1. Dẫn nhập
Quyền về hôn nhân và gia đình là một trong những quyền nhân thân cơ bản của con người. Nhóm quyền này bao gồm các quyền cụ thể như: Quyền kết hôn; quyền ly hôn; quyền xác định quan hệ cha, mẹ con; quyền nhận nuôi con nuôi... Các quyền cơ bản này được ghi nhận khá sớm trong các văn bản quy phạm pháp luật thời kì phong kiến tại Việt Nam như: Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long. Trong giai đoạn hiện nay, các quy định về quyền con người nói chung và quyền về hôn nhân và gia đìnhnói riêng đã và đang không ngừng được quan tâm và hoàn thiện. Điều này thể hiện rõ nét qua việc các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao như Hiến pháp năm 2013; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đều đặt ra những chuẩn mực chung trong việc ghi nhận và bảo vệ quyền về hôn nhân và gia đình của cá nhân. Đồng thời, đây cũng là sự thể hiện sự nghiêm túc của Nhà nước Việt Nam trong việc nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt nam là thành viên như: Công ước ICCP, Công ước CEDAW...
Bên cạnh những kết quả đạt được, pháp luật Việt Nam hiện hành vẫn còn tồn tại những vướng mắc nhất định trong việc bảo vệ quyền nhân thân cũng như tài sản của một số đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có những người thuộc nhóm LGBT. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong đó có thể nhận thấy nguyên nhân chính là do đây là một quan hệ xã hội còn khá mới tại Việt Nam. Sự phát triển của cộng đồng LGBT tại Việt Nam mới chỉ thực sự được nhắc đến nhiều từ những năm đầu của thế kỉ XXI. So với nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Thái Lan, các quy định của Việt Nam trong việc ghi nhận và bảo vệ quyền nhân thân của người LGBT vẫn còn nhiều khác khác biệt. Trong đó, một số vấn đề về quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của nhóm người LGBT vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Vì vậy, đánh giá và hoàn thiện các quy định về quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của cộng đông LGBT là yêu cầu vô cùng cần thiết, góp phần hoàn thiện pháp luật về hôn nhân và gia đình nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng.
2. Khái niệm về LGBT và quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về quyền nhân thân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình liên quan đến người LGBT
LGBT là thuật ngữ thường được được nhắc đến để chỉ những người đồng tính luyến ái, song tính luyến ái và người chuyển giới. LGBT là cụm từ viết tắt các chữ cái đầu gồm Lesbian, Gay, Bisexual, và Transgender/transsexual people (những người đồng tính nữ, người đồng tính nam, người song tính và người chuyển giới trong tiếng Anh). Những thuật ngữ này xuất phát từ những định hướng giới tính về mặt thực tế, tức là sự hấp dẫn về tình cảm, cảm xúc lãng mạn hoặc tình dục mà một người cảm thấy đối với người khác dựa trên những khuynh hướng về giới tính khác nhau. Chẳng hạn, khuynh hướng giới tính bị hấp dẫn bởi người khác giới (tình dục khác giới); khuynh hướng giới tính bị cuốn hút bởi người cùng giới (đồng tính); khuynh hướng giới tính bị cuốn hút bởi người ở cả hai giới (lưỡng tính). Theo nhiều nghiên cứu, những xu hướng giới tính này là khá bình thường về mặt tự nhiên. Bởi các khuynh hướng tình dục liên quan đến sự kết hợp vô cùng phức tạp của các yếu tố sinh học, tâm lý học cũng như các yếu tố về môi trường xung quanh. Các nhà khoa học cũng tin rằng gen và hormone trong bản thân con người cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Hầu hết các chuyên gia y tế tin rằng, bình thường xu hướng giới tính không phải là điều mà một người có thể tự do lựa chọn.[1] Như vậy, có thể khẳng định rằng, các xu hướng giới tính là một phần bản năng tự nhiên của mỗi con người. Do đó, với mỗi cá thể khác nhau các xu hướng giới tính cũng khác nhau. Vì vậy, các yếu tố về tình cảm và quyền được tôn trọng về xu hướng giới tính của mỗi cá nhân cần được pháp luật và xã hội tôn trọng và bảo vệ. Xét về mặt pháp lý, pháp luật Việt Nam hiện hành cũng đã có nhiều thay đổi thể hiện sự nhìn nhận khách quan trong các quan điểm lập pháp đối với các quyền cơ bản của người thuộc cộng đồng LGBT. Điều này được minh chứng rõ nét qua những thay đổi đáng kể được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Bộ luật Dân sự năm 2015 bằng việc luật hóa quyền chuyển đổi giới tính; thay đổi cách nhìn trong quyền kết hôn của những người có cùng giới tính. Đây là những bước tiến quan trọng trong việc thiết lập các hành lang pháp lý trong việc ghi nhận quyền của nhóm người LGBT. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá một cách khách quan rằng, bên cạnh những nỗ lực của hệ thống pháp luật Việt Nam trong việc mở rộng quyền của người LGBT, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới vẫn cần được bảo vệ trong nhiều quan hệ pháp luật khác, trong đó có các quyền nhân thân về hôn nhân và gia đình.
Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận các quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình bao gồm: “Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình”. Tuy nhiên, do quan điểm lo ngại về những yếu tố liên quan đến văn hóa tập quán của gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm xã hội của vấn đề, hậu quả xã hội của quy định pháp luật chưa được dự báo hết nên đa phần các quyền nhân thân này của người LGBT tại Việt Nam chưa được thừa nhận hoặc cho phép thực hiện, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về quyền kết hôn: Quyền kêt hôn là một trong những quyền cơ bản của con người. Pháp luật Việt Nam nói riêng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật quốc tế nói chung đều đề cập đến quyền kết hôn như là một trong những quyền nhân thân quan trọng luôn luôn được tôn trọng và bảo vệ. Chẳng hạn, Điều 16.1 Công ước CEDAW quy định: “Các quốc gia thành viên phải áp dụng tất cả các biện pháp thích hợp để xoá bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong tất cả các vấn đề liên quan đến hôn nhân và quan hệ gia đình, cụ thể phải bảo đảm những quyền dưới đây, trên cơ sở bình đẳng nam nữ: Quyền kết hôn như nhau". Như vậy, quyền kết hôn được xem là quyền quan trọng của mỗi cá nhân khi họ đến tuổi xây dựng gia đình. Quyền này không thể bị ngăn cấm hay cản trở.
Tuy nhiên, với những quan điểm lập pháp khác nhau, quyền kết hôn nói chung và quyền kết hôn của người LGBT nói riêng ở mỗi quốc gia được nhìn nhận và bảo vệ theo những cách khác nhau. Đối với quyền kết hôn của người thuộc nhóm LGBT tại Việt Nam, pháp luật hiện hành cũng đã cho thấy cái nhìn cởi mở và tôn trọng đối với quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Điều này thể hiện rõ ở sự thay đổi trong quan điểm lập pháp khi Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Hộn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, Điều 5.2 quy định: “Không thừa nhận quan hệ hôn nhân của những người có cùng giới tính”. Trước đó, liên quan đến vấn đề này, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định tại Điều 8: “Cấm kết hôn giữa những người có cùng giới tính”. Hai vấn đề này mặc dù không khác nhau về mặt pháp lý đối với việc xác lập quan hệ hôn nhân của những người có cùng giới tính khi họ thực hiện quyền kết hôn. Tức là, pháp luật Việt Nam không cho phép các cặp đôi có cùng giới tính thực hiện việc kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc sống chung hoặc tổ chức cưới hỏi giữa họ không bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử phạt như pháp luật trước đây nữa[2]. Điều này đã phần nào cho thấy rằng, quyền lợi hợp pháp của các cá nhân đồng tính trong việc xác lập mối quan hệ tình cảm đã được thừa nhận về mặt thực tế. Quyền mưu cầu hạnh phúc của họ được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Song so những lo ngại về phong tục tập quán cũng như những vấn đề xã hội chưa dự liệu được, các nhà làm luật tại Việt Nam vẫn còn cân nhắc trong việc hợp pháp hóa quan hệ hôn nhân giữa họ.
Thực tế cho thấy rằng, trong xu hướng phát triển và hội nhập của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, quan hệ hôn nhân và gia đình phần nào có sự tác động và thay đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau; xu hướng tính dục của cá nhân cũng phát triển đa dạng hơn trước; việc chuyển đổi giới tính cũng bắt đầu được pháp luật Việt Nam quan tâm và điều chỉnh theo hướng ghi nhận quyền nhân thân này của cá nhân[3]. Tuy nhiên, việc xây dựng các hành lang pháp lý nhằm điều chỉnh quyền kết hôn đối với các trường hợp chuyển đổi giới tính hiện nay là khá phức tạp. Chẳng hạn, do Luật chuyển đổi giới tính tại Việt Nam chưa có hiệu lực nên những trường hợp chuyển đổi giới tính vẫn chưa có quyền thực hiện việc cải chính hộ tịch. Do đó, nếu giả sử một người nữ chuyển đổi giới tính thành nam (giấy tờ vẫn là nữ), sau khi chuyển đổi có quan hệ tình cảm với một người nam khác (đồng tính). Hai người này có yêu cầu đăng ký kết hôn vậy cơ quan hộ tịch có thẩm quyền có được phép từ chối không? Về mặt lý luận, rõ ràng đây là trường hợp không cấm kết hôn bởi lẽ xét theo giấy tờ, hai người này có giới tính khác nhau nên pháp luật Việt Nam vẫn cho phép kết hôn. Song về mặt thực tế, bản thân họ đều là nam. Như vậy, rõ ràng về mặt thực tế những người có cùng giới tính này vẫn được thừa nhận là vợ chồng hợp pháp. Điều này sẽ trở nên không hợp lý nếu chúng ta luận giải việc không thừa nhận quan hệ hôn nhân của những người có cùng giới tính là dựa trên yếu tố về phong tục tập quán.
