phổ biến pháp luật; đổi mới sang tư duy thích ứng (tư duy thích ứng sẽ giúp cho chúng ta sẽ tiếp nhận những cái gì mới đang diễn ra trên thực tế để có những đối sách phù hợp thay vì cứ phải lo lắng hay đề cao giá trị tuyệt đối của công nghệ thông tin); đào tạo nguồn nhân lực (chú trọng yếu tố kỹ năng - với sự xác định rõ đặc thù của thông tin pháp luật, yếu tố con người không thể thay thế; công nghệ AI hay ChatGPT chỉ là công cụ hỗ trợ, tham khảo)[8]./.
TS. Trần Văn Duy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp
[1] Nguyễn Công Minh (2023), Chat GPT - Sự đột phá về công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, theo link https://tapchinganhang.gov.vn/chat-gpt-su-dot-pha-ve-cong-nghe-ung-dung-tri-tue-nhan-tao.htm, truy cập ngày 10/4/2023.
[2] Lê Vệ Quốc (2023), Chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật, những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, https://pbgdpl.gov.vn/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2776&l=Nghiencuutraodoi, truy cập ngày 04/4/2023.
[3] Bí quyết để dùng Chat GPT hiệu quả, https://tienphong.vn/bat-mi-cach-viet-yeu-cau-bi-quyet-de-dung-chat-gpt-hieu-qua-post1510336.tpo, truy cập ngày 04/4/2023.
[4] Hạnh Thúy (2023), Lợi ích và thách thức của ChatGPT với giáo dục, Báo Phú Thọ điện tử, https://baophutho.vn/giao-duc/loi-ich-va-thach-thuc-cua-chatgpt-voi-giao-duc/191411.htm, truy cập ngày 10/4/2023.
[5] Ngô Xuân Diễm (2023), Cơ sở pháp lý điều chỉnh những vấn đề liên quan đến phần mềm ChatGPT, Tạp chí Luật sư điện tử, https://lsvn.vn/co-so-phap-ly-dieu-chinh-nhung-van-de-lien-quan-den-phan-mem-chatgpt1677817351.html, truy cập . ngày 08/4/2023.
[6] “Trung Quốc cấm công cụ ChatGPT” (2023), Báo điện tử VTV News, Đài Truyền hình Việt Nam, https://vtv.vn/cong-nghe/trung-quoc-cam-cong-cu-chatgpt-20230223172620057.htm. truy cập ngày 07/4/2023.
[7] Lê Vệ Quốc (2023), Chuyển đổi số trong PBGDPL, những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, truy cập tại https://pbgdpl.gov.vn/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2776&l=Nghiencuutraodoi, truy cập lúc 22h ngày 05/4/2023.
[8] Lê Vệ Quốc (2023), Chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, https://pbgdpl.gov.vn/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2776&l=Nghiencuutraodoi, truy cập ngày 05/4/2023.