Quyền tài sản (QTS) là một khái niệm có nhiều quan điểm khác nhau, việc phân biệt QTS là một dạng tài sản với các quyền khác đối với tài sản nói chung theo nghĩa rộng (vật quyền) và với các quyền khác đối với tài sản theo luật thực định (được luật thực định ghi nhận cụ thể) không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sự biểu hiện đa dạng của các vật quyền trên tài sản tạo ra ranh giới mong manh trong sự phân định QTS là một loại tài sản với các vật quyền khác không là đối tượng tài sản. Bên cạnh đó, trong xã hội công nghệ hiện đại, với sự xuất hiện ngày càng nhiều loại tài sản mới dưới dạng QTS đòi hỏi nhà làm luật cần có những quy định kịp thời để điều chỉnh các giao dịch liên quan đến các tài sản mới này. Do vậy, việc làm rõ các vấn đề nêu trên về QTS là rất cần thiết.
1. Nhận diện quyền tài sản là một loại tài sản
Xét về mặt khoa học pháp lý thì chưa có một khái niệm chính thống về QTS. Hiện nay đang tồn tại những quan điểm khác nhau về QTS.
Có quan điểm cho rằng, “quyền tài sản có thể được hiểu theo nghĩa rộng là tổng hợp các quyền và lợi ích của chủ thể trong việc chi phối, kiểm soát tài sản gồm chủ sở hữu và người có quyền khác với tài sản”[1]. Qua đây, có thể thấy, ý kiến này nhìn nhận QTS theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm quyền sở hữu mà bao gồm bất cứ quyền và lợi ích nào khác có giá trị kinh tế và thuộc về một chủ thể nhất định.
Theo Giáo trình của Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, “quyền tài sản là một dạng tài sản đặc thù, không tồn tại dưới dạng vật chất hữu hình, là một loại quyền dân sự có nội dung kinh tế, có thể trị giá được bằng tiền, do chủ thể có quyền tự mình thực hiện hoặc yêu cầu người khác thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất hoặc tinh thần của người có quyền”[2]. Định nghĩa này đã khái quát dấu hiệu của QTS ở khía cạnh là một dạng tài sản, đó là quyền dân sự có tính chất vô hình và có thể trị giá được bằng tiền. Như vậy, dù không thể hiện tường minh, nhưng khi xem xét ở khía cạnh quyền, QTS theo định nghĩa chỉ bao gồm quyền sở hữu (do là một dạng tài sản) đối với những thứ vô hình, không bao hàm các quyền và lợi ích khác, tức những vật quyền chưa được xem là tài sản. Định nghĩa cũng nêu lên cách thức tác động của chủ thể có QTS là có thể tự mình thực hiện quyền (quyền đối vật) hoặc yêu cầu người khác thực hiện (quyền đối nhân).
Tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 105 đã khẳng định QTS là một loại tài sản và được cụ thể hóa tại Điều 115 như sau: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Định nghĩa đã không chỉ ra đầy đủ những đặc trưng để nhận diện tài sản ngoài dấu hiệu “trị giá được bằng tiền”, không giúp phân biệt được QTS là một loại tài sản và các quyền khác đối với tài sản. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã xây dựng các quy định về các quyền khác đối với tài sản bên cạnh quyền sở hữu đã cho thấy một bước tiến mới trong chế định tài sản nói chung, QTS nói riêng.
Một QTS như thế nào thì được xem là tài sản? Theo một định nghĩa về tài sản trong quyển Deluxe Black‘s Law Dictionary, “tài sản là một từ để chỉ mọi thứ là đối tượng của quyền sở hữu”[3]. Với quy định hiện hành ở Việt Nam, quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt[4]. Như vậy, một thứ là đối tượng của quyền sở hữu có nghĩa là thứ đó có thể được chiếm hữu, sử dụng, định đoạt bởi một chủ thể nào đó[5]. Ở nhiều nước trên thế giới, quyền sở hữu gồm quyền sử dụng và quyền định đoạt, việc chiếm hữu tài sản được pháp luật các nước quy định như là một tình trạng thực tế đối với tài sản[6]. Theo học thuyết của Harold Demsetz và thực tiễn đã cho thấy, một QTS có thể được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau. QTS có thể được nhiều người khác nhau thực hiện và trong những trường hợp cụ thể, “việc thực hiện các quyền trên không có ý nghĩa và thích hợp cho việc xác lập quyền sở hữu”[7]. Từ đó, với cách nhìn này cho phép chúng ta lý giải việc các quyền thế chấp, cầm cố, chuyển nhượng, ưu tiên thanh toán, truy đòi tài sản và các quyền khác ở mức độ nào đó có thể hiểu có giá trị kinh tế nhưng không được xem là tài sản.
