Trong thực tiễn thì những vụ việc liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xảy ra khá phổ biến, đặc biệt đối với những thiệt hại liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm rất khó giải quyết, đôi khi người bị thiệt hại và Tòa án vẫn còn rất lúng túng khi phải chứng minh thiệt hại và xác định mức bồi thường cho phù hợp, vì những thiệt hại này thuộc về tinh thần, khó có thể định lượng được bằng những đơn vị đo lường. Vì thế, đã xảy ra tình trạng các vụ việc tình tiết tương tự nhau nhưng việc xét xử về mức bồi thường của các Tòa lại có sự khác nhau rõ rệt, mang tính cảm tính của hội đồng xét xử.
1. Một số khái niệm
Bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm mà chủ thể phải gánh chịu khi thực hiện những hành vi xâm phạm đến những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ trên cơ sở hợp đồng hoặc luật định. Bồi thường thiệt hại được chia làm hai loại là do vi phạm hợp đồng hoặc do hành vi gây thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự khi chủ thể có hành vi trái luật gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của chủ thể khác được pháp luật bảo vệ, buộc phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý do mình gây ra.
Danh dự, nhân phẩm, uy tín là quyền nhân thân, pháp luật Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ khái niệm nào về vấn đề này. Tuy nhiên, từ góc độ đời sống xã hội, chúng ta có thể hiểu như sau: Danh dự là sự coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị tinh thần và đạo đức tốt đẹp; nhân phẩm là phẩm chất, giá trị con người; uy tín là sự tín nhiệm và mến phục được mọi người công nhận. Quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là quyền bất khả xâm phạm được pháp luật quốc tế ghi nhận, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã thể chế hóa quy định này nhằm bảo vệ quyền con người một cách triệt để, công bằng để điều chỉnh và trừng trị những hành vi vi phạm quyền nhân thân của cá nhân.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín
2.1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín
Cho đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn mới về lĩnh vực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trên thực tế, khi giải quyết những vụ việc liên quan đến vấn đề này thì cơ quan tố tụng và các bên liên quan đều tham khảo quy định của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP). Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có những điểm mới về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi không đề cập đến yếu tố lỗi. Từ sự kết hợp những văn bản trên ta có thể khái quát được trách nhiệm bồi thường do xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín qua các căn cứ sau:
Thứ nhất, phải có thiệt hại xảy ra trên thực tế
Căn cứ khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác” cho thấy, điều kiện tiên quyết để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung là phải có thiệt hại phát sinh trên thực tế, nếu không có thiệt hại thì không phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Thiệt hại là sự biến thiên theo chiều xấu đi của tài sản, của các giá trị nhân thân do pháp luật bảo vệ. Thiệt hại ở đây phải là những thiệt hại thực tế đã xảy ra hoặc chắc chắn sẽ xảy ra, tính toán được bằng một đại lượng tiền tệ nhất định[1]. Thiệt hại có thể là những thiệt hại về vật chất hoặc tổn thất về tinh thần của người bị xâm hại do hành vi trái luật gây ra.
Trong trường hợp những giá trị nhân thân như danh dự, nhân phẩm, uy tín của chủ thể bị xâm phạm thì thiệt hại ở đây được xác định là những thiệt hại vật chất như chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục hậu quả, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; bên cạnh đó còn có những tổn thất về tinh thần như những phiền muộn, đau khổ, xấu hổ, tủi nhục… mà cá nhân bị thiệt hại phải gánh chịu. Vì vậy, người bị thiệt hại do bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín phải chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra mới có quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, nếu không có thiệt hại sẽ không phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Thứ hai, hành vi gây thiệt hại phải là hành vi trái luật
Hành vi trái luật là hành vi của con người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng điều mà pháp luật bắt buộc làm hoặc đã thực hiện điều mà pháp luật cấm đoán. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của chủ thể là quyền được pháp luật bảo hộ, bất khả xâm phạm. Vì vậy, mọi hành vi xâm phạm đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín của như xâm phạm bí mật đời tư, vu khống, làm nhục người khác… đều được xem là hành vi trái luật, nếu có thiệt hại xảy ra phải bồi thường thiệt hại theo luật định.
Thứ ba, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật và thiệt hại thực tế xảy ra
Hành vi trái luật chính là nguyên nhân gây ra thiệt hại, ngược lại, thiệt hại là kết quả tất yếu của hành vi trái luật. Vì thế, hành vi là cái xảy ra trước, hậu quả là thiệt hại thực tế xảy ra sau. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi xác định được mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố này.