Thứ hai, về quyền xác định cha, mẹ, con: Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, quyền xác định quan hệ cha, mẹ, con được ghi nhận tại các điều 88, 89, 90 và 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Song, về cơ bản các điều khoản này chủ yếu điều chỉnh các yêu cầu về việc xác định quan hệ cha, mẹ, con nói chung chứ chưa có bất kì điều khoản nào điều chỉnh việc xác định quan hệ cha, mẹ, con trong những trường hợp đặc biệt, liên quan đến đối tượng thực hiện quyền yêu cầu xác định quan hệ cha, mẹ, con là người thuộc cộng đồng LGBT. Điều này dẫn đến thực trạng trong một số trường hợp việc xác định quan hệ cha, mẹ, con mà chủ thể của mối quan hệ này là những người LGBT sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ ba, về quyền nuôi con nuôi: Quyền nuôi con nuôi là một trong những quyền cơ bản của cá nhân. Trên thực tế việc nhận nuôi con nuôi thường đặt ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau như xuất phát từ tình cảm của người nhận nuôi với trẻ; xuất phát từ nhu cầu có con của người nhận nuôi khi họ không thể có con cùng huyết thống… Nhận nuôi con nuôi tại Việt Nam hiện nay phải tuân thủ quy định của Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Theo đó, một người chỉ được nhận làm con nuôi của một người hoặc cả hai người nhưng hai người đó phải là vợ chồng. Tuy nhiên, đối với LGBT, bản thân họ không được thừa nhận quyền kết hôn cùng nhau nếu đối tượng kết hôn là người có cùng giới tính với họ. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, nếu một cặp đồng tính chung sống nếu họ muốn có con chung (nhu cầu này là rất thực tế vì họ không muốn sinh con với người họ không có tình cảm vì không muốn phản bội người mà họ yêu thương) sẽ thường lựa chọn con đường nhận nuôi con nuôi. Tuy nhiên, rõ ràng với điều kiện nhận nuôi con nuôi nói trên họ sẽ không thể cùng nhận một đứa trẻ làm con chung vìhai người không phải là vợ chồng. Vậy nếu muốn có con thì chỉ một trong hai người nhận trẻ làm con riêng của họ. Vậy về mặt pháp lý trẻ chỉ là con của một trong hai người nhưng thực tế trẻ sống chung với cả hai. Do đó, các quyền và nghĩa vụ như nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giám hộ, đại diện…của LGBT và trẻ sẽ không được giải quyết triệt để.
Thứ tư, về quyền thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã kéo theo những thay đổi lớn trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Trong đó, những thành tựu lớn của y học đã biến những ước mơ tưởng chừng như không thể của con người trở thành những điều giản đơn và dễ dàng thực hiện. Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là một trong những thành tựu lớn của nhân loại trong việc hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ của rất nhiều chủ thể kém may mắn trong xã hội. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định số 110/2013/NĐ-CP) thì pháp luật Việt Nam hiện hành cho phép các chủ thể không thể sinh con tự nhiên có thể thực hiện việc áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm[4] và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo[5]. Tuy nhiên, việc mang thai hộ đối với người LGBT hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo khi người nhờ mang thai là vợ chồng hợp pháp. Do đó, thực tế người LGBT thường thực hiện nhu cầu này bằng việc nhờ mang thai hộ tại nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi người mang thai hộ sinh con thì đứa trẻ có được xác định là con hợp pháp của người LGBT không? Thủ tục xác định như thế nào? Quyền và nghĩa vụ giữa các bên được xác định trên cơ sở gì…Tất cả các vấn đề trên hiện vần chưa được điều chỉnh. Điều này phần nào đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của LGBT trong việc thục hiện các quyền nhân thân của họ.
Từ sự phân tích trên cho thấy, quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình của người LGBT hiện nay vẫn còn rất nhiều vướng mắc. Điều này quả thật chưa dễ để tháo gỡ trơng một sớm một chiều bởi lẽ đây là quan hệ xã hội khá phức tạp và còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước những thay đổi của tình hình thực tiễn trong xã hội hiện đại, quyền lợi hợp của LGBT cũng như bất kỳ cá nhân nào cần được quan tâm chú ý và bảo đảm. Do đó, nghiên cứu đánh giá về quyền nhân thân của LGBT trong mối liên hệ đa chiều với cácmối quan hệ xã hội khác là vô cùng cần thiết, góp phần quan trong trong việc hướng đến bảo vệ quyền con người - xu thế chung và tất yếu của các quốc gia hiện nay.
Trường Đại học Luật, Đại học Huế