Bên cạnh đó, việc xác định các quyền nào là đối tượng của quyền sở hữu còn phụ thuộc vào các nhà lập pháp của mỗi quốc gia. Chẳng hạn, theo pháp luật Việt Nam, quyền hưởng dụng không được coi là đối tượng của quyền sở hữu, đó là những quyền được xác lập trên tài sản của người khác, đó là một bộ phận trong các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản mà không được tách ra thành một tài sản độc lập với đầy đủ các quyền năng của chủ sở hữu; người có quyền hưởng dụng không được ghi nhận quyền được bán, cầm cố hoặc thế chấp quyền hưởng dụng[8] nên chủ thể không thể thực hiện quyền này[9]. Tuy nhiên, theo pháp luật Pháp, quyền hưởng dụng cũng là một quyền được xác lập trên tài sản của người khác, nhưng luật của Pháp đã khẳng định người có quyền hưởng dụng có thể bán quyền hưởng dụng, điều này cho thấy, quyền hưởng dụng bản thân nó cũng là đối tượng của quyền sở hữu, là một tài sản[10]. Hoặc theo pháp luật Việt Nam, quyền sử dụng đất là tài sản dưới dạng QTS, nhưng theo pháp luật của nhiều nước trên thế giới, quyền sử dụng đất là một quyền năng trong quyền sở hữu đất đai.
2. Quyền tài sản và các quyền khác đối với tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015
Mặc dù Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định QTS là “quyền trị giá được bằng tiền” nhưng không phải bất cứ quyền nào trị giá được bằng tiền cũng được xem là đối tượng tài sản, nói cách khác là không xác lập cho chủ thể quyền được quyền sở hữu đối với QTS đó mà thuần túy chỉ là một vật quyền, là một bộ phận của quyền sở hữu. Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận ba loại vật quyền gọi là “quyền khác đối với tài sản”, là những quyền của chủ thể được xác lập trên tài sản “thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác” gồm quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền đối với bất động sản liền kề. Đây là những quyền được tách ra từ quyền sở hữu để trở thành quyền độc lập[11]. Nổi bật là quyền hưởng dụng và quyền bề mặt là những quyền có thể định giá được thành tiền và có thể dễ dàng chuyển giao trong giao lưu dân sự[12].
Đối với quyền bề mặt, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận quyền của chủ thể có quyền bề mặt thông qua quy định nội dung của quyền bề mặt tại Điều 271, bên cạnh việc tự mình khai thác sử dụng bề mặt, cũng như có quyền sở hữu tài sản được tạo ra từ việc khai thác, sử dụng này, người có quyền bề mặt còn có thể chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền bề mặt. Như vậy, chủ thể của quyền bề mặt có thể chuyển quyền sở hữu tài sản và quyền khai thác mặt nước, mặt đất, lòng đất cho người khác thông qua các giao dịch như mua bán, tặng cho, thế chấp, trao đổi tài sản. Đối với quyền hưởng dụng, theo Điều 261 Bộ luật Dân sự năm chỉ cho phép người có quyền hưởng dụng cho thuê quyền hưởng dụng. Đồng thời, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã quy định chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi “trong phạm vi quyền được quy định” tại Bộ luật này, luật khác có liên quan. Trong khi đó, chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng “không được trái với quy định của luật”[13]. Điều này cũng đồng nghĩa người có quyền hưởng dụng không thể chuyển nhượng, chuyển đổi hay thế chấp quyền hưởng dụng do không được luật quy định. Quyền hưởng dụng có thể chuyển giao khá dễ dàng, cách thức xác lập quyền tương tự như quyền bề mặt nhưng luật không cho phép chuyển giao như quyền bề mặt. Khác với Việt Nam, theo pháp luật Pháp, quyền hưởng dụng cũng là một quyền được xác lập trên tài sản của người khác[14], nhưng luật của Pháp đã khẳng định mạnh mẽ quyền của người hưởng dụng không chỉ có thể cho thuê quyền hưởng dụng mà thậm chí có thể bán quyền hưởng dụng[15]. Thiết nghĩ, pháp luật Việt Nam cũng nên ghi nhận quyền định đoạt của chủ thể có quyền hưởng dụng như là chủ sở hữu một tài sản độc lập, tức có thể chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố quyền hưởng dụng.
Có thể thấy, đối với quyền hưởng dụng, quyền đối với bất động sản liền kề, luật quy định quyền của chủ thể khá hạn chế, ví dụ, chủ thể của quyền hưởng dụng có thể cho thuê quyền hưởng dụng và chỉ được hưởng dụng trong thời gian nhất định; hoặc quyền đối với bất động sản liền kề sẽ được chuyển giao cho người nhận chuyển nhượng bất động sản có quyền đó, chủ thể có quyền đối với bất động sản liền kề hoàn toàn không thể định đoạt quyền này một cách độc lập. Tuy nhiên, đối với quyền bề mặt, luật đã ghi nhận chủ thể quyền có thể chuyển giao quyền bề mặt, điều đó được hiểu chủ thể của quyền bề mặt có quyền định đoạt quyền bề mặt theo ý chí của mình[16]. Do đó, mặc dù được tách ra từ quyền sở hữu, nhưng với quyền năng của chủ thể mang quyền bề mặt, ở một mức độ nhất định, nhà làm luật đã xem quyền bề mặt là đối tượng của quyền sở hữu, là một loại tài sản dưới dạng QTS, mặc dù nó được tách ra từ một tài sản khác là quyền sử dụng đất. Hoặc cũng có thể hiểu nhà làm luật đã quy định quyền này như một ngoại lệ, đặc quyền của quyền khác đối với tài sản. Điểm khác biệt so với các chủ sở hữu khác là chủ thể của quyền bề mặt chỉ có quyền này trong một thời hạn nhất định.