Xét ở góc độ bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín thì hành vi trái luật là hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của chủ thể, hành vi này chính là nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại mà chủ thể này phải gánh chịu về cả vật chất lẫn tinh thần.
Lưu ý về yếu tố lỗi: Căn cứ khoản 1 Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP thì xem xét yếu tố lỗi là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã không nhắc đến yếu tố lỗi là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường. Mặc dù vậy, lỗi là yếu tố cần được xem xét khi xác định trách nhiệm pháp lý nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng. “Vấn đề mới của Bộ luật Dân sự năm 2015 là “lỗi suy đoán”, có nghĩa là gây thiệt hại là có lỗi mà không cần phải chứng minh”[2].
2.2. Xác định thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín
Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường khi có thiệt hại xảy ra, mức bồi thường thiệt hại sẽ dựa trên những tổn thất mà họ đã gánh chịu do hành vi trái luật gây ra. Căn cứ Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại được xác định dựa vào các khoản sau:
(i) Chi phí hợp lý đề hạn chế, khắc phục thiệt hại[3]
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của chủ thể có thể bị xâm hại bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau như vu khống, làm nhục người khác, vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng (mạng xã hội, báo chí, truyền thanh, truyền hình…). Khi bị xâm phạm quyền này thì người bị thiệt hại có thể phải bỏ ra một khoản chi phí để khắc phục hậu quả như “chi phí cần thiết cho việc thu hồi ấn phẩm có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại,…; chi phí yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại”[4] và những chi phí hợp lý khác mà người bị thiệt hại đã bỏ ra để hạn chế, khắc phục hậu quả.
(ii) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút[5]
Trên thực tế, khi bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, người bị thiệt hại bị ảnh hưởng đến thu nhập, ví dụ như tinh thần khủng hoảng phải nghỉ việc hay mất khách hàng do những thông tin bịa đặt,… thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người gây thiệt hại bù đắp lại những tổn thất này. Như vậy, để xác định mức thu nhập bị mất hay bị giảm sút phải dự vào thu nhập trước và sau khi hành vi gây thiệt hại xảy ra, những ngày nghỉ việc hợp lý do khủng hoảng tinh thần và những ngày nghỉ hợp lý để thực hiện những thủ tục hạn chế, khắc phục hậu quả, tố tụng
(iii) Bù đắp tổn thất về tinh thần
Bên cạnh việc bồi thường những thiệt hại vật chất có thể định lượng được thì pháp luật dân sự cũng quy định người gây thiệt hại phải bồi thường tổn thất về tinh thần để giảm bớt nỗi đau về mặt tinh thần cho người bị thiệt hại. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại về tinh thần trên thực tế là một vấn đề rất phức tạp và những căn cứ để xác định mức bồi thường thiệt hại về tinh thần cũng chưa được pháp luật quy định rõ. Theo khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nhà làm luật trao quyền thỏa thuận mức bồi thường tổn thất tinh thần cho các bên đương sự, nhưng nếu hai bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định số tiền bồi thường không quá 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình…), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm. Tuy nhiên, để xác định mức bồi thường này rất khó vì quy định pháp luật rất chung chung, không có bất kỳ căn cứ định lượng nào có thể dựa vào để quyết định mức bồi thường cho từng trường hợp cụ thể.
(iv) Chi phí khác do luật định[6]
Trên thực tế, bên cạnh những thiệt hại do chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại và thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút thì người bị thiệt hại có thể phải gánh chịu những thiệt hại khác cần được bồi thường. Quy định về chi phí khác là điểm tiến bộ của Bộ luật Dân sự năm 2015 so với Bộ luật Dân sự năm 2005, đưa ra hướng mở để giải quyết những vấn đề phát sinh chưa được dự liệu trước, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về những chi phí khác trong trường hợp này.
Tuy vậy, tiếp cận từ góc độ lý luận ta thấy, nếu người bị thiệt hại có thể chứng minh được những chi phí hợp lý mình bỏ ra do hành vi gây thiệt hại gây ra vẫn được chấp nhận bồi thường. Trên thực tế hiện nay, hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thông qua mạng xã hội rất phổ biến và để lại hậu quả nặng nề, gây ra những chấn động tâm lý to lớn cho người bị xâm hại, một số người đã không chịu nổi sự xâm hại này dẫn đến bệnh trầm cảm, tâm thần hoặc thậm chí là tự sát. Vì thế, những chi phí điều trị về sức khỏe này vẫn được xem là những thiệt hại trực tiếp từ hành vi vi phạm gây ra, nên Tòa án cần chấp nhận.