3. Xác định phạm trù quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015
Như đã trình bày, QTS theo nghĩa rộng có thể bao gồm quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản (gọi ngắn gọn là quyền đối với tài sản hay vật quyền). Những thứ vô hình là đối tượng của quyền sở hữu với những đặc trưng nêu trên được gọi là tài sản dạng quyền tài sản, ở Việt Nam, quyền này quy định tại Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đối với các vật quyền trên tài sản, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã lựa chọn ba loại vật quyền để điều chỉnh riêng biệt tại Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2015, gọi là các “quyền khác đối với tài sản”, được tách ra từ quyền sở hữu, ghi nhận song song, bên cạnh quyền sở hữu. Như vậy, có thể thấy, quyền đối với tài sản theo luật thực định Việt Nam bao gồm quyền sở hữu đối với những thứ vô hình (được hiểu là một loại tài sản), các quyền khác đối với tài sản theo Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2015 và những vật quyền khác. Các vật quyền này có thể chuyển hóa thành tài sản khi được pháp luật thừa nhận.
Theo Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Qua nghiên cứu chế định QTS, có thể liệt kê một số QTS là một dạng tài sản như sau: Quyền đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất, quyền đòi nợ, QTS phát sinh từ hợp đồng, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, quyền đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm[17]. Ngoài ra, khi Bộ luật Dân sự năm 2015 đã không buộc QTS phải là quyền có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự thì các quyền như quyền được cấp dưỡng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, danh dự và các QTS khác là những quyền trị giá được thành tiền, dù không thể chuyển giao trong giao lưu dân sự cũng được xem là QTS.
“Các quyền tài sản khác” tại Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể liệt kê một số quyền như sau: Quyền đòi nợ[18], quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên[19], QTS phát sinh từ hợp đồng; quyền được nhận số tiền bảo hiểm, QTS đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp[20], quyền sử dụng khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản[21], quyền được cấp dưỡng, quyền được bồi thường thiệt hại và các QTS khác được pháp luật quy định.
Trong Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20/6/2018 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp, thì bên cạnh liệt kê một số quyền chung còn liệt kê QTS trong một số trường hợp cụ thể, trong đó, các QTS phát sinh từ hợp đồng như quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán…; một số QTS phát sinh từ một số hợp đồng cụ thể liên quan đến tàu bay, tàu biển và QTS liên quan đến hợp đồng về nhà ở (điểm b, điểm c khoản 7 Điều 6). Thông tư này đã giúp xác định cụ thể hơn các tài sản là QTS theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, Thông tư đã có một số quy định trùng lặp về quyền đòi nợ. Quyền đòi nợ có thể phát sinh từ hợp đồng vay, các loại hợp đồng khác hoặc phát sinh từ các căn cứ khác. Thông tư trên đã quy định quyền đòi nợ chung chung tại điểm a khoản 7 Điều 6 và liệt kê quyền đòi nợ là một dạng QTS phát sinh từ một số hợp đồng cụ thể tại điểm b, điểm c khoản 7 Điều 6 (không nhắc đến quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng vay). Có thể thấy, chưa có sự nhất quán và rõ ràng trong quy định này, vừa thừa lại vừa thiếu. QTS phát sinh từ hợp đồng không được ghi nhận theo hướng khái quát nhưng liệt kê thì không đầy đủ (ví dụ, không nhắc đến quyền được bồi thường thiệt hại không phát sinh từ hợp đồng). Thiết nghĩ, quy định QTS trong Thông tư này cần sắp xếp logic và đầy đủ hơn.
Có thể thấy, mặc dù QTS được xác định là “quyền trị giá được bằng tiền”, nhưng thực chất có những thứ trị giá được bằng tiền nhưng pháp luật Việt Nam chưa cho phép hoặc chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh giao dịch liên quan đối tượng đấy. Đặc biệt, trong kỷ nguyên công nghệ số, những thứ “có thể trị giá được bằng tiền” ngày càng đa dạng và phong phú.
Đại học An Giang trực thuộc Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh
[11] Theo tác giả Nguyễn Ngọc Điện: “Tách ra từ quyền sở hữu để trở thành một quyền độc lập, các vật quyền chính không phải là quyền sở hữu đều có tính tạm thời: Đến lúc nào đó các quyền này phải biến mất hoặc gia nhập trở lại vào quyền sở hữu”, xem Nguyễn Ngọc Điện (2016), Giáo trình luật dân sự, tập 1, Nxb. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 175.
[12] Riêng quyền đối với bất động sản liền kề chỉ có ý nghĩa đối với chủ sở hữu các bất động sản liền kề đó, không có ý nghĩa đối với chủ thể khác nên quyền này không thể được chuyển giao độc lập cho một chủ thể khác mà không gắn với quyền sở hữu bất động sản liền kề.