3. Thực tiễn xét xử về bồi thường thiệt hại khi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín
3.1. Chứng minh thiệt hại tinh thần
Bản án số 1: Bản án dân sự phúc thẩm số 104/2017/DSST của Tòa án nhân dân thành phố CT ngày 12/7/2017. Chị A tố cáo anh B có hành vi hiếp dâm chị tại phòng riêng nhưng không thành, anh B có thừa nhận hành vi của mình tại cơ quan công an và tại Tòa. Chị A đã khởi kiện yêu cầu anh B bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của chị với số tiền 50.000.000 đồng và bồi thường tổn thất tinh thần 11.500.000 đồng. Tại Tòa sơ thẩm, chị A thay đổi yêu cầu bồi thường tổng cộng là 20.000.000 đồng. Anh B không đồng ý với chị A yêu cầu, mà tự nguyện bồi thường 5.000.000 đồng. Tòa án sơ thẩm bác yêu cầu đòi bồi thường của chị A, chấp nhận sự tự nguyện bồi thường của anh B là 5.000.000 đồng. Tòa án phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm. Theo nhận định của Tòa phúc thẩm thì chị A không chứng minh được thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại và không có căn cứ để xác định chị bị tổn thất tinh thần do khi xảy ra sự việc chị đã không tri hô nên hàng xóm, đồng nghiệp không ai biết nên không tổn hại về tinh thần.
Bản án số 2: Bản án số 22/2017/DS-ST của Tòa án nhân dân thị xã N, tỉnh ST. Bà M khởi kiện bà H yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm số tiền là 15.000.000 đồng. Nguyên nhân là bà H đã nói xấu bà M với nội dung “bà M có quan hệ tình dục giữa ban ngày với ông T” và có nhân chứng. Tòa án sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của bà M vì bà không chứng minh được thiệt hại về vật chất, không có những thiệt hại về tinh thần như bị người thân, bạn bè, xã hội hiểu lầm, xa lánh... Vì vậy, yêu cầu khởi kiện của bà M buộc bà H bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm là không có căn cứ để hội đồng xét xử chấp nhận.
Như vậy, qua hai bản án trên thì vấn đề được đặt ra là “thiệt hại về tinh thần có cần phải chứng minh hay không? Chứng minh bằng cách nào?”, như đã đề cập tại phần lý luận, tổn thất tinh thần là rất khó có thể xác định được, thuộc về suy nghĩ của mỗi con người và cũng không có bất kỳ đại lượng nào có thể đo lường được. Hai bản án trên, Tòa án đều bác yêu cầu của nguyên đơn về bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại cả về tài sản và tinh thần, Tòa cho rằng, người bị thiệt hại không chứng mình được thiệt hại. Theo tác giả, trong bản án số 1, lập luận của Tòa về không có tổn hại về tinh thần là vô lý theo hướng “không ai biết nên không tổn hại tinh thần” mặc dù hành vi “hiếp dâm” có xảy ra, hành vi này vừa vi phạm pháp luật vừa vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức, gây chấn thương tâm lý cho nạn nhân nên họ thường không tri hô cho người xung quanh, nhưng đó không có nghĩa họ không bị xúc phạm, đau khổ, ám ảnh về hành vi đó gây ra.
Đối với bản án số 2 thì cũng xử lý tương tự là phải chứng minh được tổn thất tinh thần như bị bạn bè, xã hội xa lánh, hiểu lầm... Ta thấy, hướng xử lý này chưa phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP vì tổn thất tinh thần là những phiền muộn, đau khổ, xấu hổ của bản thân người bị thiệt hại có phải gánh chịu hay không chứ không phải những tác động bên ngoài xã hội biết hay nghĩ thế nào. Phần này nên để xem xét quyết định mức bồi thường tổn thất tinh thần.
3.2. Mức bồi thường tổn thất tinh thần do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín
Khi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì tổn thất tinh thần sẽ được quy ra tiền là bao nhiêu và dựa vào cơ sở nào thì Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa nêu rõ dẫn đến các Tòa quyết định mức bồi thường chưa thống nhất, mang tính chủ quan, cảm tính, chẳng hạn như:
Bản án số 3: Bản án số 80/2019/DS-PT Ngày 11/4/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh TN. Anh N khởi kiện yêu cầu chị O bồi thường do chị O có hành vi đăng thông tin xúc phạm anh N trên mạng xã hội. Từ những thông tin sai sự thật chị O đã đăng trên mạng xã hội facebook, đã làm cho các anh em trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và khách hàng có những suy nghĩ tiêu cực, hiểu nhầm về anh N. Một số người không hiểu chuyện đã có những bình luận mang tính chất xúc phạm và cố ý chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội. Anh N yêu cầu chị O gỡ bỏ nhưng chị không thực hiện. Anh N yêu cầu chị O bồi thường tổn thất tinh thần là 13.000.000 đồng (10 tháng lương tối thiểu), Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều chấp nhận mức bồi thường tối đa này mà không đưa ra bất kỳ lập luận gì về mức này là phù hợp.
Bản án số 4: Bản án số 130/2019/DS-PT ngày 04/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh TV. Bà L và bà Đ khởi kiện bà P yêu cầu bồi thường do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm với mức bồi thường tổn thất tinh thần là 5.000.000 đồng/người. Do bà P có tranh chấp đất đai với bà L và bà Đ nên bà P đã viết thư vu khống, xúc phạm bà L và bà Đ gửi đến các ban, ngành và thông gia của bà Đ, ngoài ra, bà P còn dán thông tin này trên cột điện. Xét thấy hành vi của bà P đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà L và bà Đ nên Tòa án các cấp đều xác định có thiệt hại tinh thần và mức bồi thường là 03 tháng lương cơ sở tại thời điểm xét xử tương đương 4.470.000 đồng.
Từ hai bản án số 3 và 4 trên ta thấy, về mức bồi thường tổn thất tinh thần do xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, rất khó xác định mức tiền bồi thường bao nhiêu cho hợp lý. Hai vụ việc trên Tòa án quyết định mức bồi thường nhưng không đưa ra bất kỳ lý do gì để xác định mức đó là hợp lý, bản án số 3 chấp nhận mức bồi thường tối đa là 10 tháng lương cơ sở do xâm phạm bằng mạng xã hội, nhưng bản án số 4 thì giảm xuống 03 tháng lương mặc dù với bản án số 4, hành vi trái luật được thực hiện bằng nhiều phương thức hơn như thư tố cáo, dán giấy ở cột điện, gửi thư cho thông gia, chửi bới. Dường như, việc ấn định mức bồi thường mang tính cảm tính, chủ quan của hội đồng xét xử, dẫn đến sự thiếu thống nhất trong việc xử lý giữa những Tòa án khác nhau.
4. Một số kiến nghị
Thứ nhất, về chứng minh tổn thất về tinh thần do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín
Như đã phân tích, một trong những căn cứ tiên quyết để phát sinh quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của đương sự là phải có thiệt hại thực tế xảy ra. Thế nên, để yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thì người yêu cầu phải chứng minh được thiệt hại tinh thần mà họ đã gánh chịu. Tuy nhiên, yêu cầu người bị thiệt hại chứng minh điều này rất khó vì không thể định lượng, đo lường được, đặt biệt danh dự, nhân phẩm, uy tín là những giá trị vô hình.
Kiến nghị: Trên thực tiễn xét xử đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại thì người bị thiệt hại không cần phải chứng minh thiệt hại cho Tòa án. Thiệt hại ở đây mang tính chất suy đoán, nếu có hành vi trái luật xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của chủ thể thì mặc định có thiệt hại tinh thần xảy ra và phát sinh trách nhiệm bồi thường. Việc ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của người bị hại, mức độ lỗi của các bên sẽ để xem xét mức bồi thường.
Thứ hai, về mức bồi thường tổn thất về tinh thần
Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa nêu rõ cách xác định mức bồi thường tổn thất tinh thần do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín. Tuy nhiên, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP đã nêu sơ lược hướng dẫn Tòa án cách xác định mức bồi thường thiệt hại tinh thần trong trường hợp này dựa vào mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình…), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm. Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường
Tuy vậy, cách xác định mức bồi thường còn chung chung, mơ hồ dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Vì vậy, nhà làm luật cần ban hành văn bản hướng dẫn xác định mức bồi thường rõ ràng hơn, cần có những căn cứ định lượng rõ hơn.
Thứ ba, về chi phí khác
Việc quy định chi phí khác trong bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong những điểm tiến bộ của Bộ luật Dân sự năm 2015. Quy định này tạo ra hướng mở cho Tòa án các cấp có thể xem xét những chi phí hợp lý khác chưa được liệt kê để yêu cầu bồi thường. Nhưng từ khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực đến nay vẫn chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn nào về loại chi phí này. Vì vậy, cần ban hành văn bản hướng dẫn ghi nhận những chi phí liên quan do hành vi gây thiệt hại như chi phí tư vấn luật, thuê luật sư, chi phí điều trị bệnh về tâm lý, trầm cảm,… vì những chi phí này phát sinh trên cơ sở hành vi trái luật xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác cần phải được bồi thường.
Đại học Đồng Tháp